Tại Việt Nam, những khái niệm như martech, edtech, fintech hay proptech, medtech đã được nhắc đến rất nhiều. Tuy nhiên, HR tech - công nghệ trong lĩnh vực quản trị nhân sự lại chưa phải là một khái niệm phổ biến. Tại các nước châu Âu, Mỹ, HR Tech đang là một lĩnh vực có sự phát triển rất mạnh mẽ.
Theo thông tin được đưa ra tại Hội nghị “HR Tech Conference 2022: Thu hút và giữ chân nhân tài bằng trải nghiệm số” được tổ chức chiều 3/11 tại Hà Nội, đầu tư vào thị trường tỷ đô này ghi nhận mức tăng trưởng đáng kinh ngạc, gấp 12 lần chỉ từ năm 2016 đến nay. Các DN hàng đầu trên thế giới đã và đang nắm bắt xu thế này và tìm nhiều cách để áp dụng công nghệ nhân sự nhằm hoàn thiện và tối ưu vận hành trong bộ máy DN của chính mình.
Theo ông Trần Trung Hiếu, nhà sáng lập kiêm tổng giám đốc điều hành Công ty CP TopCV Việt Nam (TopCV), đây là hội nghị lớn đầu tiên trong ngành công nghệ nhân sự, hội tụ nhiều DN lớn trong ngành công nghệ và quản trị nhân sự trên toàn quốc và quốc tế.
“Chúng tôi luôn nhận thức yếu tố then chốt cho sự phát triển của mỗi tổ chức chính là con người”, ông Hiếu nói. Đại dịch COVID-19 đã chứng kiến nhiều sự thay đổi trong thị trường nhân sự, khi người lao động đang chủ động hơn trong việc lựa chọn môi trường làm việc của mình.
“Lương thưởng hay phúc lợi sẽ không còn là mối quan tâm hàng đầu của các ứng viên mà quan trọng hơn, đó là những tiêu chuẩn về một văn hóa DN phù hợp, nơi có thể đem lại cho họ một lộ trình sự nghiệp rõ ràng, được đào tạo nâng cao kỹ năng chuyên môn và chia sẻ, được trao quyền và cơ hội thử thách bản thân”, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành TopCV cho biết.
Chìa khóa quan trọng cho chiến lược nhân sự thời 4.0 chính là công nghệ bởi những tính chất đặc thù như tính chính xác, nhanh chóng và đúng thời điểm. Một kỷ nguyên mà những trải nghiệm số hạnh phúc, việc tối ưu hóa những điểm chạm trong hành hình của mỗi ứng viên đến nhân viên chính thức thông qua các giải pháp HR Tech sẽ đóng vai trò then chốt giúp chúng ta có thể thu hút và giữ chân nhân tài, đồng hành cùng mỗi DN, hướng tới sự phát triển bền vững.
Vì sao DN phải xây dựng nền văn hóa số?
Theo bà Vũ Hạnh Hoa, nhà sáng lập kiêm CEO JoyUni - Học viện Đào tạo kiến thức kinh doanh và phát triển sức bền tinh thần cho lãnh đạo, văn hóa DN là một tập hợp những niềm tin và cách ứng xử của con người trong DN, và nền văn hóa đó xuất phát từ niềm tin, cách thức ứng xử của đội ngũ sáng lập, mà cụ thể hơn là của những người lãnh đạo trực tiếp dành thời gian giao tiếp, ứng xử và làm việc với con người, toàn thể cán bộ, nhân viên trong DN. Văn hóa DN sẽ tác động trực tiếp lên năng suất làm việc, doanh số của công ty.
Ông Trần Trung Hiếu của TopCV cũng cho rằng văn hóa DN phải đến từ lãnh đạo. “Câu chuyện xây dựng văn hóa cho tổ chức, cho DN là phải xây dựng từ từ theo thời gian, từ những con người đầu tiên, các nhà sáng lập, những người cao nhất đến những nhân viên trong tổ chức”, ông Trần Trung Hiếu nói.
Với một công ty công nghệ như TopCV, yếu tố công nghệ đã được đưa vào trong văn hóa, nghĩa là văn hóa DN có thể đo lường bằng những con số khác nhau và từ đó có thể nhìn nhận suy nghĩ, quan điểm của tập thể đối với các hoạt động văn hóa của công ty. Từ đó, nền văn hóa số được tạo lập ngày càng sâu sắc hơn bằng cách ứng dụng công nghệ vào xây dựng văn hóa DN. Theo ông Hiếu chia sẻ, những công nghệ nào có thể hỗ trợ tốt cho nền văn hóa DN thì DN nên sử dụng. Tuy vậy, việc sử dụng công nghệ cũng cần có sự đổi mới sáng tạo (ĐMST), để tạo ra sự hấp dẫn, hứng khởi và nhận được sự tương tác mạnh mẽ của tập thể.
“Một công ty công nghệ hay sản xuất đều có một cốt lõi chung đó là con người, văn hóa ĐMST sẽ biến một tập thể đi cùng nhau, nói chung một ngôn ngữ, chứ không phải văn hóa DN được thiết lập chỉ phục vụ mục đích kinh doanh hay phục vụ cho lãnh đạo cấp cao. Cái gì có thể số hóa, hay cái gì công nghệ có thể giúp làm nhanh hơn, lan tỏa nhanh hơn thì nên áp dụng”, CEO TopCV chia sẻ.
Theo ông Trần Trung Hiếu, xây dựng văn hóa số chính là đi theo xu hướng, theo dòng chảy nhân sự, bởi vì dù muốn hay không, các nhà quản lý phải chấp nhận làm việc với gen Z. Đây là thế hệ của trải nghiệm nên gen Z sẽ cần nhiều hơn trong câu chuyện đi làm, chứ không chỉ có kiếm tiền và thu nhập. Theo chia sẻ, phỏng vấn một số lượng lớn nhân sự gen Z cho thấy mức lượng không phải là yếu tố số 1 khi làm việc, mà là cơ hội phát triển, học hỏi.
Một hoạt động có thể không nhận được sự phản ứng của mọi người hoặc mất nhiều thời gian mới có thể khiến mọi người cùng tham gia, nhưng nếu sử dụng công nghệ, hoạt động đó sẽ có sức lan tỏa nhanh hơn, tạo niềm vui nhanh hơn cho tập thể. Ví dụ, khi đưa lên nền tảng số một sự kiện về sinh nhật sẽ nhanh chóng nhận được sự hào hứng, tương tác, chúc mừng của các nhân viên. Và như vậy, công nghệ được áp dụng mang lại những mong muốn một cách tự nhiên nhất, hay nói cách khác là “game hóa mọi nghiệp vụ”, những gì khô khan trong công việc được số hóa cùng với những cảm xúc, mọi người sẽ đón nhận và hưởng ứng một cách rất tự nhiên. Đặc biệt, nền văn hóa đó đã giúp mọi người chủ động hơn, và đó chính là giá trị của văn hóa DN.
4 vấn đề cần lưu ý khi xây dựng nền văn hóa số
Tất nhiên, CEO TopCV cũng cảnh báo “không nên thần thánh hóa công nghệ”, đặc biệt sau một thời gian ứng dụng công nghệ, những trải nghiệm mới mẻ dần biến mất, và mọi người có thể lại quay về những phản ứng ban đầu. Vì vậy, dù ứng dụng công nghệ, song DN vẫn luôn phải ĐMST, cải tiến để duy trì sự hứng khởi, tương tác giữa mọi người trong tổ chức.
Xây dựng nền văn hóa số, DN cần lưu ý 4 vấn đề. Thứ nhất là xem tất cả nhân viên như khách hàng, nghĩa là luôn phải quan tâm đến nhân viên, quan sát những trải nghiệm của nhân viên. Thứ hai, nền văn hóa phải thu hút được sức mạnh tương tác, hưởng ứng của tập thể. Thứ ba, đó là một nền văn hóa dựa trên dữ liệu, đo lường sức mạnh hưởng ứng bằng dữ liệu. Và thứ 4, đó là tính đổi mới sáng tạo trong nền văn hóa số. Văn hóa DN là một hệ thống niềm tin, ứng xử trong DN. Nếu xây dựng được một nền văn hóa DN đúng đắn sẽ không chỉ có tác dụng giữ chân nhân tài mà còn giúp DN tăng hiệu suất làm việc.
Và một vấn đề quan trọng trong xây dựng văn hóa số được CEO TopCV đưa ra, đó là nền văn hóa số không được làm giảm giá trị của những hoạt động face-to-face (gặp mặt trực tiếp). Hay nói đúng hơn, DN áp dụng công nghệ để xây dựng văn hóa, nhưng phải vận dụng công nghệ sao cho giúp tăng điểm chạm của con người, chứ không phải triệt tiêu những điểm chạm của con người, tạo ra sự tương tác, nhưng không chỉ là tương tác trên nền tảng số mà cả sự tương tác ngoài đời thực. Đó chính là tác dụng của sự ĐMST trong nền văn hóa số. Công nghệ chỉ là công cụ hỗ trợ con người chứ không thể thay thế con người.
“TopCV lựa chọn lĩnh vực HR Tech bởi chúng tôi tin rằng, con người là cốt lõi, công nghệ là tương lai”, ông Trần Trung Hiếu, nhà sáng lập kiêm tổng giám đốc điều hành TopCV nói./.