Tiền Giang cơ bản hoàn thành các tiêu chí xây dựng Chính quyền điện tử

Đơn Dương| 09/11/2019 07:20
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo tài liệu Điều chỉnh Qui hoạch Ứng dụng và Phát triển Công nghệ Thông tin tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Uỷ ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang phê duyêt, đến năm 2020, Tiền Giang cơ bản hoàn thành các tiêu chí xây dựng Chính quyền điện tử; từng bước xây dựng thành phố Mỹ Tho trở thành thành phố thông minh của Tỉnh; tiếp tục giữ vững thứ hạng khá về chỉ số sẵn sàng phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin.

Ngoài mục tiêu chính nêu trên thì Tiền Giang cũng công bố các mục tiêu chính khác như: ứng dụng công nghệ thông tin rộng rãi, góp phần quan trọng trong việc cải cách hành chính, hiện đại, minh bạch hoạt động của cơ quan nhà nước, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp. Hạ tầng công nghệ thông tin cơ bản hoàn thiện, nguồn nhân lực công nghệ thông tin phát triển đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới.

Những con số ấn tượng

Theo điều chỉnh Qui hoạch Ứng dụng và Phát triển Công nghệ Thông tin tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đến năm 2030, Tiền Giang là một trong những tỉnh phát triển mạnh về Chính quyền Điện tử, ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong tất cả các ngành, lĩnh vực; từng bước xây dựng các đô thị thông minh trên địa bàn Tỉnh. Tăng cường năng lực nghiên cứu, ứng dụng, phát triển sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin của tỉnh đạt mức độ khá trong toàn quốc.

Trong khi đó, Tiền Giang cho biết, đến năm 2020:

100% cán bộ, công chức cơ quan nhà nước được cấp và sử dụng hộp thư điện tử trong công việc. Cổng dịch vụ công của Tỉnh tích hợp tất cả các dịch công trực tuyến của các sở, ngành, địa phương; cung cấp được 70% dịch vụ công cơ bản mức độ 3 và 30% dịch vụ công mức độ 4 phục vụ người dân và doanh nghiệp.

100% doanh nghiệp kết nối Internet và sử dụng hệ thống thư điện tử phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

100% cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước các cấp được trang bị máy tính phục vụ tác nghiệp.

100% trường tiểu học trang bị phòng máy tính phục vụ giảng dạy môn tin học.

100% các đơn vị y tế cấp xã hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin (trang bị máy tính, kết nối Internet).

100% cơ quan nhà nước cấp sở, ban, ngành, huyện có cán bộ phụ trách và cán bộ lãnh đạo phụ trách công nghệ thông tin.

Ngoài ra cũng đến năm này, bước đầu Tiền Giang sẽ xây dựng các tiêu chí của thành phố thông minh tại thành phố Mỹ Tho, gồm hạ tầng đô thị thông minh, giáo dục thông minh, y tế thông minh, giao thông thông minh, thương mại điện tử.

100% các văn bản, tài liệu không mật trình Ủy ban nhân dân tỉnh dưới dạng điện tử (bao gồm cả các văn bản trình song song cùng văn bản giấy); 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước dưới dạng điện tử (bao gồm cả các văn bản gửi song song cùng văn bản giấy).

100% hồ sơ khai thuế, nộp thuế của doanh nghiệp nộp qua mạng mức độ 4.

100% các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục và đào tạo thực hiện quản lý hành chính xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng. 90% cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà trường; trong đó, 70% trường học sử dụng sổ quản lý điện tử.

65% dân số sử dụng các trang thiết bị kết nối Internet (máy tính xách tay, máy tính bảng, thiết bị cá nhân, điện thoại thông minh...). 100% cán bộ, công chức nhà nước, viên chức quản lý trong ngành giáo dục và y tế được bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật kiến thức công nghệ thông tin. Thu hút đầu tư ít nhất 1 khu công nghệ thông tin tập trung bao gồm các doanh nghiệp phần mềm, nội dung số và dịch vụ công nghệ thông tin.

Xa hơn nữa, đến năm 2030, Tiền Giang sẽ cung cấp 100% dịch vụ công mức độ 3 và 60% dịch vụ công mức độ 4 phục vụ người dân và doanh nghiệp.

100% cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà trường; trong đó, 90% trường học sử dụng sổ quản lý điện tử.

Trên 85% dân số sử dụng các trang thiết bị kết nối Internet (máy tính xách tay, máy tính bảng, thiết bị cá nhân, điện thoại thông minh...).

Có khoảng 20 - 25 doanh nghiệp phần mềm, nội dung số và dịch vụ công nghệ thông tin có thương hiệu.

Ứng dụng CNTT để hoàn thành các tiêu chí cơ bản của Chính quyền Điện tử

Đối với ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước, trong đó ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ cơ quan nhà nước: Nâng cấp và phát triển hệ thống thư điện tử phục vụ cho các cấp, các ngành trong toàn tỉnh. Đảm bảo tất cả cán bộ, công chức, viên chức nhà nước các cấp được cấp và sử dụng hộp thư điện tử của Tỉnh. Nâng cấp hệ thống quản lý văn bản và điều hành cho các sở, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện theo hướng tăng cường chức năng chỉ đạo, điều hành, mở rộng sự kết nối liên thông giữa các cấp, đảm bảo tính liên thông giữa các hệ thống quản lý văn bản và điều hành.

Với ứng dụng công nghệ thông tin chuyên ngành: Xây dựng hệ thống thông tin dùng chung các ngành trên cơ sở khai thác, chia sẻ dữ liệu dùng chung từ các hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã được triển khai. Ưu tiên triển khai các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quản lý ngành kế hoạch và đầu tư; ngành tài nguyên môi trường; ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; ngành giao thông vận tải; quản lý xây dựng. Chuẩn hóa các cơ sở dữ liệu của Tỉnh, từng bước tích hợp sử dụng các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.

Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp: Triển khai nâng cấp và mở rộng Cổng thông tin điện tử tỉnh của Tỉnh, Cổng dịch vụ công tích hợp các dịch vụ công của các sở, ngành, địa phương; cung cấp các dịch vụ công mức độ 3 và mức độ 4 liên quan nhiều đến người dân và doanh nghiệp, ưu tiên triển khai theo Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước giai đoạn 2016 – 2020.

Triển khai mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện cơ chế một cửa liên thông tại 100% cơ quan nhà nước các cấp.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực đời sống xã hội. Trong giáo dục đào tạo: Đẩy mạnh việc triển khai hệ thống thông tin quản lý toàn ngành giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu kết nối, liên thông tích hợp, chia sẻ thông tin đối với các hệ thống thông tin từ Trung ương đến địa phương. Quản lý học sinh, quản lý giáo viên, quản lý thi, xếp thời khóa biểu, sổ quản lý điện tử, tích hợp với trang thông tin điện tử của nhà trường trên môi trường mạng ở tất cả các cấp học mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên. Triển khai hệ thống quản lý hành chính điện tử và liên thông toàn ngành; hệ thống họp, hội thảo, tập huấn chuyên môn qua mạng. Ứng dụng dạy – học thông minh ở các cơ sở giáo dục và đào tạo, địa phương có đủ điều kiện trên nguyên tắc thiết thực, hiệu quả. Triển khai hệ thống học tập trực tuyến tại các cơ sở đào tạo đại học; lựa chọn, sử dụng các bài giảng trực tuyến của nước ngoài phù hợp với điều kiện của tỉnh.

Trong y tế: Phát triển hệ thống thông tin trong ngành y tế; xây dựng và nâng cấp hệ thống trang/cổng thông tin điện tử của Sở Y tế và 100% đơn vị bệnh viện tỉnh, huyện. Tiếp tục trang bị các phần mềm ứng dụng phục vụ cho công tác y tế, ứng dụng công nghệ thông tin trong nghiệp vụ chuyên khoa tại 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn. Triển khai xây dựng hệ thống thông tin quản lý bệnh viện tỉnh, huyện, tiến tới xây dựng bệnh viện điện tử, kết nối liên thông, tích hợp dữ liệu trong toàn tỉnh. Triển khai xây dựng hệ thống bệnh án điện tử, hệ thống thông tin quản lý khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế qua mạng điện tử tại 11 bệnh viện tỉnh huyện, hỗ trợ chẩn đoán y khoa. Từng bước xây dựng hệ thống khám, chữa bệnh từ xa, triển khai tại các bệnh viện tỉnh.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng và khai thác công nghệ thông tin trong khối doanh nghiệp. Nâng cấp và phát triển hoàn thiện Sàn giao dịch thương mại điện tử do Sở Công thương chủ trì, cung cấp các thông tin hàng hóa, quảng bá các sản phẩm, dịch vụ. Triển khai sử dụng hệ thống dịch vụ chữ ký số và thực hiện nghĩa vụ công và khai thác dịch vụ công của các doanh nghiệp. Ứng dụng giải pháp quản lý nguồn lực doanh nghiệp, quản lý và chăm sóc khách hàng, đầu tư phát triển môi trường giao dịch điện tử.

Xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng thương mại điện tử hiện đại và đồng bộ, bao gồm hệ thống thanh toán thương mại điện tử, hệ thống quản lý trực tuyến hoạt động vận chuyển cho thương mại điện tử, hạ tầng chứng thực chữ ký số cho thương mại điện tử, các tiêu chuẩn trao đổi thông điệp dữ liệu trong thương mại điện tử. Tiến hành thường xuyên các giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với khách hàng và giữa doanh nghiệp với nhà nước.


Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tiền Giang cơ bản hoàn thành các tiêu chí xây dựng Chính quyền điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO