Nhân lực cho ngành Nông nghiệp, vấn đề và giải pháp
Ngành Nông nghiệp đang có nhiều yêu cầu đổi mới công nghệ, thực hành bền vững, tăng năng suất nên nhu cầu tuyển dụng người có chuyên môn ngày càng tăng. Tuy nhiên số học sinh đăng ký học ngành này còn thấp.
Sinh viên, học sinh ngành Nông nghiệp vừa thiếu vừa yếu
Ông Ngô Hồng Giang, Vụ trưởng Vụ Tổ chức (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, đến nay trên cả nước có khoảng 50 cơ sở đào tạo đại học có đào tạo các chuyên ngành về nông nghiệp, lâm nghiêp, thuỷ sản và thuỷ lợi.
Mới đây, thông tin tại Hội nghị Hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Hà Nội (ngày 11/7/2023), năm 2022, tỉ lệ số sinh viên đăng ký theo học các ngành Nông lâm ngư nghiệp chiếm chưa đến 2% trong tổng số khoảng 520.000 sinh viên nhập học trên toàn quốc và có xu hướng tiếp tục giảm.
Một số ngành như khoa học đất, khuyến nông, khai thác thủy sản, quản lý và khai thác nguồn lợi biển đảo; lâm sinh, lâm học, quản lý tài nguyên rừng… có rất ít hoặc thậm chí không có sinh viên đăng ký theo học.
Theo phân tích tại Hội nghị Hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, tỷ lệ học sinh, sinh viên đăng ký các ngành, lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi và thủy sản giai đoạn 2016-2021 giảm hơn 30% so với giai đoạn 2011-2015. Đáng quan tâm hơn, thực tế, lao động ngắn hạn, lao động có bằng cấp, chứng chỉ từ trình độ sơ cấp trở lên được đào tạo còn chiếm tỉ lệ thấp, dưới 5%. Điều này đang ảnh hưởng trực tiếp đến xu thế phát triển ngành Nông nghiệp đa giá trị, công nghệ cao trong thời gian tới của nước ta.
Đặc biệt, theo Báo cáo Điều tra lao động và việc làm năm 2020 của Tổng cục Thống kê, năm 2020, nguồn nhân lực khối ngành Nông nghiệp thiếu khoảng 3,2 triệu lao động qua đào tạo. Bên cạnh đó, lao động ngành Nông nghiệp hiện thiếu kỹ năng về quản lý, quản trị, kết nối trong sản xuất và tiêu thụ, thiếu tác phong công nghiệp.
Lực lượng lao động suy giảm nhanh và trình độ đào tạo thấp ảnh hưởng tới giải quyết các thách thức toàn cầu về lương thực và môi trường; khiến sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm nông nghiệp thấp; thu nhập và điều kiện sống nhiều nơi, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chậm được cải thiện; khả năng thích ứng với biến động của thị trường và công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường còn nhiều hạn chế.
Trái ngược với xu hướng tuyển sinh ngày càng giảm thì nhu cầu về nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản lại ngày càng tăng. Số liệu của trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế trong giai đoạn 2018-2023 cho thấy, hàng năm các doanh nghiệp đăng ký nhu cầu tuyển dụng khoảng 2.200-3.000 kỹ sư, bác sĩ thú y nhưng số sinh viên ra trường hàng năm chỉ có 1.500-2.000 người, mới chỉ đáp ứng 2/3 nhu cầu tuyển dụng.
Không ít doanh nghiệp, hợp tác xã phải "khóc ròng" khi đầu tư cả tỷ đồng mua sắm trang thiết bị, xây dựng cơ sở vật chất làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhưng lại thiếu lao động có tay nghề và chuyên môn cao nên không thể làm chủ khoa học công nghệ.
Ông Ngô Hồng Giang, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho rằng, thực tế này chủ yếu đến từ việc thu nhập của lao động trong ngành Nông, lâm và thuỷ sản còn thấp, chỉ bằng khoảng 50% so với các ngành Công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.
Quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa ảnh hưởng đến tâm lý đề cao những ngành phi nông nghiệp. Bên cạnh đó, một số trường còn tư duy bao cấp, chưa chủ động đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy để đáp ứng yêu cầu người học và thị trường lao động.
Nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển ngành Nông lâm ngư nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu đạt bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 1,5 triệu lao động nông thôn trên cả nước.
Đến năm 2030, tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 70%. Tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ (từ sơ cấp trở lên) của nhóm ngành Nông, lâm nghiệp - thủy sản từ 4,6% năm 2020 lên 10% vào năm 2030.
Các cơ sở đào tạo thuộc Bộ tuyển sinh bình quân hàng năm: 200 Nghiên cứu sinh; 2.500 học viên Cao học; 20.000 sinh viên Đại học; 8.000 sinh viên Cao đẳng, 20.000 học sinh Trung cấp và 40.000 học sinh Sơ cấp.
Để đạt được các mục tiêu này, thời gian tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp. Trọng tâm là sắp xếp, kiện toàn hệ thống các trường, đổi mới nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành.
Đồng thời, triển khai thực hiện cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng và phối hợp thực hiện các chương trình dự án có liên quan của Bộ. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nhà nước và xã hội phục vụ việc đào tạo nhân lực chất lượng cao và xây dựng Đề án thu hút nhân lực chất lượng cao làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh các chương trình đào tạo, tập huấn chuyên sâu thông qua hoạt động khuyến nông, bảo vệ thực vật… nhằm đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, thu hút lao động chất lượng cao vào Việt Nam; cần đẩy mạnh hợp tác từ các đơn vị chuyên môn về nhân lực như Viện, trường và các doanh nghiệp đầu ngành nhằm thích ứng với những tiêu chuẩn khắt khe trong thời kỳ kinh tế hội nhập.
Đặc biệt, cần xác định nguồn nhân lực của những ngành này thiếu bao nhiêu, thiếu ở đâu, thiếu như thế nào để đưa ra phương án khả thi, tháo gỡ khó khăn. Tình trạng việc làm của sinh viên sau khi ra trường cần có đánh giá bài bản. Nếu sinh viên có việc làm, thu nhập tốt mà vẫn không tuyển sinh được thì cần đánh giá trúng nguyên nhân, như vấn đề chất lượng đào tạo, công tác truyền thông, tuyên truyền, gắn kết nhà trường - doanh nghiệp - xã hội hay vấn đề học phí để đưa ra giải pháp tổng thể, thấu đáo.