Make in Viet Nam

Giải thưởng Make in Viet Nam 2024 phản ánh đầy đủ các lĩnh vực KT-XH của Việt Nam

Hoàng Linh 16:40 06/12/2024

Sau 2 tháng phát động, Ban Tổ chức Giải thưởng Make in Viet Nam năm 2024 cho biết đã nhận được 257 hồ sơ đăng ký tham dự.

Giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam 2024" là giải thưởng uy tín, chính thức trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát động từ tháng 8/2024.

Đến nay, Hội đồng giám khảo và các Tiểu ban Giải thưởng đang triển khai công tác chấm giải.

chu-tich-vnisa-2.jpg
Ông Nguyễn Thành Hưng: Hạng mục Giải thưởng năm 2024 cũng phản ánh được đầy đủ các lĩnh vực kinh tế, xã hội của Việt Nam.

Trao đổi với PV Tạp chí TT&TT, ông Nguyễn Thành Hưng, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT, Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA), Chủ tịch Hội đồng giám khảo Giải thưởng cho biết, Giải thưởng năm nay có 8 hạng mục được xét trao giải, tăng 3 hạng mục so với năm 2023.

Tính đến hết ngày 22/10/2024 (hết thời hạn đăng ký tham gia), website Giải thưởng đã ghi nhận tổng cộng 257 hồ sơ đăng ký tham gia Giải thưởng. Trên cơ sở rà soát sơ bộ đã có 183 hồ sơ ở 8 hạng mục đạt tiêu chí. Năm 2022, Giải thưởng nhận được 218 hồ sơ ở 4 hạng mục, trong đó 162 hồ sơ đạt tiêu chí. Năm 2023, giải nhận được 277 hồ sơ ở 5 hạng mục, trong đó 171 hồ sơ đạt tiêu chí.

“Như vậy, số lượng hồ sơ đạt tiêu chí năm 2024 nhiều hơn so với năm 2022 và năm 2023. Hạng mục Giải thưởng năm 2024 cũng sẽ phản ánh được đầy đủ các lĩnh vực kinh tế, xã hội của Việt Nam”, Chủ tịch Hội đồng giám khảo Giải thưởng Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh.

Lựa chọn những hồ sơ xứng đáng nhất, xuất sắc nhất để trao giải

Chia sẻ về công tác lựa chọn hồ sơ đăng ký tham dự Giải thưởng năm 2024, ông Nguyễn Thành Hưng cho biết, việc chấm giải năm 2024 về cơ bản giữ nguyên như năm 2023, bao gồm 3 giai đoạn, cụ thể là:

Giai đoạn sơ tuyển tham dự Giải thưởng

Cơ quan thường trực rà soát, lựa chọn những hồ sơ đạt tiêu chí quy định của Quy chế, báo cáo Hội đồng Giám khảo và Ban Tổ chức xem xét, phê duyệt danh sách hồ sơ đạt tiêu chí qua vòng sơ tuyển theo quy định.

Giai đoạn sơ khảo

Các Tiểu ban của Hội đồng Giám khảo tổ chức chấm điểm các hồ sơ đạt tiêu chí qua vòng sơ tuyển, lựa chọn 12 hồ sơ có số điểm cao nhất của mỗi hạng mục Giải thưởng để mời thuyết trình, bảo vệ trực tiếp.

Sau đó, các Tiểu ban của Hội đồng tổ chức cho 12 doanh nghiệp có hồ sơ đạt số điểm cao nhất của mỗi hạng mục để thuyết trình, bảo vệ.

Trên cơ sở đó, các Tiểu ban sẽ đánh giá, lựa chọn Top 10 hồ sơ theo thứ tự điểm từ cao xuống thấp của mỗi hạng mục, đề cử vào vòng chung khảo.

Giai đoạn chung khảo

Căn cứ vào danh sách đề cử của các Tiểu ban, Hội đồng Giám khảo tổ chức các phiên họp để đánh giá, lựa chọn Top 10 và các giải Vàng, Bạc, Đồng cho 8 hạng mục Giải thưởng.

“Việc sơ tuyển và chấm điểm hồ sơ được thực hiện hết sức chặt chẽ, công tâm để lựa chọn những hồ sơ xứng đáng nhất, xuất sắc nhất để trao giải”, ông Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh.

ong-nguyen-thanh-hung.jpg
Ông Nguyễn Thành Hưng, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT, Chủ tịch VNISA, Chủ tịch Hội đồng giám khảo trao các top 10 của Giải thưởng "Make in Viet Nam" 2023.

Giải thưởng thu hút được doanh nghiệp nhỏ, startup công nghệ số

Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Nguyễn Thành Hưng cũng nhấn mạnh Giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” là một trong các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm đã được Thủ tướng Chính phủ đề ra trong Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14/01/2020 về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Giải thưởng nhằm tuyên dương các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tiêu biểu thực hiện tốt chiến lược “Make in Viet Nam”, đồng thời hỗ trợ xúc tiến đầu tư, quảng bá thương mại, thúc đẩy tiêu dùng trong nước và hỗ trợ xuất khẩu cho các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp và mô hình kinh doanh của doanh nghiệp công nghệ số.

Qua các năm triển khai Giải thưởng, ông Nguyễn Thành Hưng cho biết Bộ TT&TT cũng đã tiến hành khảo sát, đánh giá phản hồi từ các doanh nghiệp đạt giải trước đây, một số ý kiến đánh giá như sau:

- Thương hiệu và uy tín của doanh nghiệp được nâng cao, hình ảnh trở nên chuyên nghiệp hơn;

- Khách hàng củng cố thêm niềm tin vào uy tín của sản phẩm. Khách hàng khẳng định sự tin tưởng vào các sản phẩm của đạt giải Make in Viet Nam, đây là một trong những tiêu chí khi tìm hiểu và lựa chọn sử dụng cho đơn vị, tổ chức. Từ đó góp phần giúp doanh nghiệp mở rộng và phát triển thêm những cơ hội kinh doanh với khách hàng ở nhiều lĩnh vực, quy mô.

- Giải thưởng giúp sản phẩm được quảng bá và lan tỏa nhanh, giúp tiếp cận được với nhiều khách hàng và nâng cao độ nhận diện của sản phẩm.

Chủ tịch Hội đồng Giám khảo khẳng định: Giải thưởng được tổ chức nhằm khuyến khích, động viên các doanh nghiệp công nghệ nhỏ. Giải thưởng có hạng mục Sản phẩm công nghệ số tiềm năng giành riêng cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Trong những năm qua, hạng mục này đều thu hút được số lượng doanh nghiệp nhỏ, startup công nghệ số quan tâm, nộp hồ sơ dự thi nhiều nhất”, ông Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Giải thưởng Make in Viet Nam 2024 phản ánh đầy đủ các lĩnh vực KT-XH của Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO