Truyền thông

Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nông nghiệp trong thời đại 4.0

T.H 21:59 11/09/2023

Hội nhập kinh tế quốc tế đang mở ra nhiều cơ hội tăng xuất khẩu với các mặt hàng chiến lược như lúa gạo, cà phê, thủy sản, rau quả... Đồng thời, sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của khoa học công nghệ với việc ứng dụng nền tảng số sẽ đem lại nhiều cơ hội cho chuyển đổi chuỗi giá trị nông sản Việt Nam.

Nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam

Việt Nam là quốc gia có lợi thế về nông nghiệp, nhưng sự phát triển của các doanh nghiệp nông nghiệp trong giai đoạn vừa qua còn khá khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế phát triển.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (từ năm 2017-2022), tính đến hết ngày 31/12/2022, cả nước có 12.094 doanh nghiệp nông nghiệp trong tổng số 89.5876 doanh nghiệp cả nước đang hoạt động, chỉ chiếm gần 1,35% tổng số doanh nghiệp trên cả nước. Quy mô đầu tư vào nông nghiệp chủ yếu ở mức nhỏ và siêu nhỏ (chiếm đến 90%), doanh nghiệp quy mô vừa chỉ chiếm 4,0% và 6% là doanh nghiệp có quy mô lớn.

Sự phát triển khiêm tốn này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân chính là chưa có chính sách thực sự đủ mạnh để thúc đẩy sự phát triển của khu vực doanh nghiệp nông nghiệp.

Hiện nay, chính sách phát triển doanh nghiệp nông nghiệp chủ yếu tập trung vào hỗ trợ, ưu đãi đối với doanh nghiệp nông nghiệp như: hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; hỗ trợ giao đất, cho thuê đất; ưu đãi tín dụng; hỗ trợ vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh; hỗ trợ về chế biến sản phẩm; khuyến khích, thu hút đầu tư tư nhân; hỗ trợ chuyển giao công nghệ mới.

Lĩnh vực hỗ trợ của chính sách như vậy được xem là khá toàn diện, tuy nhiên tính đồng bộ và mức độ hỗ trợ của chính sách chưa tốt; đôi khi khâu tổ chức triển khai còn chậm, nguồn lực bố trí cho triển khai chính sách khá khó khăn nên các chính sách có mức hỗ trợ thấp, lại tổ chức thực hiện một cách nửa vời nên hiệu quả, mức độ tác động đến sự phát triển của doanh nghiệp chưa lớn.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, nhiều quốc gia thay đổi chính sách về xuất nhập khẩu lương thực như: Nga đã đình chỉ Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen; Ấn Độ siết chặt xuất khẩu ngũ cốc; Trung Quốc củng cố an ninh lương thực, đặt mục tiêu tự trồng 90% ngũ cốc…

Trước những khó khăn, thách thức của kinh tế - xã hội toàn cầu, Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo các cơ quan Trung ương địa phương tập trung triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cùng nhiều chính sách, giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân với quyết tâm tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế theo mục tiêu đã đề ra.

Năm 2023, ngành nông nghiệp đã và đang quyết tâm tận dụng cơ hội, tập trung nguồn lực hoàn thành mục tiêu kế hoạch cho cả năm đề ra là tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,0-3,5%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 55 tỷ USD.

Hiện nay, đóng góp của ngành nông nghiệp vào GDP chiếm tỷ trọng khoảng trên 10% (Nghị quyết số 90/NQ-CP ngày 16 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ), song ngành nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam bởi đây là khu vực tạo công ăn việc làm của gần 70% dân số, là "bệ đỡ" cho nền kinh tế khi gặp khó khăn.

Trong giai đoạn tới, doanh nghiệp nông nghiệp vẫn là chủ thể quan trọng cần phải thúc đẩy phát triển. Điều này được thể hiện tại Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 17/7/2019 của Chính phủ về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững.

Trong đó, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030 có 80.000 đến 100.000 doanh nghiệp nông nghiệp hoạt động đầu tư kinh doanh hiệu quả, có vai trò là “trụ cột” trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp nước ta theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam.

untitled(1).png
Xoài Việt Nam là một trong những mặt hàng xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Những định hướng lớn của Đảng về phát triển doanh nghiệp nông nghiệp

Xác định vị thế quan trọng của nền nông nghiệp nước ta với hơn 62% dân số sống ở vùng nông thôn và sản xuất kinh doanh nông nghiệp, Đảng và Nhà nước đã có những định hướng lớn về phát triển doanh nghiệp nông nghiệp trong thời kỳ mới.

Xây dựng cơ chế phù hợp để thúc đẩy các Viện, trường, doanh nghiệp nghiên cứu... chọn, tạo giống; nâng cao năng lực tự chủ trong sản xuất thức ăn chăn nuôi; đẩy mạnh nghiên cứu, làm chủ công nghệ sản xuất vắcxin, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, thiết bị, vật tư nông nghiệp. Tổ chức lại sản xuất, phát triển mạnh kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác, trọng tâm là hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp.

Phát triển mạnh công nghiệp ở nông thôn, nhất là công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp sản xuất thiết bị, máy móc, vật tư phục vụ nông nghiệp. Đầu tư phát triển các cụm công nghiệp, làng nghề phù hợp với quy hoạch và điều kiện cụ thể tại địa phương; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn sản xuất kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp; tạo nhiều việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn.

Xây dựng hạ tầng thương mại nông thôn đa dạng, đồng bộ, kết hợp hài hoà giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại, phù hợp với từng địa bàn; nâng cấp hệ thống chợ truyền thống đáp ứng nhu cầu của người dân. Phát huy vai trò của các Hiệp hội ngành hàng trong liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản.

Tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động của các tổ chức nghiên cứu và chuyển giao khoa học - công nghệ công lập, kết hợp đẩy mạnh xã hội hoá, thu hút các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, thực hiện khoán, đặt hàng sản phẩm khoa học - công nghệ, tạo đột phá về giống cây trồng, vật nuôi.

Hỗ trợ thành lập các vườn ươm công nghệ, trung tâm khởi nghiệp, quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn. Thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa các Viện, trường, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân. Khuyến khích doanh nghiệp và người dân ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh và kết nối cung - cầu; đẩy mạnh thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc và kiểm soát an toàn thực phẩm.

Chú trọng phát triển thị trường nông sản trong nước, chủ động khai thác hiệu quả cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), giữ ổn định các thị trường truyền thống, mở rộng và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào một số ít thị trường. Có giải pháp căn cơ để khắc phục hiệu quả, kịp thời tình trạng tiêu thụ khó khăn và ùn ứ nông sản xuất khẩu qua biên giới.

Chuyển mạnh từ xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch; khẩn trương xây dựng các trung tâm phân phối, trung chuyển hàng hoá, hệ thống kho, phương tiện bảo quản, đa dạng hoá phương thức vận tải.

Thông tin kịp thời các cam kết quốc tế và sự thay đổi chính sách của các thị trường nhập khẩu. Triển khai hiệu quả, thiết thực công tác quảng bá, xúc tiến thương mại dựa trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Chủ động phòng, chống gian lận thương mại; có các biện pháp phòng vệ phù hợp với cam kết quốc tế và kịp thời xử lý tranh chấp thương mại phát sinh.

Bài liên quan
  • Nhân lực cho ngành Nông nghiệp, vấn đề và giải pháp
    Ngành Nông nghiệp đang có nhiều yêu cầu đổi mới công nghệ, thực hành bền vững, tăng năng suất nên nhu cầu tuyển dụng người có chuyên môn ngày càng tăng. Tuy nhiên số học sinh đăng ký học ngành này còn thấp.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nông nghiệp trong thời đại 4.0
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO