Doanh nghiệp số

Thủ tướng: Các tập đoàn, tổng công ty thúc đẩy đầu tư phát triển, tập trung cho 3 đột phá chiến lược

AD 21:15 05/02/2024

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu thành tích, kết quả chung năm 2024 của các tập đoàn, tổng công ty có hiệu quả sản xuất kinh doanh (SXKD), đầu tư phát triển, đóng góp cho ngân sách, cho tăng trưởng phải cao hơn năm 2023, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí tốt hơn, đóng góp cho an sinh - xã hội nhiều hơn.

Ngày 5/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị làm việc với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (DN) và 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc về triển khai SXKD năm 2024 và thúc đẩy đầu tư phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).

thu-tuong-1.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN và 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc. (Ảnh: VGP)

Doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách Nhà nước tăng

Tính đến hết năm 2023, tổng tài sản Công ty mẹ của 19 tập đoàn, tổng công ty ước đạt 1,616 triệu tỷ đồng. Tổng doanh thu đạt 1,136 triệu tỷ đồng, bằng 105,15% so với kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế đạt 53.256,32 tỷ đồng (không tính Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN), bằng 166,09% so với kế hoạch và bằng 110,92% so với cùng kỳ năm 2022. Các tập đoàn, tổng công ty nộp ngân sách Nhà nước đạt hơn 79.252 tỷ đồng, bằng 199,96% kế hoạch năm 2023 và bằng 120,22% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, 15/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về doanh thu; 16/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về lợi nhuận trước thuế (riêng Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines giảm lỗ so với kế hoạch); 16/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về nộp ngân sách Nhà nước.

Các tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu tiếp tục giữ vị trí, vai trò nòng cốt, phát huy vai trò chủ lực, chủ đạo trong nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho nhân dân, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước và bảo đảm an ninh quốc phòng. Đặc biệt, là vấn đề có liên quan đến an ninh năng lượng; hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty được duy trì ổn định; bảo đảm cân đối lớn và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ quan trọng cho nền kinh tế.

Tập đoàn VNPT và Tổng công ty Viễn thông MobiFone chiếm thị phần và cung cấp ổn định, bảo đảm chất lượng cho khoảng 45,39% thị trường điện thoại di động (48 triệu 766 ngàn thuê bao); 41% thị trường băng rộng cố định mặt đất; 42,78% thị trường băng rộng di động mặt đất.

Năm 2023, số vốn đầu tư giải ngân của 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu ước đạt 161.000 tỷ đồng; trong đó, các DN trong lĩnh vực năng lượng có giá trị thực hiện đầu tư cao (hơn 130.000 tỷ đồng), đã kịp thời triển khai các dự án khai thác năng lượng, nguồn điện, truyền tải điện, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng theo quy hoạch, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.

Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty đã phân tích, đánh giá kết quả hoạt động năm 2023 và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy SXKD, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và thời gian tới. Đặc biệt, các đại biểu rà soát sự cần thiết hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách và pháp luật liên quan để các tập đoàn, tổng công ty hoạt động hiệu quả hơn.

Ghi nhận các ý kiến của các đại biểu, phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng và những đóng góp của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN (Ủy ban) cùng 19 tập đoàn, tổng công ty trong thời gian qua vào những thành tựu, kết quả chung của cả nước năm 2023, nhất là về tăng trưởng GDP, quản trị DN và đặc biệt là bảo đảm an sinh - xã hội.

thay-anh-tt-01.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng và những đóng góp của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN cùng 19 tập đoàn, tổng công ty trong thời gian qua. (Ảnh: VGP)

Thời gian tới, Thủ tướng dự báo tình hình quốc tế, trong nước tiếp tục có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, trong đó khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhất là trong phát triển SXKD, tạo việc làm, sinh kế cho người dân. Các tập đoàn, tổng công ty nắm giữ nguồn lực lớn, thực hiện sứ mệnh lớn phải làm ăn có lãi, đóng góp nhiều hơn nữa cho tăng trưởng GDP và ngân sách Nhà nước. Yêu cầu của năm 2024 với cả nước và với các tập đoàn, tổng công ty phải đạt kết quả cao hơn năm 2023.

Tập trung cho đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm

Để phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động và nguồn lực đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty trong thực hiện kế hoạch, chiến lược phát triển KT-XH năm 2024 và thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ 8 nội dung chủ yếu về các quan điểm quản lý, điều hành và các nhóm nhiệm vụ lớn với hoạt động của Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty thời gian tới.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các kết luận, nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, nắm chắc tình hình thực tiễn, cụ thể hóa thành các chương trình, đề án, dự án, tổ chức thực hiện hiệu quả.

Cùng với đó, tập trung sửa đổi và đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi các luật, nghị định, thông tư có liên quan để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về pháp lý, nhất là liên quan lĩnh vực giá, môi trường, tài nguyên, đất đai…, cụ thể như Nghị định số 10/2019/NĐ-CP về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu, Nghị định số 95/2014/NĐ-CP về đầu tư và cơ chế tài chính hoạt động khoa học và công nghệ... Tinh thần là phân cấp, phân quyền nhiều hơn đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát.

thay-toan-canh.jpg
Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: VGP)

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh cần tập trung thúc đẩy đầu tư phát triển, khắc phục bằng được hạn chế trong vấn đề này, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho 3 đột phá chiến lược của đất nước (thể chế, hạ tầng nhân lực), làm mới 3 động lực tăng trưởng cũ (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và bổ sung các động lực tăng trưởng mới (chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ)…

Bên cạnh đó là tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty theo các kế hoạch đã được phê duyệt, trong đó tập trung 3 nội dung tái cấu trúc: tái cấu trúc về quản trị theo hướng hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng nhân lực; tái cấu trúc về tài chính; tái cấu trúc về ngành nghề, nguyên vật liệu đầu vào… cho phù hợp xu hướng phát triển.

Thủ tướng lưu ý Ủy ban phải tập trung định hướng vấn đề tái cấu trúc cho các tập đoàn, tổng công ty và việc đánh giá hoạt động của DN cần căn cứ hiệu quả tổng thể.

Cùng với đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính, chủ động, tích cực hơn nữa, phát huy tinh thần tấn công mạnh mẽ, bản lĩnh, tự tin, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ thuộc thẩm quyền, kiên định các vấn đề nguyên tắc nhưng linh hoạt trong thực hiện công việc cụ thể, tuân thủ các quy luật của kinh tế thị trường.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng lưu ý phải không ngừng phát huy truyền thống, lịch sử phát triển qua nhiều năm của mỗi DN, tạo khí thế mới, động lực mới, kết quả mới, thắng lợi mới; Tích cực, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, chống tư tưởng trông chờ, ỷ lại; Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, công nhân, người lao động theo hướng năm sau phải cao hơn năm trước; đóng góp tích cực cho công tác bảo đảm an sinh xã hội.

Thủ tướng cho rằng các bộ, ngành, Ủy ban đã có nhiều kinh nghiệm hơn, phải phối hơp chặt chẽ, hiệu quả, giải quyết nhanh chóng, kịp thời các đề xuất của DN trên tinh thần tất cả vì lợi ích chung, lợi ích quốc gia, dân tộc, vì sự phát triển của các tập đoàn, tổng công ty; không đùn đẩy, né tránh, không phiền hà, sách nhiễu, cùng DN tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức.

Các Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách các lĩnh vực được phân công chủ động, tích cực, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ, xử lý các vấn đề tập đoàn, tổng công ty đề xuất. Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN chủ động, tích cực hơn nữa trong công tác tham mưu, phát huy tinh thần đổi mới vì nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, DN.

Đặc biệt, Thủ tướng một lần nữa yêu cầu thành tích, kết quả chung của các tập đoàn, tổng công ty năm sau phải cao hơn năm trước, cụ thể là hiệu quả SXKD, đầu tư phát triển, đóng góp cho ngân sách, cho tăng trưởng phải cao hơn năm 2023, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí tốt hơn, đóng góp cho an sinh - xã hội nhiều hơn, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng, mang lại cuộc sống ngày càng hạnh phúc, ấm no của nhân dân./.

Bài liên quan
  • Doanh nghiệp không nên bỏ phí khó khăn
    Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: “Năm 2023 là một năm khó khăn, ở cả quy mô toàn cầu và quốc gia. Các doanh nghiệp (DN) cũng khó khăn. Nhưng khó khăn là một phép thử. Khó khăn cũng là đợt kiểm tra sức khoẻ của DN được những vấn đề ở tầng dưới thì tổ chức sẽ phát triển bền vững hơn. Khó khăn cũng là lời cảnh báo, cái gì tốt cũng không tốt mãi".
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng: Các tập đoàn, tổng công ty thúc đẩy đầu tư phát triển, tập trung cho 3 đột phá chiến lược
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO