Diễn đàn

Công bố thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về KHCN, ĐMST và chuyển đổi số

Hoàng Linh 11:03 13/01/2025

Bộ Chính trị công bố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, do Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng ban Chỉ đạo. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng là Ủy viên ban Chỉ đạo.

Quyết định được công bố tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia diễn ra sáng nay, 13/1.

Hội nghị được kết nối trực tuyến từ điểm cầu Hội trường Diên Hồng - Nhà Quốc hội tới 15.345 điểm cầu trên toàn quốc với sự tham dự của hơn 978.500 đại biểu tham dự Hội nghị.

bac-2-1736737321058148579656.jpg
Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước; nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước tham dự Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hội trường Diên Hồng - Nhà Quốc hội có Tổng Bí thư Tô Lâm, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Lương Cường; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Trường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng;…

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tham dự Hội nghị tại điểm cầu Bình Dương; nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tham dự Hội nghị tại điểm cầu Long An; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự Hội nghị tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh.

Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số

Hội nghị đã nghe công bố Quyết định của Bộ Chính trị về thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ (KH-CN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) quốc gia; quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo.

img0045-1736737403119165140032.jpg
Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước; nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước cùng các đại biểu thăm quan các gian hàng công nghệ tại Hội nghị. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Ngày 10/1, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 229, thành lập Ban Chỉ đạo T.Ư về phát triển KH-CN, ĐMST, CĐS số trực thuộc Bộ Chính trị. Bộ Chính trị ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo.

Theo đó, Ban Chỉ đạo gồm 19 thành viên:

1. Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng ban Chỉ đạo;

2. Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó trưởng ban Chỉ đạo;

3. Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư Trần Cẩm Tú, Phó trưởng ban Chỉ đạo;

4. Trưởng ban Tổ chức T.Ư Lê Minh Hưng, Ủy viên Ban Chỉ đạo;

5. Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Ủy viên ban Chỉ đạo;

6. Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên ban Chỉ đạo;

7. Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên ban Chỉ đạo;

8. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, Ủy viên ban Chỉ đạo;

9. Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, Ủy viên ban Chỉ đạo;

10. Chánh văn phòng T.Ư Đảng Nguyễn Duy Ngọc, Phó trưởng ban thường trực ban Chỉ đạo;

11. Trưởng ban Kinh tế T.Ư Trần Lưu Quang, Phó trưởng ban Chỉ đạo;

12. Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Phó trưởng ban Chỉ đạo;

13. Thủ trưởng Cơ quan Ủy ban Kiểm tra T.Ư, Phó trưởng ban Chỉ đạo;

14. Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên ban Chỉ đạo;

15. Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên ban Chỉ đạo;

16. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên ban Chỉ đạo;

17. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên ban Chỉ đạo;

18. Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên ban Chỉ đạo;

19. Phó chánh Văn phòng T.Ư Đảng Phạm Gia Túc, Ủy viên thường trực ban Chỉ đạo;

Cũng theo quy định của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo T.Ư chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện giải pháp đột phá phát triển KH-CN, ĐMST, CĐS quốc gia.

Cùng đó, nghiên cứu đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét chủ trương, định hướng giải pháp đột phá phát triển KH-CN, ĐMST, CĐS quốc gia.

Ban Chỉ đạo cũng có chức năng chỉ đạo, đôn đốc, giám sát các cấp ủy triển khai các nghị quyết, quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước về đột phá KH-CN, ĐMST, CĐS.

Đồng thời, rà soát cơ chế pháp luật, thủ tục hành chính, CĐS quốc gia để kiến nghị, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, thực hiện…

Bảy nhóm nhiệm vụ và giải pháp

Cũng tại Hội nghị, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Thái Thanh Quý đã báo cáo tóm tắt tình hình, kết quả thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển KH-CN, ĐMST và CĐS thời gian qua; quán triệt, triển khai tinh thần và nội dung cốt lõi của Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KH-CN, ĐMST và CĐS quốc gia, cho biết, thời gian qua, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, sự nghiệp phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững đất nước.

Khoa học và công nghệ thúc đã đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngày càng khẳng định rõ hơn vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Các tổ chức KH-CN và đội ngũ cán bộ phát triển cả về số lượng và chất lượng, là lực lượng đi đầu trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và ĐMST. Trung tâm ĐMST Quốc gia được thành lập và đi vào hoạt động bước đầu phát huy hiệu quả. Việt Nam thuộc nhóm đầu các quốc gia ban hành Chiến lược CĐS quốc gia. Hệ thống tổ chức quản lý nhà nước và khung khổ pháp lý cho CNTT, CĐS tiếp tục hoàn thiện. Hạ tầng số quốc gia được đẩy mạnh xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại; hạ tầng viễn thông phát triển hiện đại, rộng khắp ngang tầm các nước phát triển...

Về Nghị quyết số 57-NQ/TW, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Thái Thanh Quý cho biết, Nghị quyết được kết cấu gồm 4 phần chính có liên quan chặt chẽ với nhau.

Cụ thể, về quan điểm, nghị quyết xác định rõ 5 nhóm quan điểm chỉ đạo, trong đó Bộ Chính trị khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo quốc gia, xác định rõ đây là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn ngụy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.

Nghị quyết nêu 5 nhóm mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, từ đó xác định 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp, trong đó trọng tâm là: Nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển KH-CN, ĐMST và CĐS quốc gia. Khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển KHCN, ĐMST và CĐS. Phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển KH-CN, ĐMST và CĐS quốc gia…/.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Công bố thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về KHCN, ĐMST và chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO