Thúc đẩy quyền tự do ngôn luận, tự do Internet và đấu tranh chống các hành vi lợi dụng để chống phá trên Internet

Đinh Tiến Dũng, Bộ Thông tin và Truyền thông| 05/11/2022 14:00
Theo dõi ICTVietnam trên

Tình hình thế giới và khu vực đang tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Sau hai năm chao đảo vì đại dịch COVID-19, kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, bất ổn. Xung đột Nga - Ukraine đã làm thay đổi cục diện thế giới. Các quốc gia, nhất là các nước lớn tiếp tục tăng cường "sức mạnh mềm" trên các lĩnh vực nhằm gia tăng ảnh hưởng, chi phối, thực hiện chiến lược chuyển hóa chính trị đối với các nước, trong đó có Việt Nam.

Xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế về thông tin đặt ra những thách thức gay gắt trong việc bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Việt Nam tiếp tục phải đối phó với nguy cơ tụt hậu về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và thế giới, các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị trong và ngoài nước tiếp tục sử dụng các chiêu bài "dân chủ, nhân quyền", "dân tộc", "tôn giáo"… để xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh Việt Nam.

Đi cùng với cơ hội là nhiều thách thức mới cũng đặt ra đòi hỏi công tác thông tin đối ngoại, công tác nhân quyền phải không ngừng đổi mới để đáp ứng với yêu cầu của thời cuộc, góp phần đảm bảo tốt hơn quyền con người tại Việt Nam; đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái về tình hình tự do ngôn luận, tự do Internet tại Việt Nam.

Một số kết quả thúc đẩy quyền tự do ngôn luận, tự do Internet, tiếp cận thông tin thời gian qua

Xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý

a) Chuyển đổi số (CĐS) theo hướng Chính phủ kiến tạo, tăng cường minh bạch thông tin, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân

- Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 47/2020/NĐCP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước (CQNN). Nghị định quy định các nội dung về: Quản lý, quản trị dữ liệu số; kết nối, chia sẻ dữ liệu số; sử dụng, khai thác dữ liệu số của CQNN; cung cấp dữ liệu mở của CQNN cho tổ chức, cá nhân; quyền và trách nhiệm trong kết nối, chia sẻ dữ liệu số của CQNN. Đây là một mốc quan trọng trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT) hướng tới Chính phủ số.

- Tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chương trình CĐS quốc gia nhằm giải quyết thách thức, tận dụng tối đa cơ hội, khai thác lợi thế đặc thù của Việt Nam để đi nhanh và đi đầu, tạo lợi thế cạnh tranh, thu hút nguồn lực, huy động sức mạnh toàn dân trong thực hiện CĐS, thay đổi thứ hạng quốc gia trên thế giới.

b) Xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý báo chí, thông tin trên Internet

- Triển khai quyết liệt, đúng tiến độ Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 hướng tới một nền báo chí phát triển lành mạnh, nền tảng cho việc đổi mới mô hình và tổ chức, quản lý nền báo chí nhằm phát triển xã hội thông tin, cũng là yêu cầu cấp bách của thực tiễn báo chí trước sự thay đổi và phát triển mạnh mẽ của Cách mạng công nghệ ở Việt Nam hiện nay.

- Tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin (CNTT) và giao dịch điện tử và Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản. (2) Nghị định được ban hành kịp thời, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, đáp ứng được yêu cầu thực tế đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, CNTT, giao dịch điện tử, báo chí, xuất bản, thông tin điện tử; tạo ra khung pháp lý đồng bộ, hoàn chỉnh, các quy định, chế tài xử phạt rõ ràng, minh bạch, góp phần quan trọng giúp cho lực lượng thanh tra chuyên ngành, các cơ quan liên quan trong việc bảo đảm trật tự, kỷ cương, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về Thông tin và Truyền thông đồng thời nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

- Tiến hành sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐCP quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, nhằm (1) tránh tình trạng bát nháo, báo hóa trang thông tin điện tử, mạng xã hội (MXH), (2) để quản lý tốt hơn các MXH và (3) quản lý tốt hơn dịch vụ thông tin xuyên biên giới.

Hiện tại, Bộ TT&TT đang tiến hành việc sơ kết, đánh giá việc thực hiện Luật Báo chí, Luật Xuất bản, trên cơ sở đó, sẽ báo cáo Chính phủ đưa vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội trong giai đoạn 2023 - 2025 nhằm hoàn thiện hơn nữa hệ thống quy phạm pháp luật, đảm bảo quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong hoạt động báo chí. Đồng thời, đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Truyền thông về quyền con người ở Việt Nam giai đoạn 2023 - 2028.

c) Đảm bảo an toàn thông tin (ATTT), bảo mật thông tin cá nhân, bảo vệ quyền trẻ em trên môi trường mạng

- Trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 41-CT/ TW ngày 24/3/2020 về tăng cường phối hợp và triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

- Triển khai thực hiện Đề án "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2020-2025". Đây là Đề án giúp trẻ em biết tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng thông qua các chương trình, chiến dịch do các cơ quan, tổ chức triển khai, thực hiện; các tổ chức kinh tế - xã hội có đủ điều kiện về cơ chế, chính sách để phát triển các sản phẩm, dịch vụ giúp trẻ em tương tác sáng tạo trên không gian mạng, từng bước hình thành thị trường riêng về các sản phẩm, dịch vụ số cho trẻ em; các sự việc tiêu cực xảy ra khi trẻ em tương tác trên không gian mạng được dự báo, phòng ngừa, kiểm soát và ngăn chặn kịp thời thông qua các biện pháp kỹ thuật.

- Ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên MXH cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng MXH Việt Nam, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam. Việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH đóng vai trò như một khuôn khổ thể chế "mềm", để bổ sung cho các khung pháp lý chính thức của Nhà nước.

Thúc đẩy quyền tự do ngôn luận, tự do Internet và đấu tranh chống các hành vi lợi dụng để chống phá trên Internet - Ảnh 1.

Việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH đóng vai trò như một khuôn khổ thể chế "mềm", để bổ sung cho các khung pháp lý chính thức của Nhà nước. (Ảnh: Internet)

- Chỉ đạo đơn vị chức năng thuộc Bộ TT&TT (Cục ATTT) chủ động rà quét trên không gian mạng Việt Nam, đánh giá, thống kê và tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dùng biết và phòng tránh; tăng cường công tác giám sát, điều hành các nhà mạng phát hiện, ngăn chặn, hướng tới mục tiêu hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương về kỹ thuật điều hòa tỷ lệ thông tin tiêu cực trên không gian mạng.

d) Xây dựng cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh đưa thông tin về cơ sở

Nhằm tăng cường hoạt động thông tin và nâng cao khả năng tiếp cận thông tin cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc ít người, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo, Bộ TT&TT đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và triển khai thực hiện: (1) Quyết định số 1168/ QĐ-TTg ngày 24/7/2015 phê duyệt Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020 (1); (2) Quyết định số 467/QĐ-TTg ngày 25/4/2019 về tích hợp các chính sách hỗ trợ thông tin, tuyên truyền cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc ít người, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo kết hợp với các Chương trình Mục tiêu Quốc gia về thông tin, Chương trình Mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững; (3) Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 20/1/2020 phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng CNTT nhằm tăng cường tiếp cận thông tin ở cơ sở; (4) Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 nhằm phổ cập và cá nhân hóa các dịch vụ (như dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế,…) tới từng người dân để phục vụ quyền của người dân tốt hơn; tạo ra cơ hội cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo tiếp cận dịch vụ trực tuyến một cách công bằng, bình đẳng và nhân văn rộng khắp "không ai bị bỏ lại phía sau".

Tăng cường công tác quản lý, điều hướng thông tin trên mạng

Thời gian qua, Bộ TT&TT đã tăng cường quản lý nhà nước về thông tin trên mạng, quyết liệt đấu tranh ngăn chặn thông tin xấu, độc trên môi trường mạng Internet, làm việc yêu cầu với Facebook, Google loại bỏ thông tin xấu độc trên MXH có đông người dùng Việt Nam:

- Thực hiện nghiêm túc công tác thanh tra, xử phạt đối với các vi phạm của các cơ quan báo chí, các nhà xuất bản, chấn chỉnh tình trạng thông tin thiếu kiểm chứng, sai sự thật, buông lỏng quản lý trong hoạt động liên kết trong báo chí và xuất bản; xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng MXH đưa tin sai sự thật; yêu cầu các cơ quan chủ quản báo chí tự nâng cao trách nhiệm, phối hợp với Bộ Công an để điều tra, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận, xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

- Bộ TT&TT đã yêu cầu các trang thông tin điện tử và MXH nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam; duy trì cơ chế gỡ bỏ thông tin vi phạm quy định pháp luật Việt Nam (đặc biệt là các thông tin phản động, kích động, thù hằn dân tộc, bôi nhọ, mạo danh các lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam) với các doanh nghiệp viễn thông, Facebook, YouTube, Google và các dịch vụ MXH khác.

- Thành lập Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (VAFC - ngày 12/01/2021) với chức năng, nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan chức năng thẩm định, công bố tin giả; đánh giá xu hướng thông tin chia sẻ, tương tác lớn để dán nhãn cảnh báo tin giả; tiếp nhận, phát hiện, thẩm định, gắn nhãn tin giả; công bố thông tin xác thực; hướng dẫn cách nhận biết, phòng tránh, đối phó với tin giả (2) .

- Ngày 07/6/2022, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 1048/QĐ-BTTTT thành lập Tổ chuyên gia công tác thông tin đối ngoại, có nhiệm vụ: Xây dựng báo cáo phát hiện thông tin sai lệch ảnh hưởng tín nhiệm, hình ảnh đất nước; Thống nhất lập luận, giải thích, làm rõ đối với thông tin sai lệch ảnh hưởng tín nhiệm, hình ảnh đất nước; Đề xuất phương án xử lý tình huống, vụ việc liên quan đến thông tin đối ngoại; các biện pháp thông tin, truyền thông cần thiết để bảo vệ tín nhiệm, hình ảnh Việt Nam; đề nghị các bộ, ban, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ cung cấp thông tin giải thích, làm rõ; Phối hợp với các cơ quan liên quan xác định mức độ, vi phạm, đề xuất, kiến nghị chuyển hồ sơ đến cơ quan chức năng xử lý, giải tỏa thông tin, ổn định dư luận.

Thúc đẩy quyền tự do ngôn luận, tự do Internet và đấu tranh chống các hành vi lợi dụng để chống phá trên Internet - Ảnh 2.

Đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do Internet chống phá Việt Nam.

Các giải pháp đấu tranh, ngăn chặn hoạt động lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do Internet chống phá Việt Nam trong thời gian tới

Chủ động trong công tác nắm bắt tình hình tư tưởng

Nắm bắt và định hướng dư luận xã hội là một nội dung quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng và của hệ thống chính trị các cấp. Nhiệm vụ của công tác dư luận xã hội là nắm bắt kịp thời, chính xác tư tưởng, tâm trạng, dư luận xã hội trong cán bộ, đảng viên và nhân dân để phản ánh kịp thời, trung thực và đầy đủ nhất nhằm phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, điều hành của chính quyền các cấp. Để đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả hoạt động lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do Internet chống phá Việt Nam trong thời gian tới, chúng ta cần chủ động điểm báo, nắm dư luận trên MXH, báo chí trong nước và nước ngoài để kịp thời dự báo tình hình, chuẩn bị các phương án ứng phó.

Công tác tư tưởng, định hướng dư luận xã hội đóng vai trò đặc biệt quan trọng và là nhiệm vụ thường xuyên của công tác tư tưởng của cấp ủy và hệ thống chính trị các cấp, nhằm góp phần giữ vững an ninh, trật tự, ổn định xã hội để đất nước, địa phương phát triển. Sự thống nhất tư tưởng và hành động trong nội bộ và sự đồng thuận trong nhân dân trong thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và địa phương là thước đo về hiệu quả và sự thành công của công tác tư tưởng, thông tin, tuyên truyền của các cấp, các ngành. Điều này đồng nghĩa với việc những tin đồn thất thiệt, thông tin xấu độc không cơ hội phát triển. Mục đích của định hướng dư luận xã hội là góp phần làm thay đổi nhận thức, điều chỉnh hành vi, thái độ và hành động của các nhóm xã hội theo hướng có lợi cho quốc kế, dân sinh, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng tham gia công tác thông tin, tuyên truyền, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do Internet chống phá Việt Nam

a) Giữa các Bộ, Ban, Sở, ngành chức năng

Tăng cường phối hợp đồng bộ, thường xuyên giữa các Bộ, Ban, Sở, ngành, địa phương, giữa đối nội và đối ngoại. Trong xử lý các vấn đề nhạy cảm liên quan đến dân chủ, nhân quyền cần cân nhắc, tính toán thời điểm phù hợp, đảm bảo yêu cầu về chính trị, pháp luật, đối ngoại, theo hướng kiên định về nguyên tắc nhưng khôn khéo, linh hoạt về thời điểm, phương pháp, tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân trong nước và dư luận quốc tế, cô lập, phân hóa số đối tượng chống đối.

Sự phối hợp giữa các cơ quan đầu mối được tiến hành với các hình thức: trong công tác tham mưu, trong xây dựng chương trình kế hoạch, trong hoạt động nghiên cứu, dự đoán tình hình, trong biên soạn tài liệu, viết bài cung cấp thông tin chính thống, luận cứ đấu tranh…

b) Giữa cơ quan chức năng với báo chí

Với tinh thần Chính phủ kiến tạo, các địa phương cần chủ động và làm tốt hơn công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo Luật Báo chí và Nghị định 09/2018/NĐ-CP và quyền được tiếp cận thông tin của người dân quy định tại Luật Tiếp cận thông tin, cụ thể:

- Cung cấp thông tin sớm và chính thức sẽ giúp nắm thế chủ động, chiếm lĩnh lợi thế về thông tin so với các MXH và xuyên tạc.

- Chủ động cung cấp thông tin cũng là một trong các biện pháp giải tỏa khi xảy ra khủng hoảng thông tin.

- Đặt hàng báo chí, đồng hành báo chí để tuyên truyền đúng và tương xứng với nỗ lực và thành tựu đạt được, góp phần đẩy lùi thông tin xấu độc.

Có thái độ ứng xử phù hợp với Internet và MXH

Internet đã mang tính phổ cập toàn cầu và Việt Nam nằm trong số những nước có số người sử dụng Internet cao nhất trên thế giới, vì thế không có một lực lượng, biện pháp kỹ thuật nào có thể thao túng, kiểm soát hoàn toàn Internet, nhưng chúng ta có thể điều hướng, điều hòa thông tin trên mạng Internet và MXH theo hướng tích cực, lành mạnh, bảo vệ quyền và lợi ích của cư dân mạng, công dân Việt Nam hoạt động trên môi trường mạng.

- Quán triệt trong cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động bộ quy tắc ứng xử trên MXH mà Bộ TT&TT tổ chức nghiên cứu và đã ban hành. Thực tế cho thấy, các thông tin tiêu cực, xấu độc trên mạng phần nhiều là do việc quản lý thông tin và nhân sự nội bộ của các cơ quan tổ chức chưa chặt chẽ, xung đột các nhóm lợi ích hoặc thực tế là có những sai phạm, hành vi chưa phù hợp của chính các cán bộ, đảng viên, công chức và khi bị lợi dụng đưa lên mạng sẽ dẫn tới các hiệu ứng tiêu cực, xuyên tạc, bôi nhọ, đánh đồng cả hệ thống. Các địa phương có thể căn cứ vào Bộ Quy tắc này để áp dụng hoặc xây dựng bộ quy tắc của riêng mình như cách Hà Nội, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh đã làm gần đây.

- Nhìn nhận MXH như một công cụ hữu hiệu cần làm chủ và tận dụng thay vì e ngại, tẩy chay hoặc coi là thách thức. Đầu tư, đặt hàng sản xuất nội dung để tạo feeds, gieo mầm thông tin (seedings), sử dụng các biện pháp kỹ thuật để tăng độ lan tỏa thông tin (viral) trên MXH. Đầu tư xây dựng các trang fanpage, trang MXH của ta để cung cấp, dẫn dắt, định hướng, điều hòa thông tin trên môi trường mạng.

Phát hiện sớm tin giả, tin sai sự thật trênMXH và các phương tiện truyền thông trực tuyến khác nhằm chủ động ngăn chặn sự lan truyền và cảnh báo sớm tin giả ngay khi nó xuất hiện trên MXH

Bộ TT&TT và Bộ Công an đã và đang chủ động đàm phán, đấu tranh quyết liệt với Google và Facebook, buộc 2 doanh nghiệp này phải cam kết và nghiêm túc triển khai việc ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin phản động, xấu độc trên hai MXH này khi có yêu cầu từ phía Chính phủ Việt Nam.

Ở các địa phương, Công an cấp tỉnh, Sở TT&TT cũng có thể làm tốt việc này thông qua công tác theo dõi nắm tình hình thông tin trên Internet, thanh tra, xử phạt theo thẩm quyền. Bộ TT&TT cụ thể là Trung tâm Giám sát An toàn thông tin mạng quốc gia (Cục An toàn thông tin) và Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử) và các đơn vị tác chiến không gian mạng của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cần triển khai cơ chế hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ với địa phương để có các biện pháp kỹ thuật, nghiệp vụ đấu tranh với các nền tảng cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam theo các quy định hiện hành.

Chú trọng xây dựng cơ sở dữ liệu về nhân quyền, thành tựu và các thông tin phục vụ công tác đối thoại, đấu tranh về nhân quyền của địa phương để có thể đấu nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về nhân quyền phục vụ công tác nghiên cứu, tham mưu và tuyên truyền đối nội, đối ngoại. Thông tin tích cực, thông tin đầy đủ về thành tựu của Việt Nam trong bảo vệ và phát huy quyền con người được cung cấp nhiều hơn, bằng tiếng Việt và bằng tiếng nước ngoài sẽ là điều kiện thuận lợi để tăng cường hiệu quả đấu tranh trên mặt trận thông tin, truyền thông về quyền con người trên môi trường Internet./.

Tài liệu tham khảo

(1). Tính đến năm 2020, Việt Nam đã hỗ trợ đầu thu số cho 1,9 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn quốc gia để người dân được tiếp cận thông tin, tri thức trên mạng và sử dụng dịch vụ viễn thông, Internet phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; hỗ trợ người dân tộc thiểu số truy cập Internet ở vùng sâu, vùng xa thông qua hỗ trợ gián tiếp tại các trường học, bệnh viện là: 5.435 điểm. Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia sẽ được miễn cước cho 01 thuê bao điện thoại cố định trả sau. Ngư dân Việt Nam trên tàu, thuyền đánh bắt hải sản trên biển sử dụng dịch vụ viễn thông công ích di động hàng hải qua hệ thống tổng đài thông tin duyên hải để phục vụ hoạt động tìm kiếm cứu nạn được áp dụng giá cước là 0 đồng/phút.

(2). Tính đến hết tháng 10/2021, VAFC đã tiếp nhận 3.161 thông tin phản ánh, trong đó đã xác thực thông tin, công bố 47 thông tin và đăng tải trên website của VAFC tại tên miền tingia.gov.vn.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 10 tháng 10/2022)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy quyền tự do ngôn luận, tự do Internet và đấu tranh chống các hành vi lợi dụng để chống phá trên Internet
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO