Thư viện xanh ươm mầm văn hóa đọc

PV| 02/12/2022 17:08
Theo dõi ICTVietnam trên

Để khơi dậy niềm đam mê đọc sách của các em học sinh, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh luôn quan tâm xây dựng thư viện xanh, thư viện thân thiện, tạo không gian bổ ích để các em học sinh được rèn luyện kỹ năng đọc, hiểu và mở rộng kiến thức xã hội.

Lan tỏa phong trào đọc sách trong trường học

Ngoài giờ đọc sách của lớp, mỗi tuần ít nhất 3 lần em Nguyễn Văn Hoàn, học sinh lớp 5B, Trường tiểu học Thạch Đài (Thạch Hà) lên thư viện tìm các loại sách để đọc. Thành cho biết: "Em đọc rất nhiều loại sách, từ truyện đến các sách tài liệu tham khảo, nhưng em thích nhất là sách liên quan đến những câu chuyện lịch sử vì qua đó giúp em thêm hiểu biết, thêm tự hào về các thế hệ đi trước, về đất nước mình".

Không riêng Thành mà với hơn 500 học sinh ở Trường tiểu học Thạch Đài, việc đọc sách đã trở thành thói quen trong mỗi giờ nghỉ giải lao, mỗi tuần, mỗi ngày bởi sự hấp dẫn, phong phú của trường trong việc phát triển văn hóa đọc cho học sinh.

Ở Trường Tiểu học Thạch Đài, từ việc quyên góp sách, trưng bày các sản phẩm qua đọc sách như tranh vẽ, sổ tay đọc sách… và các hình thức thi đua giữa các khối lớp, học sinh, phụ huynh càng hiểu thêm vai trò của sách trong học tập, trong việc bồi dưỡng đời sống tâm hồn.

Cô Trần Thị Dung Huế, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Đài, Thạch Hà, Hà Tĩnh cho biết: "Phong trào đọc sách ở trường chúng tôi được tổ chức theo từng khối với nội dung, hình thức phù hợp theo từng độ tuổi. Qua các buổi sinh hoạt, tình yêu với sách đã thật sự lan toả. Rất đáng mừng là cùng với sự đầu tư nâng cấp thư viện, gần đây lượng học sinh đến đọc ngày càng tăng cao. Tỷ lệ đọc sách giáo khoa và các loại sách nghiên cứu, bổ trợ kiến thức cũng tăng hơn nhiều".

Thư viện xanh ươm mầm văn hóa đọc - Ảnh 1.

Không gian thư viện xanh tại Trường Tiểu học thị trấn Đức Thọ (Hà Tĩnh).

Gần 700 trường học ở Hà Tĩnh đã và đang lan tỏa phong trào đọc sách trong mỗi học sinh qua hoạt động phong phú, đa dạng và sáng tạo như: quyên góp sách, sân khấu hóa việc đọc sách hay tổ chức các chương trình: gửi yêu thương qua từng trang sách, đọc sách vì tương lai…

Cùng với phát triển thư viện truyền thống (trong phòng), thời gian qua mô hình "thư viện xanh" kết hợp thư viện truyền thống được một số trường trên địa bàn Hà Tĩnh triển khai và khẳng định được kết quả thiết thực. Thư viện được xây dựng ngoài trời với khuôn viên rộng rãi, thoáng mát, bàn ghế được bố trí dưới tán cây xanh, là môi trường lý tưởng để thu hút học sinh say mê đọc sách.

"Với thư viện ngoài trời, học sinh không chỉ được đọc sách mà còn thoải mái chia sẻ, trao đổi về những nội dung, kiến thức thu nhận được với các bạn; đồng thời có thể kết hợp học và chơi một cách hiệu quả; góp phần xây dựng môi trường học tập thân thiện, cởi mở, tích cực. Ngoài dạy văn hóa, trường học còn được xem là môi trường tốt nhất cho việc hình thành và phát triển văn hóa đọc của mỗi người. Đối với các em học sinh, ở giai đoạn đang hình thành thói quen, nhân cách thì việc đọc sách lại càng có ý nghĩa quan trọng" - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kỳ Phương Tưởng Ngọc Sơn cho biết.

"Làm mới" thư viện trường giúp học sinh thêm yêu sách

Phòng GD&ĐT Thạch Hà (Hà Tĩnh) vinh dự là một trong 8 tập thể điển hình của cả nước được Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch trao tặng giải thưởng phát triển văn hóa đọc.

Cô Nguyễn Thị Thanh Nga, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thạch Hà cho biết: "Làm mới thư viện, được xem là một trong những giải pháp quan trọng để thu hút học sinh. Chính vì thế, thời gian qua Thạch Hà đã có nhiều cách làm sáng tạo để tạo nên nguồn sách mới phong phú, hấp dẫn".

Khởi đầu từ hoạt động tặng sách của lãnh đạo huyện trong dịp khai giảng đầu năm học mới, phong trào tạo nguồn sách cho thư viện đã được phát động hiệu quả trong các nhà trường.

Thư viện xanh ươm mầm văn hóa đọc - Ảnh 2.

Không gian thư viện thân thiện với những đầu sách hấp dẫn thu hút các em học sinh

Ngoài việc kêu gọi nguồn sách từ các tổ chức, cá nhân, các thư viện trường học còn liên kết với nhau hoặc phối hợp với thư viện tỉnh trong việc trao đổi sách theo định kỳ hàng quý, hàng tháng.

Cùng với đó, việc "làm mới" thư viện còn được các nhà trường thực hiện qua việc huy động nguồn lực để tạo không gian cho học sinh đọc sách. Theo số liệu thống kê của Phòng GD&ĐT Thạch Hà, trong 3 năm trở lại đây, toàn huyện đã huy động hơn 16 tỷ đồng (riêng năm học 2021-2022 là 4,3 tỷ đồng) cho việc việc xây dựng, cải tạo, nâng cấp phòng thư viện và mua sắm trang thiết bị.

Đến nay 100% trường học ở Thạch Hà đều có thư viện, trong đó có 47 thư viện xanh đảm bảo tốt không gian đọc và tổ chức hoạt động cho học sinh. Thạch Hà cũng là đơn vị duy nhất trong toàn tỉnh có hệ thống thư viện đồ chơi của bé cho các trường mầm non.

Để đẩy mạnh phong trào đọc sách trong học sinh, nhiều năm qua, Trường Tiểu học Thị trấn Đức Thọ (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) đã đầu tư xây dựng "Thư viện xanh". Đây cũng là một trong 15 đơn vị cả nước được Bộ VH-TT&DL tặng Giải thưởng Phát triển văn hóa đọc năm 2020.

Cô Phạm Thị Phương Lê - Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Đức Thọ chia sẻ: "Lúc đầu, phòng đọc nhà trường vô cùng nhỏ hẹp chỉ khoảng 20m2. Bên cạnh đó, số lượng cũng như nội dung các đầu sách cũng ít ỏi và kém phong phú. Chúng tôi cũng xác định muốn học sinh đam mê tìm đến nguồn sách thư viện thì bản thân thư viện trường phải thực sự sinh động và cuốn hút".

Với ý nghĩ đó, nhà trường đã tìm mọi cách vận động từ các nguồn hỗ trợ để xây dựng không gian đọc cho học sinh. Nhận thấy lợi ích từ hoạt động này, phụ huynh các lớp cũng đồng tình hưởng ứng. Hiện tại, ngoài mô hình thư viện xanh, nhà trường còn có thêm thư viện thân thiện với phòng đọc rộng 80m2, 2.000 đầu sách với khoảng 10.000 cuốn. Không chỉ để học sinh đến đọc sách miễn phí, nhà trường cũng đã bố trí đưa giờ học thư viện vào thời khóa biểu, mỗi lớp 1 tiết/tuần.

Từ khi thư viện nhà trường đi vào hoạt động, học sinh các lớp đã hết sức hào hứng. Để nâng cao chất lượng văn hóa đọc, các thầy cô của trường còn hướng dẫn cho các em các kỹ năng đọc sách cơ bản.

"Thầy cô giáo cùng thường xuyên định hướng cho chúng em cách chọn lựa các đầu sách hay, những cuốn sách bổ ích. Em thấy những cuốn sách này đều trang bị cho chúng em kiến thức cần thiết trong cuộc sống cũng như trong học tập", em Bảo Chi (lớp 4D) hào hứng.

Còn tại Trường Tiểu học Nam Hồng (Thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) ngoài thư viện chung, nhà trường cũng đã khuyến khích các lớp xây dựng tủ sách nhỏ, thân thiện ngay trong lớp học. Nhờ vậy, mỗi học sinh dễ dàng và chủ động lựa chọn thời gian đọc sách trong những lúc rảnh rỗi.

"Thư viện thân thiện, thư viện xanh đang phát huy hiệu quả, tạo sân chơi bổ ích, tăng cường hoạt động giao lưu học hỏi giữa các trường trên địa bàn. Từ đó, đẩy mạnh phong trào, duy trì văn hóa đọc cho HS, tạo thói quen, niềm đam mê đọc sách nhằm phát triển năng khiếu kể chuyện cũng như kỹ năng giao tiếp. Đặc biệt, khi thực hiện việc đổi mới phương pháp dạy học, HS tự học là chủ yếu, thì việc xây dựng thư viện thân thiện giúp HS phát triển toàn diện về ngôn ngữ, tư duy, nhân cách, tình cảm, đạo đức, thẩm mỹ, hình thành thói quen đam mê đọc sách, tự rèn luyện. Đây cũng là hoạt động thiết thực hưởng ứng phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực" và "Trường học hạnh phúc" trong mỗi nhà trường" Thầy Nguyễn Quốc Anh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho biết./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thư viện xanh ươm mầm văn hóa đọc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO