Kinh tế số

Thúc đẩy mức độ trưởng thành số để thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào ASEAN

Anh Minh 08:18 29/03/2024

Mức độ trưởng thành kỹ thuật số rất quan trọng vì đó vừa là thước đo vừa là công cụ thúc đẩy sự phát triển hệ sinh thái số của quốc gia.

Ban Thư ký ASEAN (ASEAN Secretariat) vừa công bố Báo cáo ASEAN mới được Hội nghị Bộ trưởng ASEAN số (ADGMIN) phê duyệt. Báo cáo có tiêu đề Đánh giá mối quan hệ giữa Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) và Kỹ năng số với Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực CNTT-TT ASEAN: Các chính sách hỗ trợ phát triển Nền kinh tế số của ASEAN thông qua thu hút đầu tư nước ngoài cho các doanh nghiệp (DN) số.

Tên báo cáo đầy đủ tiếng Anh là: Assessing the relationship between ICT Infrastructure and Digital Skills and the Inflow of Foreign Investment to the ASEAN ICT sector: Policies to support the development of ASEAN’s Digital Economy by attracting overseas investment for digital businesses).

Báo cáo là một phần không thể thiếu trong các dự án quan trọng của Quỹ công nghệ thông tin và truyền thông ASEAN (ASEAN ICT Fund) dành cho ADGMIN 2024. Báo cáo đã có sẵn để tải tại đây.

Các công ty công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp có vai trò quan trọng trong nền kinh tế hiện đại

Trong khoảng 2,5 thập kỷ qua, nền kinh tế số đã thúc đẩy sự tăng trưởng của Mỹ. Nền kinh tế của Mỹ chiếm xấp xỉ 25% nền kinh tế toàn cầu trong 40 năm. Dữ liệu sau cho thấy 10 công ty giao dịch đại chúng lớn nhất thế giới năm 2007, 2017 và 2023.

Năm 2007, năm iPhone ra mắt, chỉ có một công nghệ duy nhất là gã khổng lồ Microsoft, chiếm khoảng 9% tổng giá trị của top 10. Nhưng 10 năm sau, iPhone đã đưa Apple lên vị trí đầu tiên và trong số top 10 công ty đại chúng vốn hóa lớn nhất thế giới, đã có 7 công ty công nghệ, chiếm 77,5% tổng giá trị.

anh-1.png

Đến năm 2023, các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc không còn lọt vào danh sách top 10, tổng giá trị của 6 công ty công nghệ trong top 10 (màu xanh) đã chiếm gần 80% trong số 10 công ty có vốn hóa thị trường hàng đầu hiện nay, với tổng cộng 12,4 nghìn tỷ USD.

Dữ liệu đó cho thấy các công ty công nghệ, công ty số và hệ sinh thái khởi nghiệp có vai trò quan trọng và đặc biệt trong nền kinh tế hiện đại. Không chỉ giá trị ngày càng tăng của những công ty như vậy tạo ra thu nhập, của cải và việc làm đáng kể, mà những công ty công nghệ cũng sản xuất các dịch vụ nâng cao năng suất của nền kinh tế nói chung và cung cấp dịch vụ mới mà người tiêu dùng đánh giá cao.

Sự phát triển của các công ty kỹ thuật số có xu hướng dẫn dắt các nền kinh tế theo hướng đổi mới nói chung. ASEAN đã tiến bộ rất nhiều trong phát triển thế hệ công ty công nghệ của riêng mình và hệ sinh thái khởi nghiệp.

Với quy mô ngày càng tăng của nền kinh tế khu vực ASEAN, hệ sinh thái kinh doanh số liên khu vực có thể đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế hiện nay của ASEAN. Trước những thay đổi gần đây trong bối cảnh kinh tế toàn cầu, ASEAN nhận thấy mình đang đứng trước cơ hội chuyển đổi trong lĩnh vực kinh tế số, thậm chí là nổi lên như một nền kinh tế số then chốt trên thế giới.

kinh-te-so-asean.png
Ảnh: shutter stock

Thúc đẩy mức độ trưởng thành số để thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Năm 2022, Việt Nam được mệnh danh là “trụ cột thứ 3 trong tam giác vàng” hệ sinh thái startup Đông Nam Á, bao gồm cả Singapore và Indonesia, có thị trường nội địa đang phát triển nhanh chóng và tài năng công nghệ hàng đầu. Với sự hiện diện trực tuyến mạnh mẽ, sự phát triển của thương mại điện tử (TMĐT), thị trường giao đồ ăn và các công ty như VNG dẫn đầu, Việt Nam đang thể hiện một bối cảnh kinh doanh số sôi động, là một phần quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp của ASEAN.

Theo đó, báo cáo viết rằng không giống như Singapore, nơi có thế mạnh về nguồn vốn tài chính, hay Indonesia, nơi có thị trường nội địa phát triển mạnh mẽ, Vinnie Lauria, đối tác sáng lập của quỹ đầu tư Golden Gate ventures cho rằng Việt Nam có lực lượng nhân tài công nghệ hàng đầu, với “nền văn hóa khởi nghiệp cao” và “thị trường nội địa tăng trưởng nhanh”.

Năm 2019, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam được coi là một trong những điểm đến đáng chú ý nhất ở ASEAN với 731 triệu USD được đầu tư. Điều này có nghĩa là Việt Nam đã vượt qua Malaysia, Thái Lan và Philippines.

Ngoài ra, Việt Nam sở hữu một thị trường đầy hứa hẹn vì phần lớn người dùng Internet đều tham gia mua sắm trực tuyến. Việt Nam cũng có tỷ lệ thâm nhập điện thoại thông minh cao, giá rẻ và lực lượng lao động đông đảo, dân số ngày càng am hiểu công nghệ hơn.

Việt Nam là nơi có nhiều nền tảng TMĐT hàng đầu như Shoppee, Lazada, Tiki và Sendo, đồng thời nhận được lượng vốn đầu tư lớn từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và Singapore. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề về tiềm năng thị trường, không phân bổ đều trên toàn quốc. TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, hai thành phố lớn của đất nước, chiếm khoảng 70% doanh thu TMĐT.

Đặc biệt, ngành giao đồ ăn tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ. Dựa theo Statista, dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam đạt tổng trị giá 274 triệu USD vào năm 2020, dự kiến sẽ đạt 505 triệu USD vào năm 2024. Các công ty như GrabFood, Now, GoFood của Go Viet, Lala và Foodpanda đều là những đối thủ mạnh.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng như các quốc gia ASEAN khác vẫn đứng trước câu hỏi làm thế nào thúc đẩy các mô hình phát triển của thương mại toàn cầu và đầu tư vào lợi thế của mình?

ASEAN có nhiều mức độ phát triển kinh tế khác nhau, nhưng GDP bình quân đầu người của mỗi nước tiếp tục tăng với tỷ lệ đáng kể. Với quy mô kinh tế và tài chính này, ASEAN hiện có thể tập trung trong cũng như bên ngoài để đáp ứng nhu cầu vốn phát triển kinh doanh của mình.

Câu chuyện đầu tư nước ngoài vào ASEAN trong thập kỷ qua được minh họa trong biểu đồ sau. Từ khoảng năm 2010, nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào các công ty số ASEAN đã tăng trưởng đều đặn. Sau đó vào năm 2022, nguồn vốn giảm mạnh, do những yếu tố như tái xuất hiện lạm phát toàn cầu, lãi suất tăng, gián đoạn và tái cấu trúc các chuỗi cung ứng toàn cầu: và sự gia tăng ảnh hưởng địa chính trị.

anh2.png

Những yếu tố này có thể sẽ tồn tại trong một thời gian. Trong khi các nhà hoạch định chính sách của ASEAN tiếp tục khuyến khích đầu tư nước ngoài ngoài ASEAN, báo cáo cho rằng các quốc gia cũng nên tập trung vào khuyến khích dòng vốn đầu tư trong chính ASEAN.

Ngoài ra, theo các nhà phân tích, các quốc gia ASEAN cần triển khai nhiều biện pháp thúc đẩy nguồn vốn đầu tư nước ngoài, như tập trung nâng cao kỹ năng số, triển khai các dịch vụ chính phủ điện tử, cải thiện dịch vụ viễn thông …

Các nhà hoạch định cũng cần lên chính sách cụ thể để khuyến khích DN số, cung cấp hỗ trợ tài chính cho các công ty khởi nghiệp ở giai đoạn đầu và cung cấp hỗ trợ vườn ươm khởi nghiệp.

Đặc biệt, báo cáo cho rằng Việt Nam, cùng với các quốc gia như Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Brunei Darussalam, cần thúc đẩy mức độ trưởng thành số, ưu tiên đảm bảo an ninh mạng, các biện pháp nhận dạng số, khung pháp lý và số khu vực, hội nhập và hợp tác.

Mức độ trưởng thành về số rất quan trọng vì đó vừa là thước đo vừa là công cụ thúc đẩy sự phát triển hệ sinh thái số của quốc gia. Nghiên cứu cũng nhằm mục đích nâng cao tầm hiểu biết về mức độ trưởng thành về mặt số của mỗi quốc gia ASEAN, bởi vì các công ty khởi nghiệp số có nhiều khả năng phát triển hơn ở những nơi có nhiều dân số sử dụng công nghệ số hơn và có khả năng tiếp cận các thiết bị số và cũng như tiếp cận với các kết nối chất lượng tốt.

Các DN số có nhiều khả năng thành lập và thành công ở những quốc gia có trình độ số cao hơn. Đặc biệt, các nhà đầu tư nước ngoài luôn bị thu hút bởi những quốc gia có môi trường trình độ kỹ năng số cao và cơ sở hạ tầng số mạnh mẽ./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy mức độ trưởng thành số để thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào ASEAN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO