Tích cực xây dựng tòa soạn hội tụ để thúc đẩy chuyển đổi số báo chí tại Việt Nam
Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, báo chí truyền thông phải tìm cách để thích ứng với môi trường truyền thông mới. Do vậy, việc xây dựng tòa soạn hội tụ đang trở thành xu thế tất yếu của các cơ quan báo chí.
Ngày 6/4/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 348/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.
Theo đó, đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số. 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số.
Như vậy có thể thấy rằng vận hành mô hình tòa soạn hội tụ là một trong những yếu tố cốt lõi để phát triển báo chí số, góp phần vào công cuộc chuyển đổi số.
Mô hình hiệu quả trong công tác chuyển đổi số báo chí
Tòa soạn hội tụ là sự kết hợp của nhiều loại hình báo chí: báo in, báo mạng, phát thanh, truyền hình... Trung tâm của mô hình này là một hệ thống phần mềm tòa soạn hội tụ để quản lý điều hành mọi hoạt động của tòa soạn.
Mô hình này giúp các tòa soạn đáp ứng được nhiều tiêu chí hội tụ như: không gian, nhân lực, phương thức thu thập, nội dung tin tức, cách thức truyền tin, thông tin quảng bá… Nói cách khác, các tòa soạn hội tụ có sự trang bị và hợp nhất về cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật hiện đại, cơ cấu tổ chức gọn nhẹ, linh hoạt với các bộ phận trong tòa soạn, đội ngũ nhà báo nhạy bén, thông thạo và làm chủ công nghệ mới.
Điều này góp phần tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả và chất lượng thông tin, thu hút độc giả và cải thiện hoạt động kinh doanh. Tất cả mọi người cùng hợp tác, thu thập và xử lý thông tin để đảm bảo đầu ra và đầu vào tốt nhất, mang lại kỹ năng truyền tải thông tin tối ưu nhất và tương tác với công chúng một cách hiệu quả nhất.
Trong mô hình tòa soạn hội tụ, các phòng ban chuyên môn, phóng viên, biên tập viên và lãnh đạo đều làm việc cùng nhau trong một không gian mở và trên cùng một mặt phẳng. Lấy trung tâm sản xuất và phân phối tin tức đa phương tiện, điều này giúp lãnh đạo tòa soạn có thể chỉ đạo nhanh chóng và thống nhất về nội dung cho từng nhân viên. Thông qua việc nghiên cứu các mô hình tòa soạn hội tụ trên toàn thế giới, chúng ta có thể rút ra được một số đặc điểm: Hội tụ về không gian làm việc; Hội tụ trong phương thức tác nghiệp của nhà báo; Hội tụ về nội dung; Thúc đẩy công chúng tương tác.
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã thúc đẩy báo chí phải thay đổi để bắt kịp với kỷ nguyên mới - kỷ nguyên số, hội tụ công nghệ và hội tụ nội dung đã hình thành đang phát triển. Hội tụ nội dung và hội tụ công nghệ được xem như là một chìa khóa để mở ra một con đường mới cho các nhà báo, các tòa soạn báo hiện đại. Để thực hiện được việc này, cần có một sự “tích hợp” và “hội tụ” cả về nội dung lẫn hình thức xuất bản của một tờ báo.
Đẩy mạnh xây dựng mô hình tòa soạn hội tụ tại Việt Nam
Tại Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, báo điện tử VnExpress, báo Nhân dân, báo Tuổi trẻ, báo điện tử VietnamNet, Cổng thông tin điện tử Chính phủ,… được xem là một trong những cơ quan báo chí đã làm chủ, ứng dụng công nghệ mới, chuyển từ báo chí một loại hình sang báo chí đa loại hình, tinh gọn bộ máy tổ chức, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên. Không đứng ngoài dòng chảy, một số báo chí địa phương cũng đã và đang xây dựng, vận hành theo mô hình tòa soạn hội tụ, đa phương tiện.
Không chỉ các cơ quan báo chí trung ương có quy mô lớn, đa dạng loại hình báo chí mà nhiều cơ quan báo chí địa phương như Báo Tuyên Quang, Báo Hà Tĩnh, Báo Nghệ An, Báo Hải Phòng… cũng xây dựng mô hình tòa soạn hội tụ hiện đại, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ vào hoạt động quản trị, vận hành, phân phối nội dụng.
Không chỉ tích hợp về mặt nội dung, nhiều tòa soạn đã tích hợp cả nhân lực, cơ sở vật chất, hạ tầng thông tin từ báo in, báo mạng điện tử, sản xuất nội dung video, và sử dụng các trang mạng xã hội với những fanpage để quảng bá, chuyển tải thông tin một cách đa dạng, nhanh chóng tới công chúng. Nhiều cơ quan báo đảng địa phương còn thường xuyên tổ chức các buổi tường thuật trực tiếp (như các đài truyền hình) trên báo điện tử của mình nhân những sự kiện lớn của địa phương. Có thể dễ dàng kể ra những sự thay đổi tích cực của các tòa soạn báo đảng địa phương nổi bật trong thực hiện chuyển đổi số, như: Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương…
Đổi mới sáng tạo trong xây dựng tòa soạn hội tụ là yếu tố dẫn đến thành công của chuyển đổi số
Để mô hình tòa soạn hội tụ phát triển, phục vụ đắc lực cho nền báo chí Việt Nam, rất cần sự quan tâm, tư duy đổi mới, nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của xu thế truyền thông đa phương tiện của lãnh đạo quản lý báo chí từ trung ương đến địa phương; rất cần sự hỗ trợ, đầu tư của chính quyền địa phương về cơ sở vật chất lẫn nhân lực, đảm bảo hoạt động của báo chí.
Đồng thời, các cơ quan báo chí cần sớm xây dựng, bổ sung, hoàn thiện chiến lược chuyển đổi số báo chí của các tòa soạn trong giai đoạn 5-10 năm tới. Đây là cơ sở để thay đổi nhận thức và thay đổi cách thức làm việc của cán bộ, nhân viên, cũng như cơ cấu hoạt động phù hợp tiêu chí của một tòa soạn hội tụ sản xuất và phân phối nội dung đa nền tảng, đa phương tiện.
Cùng với đó, cần đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ, đổi mới và phát triển theo mô hình “cơ quan báo chí-công nghệ” (media-tech) - nâng cao năng lực công nghệ để hỗ trợ cho lĩnh vực chuyên môn là báo chí. Để thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng tòa soạn số trong khi không phải xây dựng bộ phận nghiên cứu phát triển quy mô lớn, kinh nghiệm của một số cơ quan báo chí là hợp tác với các đối tác công nghệ trong và ngoài nước để cùng triển khai dự án.
Tiếp nữa là cần xây dựng quy trình vận hành tòa soạn số theo hướng “digital-first”. Hội tụ truyền thông không có nghĩa là cộng dồn một cách máy móc các loại hình báo chí trong cùng một cơ quan báo chí, mà thực chất một tòa soạn phải cấu trúc, sắp xếp để tận dụng tối đa nguồn lực, sản xuất thông tin theo phương thức tích hợp, thể hiện linh hoạt và phù hợp với từng nền tảng, từng nhóm đối tượng bạn đọc. Mô hình tòa soạn số vận hành trên không gian mở, tương tác đa chiều... qua thực tế đã chứng minh được hiệu quả khi giúp công việc thông suốt, tinh thần sáng tạo của các phóng viên, biên tập viên được tăng cao; bảo đảm tính đa phương tiện, đa nền tảng.
Mỗi cơ quan báo chí cần phải nhận thấy rằng tinh thần tự đào tạo, đổi mới sáng tạo phải là yếu tố sống còn quyết định thành công của chuyển đổi số. Triển khai quyết liệt chuyển đổi số, khuyến khích đổi mới sáng tạo, nhiều cơ quan báo chí đã xây dựng đội ngũ nhân sự đa năng có khả năng tác nghiệp nhiều loại hình báo chí, trên nhiều nền tảng, ghi nhận sự gia tăng vượt trội lượng truy cập trên các nền tảng để đưa tiếng nói của Đảng và Nhà nước đến với diện bạn đọc rộng mở hơn.
Ngay trong các cơ quan báo chí cũng phải thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nếu không, họ sẽ ì một chỗ, lạc hậu. Quy luật đào thải khắt khe buộc phải đổi mới tòa soạn, phù hợp với địa phương, nhu cầu của công chúng, xu thế đa phương tiện là một quá trình đòi hỏi, bắt buộc diễn ra liên tục.
Xét tình hình thực tiễn, nhiều tòa soạn địa phương còn gian nan, chưa vận hành thông suốt mô hình hội tụ, phức hợp, nhiều trong một, tuy nhiên, sự có mặt của các ấn phẩm báo điện tử sẽ như là một cú hích, giúp tòa soạn tập dượt trên các kênh truyền thông, sử dụng có hiệu quả về tài chính, nhân lực, tránh tình trạng lãng phí không đáng có.
Thời gian tới, hoạt động tòa soạn hội tụ sẽ hoạt động hiệu quả phát triển mạnh mẽ khi mỗi nhà báo luôn ý thức học hỏi, nâng cao tính năng động, nhạy bén của bản thân, mỗi tòa soạn đều lấy nguyên tắc và thế mạnh hội tụ để phát triển các loại hình báo chí. Qua đó góp phần thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số báo chí mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới./.