Tổ chức và quản lý lớp học trong thời đại công nghệ 4.0 (Phần 1)

Võ Văn Quân| 23/04/2020 16:47
Theo dõi ICTVietnam trên

Bài viết giới thiệu việc tổ chức và quản lý dạy học trực tuyến với ứng dụng có nền tảng mở và miễn phí Google Classroom.

Ngày nay, con người sống và làm việc trong những "Hệ sinh thái thông minh". Sứ mạng của giáo dục là trang bị cho con người năng lực, khả năng thích nghi, khả năng sử dụng và quan trọng hơn hết là khả năng tạo ra những sản phẩm thông minh. Vậy giáo dục đã thay đổi để có thể hoàn thành sứ mệnh chuẩn bị nguồn nhân lực cho tương lai chưa? Liệu "Lớp học thông minh", "Giảng đường thông minh", "Trường học thông minh" đã được triển khai chưa hay chỉ vẫn còn là ý tưởng?

Bài viết đề cập tới một hình thức tổ chức và quản lý lớp học trực tuyến, giúp công việc giảng dạy và quản lý sinh viên của giảng viên một cách đơn giản, thuận tiện và mang hiệu quả cao. Từ thực tế ứng dụng giảng dạy ở sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương - Nha Trang, tác giả tập trung nghiên cứu việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong việc tổ chức và quản lý dạy học trực tuyến với ứng dụng có nền tảng mở và miễn phí của Google, với công cụ Google Classroom.

Khái niệm về học tập trực tuyến

Học tập trực tuyến hay học tập trên mạng là hình thức học tập tạo ra yếu tố giao tiếp hai chiều giữa học viên với giảng viên - "ảo" và trao đổi với các bạn học - "ảo" qua mạng máy tính hoặc Internet. 

Học tập trực tuyến có tác dụng kích thích ý thức tự học của học viên, hỗ trợ học viên tiếp cận với nguồn thông tin phong phú hơn rất nhiều so với bài giảng trên lớp của giảng viên. Tuy mới ra đời không lâu, nhưng đến nay dạy học trực tuyến đã là một loại hình học tập rất phổ biến trên toàn thế giới, không những chỉ có tác dụng hỗ trợ cho học viên tự học, học viên đào tạo từ xa mà còn rất bổ ích cho việc học tập trên lớp theo loại hình đào tạo truyền thống.

Những ưu điểm của học tập trực tuyến bao gồm: Dễ tiếp cận và thuận tiện; tính linh hoạt; tự định hướng (người học có thể tự định hướng cho mình, bằng cách chọn khóa học phù hợp nhất đối với trình độ, sở thích, mục tiêu của bản thân); tự điều chỉnh (người học có thể tự điều chỉnh tốc độ học cho mình, nghĩa là có thể học từ từ hay nhanh); Tính đồng bộ; Tương tác và hợp tác.

Bên cạnh đó, việc học trực tuyến cũng có những hạn chế như: Cần phải có mạng và thiết bị kết nối mạng mới học được; Không có không gian sôi nổi như một lớp học truyền thống; Tương tác trực tiếp với bạn học và với giáo viên bị hạn chế.

Giới thiệu một số mô hình học tập trực tuyến

Tùy điều kiện và nhu cầu cụ thể, các cá nhân và tổ chức giáo dục sẽ tự quyết định chọn, sử dụng hệ thống nào nào cho phù hợp nhất. Bằng những khảo sát tác giả khái quát những thông tin cơ bản về các hệ thống quản lý học tập phổ biến dưới đây.

Moodle

Tổ chức và quản lý lớp học trong thời đại công nghệ 4.0 (Phần 1) - Ảnh 1.

Moodle ra đời từ năm 1999 bởi Martin Dougiamous (1969), do ông không hài lòng với hệ thống WebCT tại nơi ông làm việc - Đại học Curtin, Australia. Nó là một hệ thống quản lý học tập rất phổ biến và danh giá. 

Đến nay, Moodle vẫn là công cụ hàng đầu trong lĩnh vực quản lý học tập với hơn 89 triệu lượt đăng ký với nhà cung cấp, hơn 54.000 site ứng dụng Moodle, tại 212 vùng lãnh thổ với giao diện của 75 ngôn ngữ khác nhau. Có hơn 90 triệu đối tác tài trợ và đồng hành phát triển Moodle ở hơn 40 quốc gia trên thế giới.

Tại Việt Nam, được khởi xướng bởi trung tâm Tin học - Bộ giáo dục và Đào tạo, cộng đồng Moodle Việt Nam được thành lập 3/2005. Đến nay đã có hơn 2000 trường học, công ty đang dùng Moodle triển khai chương trình đào tạo trực tuyến cho sinh viên và nhân viên của họ.

Các ưu điểm của Moodle là mọi chức năng của hệ thống quản lý học tập đã rất hoàn thiện, chỉ cần cài đặt là có thể sử dụng được ngay; Nền tảng mã nguồn mở và miễn phí; kiến trúc Moodle cho phép thực hiện kết nối mở rộng dễ dàng, cộng đồng nghiên cứu lớn. Mặt khác, sinh viên có thể xây dựng các Module cho Moodle và chia sẻ nó cho cộng đồng toàn cầu, giúp tăng cơ hội trải nghiệm và cơ hội nghề nghiệp của bản thân. Nếu Moodle đủ tốt, nó sẽ được tích hợp vào phiên bản mới của Moodle thường được phát hành 6 tháng một lần, điều đó thật đáng tự hào.

Một số hạn chế của Moodle là cần có nhân lực quản trị hệ thống chuyên nghiệp, có kiến thức về hệ thống mã nguồn mở, PHP & MySQL; không nên duy trì hệ thống có số lượng người đồng thời lớn hơn 500.

Blackboard

Tổ chức và quản lý lớp học trong thời đại công nghệ 4.0 (Phần 1) - Ảnh 2.

Ra đời năm 1997, nhưng Blackboard bắt đầu được sử dụng phổ biến từ tháng 6/2014. Đến nay, đã có hơn 3.700 cơ sở giáo dục tại hơn 60 quốc gia sử sản phẩm này. Blackboard đã cấp giấy phép phát triển và ứng dụng phần mềm và dịch vụ lên quan cho hơn 2.200 cơ sở giáo dục tại hơn 60 quốc gia. Các tổ chức này sử dụng phần mềm Blackboard để quản lý học tập điện tử, chế biến, giao dịch và thương mại điện tử v.v…

Là sản phẩm có đầy đủ các tính năng dễ dàng sử dụng, và hoạt động ổn định tuy nhiên giá thành khá cao và tính đóng của sản phẩm là một điểm hạn chế của Blackboard.

Tại Việt Nam, công ty IEG là đối tác chính thức của Blackboard, đã có nhiều chương trình quảng bá và đã có khách hàng đầu tiên là (ĐH Công nghệ - ĐHQG Hà Nội). Tháng 4/2018, tại hội thảo "Đổi mới phương pháp dạy học trong kỷ nguyên số đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp" do trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM tổ chức, Blackboard đã được giới thiệu và được đón nhận nhiệt liệt; Hy vọng nó sẽ sớm được ứng dụng vào trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Dokeos

Tổ chức và quản lý lớp học trong thời đại công nghệ 4.0 (Phần 1) - Ảnh 3.

Là nhà cung cấp dịch vụ học tập trực tuyến của Bỉ, Dokeos cung cấp các chức năng quản lý khóa học, xây dựng các khóa học trực tuyến từ hệ thống hiện có như bộ sản phẩm Microsoft Office. Sản phẩm được thương mại hóa với các phần mềm thông minh, cung cấp tổ chức các hội nghị truyền hình trực tuyến, các lớp học đào tạo trực tuyến. Dokeos có khách hàng là các doanh nghiệp, các tổ chức chính phủ.

Dokeos là phần mềm mã nguồn mở, có nhiều phiên bản: Miễn phí và phiên bản pro. Phiên bản miễn phí thì không có sự hỗ trợ của nhà phát triển, khả năng vận hành không ổn định, vẫn chưa hoàn thiện dược các chức năng, khả năng sử dụng và phát triển ở Việt Nam bị hạn chế.

Sakai

Tổ chức và quản lý lớp học trong thời đại công nghệ 4.0 (Phần 1) - Ảnh 4.

Sakai là phần mềm mã nguồn mở và miễn phí được xây dựng và duy trì bởi cộng đồng Sakai và cộng đồng Sakai để có thể hoạt động được lâu dài

Tổ chức Sakai chỉ có một số lượng nhỏ các thành viên hoạt động và kết hợp như: quản lý dự án, đảm bảo chất lượng, quản lý phát hành và lập kế hoạch cho hội thảo. Mục đích của Sakai là dự án sản xuất ra phần mềm mã nguồn mở cung cấp môi trường cộng tác và học tập. 

Nhiều người dùng đã phát triển hệ thống này để hỗ trợ cho việc dạy và học. Phần mềm Sakai có thể chạy trên nhiều hệ thống khác nhau. Sakai cung cấp các tùy chọn để cài đặt với mục tiêu rút ngắn khoảng cách, vị trí và hỗ trợ yêu cầu của hầu hết ứng dụng.

Google Classroom

Google Classroom là ứng dụng dành cho giáo dục và được thiết kế cho tất cả mọi người tham gia vào việc giảng dạy. Ứng dụng này hiện đang được nhiều giảng viên ưa chuộng do các tính năng vượt trội trong tổ chức và quản lý lớp học. Đây là sản phẩm miễn phí do công ty Google sản xuất và đưa vào ứng dụng chính thức từ năm 2014 [1].

Tuy ra đời muộn hơn so với phần lớn các nền tảng học tập trực tuyến khác nhưng nó lại nhận được sự chào đón khá lớn từ người dùng. Google Classroom tổ chức lớp học thông qua việc hỗ trợ ba tính năng chính: Giao tiếp, Giao bài tập và Lưu trữ. Việc giao tiếp được thực hiện thông qua các thông báo (announcement), các phản hồi (comment) và tích hợp thêm email. Người dạy và người học có thể đính kèm thêm tài liệu, video, ảnh… ở trong các thông báo. 

Việc giao và nhận bài tập được thực hiện thông qua ứng dụng Google Drive chia sẻ chung. Mỗi lớp học được tổ chức vào trong một thư mục riêng, mỗi người học sẽ được tự động tạo một thư mục cho phần bài tập của mình. 

Ưu điểm đầu tiên của Google Classroom đó là giao diện được thiết kế đơn giản, quen thuộc với những người đã sử dụng qua các sản phẩm khác trước đó của Google. Google Classroom không có nhiều tính năng. Hay nói cách khác, các tính năng của Google Classroom đều được tối giản hết mức để phục vụ những nhu cầu cần thiết nhất của việc triển khai lớp học. 

Việc thiết kế khóa học, đăng ký và vận hành một lớp học trên Google Classroom diễn ra khá đơn giản và dễ dàng. Ứng dụng này cũng khả dụng cho thiết bị iOS và Android, cho phép người dùng truy cập thông tin ngoại tuyến. Người dạy có thể theo dõi sự tiến bộ của từng người học, sau khi chấm điểm, người dạy có thể đưa ra nhận xét và góp ý [1].

Tài liệu tham khảo

[1]. An Nhiên  (2017),  "Google Classroom: Ứng dụng cho phép ai cũng có thể mở lớp học online". https://trithucvn.net/khoa-hoc/google-classroom-ung-dung-cho-phep-ai-cung-co-mo-lop-hoc-online.html. Truy cập 10/01/2020.

[2]. Nguyễn Huy Toàn (2018), "Ứng dụng Google Classroom trong dạy học và quản lý sinh viên". https://miles2give.org/ung-dung-google-classroom-trong-day-hoc-va-quan-li-sinh-vien/. Truy cập 20/01/2020.

[3]. Nguyễn Sa Duy, (2018), "Vận dụng google apps và google classroom vào dạy học tích cực tin học 11 bài tập kiểu xâu". https://xemtailieu.com/tai-lieu/skkn-van-dung-google-apps-va-google-classroom-vao-day-hoc-tich-cuc-tin-hoc-11-bai-tap-kieu-xa-1087211.html. Truy cập 08/02/2020.

[4]. Phan Ngọc Anh, 2017 "Tổ chức, quản lý lớp học hiệu quả hơn trên Google Classroom", http://tis.edu.vn/chuc-quan-ly-lop-hoc-hieu-qua-hon-tren-google-classroom.

(Phần 2 của bài báo sẽ Một số tính năng nổi bật của Google Classroom trong tổ chức và quản lý lớp học trực tuyến)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tổ chức và quản lý lớp học trong thời đại công nghệ 4.0 (Phần 1)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO