Tiêu chuẩn trong kỷ nguyên số
Hoạt động tiêu chuẩn hóa đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình quá trình chuyển đổi số (CĐS), mang lại cơ hội cho công nghệ số, bổ sung cho các quy định quản lý tác động đến quá trình CĐS.
Tóm tắt:
- 3 lĩnh vực có nhiều tác động đến sự thành công của CĐS cần thúc đẩy tiêu chuẩn hóa: (i) Quản trị dữ liệu; (ii) Trí tuệ nhân tạo (AI); (iii) Nền tảng số.
- 5 Kiến nghị: (i) Tăng cường ứng dụng các tiêu chuẩn mở và mã nguồn mở; (ii) Phát triển các tiêu chuẩn tích hợp, chuyển dịch đối tượng tiêu chuẩn hoá từ sản phẩm sang khách hàng; (iii) Phát triển các tiêu chuẩn máy có thể đọc được; (iv) Phát triển các tiêu chuẩn cho dữ liệu đào tạo AI, tiêu chuẩn cho việc sử dụng các hệ thống ra quyết định dựa trên thuật toán AI của cơ quan nhà nước; (v) Phát triển các tiêu chuẩn dữ liệu cho phép dữ liệu cá nhân có thể di động giữa các nền tảng.
Ngày nay, trong quá trình CĐS, số hóa đã tạo ra một lượng lớn dữ liệu mới. Các dữ liệu này có thể được sử dụng để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới, các mô hình kinh doanh mới. Công nghệ số, dữ liệu số đã làm thay đổi cách chúng ta giao tiếp xã hội, làm việc, mua sắm và giải trí.
Dưới góc độ quản lý, hoạt động chuyển đổi số đã tạo ra hàng tỷ kết nối hàng ngày, hỗ trợ các giao dịch trên môi trường mạng xuyên quốc gia mà trước đây là không thể thực hiện do khoảng cách địa lý. Trong đó, (AI) cùng với dữ liệu lớn đã được sử dụng để đưa ra các quyết định quan trọng, ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều đối tượng trong toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội. Nhiều loại nền tảng số cũng đã trở nên phổ biến, đóng vai trò là môi trường cho giao dịch hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, sự lan rộng ngày càng tăng của công nghệ số và sự xâm lấn của nó đối với các hoạt động mà trước đây được tiến hành trực tiếp bởi con người cũng đã đặt ra một loạt các mối quan tâm mới như quyền riêng tư và bảo mật, các vấn đề về đạo đức trong sử dụng thuật toán và AI,...
Trong quá trình CĐS, việc áp dụng kịp thời và hài hòa các tiêu chuẩn có thể thúc đẩy khả năng đổi mới, tương tác, năng suất và chất lượng, đồng thời đảm bảo nhân rộng các giải pháp thành công trên diện rộng, tạo cân bằng giữa ưu và nhược điểm của việc ứng dụng các công nghệ số. Các nền kinh tế đang phát triển có thể cạnh tranh trên thị trường toàn cầu và tham gia vào chuỗi giá trị quốc tế khi họ có thể chứng minh việc tuân thủ các yêu cầu về chất lượng và quy tắc thương mại.
Thực tế cho thấy, công nghệ số và những mô hình kinh doanh mới của CĐS không dễ dàng phù hợp với khung pháp lý truyền thống mà các cơ quan quản lý sử dụng để can thiệp vào thị trường. Có thể thấy rằng các phương thức quản trị trước đây, phần lớn mang tính chất phản ứng, không thể hy vọng có hiệu quả trong thời đại CĐS. Các quy tắc quản trị và phương pháp tiếp cận quy định đối với công nghệ mới và các quy trình đổi mới cần nhanh nhẹn, linh hoạt hơn thông qua việc phát triển các quy định thử nghiệm như hộp cát (sandbox), phương pháp tiếp cận dự đoán (foresight), sử dụng các hướng dẫn và tiêu chuẩn của nhiều bên liên quan và thúc đẩy các sáng kiến quốc tế.
Hoạt động tiêu chuẩn hóa có cơ hội đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển giải pháp dựa trên các tiêu chuẩn cho các thách thức phát sinh trong quá trình CĐS, những vấn đề mới này cũng cung cấp cho các cơ quan quản lý cơ hội cải tiến các quy trình xây dựng, ban hành tiêu chuẩn trong kỷ nguyên số.
Trong quá trình CĐS, có 3 lĩnh vực có nhiều tác động đến sự thành công là: Quản trị dữ liệu - Trí tuệ nhân tạo - Nền tảng số. Chúng ta có thể xem xét cơ hội và thách thức của 3 lĩnh vực có trong quá trình CĐS và vai trò của tiêu chuẩn trong việc giải quyết các thách thức trong mỗi lĩnh vực.
Tiêu chuẩn cho Quản trị dữ liệu
Quá trình số hóa nền kinh tế đã tạo ra lượng lớn dữ liệu mới. Phân tích và sử dụng hiệu quả những tri thức có giá trị từ dữ liệu này sẽ tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ mới phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy vậy, việc sử dụng rộng rãi dữ liệu đã làm dấy lên những lo ngại xung quanh việc mất an toàn trong quá trình thu thập, sử dụng và lưu trữ dữ liệu. Một số nước đã ban hành các quy định hoặc quy tắc điều chỉnh việc thu thập và sử dụng dữ liệu. Mục đích chung là bảo vệ thông tin cá nhân trong quá trình thu thập, lưu trữ và sử dụng. Trong quá trình thực thi các quy định này, nhiều tiêu chuẩn quốc tế đã được áp dụng, đóng vai trò như một công cụ mà các tổ chức có thể sử dụng để chứng minh nỗ lực tuân thủ các quy định của mình.
Vấn đề mở dữ liệu và chất lượng dữ liệu nhằm tăng khả năng tiếp cận và sử dụng hiệu quả dữ liệu cũng đang được quan tâm. Tiêu chuẩn dữ liệu (hay Từ điển dữ liệu) là một tập hợp các mô tả về đối tượng hoặc mục dữ liệu trong một mô hình dữ liệu để tham khảo. Trong quá trình CĐS, dữ liệu là nguồn nguyên liệu chính cho hoạt động và tiêu chuẩn dữ liệu là một anh hùng thầm lặng sau lưng.
Tiêu chuẩn dữ liệu cho một dự án CĐS là nguồn tài liệu cung cấp hướng đi và bối cảnh cần thiết cho dữ liệu. Một tiêu chuẩn dữ liệu tốt bao gồm các thẻ ánh xạ nội dung, giá trị mong đợi, trường được xử lý, đặc tả dữ liệu và các định nghĩa thuật ngữ kèm ngữ cảnh được tích hợp hiệu quả vào nền tảng số. Tiêu chuẩn dữ liệu góp phần cung cấp tính minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc bằng cách chứa tất cả thông tin ánh xạ, định nghĩa, công thức, dữ liệu đặc tả.
Tiêu chuẩn cho Thuật toán và AI
Sơ khai, thuật ngữ thuật toán chỉ đơn giản đề cập đến một quá trình đã được thiết lập để đạt được một mục tiêu cụ thể. Thuật toán thường được so sánh với công thức nấu ăn, nghĩa là một tập hợp các hướng dẫn chi tiết cách tạo ra một kết quả cụ thể. Một trong những lý do khiến các thuật toán thu hút được sự quan tâm như như ngày nay là do sự liên kết của chúng với trí tuệ nhân tạo. Việc sử dụng các thuật toán để ra quyết định đang phổ biến trong các hoạt động kinh tế xã hội. Việc quản lý AI và các hình thức ra quyết định theo thuật toán đặc biệt phức tạp do đặc tính hộp đen (blackbox) của chúng.
Các tiêu chuẩn đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển và triển khai các hệ thống trí tuệ nhân tạo. Các tiêu chuẩn AI xác định các yêu cầu kỹ thuật, chỉ số hiệu suất và các phương pháp phù hợp nhất để phát triển và triển khai các công nghệ AI. Các tiêu chuẩn này rất quan trọng để đảm bảo rằng các hệ thống AI an toàn, đáng tin cậy và hợp đạo đức. Một lĩnh vực quan trọng cần có các tiêu chuẩn trong AI là dữ liệu. Các thuật toán AI yêu cầu đào tạo một lượng lớn dữ liệu và điều quan trọng là dữ liệu này phải chính xác, mang tính đại diện và không thiên lệch. Các tiêu chuẩn có thể giúp đảm bảo rằng dữ liệu được sử dụng để đào tạo AI có chất lượng cao và đáp ứng các yêu cầu nhất định về đạo đức và pháp lý.
Một lĩnh vực quan trọng khác cần có các tiêu chuẩn trong AI là khả năng diễn giải. Các hệ thống AI thường sử dụng các thuật toán phức tạp có thể khó hiểu, gây khó khăn cho việc xác định lý do tại sao một quyết định cụ thể được đưa ra. Các tiêu chuẩn có thể giúp đảm bảo rằng các hệ thống trí tuệ nhân tạo được thiết kế theo cách minh bạch và có thể giải thích được, để có thể hiểu và kiểm tra quá trình ra quyết định.
Ngoài ra, cần có các tiêu chuẩn để đảm bảo tính an toàn và độ tin cậy của các hệ thống AI. Các hệ thống AI có thể có tác động đáng kể đến cuộc sống của con người và điều quan trọng là chúng phải được thiết kế và triển khai theo cách giảm thiểu rủi ro và tối đa hóa lợi ích. Các tiêu chuẩn có thể giúp đảm bảo rằng các hệ thống AI tạo được kiểm tra, xác thực và chứng nhận trước khi chúng được triển khai và chúng đáp ứng các yêu cầu về hiệu suất và an toàn nhất định.
Tiêu chuẩn cho Nền tảng số
Đặc điểm cấu trúc của các nền tảng số đã giúp làm cho các nền tảng này trở nên hữu ích và là động lực trung tâm của nền kinh tế số. Trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, nền tảng số đã góp phần giảm chi phí giao dịch, tạo điều kiện kết nối và tăng tính linh hoạt. Tuy nhiên, chúng cũng dẫn đến việc giảm cạnh tranh do các nền tảng thường được thiết kế theo cách có lợi cho các nhà khai thác nền tảng.
Các tiêu chuẩn và nền tảng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, vì các tiêu chuẩn thường được sử dụng để đảm bảo tính tương thích, khả năng tương tác và chất lượng trong các nền tảng số.
Nền tảng số đề cập đến môi trường trực tuyến nơi người dùng có thể tương tác và trao đổi hàng hóa, dịch vụ hoặc thông tin. Nền tảng số có thể bao gồm phương tiện truyền thông xã hội, trang web thương mại điện tử và nền tảng điện toán đám mây. Các tiêu chuẩn rất quan trọng trong quá trình phát triển các nền tảng số vì chúng giúp đảm bảo rằng các công nghệ và hệ thống khác nhau có thể hoạt động cùng nhau và người dùng có thể tương tác với nền tảng một cách an toàn và đáng tin cậy.
Một lĩnh vực mà các tiêu chuẩn được sử dụng trong nền tảng số là khả năng tương tác dữ liệu. Các nền tảng số thường hoạt động thông qua việc trao đổi dữ liệu giữa các hệ thống và ứng dụng khác nhau. Các tiêu chuẩn có thể giúp đảm bảo rằng dữ liệu này được trao đổi ở định dạng nhất quán và chuẩn hóa, giúp các hệ thống khác nhau dễ dàng làm việc cùng nhau hơn.
Giống như các hoạt động thông thường trong đời sống kinh tế xã hội, bảo đảm an toàn là một yêu cầu mà các tiêu chuẩn cần giải quyết trong nền tảng số. Các nền tảng số thường lưu trữ, trao đổi thông tin nhạy cảm như dữ liệu cá nhân hoặc thông tin tài chính. Các tiêu chuẩn có thể giúp đảm bảo rằng thông tin này được bảo vệ khỏi truy cập trái phép, trộm cắp hoặc lạm dụng.
Các tiêu chuẩn cũng rất quan trọng trong các nền tảng số để đảm bảo chất lượng và hiệu suất. Các nền tảng số cần phải đáng tin cậy và hiệu quả để mang lại trải nghiệm tích cực cho người dùng. Các tiêu chuẩn có thể giúp đảm bảo rằng các nền tảng số đáp ứng các chỉ số hiệu suất nhất định, chẳng hạn như tốc độ, thời gian hoạt động và khả năng mở rộng.
Bàn luận và kiến nghị
Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông đã được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) quan tâm xây dựng và hoàn thiện từ rất sớm. Cho đến nay hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã có hơn 130 quy chuẩn kỹ thuật và hàng trăm tiêu chuẩn quốc gia về các quá trình, sản phẩm, dịch vụ. Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã trở thành công cụ đắc lực góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, bảo đảm quyền lợi của khách hàng, nâng cao năng suất chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh, hỗ trợ hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực TT&TT.
Không nằm ngoài xu thế CĐS trong toàn bộ đời sống kinh tế xã hội, hoạt động tiêu chuẩn hóa cũng cần có chuyển biến kịp thời, xác định các phương thức mới, các đối tượng mới, mở rộng sang các lĩnh vực mới. Để có thể góp phần thúc đẩy quá trình CĐS hiệu quả hơn nữa, một số khuyến nghị có thể được xem xét nhằm định hướng cho hoạt động tiêu chuẩn hóa phục vụ quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam thời gian tới.
(1) Tăng cường ứng dụng các tiêu chuẩn mở và mã nguồn mở
Tiêu chuẩn mở là tiêu chuẩn có sẵn miễn phí để áp dụng, triển khai và cập nhật. Cả hai tiêu chuẩn nguồn mở và mã nguồn mở đều có thể giúp bảo vệ người sử dụng khỏi sự phụ thuộc vào nhà cung cấp. Tiêu chuẩn mở và mã nguồn mở là cũng là những công cụ mạnh mẽ để thúc đẩy phát triển. Chúng tạo điều kiện cho nhà cung cấp nhỏ nhất có thể cạnh tranh với nhà cung cấp lớn nhất. Chúng làm cho dữ liệu mở cho bất kỳ công dân nào để kiểm tra, khai thác. Công nghệ cần được định hướng mở cho tất cả mọi người. Những nguyên tắc này đảm bảo các lựa chọn công nghệ trong tương lai sẽ có giá cả phải chăng, an toàn và sáng tạo. Các nguyên tắc “Mở” cần áp dụng cho mọi phạm vi hoạt động CĐS của Cơ quan nhà nước (CQNN), góp phần nâng cao chất lượng các dịch vụ công.
(2) Phát triển các tiêu chuẩn tích hợp, chuyển dịch đối tượng tiêu chuẩn hoá từ sản phẩm sang khách hàng
Các đặc tính đột phá của các công nghệ số mới tạo ra những cách thức tiếp cận mới trong công tác tiêu chuẩn hóa. Hệ thống tiêu chuẩn hóa hiện tại đa phần tập trung vào các đối tượng là hàng hóa vật chất và có sự thống nhất. Trong khi các sản phẩm, hàng hóa ngày nay ngày càng phức tạp, đa dạng và giao thoa giữa vật chất và số. Do đó, các tiêu chuẩn cần ngày càng trở nên tích hợp và có khả năng giải quyết sự hội tụ của công nghệ, cơ sở hạ tầng và các ngành công nghiệp. Quan điểm tiếp cận mới sẽ là việc phát triển tiêu chuẩn/công nghệ theo hướng hội tụ thay vì theo các lĩnh vực riêng biệt như đã làm trước đây.
Ngày nay nhiều công nghệ cho phép dễ dàng đo lường, hiểu sâu nhu cầu của khách hàng. Để duy trì tính cạnh tranh, thông qua việc theo dõi, phân tích hành vi của khách hàng, doanh nghiệp liên tục thay đổi và cập nhật sản phẩm nhằm tạo ra sản phẩm mới đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Điều này vô tình tác động đến các tiêu chí chuẩn hóa có liên quan. Hệ thống tiêu chuẩn cần được phát triển theo định hướng hệ sinh thái kết nối/tương tác khách hàng để có thể hiểu biết kịp thời về nhu cầu và hành vi của khách hàng.
(3) Phát triển các tiêu chuẩn máy có thể đọc được (machine-readable)
Sự phát triển của các tiêu chuẩn máy có thể đọc được là một bước tiến quan trọng cần được thúc đẩy để các tiêu chuẩn đóng một vai trò lớn hơn trong nền kinh tế số. Việc phát triển các tiêu chuẩn có thể đọc được bằng máy có thể góp phần giảm chi phí tuân thủ, nâng cao hiệu quả và thậm chí tự động hóa cả quá trình phát triển tiêu chuẩn, quá trình đánh giá sự phù hợp cũng như cung cấp thông tin về sản phẩm và chất lượng sản phẩm cho khách hàng.
(4) Phát triển các tiêu chuẩn cho dữ liệu đào tạo AI, tiêu chuẩn cho việc sử dụng các hệ thống ra quyết định dựa trên thuật toán AI của CQNN
Hoạt động tiêu chuẩn hóa dữ liệu có thể tác động tích cực đến ngành công nghiệp. Các công ty công nghiệp có thể trở nên hiệu quả và năng suất hơn nếu họ có thể tăng khả năng tương tác của hệ thống và phát triển các thuật toán phức tạp hơn để cải thiện chuỗi cung ứng của họ. Nhà nước cần quan tâm nhiều hơn về vấn đề này, cần có sự cởi mở hợp tác giữa các tổ chức tiêu chuẩn hóa (Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ TT&TT) với các CQNN khác (như Tổng cục Thống kê) và các hiệp hội, các doanh nghiệp để phát triển các tiêu chuẩn dữ liệu cho phép khả năng tương thích cao hơn giữa các hệ thống công nghiệp và bắt đầu tận dụng dữ liệu công nghiệp để đào tạo AI.
AI đã bắt đầu tham gia nhiều và có tác động vào quá trình CĐS trong toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội. Việc xây dựng và phát triển các tiêu chuẩn dữ liệu lớn, dữ liệu đào tạo AI có vai trò vô cùng quan trọng để đảm bảo AI đóng vai trò tích cực, không bị tác động bởi sự phân biệt đối xử được mã hóa trong dữ liệu sử dụng để đào tạo nó thì. Các CQNN cần xem xét việc phát triển các tiêu chuẩn cho việc sử dụng các hệ thống ra quyết định dựa trên AI của Chính phủ và các tổ chức công, trong đó cần lưu tâm đến các tiêu chuẩn đánh giá mức độ an toàn của các thuật toán sử dụng cho AI.
(5) Phát triển các tiêu chuẩn dữ liệu cho phép dữ liệu cá nhân có thể di động giữa các nền tảng
Sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa các nền tảng số sẽ thúc đẩy việc tạo ra các mô hình kinh doanh mới. Ngoài các tiêu chuẩn về chất lượng và hiệu suất, về bảo đảm an toàn thông tin, việc phát triển các tiêu chuẩn được thiết kế giúp cho dữ liệu người dùng có thể di chuyển giữa các nền tảng số sẽ khuyến khích đáng kể sự cạnh tranh.
Ngày càng có nhiều nước yêu cầu các nền tảng số cung cấp cho người dùng dữ liệu ở nhiều lĩnh vực khác nhau, từ lịch sử mua hàng từ các thị trường số đến các bài đăng, kết nối xã hội và tương tác từ các nền tảng truyền thông xã hội; dữ liệu lịch sử làm việc từ các nền tảng lao động số. Việc tạo ra các tiêu chuẩn về khả năng di chuyển dữ liệu có thể cho phép người dùng bắt đầu chuyển dữ liệu này giữa các nền tảng, sẽ dẫn tới cơ hội thúc đẩy nền kinh tế số phát triển mạnh hơn nữa./.
Tài liệu tham khảo
1. European Parliamentary, Standards and the digitalisation of EU industry, 2019
2. United Nations Industrial Development Organization (UNIDO), Standards and Digital Transformation - Good Governance in a Digital Age, 2021
3. Báo cáo kết quả đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ cấp bộ “Nghiên cứu định hướng xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn phục vụ chuyển đổi số tại Việt Nam”, Mã số: ĐT 41/21
4. Báo cáo kết quả Đề tài khoa học công nghệ: Nghiên cứu đề xuất khung tiêu chuẩn phát triển các nền tảng số ở Việt Nam, mã số ĐT.38/22
(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 5 tháng 5/2023)