Make in Viet Nam

Giải thưởng "Make in Viet Nam" uy tín và ý nghĩa với DN công nghệ số

Hoàng Linh 17:37 09/12/2024

Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam là giải thưởng uy tín. Doanh nghiệp tin tưởng vào sự đánh giá khắt khe, chuyên nghiệp, khách quan của đơn vị tổ chức.

Đây là trao đổi của ông Tạ Minh Vang, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Dịch vụ Tin học CEH, một doanh nghiệp số Việt Nam đã tích cực thúc đẩy chuyển đổi số cảng biển Việt Nam bằng sản phẩm, giải pháp Make in Viet Nam.

ong-ta-minh-vang.jpg
Ông Tạ Minh Vang, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Dịch vụ Tin học CEH.

Ông Tạ Minh Vang cho biết, Công ty TNHH Dịch vụ Tin học CEH đã tham gia Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam từ năm 2022 và đạt giải Đồng với sản phẩm “Nền tảng công nghệ Vietnam Smarthub Logistics - VSL”.

VSL hiện là nền tảng kết tích hợp 35 cảng biển, hơn 20.000 xe đầu kéo, 118 hãng tàu nội địa và quốc tế, kết nối cổng thanh toán trực tuyến 4 ngân hàng (BIDV, VietinBank, MB, VCB, NAPAS). Nền tảng cũng đã kết nối hóa đơn điện tử với VNPT, Viettel, BKAV, Tổng cục Hải quan, hệ thống định danh điện tử (Đề án 06 - Bộ Công an) và hệ thống bản đồ số giám sát hành trình sà lan, xe đầu kéo. Nền tảng thực hiện thanh lý hải quan tự động và cung cấp chứng từ điện tử có giá trị pháp lý.

Nền tảng VSL đã được trao giải ứng dụng chuyển đổi số xuất sắc dành cho bộ ngành trong khuôn khổ Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số năm 2022.

make-in-2022.jpg

Chia sẻ về ý nghĩa của Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam, ông Tạ Minh Vang cho biết Giải thưởng có ý nghĩa rất lớn đối với nền tảng VSL.

Từ thói quen dùng giao dịch trực tiếp, chứng từ giấy có con dấu, thanh toán tiền mặt và không công nhận dữ liệu liên thông giữa các nhà cung cấp dịch vụ, sau khi được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Bộ TT&TT hỗ trợ trong công tác tuyên truyền, đánh giá bảo mật, nâng cấp tính năng thông qua việc tham dự Giải thưởng, nền tảng đã mang đến sự tin tưởng cho doanh nghiệp kho bãi cảng, hãng tàu, vận tải… để cung cấp dịch vụ trực tuyến cho khách hàng.

Trong quá trình triển khai VSL, CEH đã gặp khó khăn, vướng mắc về chính sách. Khi tham gia Giải thưởng, với sự hỗ trợ tích cực từ Ban Tổ chức Giải thưởng, CEH đã nhận được sự hỗ trợ các Bộ, ngành liên quan như Bộ GTVT, Bộ TT&TT, Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan. Các Bộ, ngành đã sẵn sàng chia sẻ, góp ý, hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp công nghệ phát triển sản phẩm và đóng góp cho ngành.

Ông Tạ Minh Vang cho biết, năm 2020, với việc triển khai VSL cho 1 cảng ban đầu đến nay VSL đã có 35 kho, bãi cảng sử dụng, sản lượng thông qua năm 2024 đạt 4,5 triệu Teus (đơn vị đo lường tương đương 1 container 20 feet tiêu chuẩn) và hơn 5.000 tỷ đồng.

Sau khi trải nghiệm nền tảng VSL, các doanh nghiệp cảng biển Việt Nam đã tin tưởng vào chất lượng sản phẩm, giải pháp cảng biển Make in Viet Nam, đã đặt hàng phát triển các ứng dụng khác nhằm phục vụ hoạt động quản lý, điều hành, giám sát, thúc đẩy chuyển đổi số và toàn trình trong ngành logsitics Việt Nam. Cụ thể, có thể kể đến các đề án như: Cảng Mở (Cái Mép, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Khu Thương mại tự do (FTZ) kết nối cảng biển, Hải quan thông minh…

Với trình độ công nghệ của các kỹ sư cũng như sự đầu tư mạnh mẽ của doanh nghiệp Việt Nam, ông Tạ Minh Vang khẳng định doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã có những sản phẩm tương đương hoặc chất lượng vượt trội so với thế giới.

Đối với ngành khai thác cảng biển, Việt Nam đã có các sản phẩm như: Vietnam Terminal Operation System (VTOS), Smartgate không dừng xử lý hoàn toàn bởi trí tuệ nhân tạo (AI).

cang-bien-viet-nam.jpg

“Các sản phẩm được thiết kế với nền tảng công nghệ hiện đại, tính năng phong phú, phù hợp với đặc thù khai thác Việt Nam, triển khai nhanh chóng (2 tuần thay vì 16 - 18 tháng), chi phí đầu tư hạ tầng giảm 90% và chi phí đầu tư giảm 80%”, ông Tạ Minh Vang thông tin.

Ngoài ra, còn có các ứng dụng công nghệ hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ như: Gọi xe chở hàng, chở container, gọi sà lan, container Re-use, đặt hàng container rỗng theo hình ảnh… là những ứng dụng đi tiên phong mà các quốc gia khác chưa thực hiện.

hinh-anh-giao-nhan-cong.png

Ông Tạ Minh Vang nhấn mạnh: “Make in Viet Nam là giải thưởng uy tín, doanh nghiệp tin tưởng vào sự đánh giá khắt khe, chuyên nghiệp, khách quan của đơn vị tổ chức. Hiện nay, Giải thưởng đang là một kênh tham khảo có giá trị quan trọng trong quyết định đầu tư. Do đó, Giải thưởng cần tiếp tục có sự đánh giá sâu sát tính thực tiễn, thông tin cụ thể chất lượng sản phẩm, không chạy theo KPI.

Sản phẩm Make in Viet Nam, ngoài việc vinh danh sự đóng góp của doanh nghiệp công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số các lĩnh vực, khẳng định chất lượng còn là sự khẳng định về thương hiệu trí tuệ của quốc gia”./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Giải thưởng "Make in Viet Nam" uy tín và ý nghĩa với DN công nghệ số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO