TikTok mạnh tay với video xấu độc

Ánh Dương| 04/12/2020 17:22
Theo dõi ICTVietnam trên

Mới đây, TikTok - ứng dụng chia sẻ video ngắn thuộc sở hữu của công ty ByteDance (Trung Quốc), đã công bố một số chính sách mới đối với các video có nội dung kích động hận thù, bài tôn giáo và một số cộng đồng khác. Đây là một phần trong nỗ lực của ứng dụng này nhằm sàng lọc các sản phẩm có nội dung xấu, độc.

TikTok mạnh tay với video xấu độc - Ảnh 1.

TikTok hấp dẫn người dùng như thế nào?

TikTok là nền tảng video âm nhạc và mạng xã hội của Trung Quốc cho phép người dùng tạo ra các video ca nhạc ngắn, hát nhép, hài kịch, thể hiện tài năng chỉnh sửa chúng bằng âm nhạc và các hiệu ứng đặc biệt, sau đó chia sẻ video bằng tài khoản trong ứng dụng.

TikTok cung cấp bộ công cụ cho phép bất cứ ai có điện thoại thông minh đều có thể dễ dàng tạo ra một đoạn clip 15 hoặc 60 giây, mang dấu ấn sáng tạo riêng của mỗi cá nhân. Bộ công cụ này bao gồm một thư viện nhạc nền dồi dào và các bộ lọc hình ảnh đa dạng.

Với những tính năng hấp dẫn và thu hút người dùng, không khó hiểu khi nền tảng này ngay lập tức đứng đầu danh sách các ứng dụng được tải nhiều nhất tại Mỹ, Ấn Độ, Thái Lan, Nhật Bản và nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam.

Đây không chỉ đơn giản là một kênh giải trí với kho nội dung vô hạn, thậm chí có thể kiếm được tiền. Đầu tháng 1/2020, TikTok trở thành ứng dụng được tải nhiều nhất toàn cầu. Đến tháng 4, ứng dụng này vượt qua YouTube, trở thành nền tảng kiếm tiền tốt nhất thế giới (không tính các game) với doanh thu 78 triệu USD một tháng.

TikTok mạnh tay với video xấu độc - Ảnh 2.

TikTok đặc biệt phổ biến với người dùng smartphone trẻ tuổi.

TikTok đang hoạt động ở khoảng 150 nước trên thế giới và đặc biệt phổ biến với người dùng smartphone trẻ tuổi. Tuy nhiên, một nền tảng với lượng người dùng khổng lồ và kho nội dung vô hạn thì đi kèm với đó cũng là rất nhiều mặt trái như việc xuất hiện ngày càng nhiều những video xấu độc, video bạo lực hay video mang tính kích động phân biệt tôn giáo… đã gây ảnh hưởng và tác động không nhỏ đến người người dùng.

TikTok mạnh tay với các nội dung xấu, độc

Ngày 21/10, TikTok đã công bố một số quy định mới về việc cấm đăng tải các video chứa thông tin sai lệch và kích động tư tưởng hận thù nhằm vào người Do Thái, tín đồ Hồi giáo và một số cộng đồng khác.

Bên cạnh đó, TikTok cũng sẽ gỡ bỏ những video có nội dung kích động thù hận nhằm vào cộng đồng người chuyển giới, tương tự như với nội dung đề cao chủ nghĩa da trắng thượng đẳng. TikTok tuyên bố đây là một phần trong nỗ lực "quét sạch" những nội dung xấu, độc xuất hiện trên nền tảng của mình.

Đặc biệt, nhằm thể hiện quyết tâm của mình, TikTok đã đề xuất thành lập một liên minh toàn cầu giữa các công ty truyền thông xã hội để xác định sớm và loại bỏ những nội dung độc hại.

Theo đó, TikTok cho biết đã liên hệ với 9 công ty và đề xuất một cuộc họp để thảo luận về vấn đề này. Đề xuất được đưa ra trong bối cảnh các ứng dụng mạng đối mặt với một loạt chỉ trích về các vấn đề từ thông tin sai lệch đến vi phạm quyền riêng tư dữ liệu.

Trong báo cáo minh bạch của mình phản ánh về việc xóa các video xấu độc trong nửa đầu năm 2020, TikTok cho biết công ty này đã xóa hơn 104 triệu video trên toàn cầu do vi phạm điều khoản dịch vụ. Con số này cao gấp đôi so với 6 tháng cuối năm 2019, nhưng vẫn chiếm chưa đến 1% số video được đăng trên ứng dụng - cho thấy sự phát triển của nền tảng trong năm qua trên toàn thế giới.

Theo đó, gần 97% video đã bị TikTok chủ động xóa, với 90,32% bị xóa trước khi nhận được bất kỳ lượt xem nào. Trong số các video bị xóa trong 6 tháng đầu năm nay, khoảng 31% bị xóa vì hiển thị nội dung khiêu dâm hoặc ảnh khỏa thân, 22,3% vì lý do bảo mật thấp và khoảng 19,6% vì nội dung hiển thị các hoạt động bất hợp pháp. Các video còn lại bị xóa vì thể hiện các hành động nguy hiểm, tự sát, nội dung bạo lực, bắt nạt hoặc lời nói mang tính kích động sự hận thù.

Ấn Độ là quốc gia mà công ty này đã gỡ nhiều video nhất, với tổng số 37.682.924, tiếp theo là Hoa Kỳ với hơn 9 triệu, Pakistan với hơn 6 triệu, Brazil với hơn 5,5 triệu và Anh là gần 3 triệu video.

Báo cáo cũng cho thấy TikTok đã nhận được tổng cộng 1.768 yêu cầu cung cấp thông tin người dùng bởi lực lượng an ninh và cơ quan của 42 quốc gia, trong đó Ấn Độ là quốc gia yêu cầu nhiều nhất, tiếp theo là Hoa Kỳ. 

Tương tự, mạng xã hội này cũng đã nhận được 135 yêu cầu từ các cơ quan chính phủ của 15 quốc gia trong nửa đầu năm nhằm hạn chế hoặc loại bỏ nội dung, trong đó Ấn Độ một lần nữa dẫn đầu danh sách, tiếp theo là Nga. Về phần mình, TikTok cũng đã phân tích tổng cộng 10.625 thông báo xóa nội dung được bảo vệ bản quyền trên toàn thế giới, trong đó 89,6% nội dung đã bị xóa.

Rõ ràng, TikTok đã có những bước đi rất thông minh khi vừa biết nắm bắt đúng thị hiếu của người dùng để từng bước trở thành ứng dụng có độ phủ sóng rộng rãi trên nền tảng mạng xã hội, vừa có những hành động mạnh mẽ để tạo ra được môi trường giải trí lành mạnh cho người dùng.

Bài liên quan
  • Kiểm duyệt nội dung bằng AI, TikTok cắt giảm hàng trăm nhân sự
    Nền tảng truyền thông xã hội TikTok cho biết sắp sa thải hàng trăm nhân viên khỏi lực lượng lao động toàn cầu của mình, bao gồm một số lượng lớn nhân viên tại Malaysia, khi công ty chuyển sang sử dụng AI nhiều hơn trong việc kiểm duyệt nội dung.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
TikTok mạnh tay với video xấu độc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO