Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng gia tăng

PV| 13/11/2021 10:41
Theo dõi ICTVietnam trên

Mặc dù các cơ quan chức năng đã cảnh báo đến người dân về các phương thức, thủ đoạn lừa đảo qua Internet và mạng xã hội, trong số đó có nhiều chiêu trò không mới, tuy nhiên số lượng nạn nhân mắc bẫy vẫn không ngừng gia tăng.

Sự bùng nổ, phát triển mạnh mẽ của Internet và mạng xã hội đã mang lại nhiều tiện ích cho con người. Song, đi kèm với đó, các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, đặc biệt là lừa đảo qua mạng cũng ngày càng phổ biến và tinh vi hơn, gây bức xúc trong nhân dân và ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.

Kiếm tiền online - Bẫy giăng sẵn chờ mồi

"Việc làm tại nhà ổn định, ngày làm chỉ 2 - 3 tiếng là nhận được từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng…" hay "chỉ cần ít vốn tải app về và ngồi đếm tiền…" và hàng trăm status khác của các trang mạng xã hội không khỏi làm nhiều người đang rảnh rỗi tò mò, muốn kiếm thêm thu nhập vào xem cách kiếm tiền thời 4.0. Thế nhưng, không ai biết được đâu là những việc thật hay những dẫn dắt quanh co nhằm trục lợi của những kẻ lừa đảo có hạng.

Dạo nhanh trên trang mạng xã hội Facebook, gõ tìm kiếm "Kiếm tiền online" là có thể bắt gặp hàng chục cách kiếm tiền online, chiếc bánh vẽ việc nhẹ, lương cao làm cho những người có thời gian muốn làm việc kiếm thêm thu nhập. Tại đây, có đủ các loại công việc giới thiệu cho các người tham gia, công việc từ đào tiền ảo (đào coin), hay tạo app trên điện thoại...

Thế nhưng, không phải dễ để kiếm được một công việc đúng nghĩa giống như lời quảng cáo được đăng tải. Những người dùng mạng xã hội đăng tải nhiều status như một "ma trận" đủ loại công việc khiến cho nhiều người lầm tưởng đây là những công việc kiếm tiền thật sự nhẹ nhàng, lương cao, nhưng thực ra đó như những "mồi thơm" dụ những ai ham tiền, muốn kiếm tiền nhanh mà lại chỉ thích việc nhẹ nhàng.

Gia tăng tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng - Ảnh 1.

Đến nay, những website, app trên điện thoại kiếm tiền vẫn được một số người quảng cáo trên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo và đang hoạt động, dù biết là những trang web này là website ảo, app kiếm tiền ảo, nhưng một số người trên mạng xã hội vẫn âm thầm tham gia vào các group này để mong kiếm được món hời cho công việc nhẹ nhàng không tốn nhiều thời gian.

Trên thực tế, những app kiếm tiền này đa phần đều ảo. Phần mềm được viết, xây dựng rất sơ sài, thông tin không rõ ràng, không có địa chỉ cụ thể, không tồn tại được lâu. Sau khi tạo website, app điện thoại lôi kéo khách hàng vào chơi, các nhóm này sẽ tìm cách đánh vào lòng tham của khách hàng nhằm dụ dỗ "con mồi" nạp thật nhiều tiền, đến khi thấy vừa đủ là bọn chúng sẽ cho sập app, xem như mọi thông tin bị cắt đứt không thể liên lạc được.

App lừa đảo mọc như nấm sau mưa

Trong đợt dịch COVID-19 năm 2020, app "Giật đơn hàng" Tailoc888 cũng đã lấy đi hàng tỉ đồng của những người tham gia nhằm kiếm những khoản thu nhập hấp dẫn này. Chỉ trong vài ngày sau khi thu được hàng tỉ đồng từ hàng ngàn người chơi, app Tailoc888 bỗng dưng bị sập để lại nhiều nỗi đau, sự uất ức cho nhiều người.

Tuy nhiên, khi app Tailoc888 vừa sập chưa được bao lâu thì trên mạng xã hội lại xuất hiện không ít trang web, app khác được đăng tải với hình thức kiếm tiền dễ dàng hơn, hoa hồng cao hơn. Người tham gia lại tiếp tục tìm đến những website, app này, đến khi app bị sập thì họ lại giật mình biết rằng bị lừa nhưng không biết khiếu nại ở nơi đâu, vì thông tin trên các website, app kiếm tiền trên điện thoại kiểu này đều mập mờ không rõ ràng, chỉ duy nhất có số tài khoản của người nạp tiền được đưa lên hệ thống.

Những website, app trên điện thoại dạng này được viết rất đơn giản nên khi sập, thì chỉ cần một thời gian ngắn là có thể sửa đổi website, app khác dựa trên nền tảng lập trình của website, app cũ. Đối tượng chỉ cần thay đổi hình ảnh, cách thiết kế đôi chút là tạo lại ngay một website, app mới. Vì không có đăng ký pháp lý rõ ràng nên các loại hình thức này chỉ sử dụng được một thời gian là phải thay đổi để tránh sự giám sát của cơ quan chức năng.

 Một số website, app cá nhân thiết kế lập trình trò chơi, những yếu tố thu hút khách hàng tham gia để câu view, like hay hướng dẫn một cách thức một công việc, đều  phải tốn một số chi phí. Sau khi số lượng khách hàng tham gia, hoặc số tiền của những khách hàng chơi trò chơi có đầy app, người tạo ra app có lợi nhuận sẽ chiếm dụng số tiền của khách hàng, thậm chí sẽ làm sập website, app.

Không có việc nhẹ, ít vốn không tốn thời gian lại mang lại thu nhập cao bất thường. Do vậy, người dân cần đề cao cảnh giác khi tham gia mạng xã hội kiếm việc làm online, tránh bị dụ dỗ, mất tài sản một cách đáng tiếc. Mặc dù các cơ quan chức năng đã cảnh báo đến người dân về các phương thức, thủ đoạn lừa đảo qua Internet và mạng xã hội, trong số đó có nhiều chiêu trò không mới, tuy nhiên số lượng nạn nhân mắc bẫy vẫn không ngừng gia tăng. Bên cạnh sự vào cuộc của các lực lượng chức năng, mỗi người dân cần đề cao cảnh giác, chủ động cập nhật thông tin, nâng cao hiểu biết để không bị sập bẫy kẻ gian lừa đảo trên Internet và mạng xã hội.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng gia tăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO