Thực trạng chuyển đổi số trong phát triển du lịch thông minh tại một số quốc gia trên thế giới

Nguyễn Thị Huyền Thương| 18/07/2020 11:43
Theo dõi ICTVietnam trên

Bài viết tổng hợp một số tài liệu giới thiệu về số hóa trong du lịch, về áp dụng chuyển đổi số trong ngành du lịch và dịch vụ khách sạn của một số quốc gia trên thế giới, đặc biệt là tại Phillipines, Bồ Đào Nha, Malaysia, từ đó liên hệ đến thực trạng phát triển du lịch thông minh tại Việt Nam nói chung và Khánh Hòa nói riêng trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và hậu dịch COVID-19, làm tiền đề đưa ra giải pháp trong những nghiên cứu tiếp theo cùng chủ đề.

Đặt vn đề

Cách mạng công nghiệp 4.0 tận dụng sức mạnh lan tỏa của số hóa và công nghệ thông tin với sự đột phá của trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI), Internet vạn vật (Internet of Things – IoT) và dữ liệu lớn (Big data), đang tạo ra sự thay đổi to lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo báo cáo Digital 2020 toàn cầu vừa được We Are Social và Hootsuite phối hợp công bố, hơn 4,5 tỷ người trên thế giới đang sử dụng Internet vào đầu năm 2020, lượng người dùng phương tiện truyền thông, mạng xã hội đã vượt qua mốc 3,8 tỷ (Kepios, 2020). Với khoảng 60% dân số thế giới đã biết sử dụng Internet cho thấy các phương tiện truyền thông kỹ thuật, di động và mạng xã hội đã trở thành không thể thiếu đối với con người. Trong du lịch, công nghệ mới giúp phương thức xúc tiến quảng bá trở nên đa dạng hơn và làm thay đổi phương thức đi du lịch, trải nghiệm của du khách.

Tại điều 3, Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2030 (Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020) nêu rõ: "Phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch. Thu hút nguồn lực xã hội, nhà đầu tư có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch, đặc biệt là cơ sở lưu trú, cơ sở vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp, phù hợp với nhu cầu và xu hướng du lịch mới. Đổi mới, hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, đẩy nhanh thực hiện quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch; số hóa các thông tin, tài liệu về điểm đến, xây dựng các kho nội dung số, hướng tới hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh". Theo đó, đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững. Việt Nam trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng đầy đủ yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững. Để làm được điều này thì việc thực hiện chuyển đổi số, phát triển du lịch theo hướng thông minh là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, hiện tại đây được xem là thách thức mà du lịch Việt Nam cần đối đầu bởi lẽ đầu tư và cập nhật công nghệ được xác định là vấn đề nóng đối với du lịch thế giới trong kỷ nguyên của cuộc Cách mạng 4.0. Chính vì điều này, tác giả quyết định thực hiện nghiên cứu về thực trạng áp dụng chuyển đổi số trong du lịch của một số quốc gia trên thế giới, trong đó tập trung vào các nước thành công như Phillipine, Bồ Đào Nha, Malaysia, tổng hợp tình hình phát triển du lịch thông minh tại Việt Nam nói chung và tại Khánh Hòa nói riêng.

Thực trạng chuyển đổi số trong phát triển du lịch thông minh tại một số quốc gia trên thế giới - Ảnh 1.

Chuyn đổi s và du lch thông minh

Chuyển đổi số (Digital Transformation) là việc ứng dụng số hóa (digitalize) vào tất cả các khía cạnh của doanh nghiệp, làm thay đổi (transformation) toàn diện cách thức mà một doanh nghiệp hoạt động, tăng hiệu quả hợp tác, tối ưu hóa hiệu suất làm việc và mang lại giá trị cho khách hàng (Baker, 2014).

Internet chính là một trong những chất xúc tác nhanh chóng cho sự chuyển đổi số theo từng giai đoạn phát triển của du lịch thông minh. Internet hiện đang cho phép tất cả các công ty tạo ra một dạng thức doanh nghiệp mới, bằng cách thay đổi mô hình kinh doanh hiện tại của họ theo các mô hình số hóa. Theo Kefa Rabah (2018), sự phát triển của Internet đem lại những ưu điểm và hiệu quả mới cho việc tính toán, phát triển kinh doanh nhờ các yếu tố sau:

Điện toán đám mây (Cloud Computing) là mô hình điện toán sử dụng các công nghệ máy tính và phát triển dựa vào

mạng Internet, cho phép người dùng truy cập các dịch vụ công nghệ từ một nhà cung cấp mà không cần phải có các kiến thức, kinh nghiệm về công nghệ. Mô hình này giúp việc tính toán trở nên nhanh chóng, thuận tiện và giảm chi phí rất nhiều cho doanh nghiệp.

Một lượng lớn không gian lưu trữ miễn phí cho phép lưu trữ, phân tích, khai thác một lượng dữ liệu khổng lồ (Big Data). Số lượng không gian ổ cứng "gần như miễn phí" đang được triển khai cũng như trong các trang máy chủ toàn cầu và các trung tâm dữ liệu, có khả năng lưu trữ mọi video, email, bài đăng trên Instagram, bài đăng trên Facebook, sẵn sàng để được phân tích, tính toán khi cần.

Xu hướng IoT (Internet of Things): mọi vật đều có thể kết nối với nhau qua Internet. Trong kinh doanh, doanh nghiệp có thể kết nối với nhiều dữ liệu, cho phép "chẩn đoán" được nhu cầu của khách hàng. Người tiêu dùng có thể kiểm soát "hàng hóa" của mình mua qua một thiết bị thông minh như laptop, PC hay smartphone mà không cần tương tác trực tiếp với người bán hoặc sản phẩm.

Trí tuệ nhân tạo hay AI (Artificial Intelligence) là trí thông minh được thể hiện bằng máy móc, trái ngược với trí thông minh tự nhiên được con người thể hiện. Thông thường, thuật ngữ "trí tuệ nhân tạo" thường được sử dụng để mô tả các máy móc (hoặc máy tính) bắt chước các chức năng "nhận thức" mà con người liên kết với tâm trí con người, như "học tập" và "giải quyết vấn đề".

Chuyển đổi số trong kỷ nguyên công nghiệp 4.0 sẽ giúp nâng cao khả năng cạnh tranh đồng thời thúc đẩy doanh nghiệp đưa ra quyết định tối ưu. Tuy nhiên, điều này cũng làm biến đổi mô hình kinh doanh hiện tại, dẫn tới thay đổi cấu trúc kinh tế xã hội, mô hình tiêu dùng, các biện pháp pháp lý và chính sách của nhà nước…, kéo theo một sự thay đổi về văn hóa kinh doanh, đòi hỏi doanh nghiệp phải dám thử thách mình một cách liên tục, không tự bằng lòng với cái mình hiện có, đồng thời biết chấp nhận rủi ro và thất bại.

Thực trạng chuyển đổi số trong phát triển du lịch thông minh tại một số quốc gia trên thế giới - Ảnh 2.

Ngành du lịch cũng không ngoại lệ khi đang chịu tác động mạnh của quá trình chuyển đổi số. Việc sử dụng Dữ liệu lớn và Trí tuệ nhân tạo có thể tăng cường khách du lịch kinh nghiệm và các loại dịch vụ đa dạng tùy lựa chọn của khách. Cụ thể, hai công nghệ số này hỗ trợ khả năng cá nhân hóa dịch vụ cho khách du lịch dựa trên hồ sơ thông tin trực tuyến của mỗi người, hoàn cảnh, thói quen và hành vi tiêu dùng của họ. Điều này sẽ thay đổi đáng kể quá trình tiếp thị, hỗ trợ chọn sản phẩm và cải thiện dịch vụ du lịch. Ngoài ra, thời đại của cuộc cách mạng kỹ thuật số đã thành công trong việc tích hợp vật lý với thế giới kỹ thuật số, giúp tạo ra kinh nghiệm cho khách trước hoặc trong chuyến đi của họ cũng như cung cấp bản xem trước về những gì họ có thể tận hưởng tại điểm đến của họ. Sức mạnh của công cụ tìm kiếm và xử lý trong kinh doanh du lịch với những dịch vụ hướng đến tốc độ và phản ứng sẽ tác động trực tiếp đến chất lượng dịch vụ du lịch. Vì thế, xu hướng phát triển những sản phẩm du lịch ưu tiên nhu cầu cảm xúc của khách thông qua dữ liệu lớn và Internet sẽ được quan tâm hơn. Công nghệ số có thể tính toán được xu hướng nhu cầu của khách đối với loại hình du lịch, địa điểm, hình thức mua sắm hay loại cơ sở lưu trú mà khách thường lựa chọn (Bondarik, 2018). Đây chính là cơ sở để phát triển "du lịch thông minh".

Du lịch thông minh là mô hình du lịch dựa trên nền tảng của công nghệ và truyền thông, cùng với sự phát triển đồng bộ của hệ thống hạ tầng phục vụ du lịch, nhằm giúp du khách dễ dàng tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng và đa dạng nhất. Đồng thời, đảm bảo sự tương tác kịp thời, kết nối chặt chẽ giữa cơ quan quản lý - doanh nghiệp - khách du lịch nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách, và giúp cho việc quản lý thuận tiện hơn. Du lịch thông minh trở thành một tiêu chí phát triển, hướng tới phát triển bềnvững và nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch (Gretzel, et al., 2015). Du lịch thông minh phụ thuộc vào các công nghệ cốt lõi như truyền thông di động, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo. 

Theo đó, du lịch thông minh có thể được xem như một sự phát triển hợp lý từ du lịch truyền thống và du lịch điện tử, lấy nền tảng từ những đổi mới và định hướng công nghệ của ngành công nghiệp du lịch trong bối cảnh phát triển rộng rãi của thông tin và truyền thông. Các nguyên tắc của du lịch thông minh nằm ở việc nâng cao kinh nghiệm du lịch, nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, tối đa hóa khả năng cạnh tranh điểm đến với sự nhấn mạnh vào các khía cạnh bền vững (Gretzel, et al., 2015). 

Theo các sáng kiến Chuyển đổi kỹ thuật số trên diễn đàn kinh tế thế giới, chuyển đổi số trong du lịch dự kiến sẽ đóng góp tới 305 tỷ USD giá trị thông qua lợi nhuận tăng vào năm 2025. Nó cũng sẽ tạo ra lợi ích trị giá 700 tỷ USD cho các doanh nghiệp và xã hội. Vì vậy, chuyển đổi số sẽ cung cấp những công cụ ứng dụng và nền tảng công nghệ cần thiết để hỗ trợ tối ưu cho việc tiếp cận gần hơn đến du lịch thông minh, tăng doanh thu và lợi nhuận cho ngành nhưng vẫn đảm bảo phát triển bền vững.

Thc trng chuyn đổi số trong phát trin du lch thông minh

Hiện nay, cuộc cạnh tranh du lịch thông minh đang diễn ra nhộn nhịp trên quy mô toàn cầu. Nhiều quốc gia trên thế giới triển khai du lịch thông minh dưới nhiều hình thức khác nhau tạo nên những điểm nhấn và lợi thế cạnh tranh du lịch. 

Có thể kể đến nhiều điểm đến Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore đã đầu tư mạnh cho du lịch thông minh qua việc áp dụng ví điện tử, mã QR (quick response code), dùng dấu vân tay để thanh toán dịch vụ, làm thủ tục sân bay, nhận phòng, trải nghiệm du lịch dựa trên công nghệ thực tế ảo… Hay một quốc gia Trung Đông như Dubai phát triển du lịch thông minh theo hướng tích hợp du lịch với mô hình thành phố thông minh để kết nối du khách với hệ thống tài nguyên của thành phố thông minh; hoàn thiện hệ thống hạ tầng du lịch thông minh với việc công nghệ hóa triệt để các dịch vụ từ khách sạn, nhà hàng, visa, hàng không… 

Ngoài ra, trên thế giới hiện nay đã áp dụng nhiều ứng dụng trên smartphone để du khách biết các hành vi của họ như ăn uống, đi lại, sử dụng các dịch vụ lưu trú, dịch vụ du lịch… thì họ đã để lại "dấu chân carbon" và "dấu chân sinh thái" như thế nào; hoặc ứng dụng sẽ hướng dẫn du khách cách để tăng thêm những trải nghiệm tốt cho sức khỏe, cho môi trường thay vì những hoạt động "thiếu bền vững". Trong đó, Châu Âu được đánh giá là có lợi thế và dẫn đầu xu hướng phát triển mới.

Tuy nhiên, trong giới hạn bài viết, tác giả thực hiện nghiên cứu tổng quát một số quốc gia có nhiều hoạt động ứng dụng số hóa trong du lịch như Bồ Đào Nha, Phillipines, Malaysia và liên hệ với Việt Nam.

BĐào Nha

Trong năm 2017 và 2018, Bồ Đào Nha đã được vinh danh là Điểm đến hàng đầu thế giới hai năm liên tiếp tại World Travel Awards. Chiến lược Du lịch 4.0 được chính phủ Bồ Đào Nha đề ra để khai thác toàn bộ tiềm năng của sự bùng nổ về khoa học kĩ thuật, nhằm mục đích tận dụng các xu hướng phát triển du lịch, thúc đẩy thành lập các công ty mới và giúp các công ty hiện có (chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ) được hiện đại hóa.

Một ví dụ điển hình là công ty khởi nghiệp Live Electric Tours, ra mắt vào năm 2017, công ty cung cấp các tour du lịch trên xe điện được trang bị công nghệ livestreaming rất đặc biệt với nhu cầu sử dụng lớn. Cụ thể, một tour du lịch kỹ thuật số qua thành phố Lisbon đã được triển khai với một khoản tài trợ từ công ty Du lịch Explorers như một sự hỗ trợ cần thiết để thành công trên thị trường. 

Vào thời điểm đó, khách du lịch nhanh chóng thân thiện với môi trường, làm quen với thành phố trong khi đồng thời được hỗ trợ sử dụng công cụ kết nối với các phương tiện truyền thông, mạng xã hội để họ có thể chia sẻ những trải nghiệm trực tiếp một cách chân thật nhất. Dịch vụ này nhằm vào khách du lịch trong một kỳ nghỉ tại thành phố, những người muốn tìm hiểu Lisbon trong hai ngày mà không bị phụ thuộc vào giao thông công cộng, hướng dẫn viên du lịch hoặc các dịch vụ du lịch tư nhân đắt tiền. Đội xe bao gồm 16 chiếc Renault TWIZY - loại xe điện hai chỗ ngồi, kiểu dáng nhỏ gọn thích hợp dùng cho đô thị, vận hành bằng điện không gây ô nhiễm môi trường với hướng dẫn âm thanh GPS và camera để hành trình có thể được phát trực tiếp trên phương tiện truyền thông xã hội.

Ngoài ra, khách du lịch có thể khám phá Bồ Đào Nha qua ứng dụng để tìm hướng dẫn viên du lịch gần đó, những người sẵn sàng thực hiện hướng dẫn chuyến tham quan trong vòng mười phút tiếp theo. Đó là một loại Uber dành cho hướng dẫn viên du lịch, hỗ trợ trao đổi kinh nghiệm tham quan một địa điểm với những cuộc gặp gỡ bất ngờ, rất linh hoạt, nhanh chóng và mang lại nhiều trải nghiệm mới mẻ cho du khách.

Trong lĩnh vực lưu trú ở Bồ Đào Nha phải kể đến sự thành công của chuỗi khách sạn mang tên Vila Galé nhờ sử dụng công nghệ kỹ thuật số. Công ty đã giới thiệu các quy trình không cần giấy tờ cho tất cả mọi thứ, từ phê duyệt hóa đơn đến báo cáo hàng ngày. Nhân viên có thể ghi lại các vấn đề bảo trì (như cửa ra vào hoặc phòng cần sửa chữa) trên điện thoại thông minh của họ. Từ đó, khách sạn có thể ứng phó với các sự cố nhanh hơn và hiệu quả hơn. Hơn nữa, Vila Galé muốn đơn giản hóa mọi thứ cho khách hàng. Ví dụ, khách sạn đang giới thiệu một cổng thông tin khách hàng mới, Vila Galé My Stay, hợp nhất nhiều quy trình khác nhau. Khách có thể sử dụng công cụ để nhận phòng, trả phòng, đặt dịch vụ phòng, đặt phòng spa, xem hóa đơn và thực đơn, quản lý các thông báo không làm phiền và tiếp tân liên lạc. Trước khi đăng ký, khách nhận được email có thông tin đăng nhập và địa chỉ trang web nơi họ sẽ tìm thấy mọi thứ họ cần. Dịch vụ này được khách đánh giá là giúp cho kỳ nghỉ của họ trở nên thư giãn hơn.

Malaysia

Malaysia đang bắt đầu một hành trình số hóa toàn diện để sử dụng các sáng kiến giúp phát triển ngành du lịch thông qua giáo dục, cũng như tạo ra quản lý sinh thái thông minh cho các điểm đến.

Thủ tướng của Malaysia, Mahathir Mohamad đã khẳng định trong bài phát biểu quan trọng của mình vào tháng 8/2019 là chuyển đổi số sẽ giúp ngành du lịch được kết nối quốc tế, và cung cấp dữ liệu phân tích về tương lai du lịch đồng thời rút ngắn chuỗi cung ứng. Để điều này trở thành hiện thực, Mahathir chỉ ra rằng môi trường đầu tư mới là điều cần thiết để ngành du lịch tiến lên. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng cứng và mềm cần phải được cân bằng. Các chính sách quốc gia cần cho phép khuyến khích đầu tư vào các sản phẩm vô hình hơn như thu thập dữ liệu, tạo nội dung và hiện diện nền tảng trực tuyến. 

Là một phần trong Chính sách Du lịch Quốc gia giai đoạn 2021 đến 2030, Malaysia cũng sẽ chỉ định các khu đầu tư du lịch đặc biệt trong cả nước, nơi đưa ra các ưu đãi để thu hút đầu tư dựa trên cơ sở hạ tầng và công nghệ trong lĩnh vực du lịch. Các bên liên quan trong ngành đang tích cực hơn trong việc chia sẻ nền kinh tế, nền tảng kỹ thuật số, tích hợp phương tiện truyền thông xã hội, cũng như phân tích dữ liệu lớn để tùy chỉnh các dịch vụ trải nghiệm du lịch theo nhân khẩu học cụ thể trên toàn cầu. Việc số hóa lĩnh vực này cũng rất quan trọng bởi vì tiến bộ công nghệ cũng khiến người tiêu dùng sử dụng các thiết bị di động và nền tảng trực tuyến để truy cập thông tin, sắp xếp, đặt chỗ và lên kế hoạch cho toàn bộ kỳ nghỉ

Ngoài ra, trong kế hoạch du lịch sinh thái quốc gia 2016- 2025, Malaysia cũng đang áp dụng công nghệ để quản lý sinh thái thông minh tại các điểm đến nhằm tăng cường giáo dục những nhân viên trong ngành, khách du lịch và cộng đồng địa phương. Các ưu đãi công nghệ trong phát triển gói du lịch sinh thái, thiết kế xây dựng khu nghỉ dưỡng sinh thái và quy trình kinh doanh sáng tạo có thể được chính phủ xem xét, thực hiện bởi các nhà quản lý điểm đến và nhà điều hành tour du lịch.

Bên cạnh đó, Malaysia liên kết với một công ty công nghệ toàn cầu của Mỹ trên hai hiệp ước hợp tác du lịch để thu hút nhiều khách du lịch hơn. Thỏa thuận đầu tiên là Bản ghi nhớ hợp tác để quảng bá Malaysia là điểm đến du lịch nổi bật bằng cách giới thiệu về quốc gia, kỳ quan và văn hóa độc đáo, cũng như hỗ trợ đổi mới kỹ thuật số của ngành du lịch.

Philippines

Philippines đã khai thác hoạt động "Viễn thông toàn cầu" để giúp thúc đẩy ngành du lịch cùng các nỗ lực chuyển đổi kỹ thuật số. Một thỏa thuận hợp tác giữa Du lịch và Viễn thông đã được ký nhằm hiện thực hóa tầm nhìn trở thành một phần không thể thiếu trong trải nghiệm du lịch tốt nhất trong cả nước. Phillipines muốn đi đầu trong kết nối, số hóa và bền vững thông qua tăng cường cơ sở hạ tầng truyền thông, các công cụ và giải pháp kỹ thuật số giá cả phải chăng cho các doanh nghiệp, cùng các nỗ lực bảo vệ môi trường. Hoạt động này giúp thực hiện chiến dịch "Luôn luôn vuihơn ở Philippines", nhấn mạnh cách người Philippines nổi tiếng vì sự ấm áp và lòng hiếu khách, khuyến khích nhiều người đến Philippines trải nghiệm phong cách sống nơi đây.

Đất nước này đã đầu tư cài đặt ba trang web di động (Mobile Websites) ở tại những điểm đến nổi tiếng như Pilar, General Luna và Dapa để tăng cường hơn nữa phạm vi phủ sóng di động ở và giải quyết các yêu cầu kết nối cho khách du lịch và doanh nghiệp. Ngoài ra, GoWiFi - dịch vụ wifi công cộng toàn cầu, cũng được trang bị ở sân bay Sayak ở Del Carmen, Siargao với kết nối Internet mạnh để du khách có thể dễ dàng truy cập.

Ngoài ra, Phillipines cũng đã thiết lập một gian hàng sinh thái (Ecobooth) trực tuyến phục vụ như một trung tâm dành cho những cuộc trò chuyện về nhận thức môi trường và chia sẻ thực tiễn về cách bảo vệ môi trường, đặc biệt là đa dạng sinh học biển. Bất cứ ai cũng có thể truy cập Ecobooth để trao đổi túi nhựa và chai nhựa của họ để lấy túi sinh thái - có thể tái chế.

Vit Nam

Theo báo cáo Digital Vietnam 2020, có 68,17 triệu người dùng Internet tại Việt Nam, tăng 6,2 triệu (hơn 10%) từ năm 2019 đến 2020. Tỷ lệ truy cập Internet ở Việt Nam ở mức 70% vào tháng 1/2020. Trong đó số tiền chi cho hạng mục tiêu dùng "Du lịch – bao gồm cơ sở lưu trú" năm 2019 tăng 12% so với năm 2018 (Kepios, 2020).

Nhằm nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam, Tổng cục Du lịch đã đầu tư phát triển các ứng dụng công nghệ trong tiếp thị, thương mại điện tử và sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp có ý tưởng và dự án sáng tạo về công nghệ nhằm mang lại lợi ích cho ngành du lịch. Đồng thời, cơ quan này cũng tích cực bảo trợ cho các dự án, chương trình ứng dụng công nghệ vào xúc tiến, quảng bá du lịch. Có thể kể đến một số dự án như triển khai ứng dụng công nghệ ảnh 360 độ trong du lịch, các chương trình quảng bá du lịch quốc gia "Super Selfie" và #WhyVietNam thông qua sức lan tỏa rộng rãi của mạng xã hội và tiếp thị trực tuyến để tăng cường quảng bá hình ảnh các điểm đến du lịch Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Mới đây, Tổng cục Du lịch đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Đài truyền hình quốc gia (VTV) triển khai Cổng thông tin Du lịch thông minh – VTV travel (dulich.vtv.vn) nhằm cung cấp các nội dung, thông tin một cách toàn diện tới người dùng, đem đến những trải nghiệm du lịch thông minh trong thời đại công nghệ số 4.0, qua đó góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.

Bên cạnh đó, một nỗ lực khác đã được thực hiện bởi Tạp chí Du lịch Việt Nam và TikTok – một ứng dụng tạo nền tảng video âm nhạc và mạng xã hội hàng đầu Châu Á bằng việc ký kết hợp tác chiến lược phát triển các nội dung quảng bá du lịch Việt Nam trên nền tảng TikTok; nghiên cứu đề xuất xây dựng dự án quảng bá du lịch Việt Nam đến các thị trường mục tiêu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Australia và lan rộng ra thế giới trong giai đoạn tiếp theo. Đây là một hoạt động quảng bá, thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển và đa dạng hóa nội dung, tôn vinh sự sáng tạo của người Việt. 

#HelloVietnam là một phần các hoạt động trong chuỗi chiến dịch quảng bá du lịch toàn cầu do TikTok khởi xướng với tên gọi #TikTokTravel nhằm tôn vinh các danh lam, thắng cảnh trên thế giới, mang đến một góc nhìn mới về du lịch, mang các nền văn hoá đến gần nhau hơn. Mục tiêu chính của chương trình #HelloVietnam giai đoạn 2019-2020 là tạo ra 30.000 nội dung video ngắn về cảnhđẹp, văn hóa và con người Việt Nam, phục vụ hơn 100 triệu lượt xem nội dung trực tuyến riêng trên nền tảng TikTok. Mỗi chu kỳ 2 tháng, các bên sẽ thực hiện một chương trình quảng bá cho một tỉnh hoặc một thành phố, khu vực nhằm quảng bá cho các địa điểm, sản phẩm du lịch của địa phương.

Thời gian qua, nhiều điểm đến du lịch Việt Nam đã từng bước ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch (Báo Du lịch Việt Nam, 2019). Điển hình như Hà Nội đã đưa vào khai thác hệ thống thuyết minh tự động về di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám và phần mềm hướng dẫn tham quan Hoàng thành Thăng Long trên điện thoại di động với những ngôn ngữ thông dụng không chỉ tạo thuận lợi cho hành trình tham quan tìm hiểu di tích của du khách, mà còn trở thành một phương tiện quảng bá du lịch và giáo dục lịch sử hữu hiệu cho nguồn nhân lực du lịch. Ngoài ra, việc giới thiệu trang thông tin điện tử Hoàn Kiếm (www.hoankiem360.vn) giúp du khách dễ dàng tìm hiểu và trải nghiệm du lịch quận Hoàn Kiếm thông qua công nghệ ảnh 360 độ. Cùng với đó, du lịch Thủ đô đã xây dựng bản đồ số về du lịch Hà Nội theo công nghệ GIS, xây dựng Cổng thông tin điện tử du lịch Hà Nội, phủ wifi miễn phí ở nhiều địa điểm công cộng như khu vực hồ Hoàn Kiếm, sân bay quốc tế Nội Bài…

Tại Ninh Bình cũng đã chủ động tận dụng cơ hội đến từ cuộc Cách mạng công nghiệp từ năm 2018 với việc xây dựng cổng thông tin du lịch và ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động trong giai đoạn đầu, đồng thời số hoá dữ liệu ngành du lịch và kết nối cơ sở dữ liệu du lịch với các lĩnh vực của các sở, ban, ngành. Sau đó tỉnh này đã xây dựng kho dữ liệu về du lịch, triển khai tiếp thị bằng tin nhắn SMS dựa trên vị trí địa lý của khách hàng, cung cấp wifi công cộng miễn phí cho khách du lịch tại các điểm du lịch. Vào tháng 6/2018, Sở Du lịch Ninh Bình đã chính thức khai trương Cổng thông tin du lịch (visitninhbinh.vn) và ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động với tên gọi là "Ninh Bình Tourism" nhằm tạo thuận lợi cho du khách tìm kiếm thông tin chính xác và cập nhật về du lịch Ninh Bình.

Thành phố Hồ Chí Minh tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong ngành du lịch qua sử dụng một số trạm thông tin du lịch thông minh; phần mềm du lịch thông minh "Vibrant Ho Chi Minh city," phần mềm tiện ích khác như "Sai Gon Bus," "Ho Chi Minh City Travel Guide," "Ho Chi Minh City Guide and Map".

Tại miền Trung của Việt Nam, Đà Nẵng cũng là địa phương đi đầu trong phát triển mô hình du lịch thông minh. Ngoài việc thường xuyên sử dụng các phương pháp marketing điện tử để quảng bá du lịch, Đà Nẵng đã xây dựng các hệ thống phần mềm, tiện ích hỗ trợ du khách như "Da Nang Tourism", "inDaNang," "Go! Đà Nẵng," "Da Nang Bus". Đặc biệt, Đà Nẵng đã đưa vào sử dụng ứng dụng chatbot "Da Nang Fantasticity." Đây là công nghệ được sử dụng đầu tiên tại Việt Nam và Đông Nam Á (cùng với Singapore).

Theo báo Khánh Hòa online (2019), trong thời gian tới, Sở Du lịch Khánh hòa cùng các sở, ngành liên quan sẽ thực hiện việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số ngành Du lịch nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch trước và sau chuyến đi. Trong đó, Công an tỉnh sẽ chủ trì việc nâng cấp, hoàn thiện phần mềm ứng dụng quản lý lưu trú còn Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng bản đồ số về các khu, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ đạt chuẩn phục vụ khách du lịch và Sở Văn hóa - Thể thao hoàn thiện số hóa 3D các hiện vật, công trình lịch sử, văn hóa trên địa bàn TP. Nha Trang để quảng bá văn hóa, lịch sử của thành phố cho du khách. Để hỗ trợ khách du lịch, Sở Du lịch sẽ xây dựng mới Cổng thông tin du lịch Nha Trang - Khánh Hòa trên cơ sở trang web nhatrang-travel.com và nhatrang-travel.com.vn; hoàn thiện ứng dụng trên thiết bị di động cung cấp thông tin điểm đến, đồng thời tích hợp đầu số điện thoại *2258 để hỗ trợ khách du lịch. Đồng thời, Sở Du lịch cũng xây dựng phần mềm hướng dẫn viên du lịch ảo, thuyết minh du lịch tự động ra các ngôn ngữ phổ biến, đồng thời phát triển các ứng dụng cung cấp dịch vụ du lịch trên sàn giao dịch du lịch điện tử và các ứng dụng thanh toán trực tuyến trên thiết bị di động thông minh. 

Ngoài ra, Sở Du lịch đề xuất việc xây dựng trung tâm điều hành du lịch của tỉnh phục vụ cho việc giám sát, hỗ trợ du khách trong trường hợp khẩn cấp hoặc khách cần sự trợ giúp. Bên cạnh đó, dự thảo Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch cũng khuyến khích các doanh nghiệp tham gia xã hội hóa các dự án liên quan. Mới đây, Sở Du lịch đã ký kết ghi nhớ hợp tác với Viettel Khánh Hòa, Công ty Giải pháp Du lịch thông minh (Smart Travel Solution) về việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động du lịch của tỉnh. Theo thỏa thuận hợp tác này, các bên liên quan sẽ thực hiện khảo sát hiện trạng và đề xuất giải pháp cụ thể cho việc triển khai Hệ thống Du lịch thông minh nhằm cung cấp các công cụ phục vụ cho cơ quan quản lý, hỗ trợ các doanh nghiệp, du khách và người dân thành phố Nha Trang, Khánh Hòa, đồng thời cam kết đề xuất cho tỉnh các giải pháp, công nghệ tiên tiến nhất, phù hợp với thực tiễn. 

Hiện nay, Smart Travel Solution đang xây dựng ứng dụng MyNhaTrang để hỗ trợ du khách bằng cách cung cấp cho du khách những thông tin cơ bản về các địa điểm lưu trú, ăn uống, mua sắm, thư giãn, các điểm tham quan, hướng dẫn đường đi, gợi ý phương tiện, giá cả lịch trình tour. Đối với viễn thông, Viettel Khánh Hòa và Smart Travel Solution đã đề xuất đề án Xây dựng và lắp đặt hệ thống wifi hỗ trợ khách du lịch và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch tại Nha Trang, cụ thể giai đoạn đầu doanh nghiệp sẽ lắp đặt khoảng 44 điểm phát sóng wifi dọc theo đường Trần Phú, tương lai sẽ mở rộng ra toàn thành phố để giúp người dân và du khách truy cập Internet miễn phí kết hợp với việc quảng bá du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, khảo sát ý kiến của du khách.

Bên cạnh đó, trong thời gian đình trệ hoạt động bởi dịch COVID-19, một số doanh nghiệp bắt đầu thử nghiệm làm việc dưới hình thức online với tiêu chí đảm bảo tốt, đạt hiệu quả cao trong công tác.

Tuy nhiên, việc triển khai áp dụng các giải pháp công nghệ thông tin cần thiết phải được xem xét cẩn trọng và có bước đi thích hợp. So với một số thị trường du lịch phát triển trong khu vực, nhân lực trong ngành Du lịch và người dân Việt Nam còn hạn chế, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động du lịch còn chưa cao. Hơn nữa, khung pháp lý, cơ chế thực hiện thống nhất từ Trung ương đến địa phương vẫn chưa hình thành, hạ tầng tiện ích đô thị, viễn thông đang từng bước đầu tư, tạo sự đồng bộ… 

Mặt khác, chi phí đầu tư giải pháp công nghệ thông tin rất cao, chu kỳ ứng dụng ngắn, cần được cập nhật liên tục trong khi nguồn ngân sách không đủ và khó khăn trong việc giải ngân, sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp còn rất ít. Những thách thức phát sinh từ sự tăng trưởng nhanh chóng của cả số lượng và yêu cầu về chất lượng của du khách, đã đặt ra nhiều vấn đề cho nhà quản lý cần suy nghĩ, đòi hỏi ứng dụng công nghệ thông tin một cách mạnh mẽ, đặc biệt trong công tác quản lý vì tính hữu dụng và lợi ích mang lại như: kiểm soát thông tin đầy đủ, kịp thời; giảm số lượng bộ máy nhưng tổ chức công việc đồng bộ, linh hoạt; công tác truyền thông hiệu quả; chi phí phân phối thấp. 

Đối với khách du lịch, công nghệ thông tin cải thiện chất lượng dịch vụ và góp phần nâng cao sự hài lòng của du khách qua việc tạo điều kiện tối ưu cho khách du lịch tiếp cận toàn diện thông tin chi tiết về điểm đến; sửdụng dịch vụ nhanh chóng, chính xác và được lựa chọn nhiều hơn; giải phóng thời gian cho dịch vụ khách hàng một cách hiệu quả; đánh giá thường xuyên để cải thiện chất lượng và cung cấp dịch mới theo nhu cầu…

4. KT LUN VÀ KIN NGH

Có thể thấy các điểm đến trên thế giới tham gia sâu vào du lịch thông minh đều bắt đầu từ việc chuyển đổi số, số hóa dữ liệu. Mô hình du lịch thông minh thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới là nhờ vào hệ thống hạ tầng hiện đại, đồng bộ và chính quyền tạo môi trường thân thiện, chính sách thiết thực, thuận lợi cho phát triển du lịch thông minh. Cùng với đó, chỉ riêng nỗ lực của ngành du lịch là chưa đủ, mà để phát triển thành công du lịch thông minh không thể thiếu sự kết nối và tham gia của các bên liên quan như hàng không, hải quan, xuất nhập cảnh, thuế, thương mại…, của cả cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội.

Du lịch Việt Nam đang ở giai đoạn ban đầu nên có cơ hội để phát triển du lịch theo hướng "thông minh hơn" thông qua việc học kinh nghiệm ở những nơi mà du lịch đã phát triển, tránh lặp lại những sai lầm của các quốc gia khác. Việt Nam có dân số đông, số lượng người sở hữu smartphone nhiều và tần suất sử dụng Internet cao là nền tảng cho phát triển du lịch thông minh. Xu hướng sử dụng công nghệ được đặc biệt chú trọng với tính hiệu quả trong công tác hỗ trợ phát triển ngành du lịch Việt Nam trong tương lai gần. Việc sử dụng ứng dụng công nghệ sẽ tạo ra nhiều sản phẩm mới hấp dẫn, kích thích tăng trưởng và phát triển du lịch bền vững. Ngoài ra, tính năng và công năng của các ứng dụng thông qua App trên điện thoại, máy tính được đánh giá là có lợi đối với các doanh nghiệp lữ hành trong việc tiết kiệm chi phí quảng cáo, tăng sự cảm nhận của khách hàng, dễ dàng liên kết các tour, bán hàng qua mạng, thanh toán trực tuyến… 

Tuy nhiên, để không chỉ dừng lại ở việc ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ du khách, mà đồng thời còn để nâng cao nhận thức của người dân và các bên liên quan để du lịch được phát triển bền vững và lâu dài hơn, các thành phần trong ngành Du lịch phải hướng tới hình thành một hệ thống tích hợp và trao đổi dữ liệu du lịch thông minh, qua đó tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm và dịch vụ du lịch. Đi cùng xu hướng chọn những điểm đến an toàn, ưu tiên di chuyển gần và giá cả phải chăng sau COVID-19, Việt Nam nói chung và Khánh Hoà nói riêng đáp ứng đầy đủ điều kiện, tiềm năng trở thành điểm đến được nhiều khách du lịch lựa chọn. Trong bối cảnh hiện nay, công nghệ là công cụ giúp địa phương phát triển du lịch bền vững và giúp du khách có được những trải nghiệm du lịch dễ dàng và thuận tiện hơn.

Hạn chế của bài viết này là đang tạm dừng ở giới thiệu và phân tích mối liên quan giữa chuyển đổi số và du lịch thông minh cũng như tìm hiểu thực trạng tác động và kinh nghiệm hình thành, thực hiện chuyển đổi số trên thế giới. Trong những nghiên cứu tiếp theo, tác giả sẽ áp dụng những phân tích trên như tiền đề để định hướng rõ hơn về giải pháp phát triển mô hình du lịch thông minh tại Việt Nam và tỉnh Khánh Hòa.  

Tài liệu tham khảo:

1. Baker, M., 2014. Digital Transformation. CreateSpace Independent Publishing Platform.

2. Bondarik, E., 2018. Digital transformation in travel and tourism. https://www. geospatialworld.net/blogs/digital-transformation-in-travel-and-tourism-the-customer-journey. Truy cập 5/2020.

3. Gretzel, U., Sigala, M., Xiang, Z. & Koo, C., 2015. Smart tourism: foundations and developments. Electronic Markets, pp. 179-188.

4. Kepios, W. A. S. H., 2020. Thống kê Digital 2020 https://file.hstatic.net/1000192210/ file/vietnamdigital2020-200218120322_8dfb7f63f208445faebc07549e75c92d.pdf?_ ga=2.41702503.479747892.1590507527-958754035.1590507527. Truy cập 5/2020.

5. Khánh Hòa online, 2019. Phát triển du lịch thông minh tại Khánh Hòa. https://www. baokhanhhoa.vn/du-lich/. Truy cập 5/2020.

6. Minh Hùng, 2019. Báo Du lịch Việt Nam. http://baodulich.net.vn/Tin-tuc-02.html. Truy cập 5/2020.

7. Ngọc Mai, 2018. Digital Transformation – Từ khóa của thời đại công nghiệp 4.0. https:// marketingai.admicro.vn/digital-transformation-tu-khoa-cua-thoi-dai-cong-nghiep-4-0/. Truy cập 5/2020.

8. Rabah, K., 2018. Convergence of AI, IoT, Big Data and Blockchain: A Review. The Lake Institute, tái bản lần 1 (Enhancing Global Innovation Agenda), trang 1-18.

9. Suryandari, N., 2019. Digital Revolution and the Development of Tourism. Atlantic Press, Tập 423, trang 309-328.

10. VTR, 2019. Phát triển du lịch thông minh trong bối cảnh công nghiệp 4.0. http://vtr.org. vn/phat-trien-du-lich-thong-minh-trong-boi-canh-cong-nghiep-40.html. Truy cập 5/2020.

(Bài đăng trên ấn phẩm in Tạp chí TT&TT Số 5+6 tháng 6/2020)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thực trạng chuyển đổi số trong phát triển du lịch thông minh tại một số quốc gia trên thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO