Diễn đàn

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam

Nhóm PV điện tử 15/01/2025 09:30

Diễn đàn quốc gia về doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI vinh dự có sự tham dự và chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Diễn đàn quốc gia về doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI được Bộ TT&TT tổ chức hôm nay ngày 15/1/2024 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Việt Nam, tại Hà Nội.

Trong những năm qua, triển khai định hướng của Đảng và Nhà nước về chủ trương thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp (DN) của Việt Nam thực hiện thiết kế, sáng tạo và sản xuất tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã chủ trì tổ chức thường niên Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Diễn đàn là một trong những sự kiện lớn nhất của ngành TT&TT và luôn được các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm bố trí thời gian tham dự, gặp gỡ, khích lệ, động viên, chỉ đạo, định hướng cộng đồng DN công nghệ số Việt Nam.

bt-phat-bieu-khai-mac.jpg
Toàn cảnh Diễn đàn.

Làm chủ công nghệ và các nhiệm vụ làm chủ công nghệ chiến lược

Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, trong đó có quan điểm làm chủ công nghệ và các nhiệm vụ làm chủ công nghệ chiến lược. Sự ra đời của Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị là kim chỉ nam, khai sáng với mọi ngành nghề, không chỉ có tính thúc đẩy và thay đổi về bản chất cách thức hoạt động mà còn tác động sâu sắc đối với cộng đồng DN công nghệ số Việt Nam.

Nhằm thực hiện chủ trương, định hướng lớn của Tổng Bí thư về làm chủ công nghệ số và cuộc cách mạng CĐS,, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, Bộ TT&TT tiếp tục tổ chức Diễn đàn quốc gia về phát triển DN công nghệ số Việt Nam lần thứ VI năm 2024 với chủ đề "Làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số Việt Nam bằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam".

Mục tiêu của Diễn đàn là đưa ra các thông điệp của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc phát triển DN công nghệ Việt Nam nhằm làm chủ công nghệ số, công nghệ chiến lược, và đề xuất nhận nhiệm vụ chiến lược triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, tập trung vào các nội dung như sau:

(1) Đánh giá quá trình thực hiện chủ trương Make in Viet Nam, phát triển DN công nghệ số Việt Nam gắn với việc làm chủ công nghệ số, công nghệ chiến lược, thực hiện nhiệm vụ trọng điểm quốc gia về chuyển đổi số trong giai đoạn vừa qua; những kết quả và thành tựu ấn tượng của cộng đồng DN công nghệ số Việt Nam.

(2) Định hướng làm chủ công nghệ số, thúc đẩy DN công nghệ số Việt Nam sáng tạo sản phẩm số làm chủ quá trình chuyển đổi số quốc gia, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; chính sách phát triển công nghiệp công nghệ số, công nghiệp bán dẫn Việt Nam giai đoạn tới.

(3) Thông điệp về những chính sách mới về công nghiệp công nghệ số (Luật Công nghiệp công nghệ số) và định hướng phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam mở ra không gian phát triển cho DN công nghệ số; Kêu gọi cộng đồng DN công nghệ số Việt Nam chung tay tham gia cuộc cách mạng CĐS quốc gia.

(4) Lan tỏa kết quả ấn tượng về chủ trương, định hướng Make in Viet Nam trong những năm qua: DN công nghệ số Việt Nam đã khẳng định năng lực làm chủ công nghệ số có tác động ảnh hưởng đến cuộc sống, được thị trường trong và ngoài nước chấp nhận.

Các cơ quan, tổ chức, DN lại đột phá hiệu quả, tác động rộng khắp. DN công nghệ số của Việt Nam giải các bài toán CĐS trong các ngành kinh tế, cải thiện năng lực cạnh tranh và tăng cường hiệu quả kinh doanh của các DN Việt Nam, đã khẳng định tên tuổi, trí tuệ Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới đem giá trị từ nước ngoài đóng góp cho sự thịnh vượng của Việt Nam.

Cũng tại Diễn đàn này, nhiều nội dung sẽ được đưa ra thảo luận, đặc biệt định hướng, chính sách và giải pháp phát triển trong giai đoạn tới về công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI) để kiến nghị Chính phủ Việt Nam xây dựng thể chế, chính sách đột phá nhằm ưu đãi hỗ trợ, khuyến khích, kêu gọi tập hợp sức mạnh từ Chính phủ đến xã hội trong phát triển DN công nghệ số. Diễn đàn cũng sẽ đề ra việc nghiên cứu, làm chủ công nghệ số giúp đẩy nhanh quá trình thực hiện cuộc cách mạng CĐS Việt Nam và đưa Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên mới.

"Sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam và doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là để Make in Viet Nam" - là một chủ trương, định hướng sáng tạo lớn để khơi dậy nội lực, khát vọng của đất nước phát triển trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã được tuyên bố vào năm 2019 tại Diễn đàn quốc gia về phát triển DN công nghệ số Việt Nam lần thứ nhất.

Trong những năm qua, Make in Viet Nam đã được cộng đồng DN không chỉ trong lĩnh vực công nghệ số hưởng ứng mà đã tạo hiệu ứng tích cực trong tất cả các ngành, lĩnh vực khác; cộng đồng doanh nhân, DN đã thay đổi tư duy, định hướng sáng tạo, sản xuất các sản phẩm chất lượng của người Việt cho thị trường trong nước và định hướng toàn cầu. Các sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam đã được người tiêu dùng Việt Nam đón nhận và đi ra thị trường nước ngoài.

Năm 2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, Việt Nam chúng ta đang đứng trước yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển. Đó là cuộc cách mạng CĐS.

Điều này cũng cho thấy, chủ trương đẩy mạnh CĐS là một trong những quan điểm thể hiện ý chí, khát vọng phát triển đất nước trong giai đoạn mới của người đứng đầu quốc gia, tạo động lực thúc đẩy cả hệ thống chính trị vào cuộc, hình thành cuộc cách mạng trong CĐS để nâng cao năng lực của lực lượng sản xuất và phát triển quan hệ sản xuất phù hợp với tình hình mới của đất nước. Để làm chủ quá trình CĐS Việt Nam thì DN công nghệ số Việt Nam chính là lời giải.

DN công nghệ số ngày càng đóng vai trò chủ lực trong nền kinh tế

Hiện nay, DN công nghệ số ngày càng đóng vai trò chủ lực trong nền kinh tế. Năm 2024, tổng doanh thu công nghiệp công nghệ số ước đạt 157,984 tỷ USD tăng 10,20% (so với 2023), Tăng trưởng bình quân giai đoạn: 9,95%; Giá trị Việt Nam trong tổng doanh thu công nghiệp công nghệ số đạt 31,8%, tăng từ 21,35% vào năm 2019; Tổng số nhân lực đạt 1,67 triệu người, tăng 67% so với năm 2019; Toàn ngành có 73.788 DN đang hoạt động tăng 10,12% (so với 2023).

Việt Nam đang được xếp hạng top đầu thế giới: (1) Đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu điện thoại di động thông minh; (2) Đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu linh kiện máy tính; (3) Đứng thứ 6 thế giới về xuất khẩu thiết bị máy tính; (4) Đứng thứ 8 thế giới về thiết bị linh kiện điện tử; (5) Đứng thứ 7 thế giới về gia công phần mềm.

Trong bối cảnh kinh tế nói chung bị suy giảm và thị trường CNTT nội địa chật chội, Bộ TT&TT ra không gian mới, giúp DN mở rộng thị trường, tăng trưởng doanh thu và khẳng định uy tín của thương hiệu sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam, khẳng định vị thế của CNTT Việt Nam trên bản đồ thế giới, đóng góp giá trị cho ngành.

Theo số liệu tổng hợp, tính đến hết năm 2024, có gần 1.900 DN công nghệ số có doanh thu từ thị trường nước ngoài, tăng 26,67% so với năm 2023, với tổng doanh thu khoảng 11,5 tỷ USD tăng 53,3% so với năm 2023, trong đó đã hình thành được một số DN phần mềm lớn có khả năng cạnh tranh, cung cấp dịch vụ cho các thị trường hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu…

Thế giới đang bước vào một cuộc cạnh tranh, chạy đua để làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số nhằm xây dựng một nền kinh tế số, xã hội số, công dân số. Đây là mục tiêu mong muốn của các nước phát triển và cũng là cơ hội cho các nước như Việt Nam cùng bước vào một vạch xuất phát để cạnh tranh ngang bằng với các nước tiên tiến trên thế giới.

Việc làm chủ các công nghệ số được xem là nền tảng quan trọng cho Việt Nam "cất cánh" vươn lên, phát triển mạnh mẽ. Mục tiêu làm chủ các công nghệ số đã và đang được các tập đoàn công nghệ Việt Nam tập trung đầu tư nghiên cứu, sáng tạo ra những sản phẩm công nghệ số cụ thể. Chỉ có làm chủ công nghệ số thì Việt Nam mới kiến tạo được nền kinh tế số phát triển vượt bậc, góp phần xây dựng xã hội cho tương lai.

Để đạt được mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 khi Đảng ta tròn 100 tuổi và trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045, Việt Nam phải dựa vào công nghệ số, dựa vào các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam để phát triển.

Chính vì vậy, việc tổ chức Diễn đàn năm nay với chủ đề "Làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình CĐS Việt Nam bằng DN công nghệ số Việt Nam" sẽ góp phần thúc đẩy phát triển hệ sinh thái các DN công nghệ số Việt Nam, thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số, công nghiệp bán dẫn với khát vọng đưa Việt Nam trở thành cường quốc về công nghệ số, làm chủ công nghệ số và làm chủ quá trình CĐS.

Chương trình Diễn đàn bao gồm 1 Phiên cấp cao đưa ra những thông điệp của Đảng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về định hướng thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số, công nghiệp bán dẫn của Việt Nam, DN công nghệ số gắn với việc làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình CĐS trong các ngành kinh tế, hình thành phương thức sản xuất số của Việt Nam; hai Phiên tham luận chuyên đề chuyên sâu về phát triển công nghiệp bán dẫn, AI.

Cũng tại Diễn đàn, Bộ TT&TT tổ chức Lễ công bố và trao Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam năm 2024 tôn vinh các sản phẩm công nghệ số xuất sắc, mang tự hào trí tuệ Việt Nam, tạo ra động lực mới để tăng trưởng kinh tế, tạo lợi thế cạnh tranh quốc gia và tăng năng suất lao động, tạo ra kết quả thiết thực hơn và toàn diện hơn mang lại giá trị cho người dân và DN trong CĐS, phát triển kinh tế số cho các ngành, lĩnh vực kinh tế xã hội và các sản phẩm công nghệ số mới. Giải thưởng cũng tiếp tục tôn vinh các sản phẩm công nghệ số Việt Nam chinh phục thế giới, đóng góp cho sự phát triển của nhân loại và làm thịnh vượng Việt Nam.

Trong khuôn khổ Diễn đàn cũng sẽ tổ chức khu trưng bày triển lãm gồm gần 40 gian hàng để đại biểu tham dự có thể tham quan, trải nghiệm trực quan các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số Make in Viet Nam do DN Việt Nam làm chủ công nghệ, làm chủ quá trình CĐS quốc gia.

Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội. Diễn đàn có sự tham dự của (1) đại biểu Việt Nam: Đại diện cơ quan Đảng, cơ quan của Quốc hội; Lãnh đạo Chính phủ, Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương; Đại diện các tổ chức nghiên cứu, đào tạo trong nước; Đại diện các hiệp hội trong lĩnh vực CNTT, điện tử viễn thông, đại diện các nhóm DN công nghệ số Make in Viet Nam; Các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ số; Các cơ quan thông tấn, báo chí và (2) Đại biểu quốc tế: Đại diện các tổ chức kinh tế - thương mại, nghiên cứu, đào tạo; Đại diện các tổ chức ngoại giao; Đại diện các Hội/Hiệp hội, các tập đoàn công nghệ số đa quốc gia; Các chuyên gia và đại diện các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam./.

Tạp chí TT&TT tiếp tục cập nhật hình ảnh và thông tin về Diễn đàn.

Bài liên quan
  • Hướng tới vinh danh các "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” 2024
    Giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam" là giải thưởng vinh danh những sản phẩm, giải pháp, nền tảng xuất sắc, tiêu biểu, thể hiện năng lực của doanh nghiệp Việt và người Việt trong việc làm chủ về công nghệ, chủ động thiết kế, chế tạo các sản phẩm công nghệ số.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tổng Bí thư Tô Lâm dự Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO