Thước đo hiệu quả cải cách hành chính là mức độ hài lòng của người dân

Trường Thanh| 15/02/2021 10:02
Theo dõi ICTVietnam trên

Cải cách nhằm phục vụ phát triển, lấy người dân, doanh nghiệp (DN) làm trung tâm. Xây dựng thể chế nhằm kiến tạo phát triển. Người dân, DN chỉ cần đến một địa chỉ, hoặc ngồi ở nhà có thể làm được các thủ tục hành chính (TTHC).

Nâng cao vị thế của Việt Nam trong xếp hạng thế giới

Theo Cục Kiểm soát TTHC - Văn phòng Chính phủ (VPCP), Việt Nam đã trải qua 3 làn sóng cải cách tạo ra dư địa cho tăng trưởng. Làn sóng thứ nhất là trong giai đoạn 2007-2011, Việt Nam thực hiện thành công Đề án đơn giản hóa TTHC trên các lĩnh vực quản lý nhà nước (Đề án 30), đã công khai 6.000 TTHC, ban hành 25 Nghị quyết để cắt giảm, đơn giản hóa 4.818/5.421 TTHC (cắt giảm 37,31% chi phí tuân thủ TTHC tương ứng với khoảng gần 30.000 tỷ đồng mỗi năm).

Ngay từ làn sóng cải cách thứ nhất, Việt Nam đã thu được những thành tựu hết sức quan trọng. Cuối năm 2010, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã đánh giá đây là một trong các hình mẫu để các quốc gia có thu nhập trung bình học hỏi triển khai thực hiện. Những kết quả này cũng tạo tiền đề để thực hiện bước thứ 2 là tin học hóa và sau đấy là thực hiện một cửa, giải quyết hồ sơ trên mạng tại một số bộ, ngành…

Làn sóng thứ hai là từ năm 2016 - 2020, với việc thực hiện Nghị quyết 19 và Nghị quyết 02 hằng năm, Nghị định 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Qua đó, đã cắt giảm, đơn giản hóa được hơn 50% điều kiện kinh doanh (3.893/6.191), cải cách quy định kiểm tra chuyên ngành liên quan đến 6.776/9.926 dòng hàng, tiết kiệm tới 6.300 tỷ đồng/năm, mở rộng mô hình cung cấp dịch vụ công (DVC) một cửa và tích hợp trên 2.700 DVC/6.800 TTHC lên Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG), tiết kiệm hơn 8.100 tỷ đồng/năm.

Kết quả cải cách đó đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao vị thế của Việt Nam trong các xếp hạng thế giới, như: Xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu giai đoạn 2016 - 2020 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam tăng 20 bậc, xếp thứ 70/190 quốc gia, nền kinh tế và xếp thứ 5 trong ASEAN; xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu GCI 4.0 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới thực hiện, năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 10 bậc giai đoạn 2018 - 2019, từ 77 lên 67/141 quốc gia và xếp thứ 7 trong ASEAN; Tạp chí US News &World xếp Việt Nam đứng thứ 8/80 và thuộc trong số 10 quốc gia top đầu có nền kinh tế tốt nhất để đầu tư.

Thước đo hiệu quả cải cách hành chính là mức độ hài lòng của người dân - Ảnh 1.

Việt Nam đã trải qua 3 làn sóng cải cách tạo ra dư địa cho tăng trưởng. (Ảnh nguồn: Internet)

Đẩy mạnh thực hiện TTHC trên môi trường điện tử

Cục Kiểm soát TTHC cho biết, các nước trên thế giới và trong khu vực ASEAN đang có cuộc đua "phi nước đại" về cải cách, kể cả cải cách quy định lẫn cải cách việc thực hiện thông qua ứng dụng những thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), sử dụng công cụ số để xây dựng quy định phù hợp với thực tiễn.

Trước thực tế đó, tháng 5/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025. Nghị quyết này được coi là mở ra một làn sóng cải cách thứ 3, có phạm vi bao phủ rộng nhất từ trước đến nay, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ nhằm thúc đẩy cải cách quy định và tổ chức thực hiện các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh với quan điểm lấy doanh nghiệp (DN), người dân làm trung tâm, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chương trình cải cách không chỉ dừng lại ở nhiệm vụ thống kê, rà soát, đánh giá, tính chi phí tuân thủ, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa đối với tất cả các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong các văn bản đang có hiệu lực thi hành mà cải cách toàn diện cả các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, cơ quan được giao xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành (bao gồm: quy định TTHC; về yêu cầu, điều kiện liên quan đến hoạt động kinh doanh; về chế độ báo cáo; về tiêu chuẩn, quy chuẩn và về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu).

Bên cạnh đó, không chỉ cải cách ở khâu xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh mà tập trung cải cách cả khâu tổ chức thực hiện các quy định trên thực tế thông qua đẩy mạnh thực hiện TTHC trên môi trường điện tử và triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không theo địa giới hành chính, tăng cường ứng dụng CNTT, giảm thời gian, chi phí xã hội và tạo thuận lợi tối đa cho DN, người dân.

Thực hiện Chương trình này, các bộ ngành, địa phương ngoài việc tập trung vào cải cách các quy định theo hướng quy định đơn giản, thuận lợi và minh bạch hơn, cũng cần tập trung vào cải thiện và đổi mới mạnh mẽ khâu tổ chức thực hiện các quy định, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3 - 4 để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, DN; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong các hoạt động của các cơ quan hành chính, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân, DN.

Cải cách nhằm phục vụ phát triển

Cũng theo Cục Kiểm soát TTHC, cải cách nhằm phục vụ phát triển, lấy người dân, DN làm trung tâm; Xây dựng thể chế nhằm kiến tạo phát triển. Hệ thống một cửa điện tử và Cổng DVC của địa phương kết nối với Cổng DVCQG thành một hệ thống hoàn chỉnh, người dân, DN chỉ cần đến một địa chỉ, hoặc ngồi ở nhà sẽ thực hiện được các TTHC.

Tuy nhiên, qua khảo sát của VPCP cũng như báo cáo của các địa phương, các bộ, ngành, tại điểm một cửa các cấp, 93,7% hồ sơ vẫn là hồ sơ giấy, chỉ có 6,3% là hồ sơ điện tử. Do đó, Nghị quyết 68/NQ-CP này 12/5/2020 ban hành chương trình cắt giảm, đơn giản hoá quy định liên quan hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025 tập trung cải cách việc thực hiện thông qua việc triển khai có hiệu quả việc thực hiện TTHC qua cơ chế một cửa, một cửa liên thông, không địa giới hành chính; thực hiện TTHC trên môi trường điện tử (Cổng DVCQG, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh…).

Hiện nay VPCP đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không theo địa giới hành chính, tăng cường ứng dụng CNTT, tạo thuận lợi tối đa, cắt giảm chi phí cho DN và người dân.

Bên cạnh đó, đưa CNTT vào quản lý, đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thước đo hiệu quả cải cách hành chính là mức độ hài lòng của người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO