Thúc đẩy hợp tác đầu tư trong lĩnh vực CNTT và TT (P2)

TS. Vũ Chí Kiên| 16/10/2015 17:58
Theo dõi ICTVietnam trên

Để có thể gặt hái thành công và phát triển bền vững, các Doanh nghiệp ICT cần tích cực chủ động đánh giá thị trường, xây dựng hình ảnh Doanh nghiệp Việt, tránh đầu tư chồng chéo, đầu tư thế nào để cùng phát triển, hội tụ ở nước ngoài, đem lại nguồn lực và nguồn lợi tốt nhất cho quốc gia, cho dân tộc.

TÌNH HÌNH HỢP TÁC GIỮA VIỆT NAM VÀ MYANMAR TRONG LĨNH VỰC THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Trên phương diện quản lý nhà nước

Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam và Bộ Truyền thông và CNTT Myanmar (trước đây là Bộ Truyền thông, Bưu chính và Điện tín) đã xây dựng mối quan hệ hợp tác và thường xuyên trao đổi thông tin về chính sách, kinh nghiệm quản lý, tích cực phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động của các tổ chức quốc tế và khu vực như Liên minh Viễn thông Quốc tế (ƯU), Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU).

Trong các tổ chức quốc tế về Bưu chính, Viễn thông mà hai nước là thành viên, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam và Bộ Truyền thông và CNTT Myanmar luôn có quan hệ chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau đối với các hoạt động liên quan đến chính sách phát triển Bưu chính, Viễn thông của hai nước. Các vấn đề chính sách, nghiệp vụ, công nghệ... đã được tiến hành trao đổi thường xuyên thông qua các diễn đàn chính thức cũng như các cuộc tham vấn không chính thức, như hợp tác Tiểu vùng Mê Kông GMS về xây dựng siêu xa lộ thông tin, Diễn đàn cấp Bộ trưởng Tiểu khu vực do ITU tổ chức, các hội nghị, hội thảo, triển lãm hàng năm về thông tin, truyền thông ở Việt Nam, các khóa đào tạo cho các nước thứ ba (Lào, Campuchia, Myanmar) trong khuôn khổ hợp tác với Nhật.

Trên phương diện hợp tác thương mại và đầu tư giữa các Doanh nghiệp

Hiện nay, một số Công ty, Tập đoàn Viễn thông, CNTT, Bưu chính hàng đầu của Việt Nam đang nỗ lực triển khai các dự án xây dựng mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông tại Myanmar.

1. Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel)

Từ năm 2003, Viettel đã bắt đầu triển khai tìm hiểu thị trường Myanmar và đã tiến hành các hoạt động tại thị trường này theo 3 cách tiếp cận: hợp tác cung cấp dịch vụ, tài trợ cơ sở hạ tầng, lập dự án đầu tư, cụ thể:

Viettel đang xem xét khả năng hợp tác với công ty nhà nước Yantapone của Myanmar thành lập liên doanh để xin cấp giấy phép viễn thông tại Myanmar.

Về hợp tác cung cấp dịch vụ: Viettel đang hợp tác với Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Myanmar (MPT) để triển khai roaming, thoại quốc tế, băng thông Internet. Cụ thể, Chính phủ Myanmar đã thông qua việc ký kết hai hợp đồng. Ngày 11/12/2009 tại Vinpearl Nha Trang, Viettel và MPT đã tổ chức lễ ký kết hợp đồng thoại quốc tế và hợp đồng roaming. Qua đó, Viettel chính thức trở thành gateway quốc tế cho MPT và làm đầu mối trung chuyển lưu lượng quốc tế cũng như roaming cho MPT.

Về cơ sở hạ tầng, Viettel đã thực hiện:

18 điểm cầu truyền hình và 50 trạm BTS cho Bộ Quốc phòng Myanmar;

40 km cáp quang và 2 bộ STM-16 cho MPT để kết nối hai mạng viễn thông MPT và Viettel tại biên giới Myanmar. Hiện nay, tuyến cáp quang này đang hoạt động có hiệu quả và là kênh kết nối chính cho lưu lượng quốc tế giữa hai bên.

Về đào tạo: Viettel tài trợ, giúp đỡ các sinh viên Myanmar tại Việt Nam, hỗ trợ thông tin cho Đại sứ quán Myanmar tại Việt Nam.

2. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT)

Về hợp tác cung cấp dịch vụ: VNPT đã ký các Biên bản ghi nhớ về hợp tác với Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Myanmar (MPT) và Công ty TNHH Yatanarpo Telepost (YTP) trong việc cung cấp dịch vụ, thiết bị viễn thông tại Myanmar. Các bên đang tiếp tục triển khai các nội dung đã được ký kết.

Ngoài ra, VNPT và MPT đã ký thỏa thuận dịch vụ và mở kênh liên lạc trực tiếp giữa hai nước để trao đổi lưu lượng thoại, dữ liệu và mở roaming quốc tế cho dịch vụ thông tin di động. VNPT và các đơn vị thành viên đang đẩy mạnh xúc tiến thương mại, bán hàng hóa, sản phẩm viễn thông và CNTT của các đơn vị công nghiệp, liên doanh, cổ phần của Tập đoàn vào thị trường Myanmar. Tổng giá trị hợp đồng trong 9 tháng đầu năm 2014 đạt khoảng 3 triệu USD.

3. Hợp tác VNPost

Về lĩnh vực dịch vụ bưu chính, tình hình hợp tác phát triển các dịch vụ bưu phẩm, bưu kiện và EMS. Sản lượng trao đổi dịch vụ bưu phẩm, bưu kiện giữa Bưu điện Việt Nam, VNPost và Bưu chính Myanmar khá thấp trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Sản lượng bưu phẩm 6 tháng đầu năm 2014 giảm ở chiều đi (52%) và tăng mạnh ở chiều đến (251%) so với cùng kỳ năm 2013. Sản lượng bưu kiện 6 tháng đầu năm 2014 tăng mạnh (102%) so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, Bưu điện Việt Nam không có trao đổi sản lượng bưu kiện chiều đến với Bưu chính Myanmar. Sản lượng trao đổi dịch vụ EMS tăng khá cao ở chiều đi (74%) nhưng giảm nhẹ ở chiều đến (13%).

4. Công ty Thông tin di động (MobiFone)

Công ty Thông tin di động đã mở văn phòng đại diện tại Myanmar vào tháng 12/2012, ký kết thỏa thuận roaming với các nhà mạng tại Myanmar; Cung cấp kênh Internet quốc tế cho một số công ty đa quốc gia đang hoạt động tại Myanmar; Hợp tác cung cấp dịch vụ nội dung số với một số đối tác phục vụ cho các nhà mạng di động tại Myanmar.

5. Tổng Công ty VTC

Mặc dù Myanmar không nằm trong danh sách địa bàn cần tập trung truyền dẫn trong Quyết định 332/ QĐ-BTTTT, tuy nhiên, Công ty NETVIET (thuộc Tổng công ty VTC) vẫn tìm kiếm các cơ hội hợp tác phát sóng kênh VTC10-NETVIET tại quốc gia này. Cụ thể, NETVIET đang trong quá trình đàm phán trao đổi chương trình với kênh truyền hình MRTV4 - kênh truyền hình quốc gia với nội dung giải trí tổng hợp và MITV - kênh truyền hình quốc tế chuyên về văn hóa giải trí. Dự kiến trong thời gian tới, Công ty NETVIET sẽ đẩy mạnh việc hợp tác với hai kênh truyền hình này và mở rộng hợp tác với các đối tác truyền hình khác.

VTC đã có trao đổi sơ bộ với một vài đối tác tại thị trường Myanmar và đang tìm hiểu xúc tiến các cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực truyền dẫn quốc tế, game online, truyền hình trên nền IP, dịch vụ VAS trên mobile. VTC dự kiến sẽ tham gia cung cấp truyền dẫn quốc tế cho các telco tại Myanmar, tìm cơ hội tham gia/tư vấn các dịch vụ xây dựng hạ tầng cáp quang, data center, dịch vụ truyền hình OTT; tìm kiếm cơ hội phát triển game online, dịch vụ VAS tại thị trường Myanmar.

6. Tập đoàn FPTFPT đã thành lập Công ty TNHN FPT Myanmar có trụ sở tại Yangon. Đến nay, FPT có các hoạt động hợp tác kinh doanh tại thị trường Myanmar bằng các hoạt động cụ thể:
Thành lập đại học liên kết Victoria FPT University, dự kiến khai giảng tháng 10/2014.

Tham gia các Dự án Data Center cho Ooredoo doanh số 500.000 USD, Dự án xây trạm BS cho nhà mạng Telenor doanh số 500.000 USD, Công ty Hệ thống thông tin FPT (FIS) có hợp đồng ERP cho Mistubishi hoặc KDDI.

Các dự án của FTG gồm: Phân phối ICT và doanh số đến thời điểm hiện tại là 5,6 triệu USD, FTG và Mobitel đã ký hợp đồng với Sumitomo và KDDI về việc bán sim, thẻ cào cho MPT

Trong thời gian tới, FPT sẽ mở một Trung tâm Đào tạo sau khi đầy đủ chứng chỉ; FSOFT sẽ ký một hợp đồng DMS khoảng 140.000 USD; Triển khai các phần mềm ngân hàng hơn 1 triệu USD.

7. Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông Từ năm 2010, Học viện đã bước đầu thiết lập mối quan hệ hợp tác với Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Myanmar, MPT và trung tâm đào tạo của MPT để tìm hiểu nhu cầu đào tạo của Myanmar.

Từ năm 2010-2013, Học viện đã tổ chức đào tạo cho các doanh nghiệp viễn thông Myanmar tổng cộng là 09 khóa bồi dưỡng ngắn hạn, với số học viên tham dự là 301 người, thực hiện trực tiếp tại Yagoon, Myanmar. Các khóa đào tạo ngắn hạn đã được phía Myanmar đánh giá cao và thực sự đáp ứng nhu cầu phát triển dịch vụ mới của bạn.

Về đào tạo: Học viện đã tổ chức 5 khóa đào tạo trong các năm 2010, 2011, 2012 cho khoảng 300 học viên là cán bộ viễn thông và CNTT của Myanmar.

NHỮNG ĐIỀU ĐỌNG LẠI

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel, thị trường trong nước nhìn thì tưởng lớn nhưng vẫn chỉ là "manh áo chật“. Doanh nghiệp phải tìm kiếm thị trường mới và "nối đuôi nhau“ kéo ra nước ngoài. Chiến lược đầu tư "kỹ thuật đi trước, kinh doanh theo sau" ra nước ngoài của Viettel đã đạt được thành công. Nghĩa là Viettel đầu tư hạ tầng riêng của mình ở quốc gia đó hoặc có thể mua lại hạ tầng của doanh nghiệp khác và đầu tư thêm - làm chủ về hạ tầng mạng lưới để phát triển kinh doanh dịch vụ, chứ không liên doanh liên kết với nhà mạng khác để khai thác dịch vụ.

"Việc tìm kiếm cơ hội đầu tư và kinh doanh ở nước ngoài là đính hướng đúng đắn, thể hiện nỗ lực và quyết tâm của các Doanh nghiệp. Ngoài việc ổn định, đảm bảo kinh doanh ở thị trường trong nước, việc vươn thị trường nước ngoài thành công sẽ khẳng đính bước trưởng thành toàn diện về năng lực cạnh tranh, trình độ quản lý, kinh doanh, năng lực của đội ngũ cán bộ. Kinh doanh thì mục tiêu hàng đầu là lợi nhuận nhưng phải giữ chữ tín, tuân thủ pháp luật của nước sở tại, tránh cạnh tranh không lành mạnh để đảm bảo lợi ích lâu dài".

Chuyến công tác lần này của Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và các Doanh nghiệp đã góp phần thắt chặt mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước, hai Bộ, đồng thời mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp ICT vững bước tiến vào thị trường Myanmar. Để có thể gặt hái thành công và phát triển bền vững, các Doanh nghiệp ICT cần tích cực chủ động đánh giá thị trường, xây dựng hình ảnh Doanh nghiệp Việt, tránh đầu tư chồng chéo, đầu tư thế nào để cùng phát triển, hội tụ ở nước ngoài, đem lại nguồn lực và nguồn lợi tốt nhất cho quốc gia, cho dân tộc. Với vai trò tư lệnh, trung tâm chỉ huy, Bộ TTTT cần xây dựng kế hoạch cụ thể để điều phối, xây dựng đội quân ICT viễn chinh chuyên nghiệp, với việc tổ chức các binh chủng tinh nhuệ, hiệp đồng chặt chẽ để tiến quân vào thị trường nào phải giành thắng lợi ở thị trường đó.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy hợp tác đầu tư trong lĩnh vực CNTT và TT (P2)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO