Chuyển đổi số

Tổng cục Thuế phát triển mạnh dịch vụ công trực tuyến

Phương An 10/11/2023 07:30

Thời gian qua, Tổng cục Thuế đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) nhằm đem lại lợi ích cho chính cơ quan quản lý thuế và người nộp thuế. Điển hình là dịch vụ khai thuế GTGT đối với phương pháp khấu trừ đối với hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD).

Tóm tắt:
- CĐS trong ngành Thuế giúp người nộp thuế tránh sai sót, giảm đi lại, cơ quan thuế tiết kiệm thời gian và tiền bạc; thông tin được bảo mật...
- Định hướng tiếp theo trong chuyển đổi số ngành Thuế:
+ Quản lý dữ liệu tập trung.
+ Hướng tới số hóa toàn bộ hồ sơ, giấy tờ.
+ Xây dựng các nền tảng tích hợp, nền tảng dữ liệu lớn.
+ Xử lý tự động các quy trình nghiệp vụ quản lý thuế và phân tích dữ liệu lớn.
- Bài học kinh nghiệm.

Hiệu quả sử dụng giải pháp số

Tổng cục Thuế với 30 năm xây dựng và phát triển, trong đó có 12 năm phát triển cung cấp dịch vụ thuế điện tử có thể được coi là một trong những cơ quan nhà nước (CQNN) tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số (CĐS).

Với bề dày đó, hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) của Tổng cục Thuế đến nay đã được phát triển một cách toàn diện, việc CĐS được ứng dụng trong tất cả các khâu, từ tiếp nhận, xử lý hồ sơ khai thuế trong đó có khai thuế GTGT, hạch toán nghĩa vụ thuế và cung cấp dịch vụ nộp thuế, hoàn thuế GTGT theo phương thức điện tử. Riêng với dịch vụ “Khai thuế GTGT đối với phương pháp khấu trừ đối với hoạt động SXKD” là một trong cấu phần không tách rời trong triển khai DVCTT của Tổng cục Thuế.

Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, DVCTT “Khai thuế GTGT đối với phương pháp khấu trừ đối với hoạt động SXKD” đã đáp ứng các yêu cầu đặt ra, mang lại hiệu quả thiết thực, hỗ trợ người nộp thuế (NNT) không ngừng phát triển mở rộng, nâng cao chất lượng dịch vụ đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp (DN) và cho cơ quan nhà nước, cụ thể:

Đối với NNT: Đơn giản hóa TTHC, tiết kiệm thời gian đi lại và chi phí giấy tờ, tiết kiệm chi phí nhân lực trong công tác kê khai thuế; Giảm thời gian và công sức cần thiết để nhập liệu thông tin kê khai thuế, việc sử dụng ứng dụng trực tuyến tự động hóa giúp tránh sai sót khi điền các mẫu biểu thủ công; Hỗ trợ kê khai thuế không phân biệt địa giới hành chính; Tạo ra môi trường thuận lợi cho DN dễ dàng tiếp cận và thực hiện các thủ tục hành chính thuế một cách đơn giản, nhanh chóng, giúp NNT theo dõi kịp thời các thay đổi về chế độ chính sách thuế thông qua kênh trao đổi thông tin với cơ quan thuế.

Dịch vụ cung cấp 24x7 cho phép NNT dễ dàng thực hiện các thủ tục với Cơ quan Thuế theo thời gian biểu phù hợp; Giảm chi phí xã hội, thời gian: chi phí, thời gian cho đi lại, lập và gửi hồ sơ thuế đến cơ quan thuế và các cơ quan liên quan, chỉnh sửa hồ sơ do sai sót, chi phí do không nắm được các chính sách, quy định về thuế do các chức năng được thiết kế một cách đơn giản và rõ ràng theo từng loại hình dịch vụ; Góp phần công khai, minh bạch trong công tác quản lý thuế; Cho phép NNT theo dõi đầy đủ lịch sử kê khai thuế, nộp thuế cũng như quá trình trao đổi thông tin với cơ quan thuế.

Đặc biệt, trong điều kiện hạn chế tiếp xúc xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, hệ thống Thuế điện tử là công cụ đắc lực giúp cho DN hoàn thành nghĩa vụ thuế. NNT có thể gửi hồ sơ thuế điện tử, đảm bảo việc giãn cách xã hội, đáp ứng công tác phòng, chống dịch. Đồng thời, ngay sau khi Chính phủ có các quyết định, chính sách hỗ trợ người dân, DN chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, Tổng cục Thuế đã nhanh chóng xây dựng các dịch vụ công hỗ trợ người dân, DN gửi hồ sơ đề nghị gia hạn nộp thuế bằng phương thức điện tử.

tong-cuc-thue.png

Đối với cơ quan thuế: Tiết kiệm thời gian và chi phí nhân lực cho nhiều vị trí tiếp nhận hồ sơ; Hạn chế tối đa các sai sót, tiết kiệm thời gian phải điều chỉnh chứng từ; Giảm đáng kể chi phí hành thu cho cơ quan thuế cũng như các cơ quan có liên quan khi sử dụng dữ liệu được chia sẻ với nhau, tăng giá trị dữ liệu, góp phần thực hiện Chính phủ điện tử, Chính phủ số hướng tới phục vụ người dân, xã hội tốt hơn; Giảm nguồn lực hỗ trợ trực tiếp tại bộ phận Một cửa để có thể tập trung nguồn lực cho các việc nghiệp vụ thuế chuyên sâu; Chất lượng dữ liệu được đảm bảo do kê khai trên các mẫu tờ khai điện tử; Giảm các công việc xử lý thủ công. Dữ liệu NNT được cập nhật thường xuyên bởi chính NNT. Các quy trình đôn đốc, thông báo, trao đổi thông tin với NNT được thực hiện trên hệ thống cho phép giảm chi phí in ấn và tăng hiệu quả trao đổi.

Tổng cục Thuế cho biết, kênh thông tin truyền thông của sản phẩm thường xuyên sử dụng để quảng bá, marketing hệ thống thuế điện tử thông qua: Chương trình Thuế và đời sống - phát sóng hàng tuần trên VTV1; Các chương trình thời sự, tin tức. Tổ chức các buổi đối thoại, hỗ trợ trực tiếp, trục tuyến. Cổng Dịch vụ công quốc gia (https://dichvucong.gov.vn); Trang điện tử ngành thuế (https://thuedientu.gdt.gov.vn).

Ngoài ra, Tổng cục Thuế tổ chức hỗ trợ NNT hỗ trợ qua hệ thống thuế điện tử thông qua hệ thống 479 kênh thông tin hỗ trợ NNT. NNT có thể gửi câu hỏi lên hệ thống thuế điện tử hoặc liên hệ trực tiếp với cơ quan thuế để được hỗ trợ. Tại các địa phương (cấp tỉnh/ thành phố, quận/huyện) có các chương trình tuyên truyền, phổ biến cho người dân, DN thông qua các hình thức: truyền hình, sách, báo, tập huấn, đối thoại trực tiếp... để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp tùy theo tính chất đặc thù vùng, miền, địa phương).

Tạo đột phá trong hoạt động CĐS

Theo Tổng cục Thuế, việc CĐS trong hoạt động khai thuế GTGT mang lại nhiều lợi ích như tính minh bạch, tiết kiệm thời gian và nguồn lực, tích hợp dữ liệu tự động, cung cấp dịch vụ trực tuyến, bảo mật thông tin, và sự linh hoạt. Điều này giúp nâng cao hiệu suất và hiệu quả của quy trình khai thuế và làm cho việc tuân thủ thuế trở nên dễ dàng hơn cho NNT và cơ quan thuế, cụ thể như sau:

Tăng cường tính minh bạch: Hệ thống khai thuế điện tử thuế GTGT có thể giúp tăng tính minh bạch bằng cách giảm thiểu nguy cơ sai sót và gian lận. Các giao dịch điện tử được ghi chép tự động nên ít có khả năng bị sai sót trong quá trình kê khai.

Tích hợp dữ liệu tự động: Việc sử dụng công nghệ số cho phép tự động hóa quy trình thu thập thông tin dữ liệu khai thuế. Điều này giúp cho việc xác định và tính toán số thuế GTGT phải nộp, được khấu trừ, được hoàn trở nên nhanh chóng hơn và giảm thiểu sai sót do con người.

Tiết kiệm thời gian và nguồn lực: Sử dụng hệ thống khai thuế điện tử giúp tiết kiệm thời gian và nguồn lực, cả cho NNT và cơ quan thuế. NNT không cần phải đến văn phòng cơ quan thuế để nộp hồ sơ, và cơ quan thuế cũng không cần phải xử lý và lưu trữ nhiều tài liệu vật lý.

Cung cấp dịch vụ trực tuyến: Hệ thống khai thuế điện tử đi kèm với các dịch vụ trực tuyến khác và việc tích hợp với Cổng dịch vụ công Quốc gia cho phép NNT tra cứu thông tin, theo dõi trạng thái của hồ sơ kê khai, và thậm chí thực hiện việc nộp thuế bất cứ lúc nào và ở bất kỳ đâu không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Điều này tạo ra tính tiện lợi và linh hoạt cho NNT.

Bảo mật thông tin: Hệ thống khai thuế điện tử của cơ quan thuế và Cổng dịch vụ công Quốc gia có các biện pháp bảo mật cao cấp để đảm bảo an toàn thông tin và dữ liệu của NNT. Điều này giúp tăng cường sự tin tưởng của NNT đối với việc khai thuế điện tử.

Sự linh hoạt và dễ dàng thích nghi: Hệ thống khai thuế điện tử có khả năng dễ dàng thích nghi với các thay đổi về luật pháp thuế. Các quy tắc và biểu mẫu có thể được cập nhật nhanh chóng để phản ánh các thay đổi pháp luật mới.

Dịch vụ “Khai thuế GTGT đối với phương pháp khấu trừ đối với hoạt động sản xuất kinh doanh”, tình trạng và kết quả trước và sau khi triển khai DVCTT như sau: Trước khi triển khai DVCTT: NNT phải đến trực tiếp cơ quan thuế nộp hồ sơ giấy, theo đó có những hạn chế và nhược điểm như sau: Nộp trực tiếp hồ sơ khai thuế bằng giấy thường đòi hỏi nhiều bước thủ tục hơn, NNT cần phải đến trực tiếp cơ quan thuế nộp hồ sơ giấy. Ngoài ra, việc nộp hồ sơ bằng giấy cũng làm tăng thêm phần chi phí trực tiếp như chi phí in ấn, photo tài liệu...

Quá trình nộp thuế bằng hồ sơ giấy thường mất nhiều thời gian hơn do phải di chuyển và xử lý thủ tục thủ công. Điều này có thể gây phiền toái đặc biệt khi cần khai thuế và nộp thuế định kỳ. Vì quá trình ghi nhận và xử lý thông tin là thủ công, nên có nguy cơ xảy ra sai sót từ phía NNT hoặc cơ quan thuế. Khó theo dõi trạng thái của hồ sơ và kiểm tra tình hình thuế một cách minh bạch.

Sau khi triển khai DVCTT: NNT có thể nộp tờ khai thuế online 24/7, không phân biệt địa giới hành chính, việc này không chỉ mang lại sự thuận tiện, dễ dàng quản lý cho cơ quan quản lý, mà còn mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Ưu điểm nổi bật được thể hiện như sau: Việc triển khai DVCTT giúp người dân và DN tiết kiệm về thời gian (theo khảo sát mới đây cho thấy: thời gian trung bình mỗi doanh nghiệp phải bỏ ra để thực hiện TTHC thuế là khoảng 05 giờ). NNT có thể nộp thuế, tra cứu thông tin thuế, và thực hiện các giao dịch khác một cách dễ dàng từ bất kỳ đâu có kết nối Internet.

Cung cấp DVCTT thường đi kèm với việc cải thiện tính minh bạch và theo dõi giao dịch thuế. Điều này có thể giúp giảm thiểu tình trạng gian lận thuế bằng cách tạo ra một hệ thống theo dõi và kiểm tra hiệu quả. Sử dụng hệ thống thuế trực tuyến giúp tăng cường khả năng thu thuế của nhà nước thông qua việc nắm bắt và theo dõi dữ liệu thuế một cách hiệu quả hơn. Điều này có thể dẫn đến tăng thu ngân sách và cải thiện tình hình tài chính công.

DVCTT có thể giúp giảm bớt tình trạng tồn đọng giấy tờ và thủ tục hành chính. Điều này giúp tiết kiệm nguồn lực của cơ quan thuế và giảm tải cho hệ thống hành chính. Hệ thống thuế trực tuyến thường dễ dàng thích nghi với các thay đổi về luật pháp thuế. Các quy tắc và biểu mẫu có thể được cập nhật nhanh chóng để phản ánh các thay đổi pháp luật mới, giúp người dân và doanh nghiệp tuân thủ thuế một cách hiệu quả. Một hệ thống thuế trực tuyến hoạt động hiệu quả và an toàn có thể tạo ra sự tin tưởng của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan thuế. Điều này có thể giúp tạo sự hỗ trợ và sự hợp tác trong việc tuân thủ thuế.

Để đạt được hiệu quả tốt nhất trong việc triển khai DVCTT trong ngành Thuế, Tổng cục Thuế luôn xem xét triển khai áp dụng về các yêu cầu kỹ thuật, bảo mật thông tin, đào tạo người sử dụng, truyên truyền, hỗ trợ NNT và tương tác với các bên liên quan, đảm bảo hệ thống và quy trình được thiết kế để đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp một cách hiệu quả.

Việc triển khai, đưa DVCTT “Khai thuế GTGT đối với phương pháp khấu trừ đối với hoạt động sản xuất kinh doanh” vào sử dụng, khai thác đã mang nhiều lợi ích, nâng cao sự hài lòng của NNT trong việc thực hiện các thủ tục hành chính thuế. Hiện tại, đã có 100% doanh nghiệp sử dụng dịch vụ, lượng hồ sơ giao dịch lên tới 38 triệu hồ sơ. Kết quả này đã khẳng định tầm quan trọng trong việc điện tử hóa các TTHC, mang lại điều kiện thuận lợi và mang lại sự hài lòng cho NNT (việc này đã giúp doanh nghiệp hạn chế được chi phí trực tiếp như in ấn, photo tài liệu...). Riêng tính từ tháng 1/2022 đến tháng 8/2023, đã có 7.979.072 lượt hồ sơ trực tuyến được giao dịch (trong đó: năm 2022 là 5.396.508 hồ sơ; năm 2023 là 2.582.564 hồ sơ).

Định hướng, nhu cầu CĐS của ngành Thuế

Hiện tại, Tổng cục Thuế xác định tích hợp, tập trung, đảm bảo lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, công khai minh bạch, hiệu quả, thúc đẩy cải cách hành chính thông qua việc ứng dụng CNTT, giảm chi phí hoạt động, cũng như đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả của quản lý nhà nước theo định hướng của Chính phủ về Chính phủ điện tử và chuyển đổi số. Bên cạnh đó, chuyển đổi số trong Ngành giúp cung cấp những trải nghiệm tốt nhất cho NNT.

Tổng cục Thuế tiếp tục quản lý tập trung dữ liệu: coi trọng và phát triển các yếu tố về tập trung, quản lý dữ liệu và coi dữ liệu là tài sản cần bảo vệ (an toàn, đầy đủ, chính xác, toàn vẹn và khai thác khi có nhu cầu sử dụng). Triển khai hệ thống Thuế số giúp tăng nguồn thu từ các giao dịch điện tử, tăng thu từ kinh tế số, sử dụng CNTT như một công cụ và sự hỗ trợ trong việc thu được nhiều thuế hơn ở môi trường kinh doanh số.

Cung cấp các dịch vụ điện tử và các dữ liệu điện tử để tạo thuận lợi cho NNT với nhiều trải nghiệm tốt hơn theo hướng phát triển ứng dụng trên thiết bị di động, hướng tới số hóa toàn bộ hồ sơ, giấy tờ, chuyển sang sử dụng hồ sơ, văn bản điện tử, giao dịch điện tử và cung cấp dịch vụ công không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính; Kết nối, chia sẻ dữ liệu, tích hợp với hệ thống Cổng Dịch vụ công Quốc gia trong việc thực hiện thủ tục hành chính thuế; Kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để tích hợp, chuyển đổi sử dụng số căn cước công dân làm mã số thuế, mã số người phụ thuộc.

Xây dựng các nền tảng tích hợp, nền tảng dữ liệu lớn để cung cấp thông tin đầy đủ cho việc chỉ đạo điều hành, kết nối trao đổi thông tin liên thông giữa các cơ quan quản lý Nhà nước.

Ứng dụng các thành tựu mới về công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, phù hợp với chuẩn mực quốc tế nhằm xử lý tự động các quy trình nghiệp vụ quản lý thuế và phân tích dữ liệu lớn phục vụ công tác hoạch định chính sách, dự báo số thu, tuyên truyền hỗ trợ NNT, quản lý rủi ro, quản lý tuân thủ và thanh tra, kiểm tra thuế, điều tra thuế,...

Định hướng trong chuyển đổi kiến trúc hạ tầng kỹ thuật CNTT: Kiến trúc nền tảng hạ tầng kỹ thuật chuyển đổi theo hướng dịch vụ (Software Defined) nhằm đáp ứng yêu cầu về triển khai, nâng cấp, mở rộng nhanh chóng, linh hoạt. Mô hình quản trị, vận hành hệ thống theo hướng vừa duy trì vận hành vừa phát triển nâng cấp (DevOps) nhằm đáp ứng yêu cầu thay đổi nhanh chóng về các quy trình nghiệp vụ và gắn với công tác quản trị, điều hành thông minh.

Thực hiện chuyển đổi kiến trúc hạ tầng mạng diện rộng trong toàn ngành, nâng cấp hạ tầng truyền thông và kết nối Internet để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi sang mô hình xử lý tập trung; Phát triển hạ tầng kỹ thuật theo xu hướng công nghệ điện toán đám mây nhằm cung cấp một nền tảng hạ tầng kỹ thuật linh hoạt, ổn định, đơn giản hóa quá trình quản lý, cấp phát tài nguyên hệ thống, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên hệ thống; Triển khai chuyển đổi máy chủ xử lý tập trung lên mô hình điện toán đám mây riêng (Private Cloud); Thí điểm thực hiện chuyển đổi các thiết bị đầu cuối của người dùng nội bộ từ mô hình máy trạm truyền thống sang mô hình máy trạm ảo.

Bài học kinh nghiệm

Qua quá trình triển khai DVCTT “Khai thuế GTGT đối với phương pháp khấu trừ đối với hoạt động sản xuất kinh doanh”, bài học kinh nghiệm được rút ra, cụ thể như sau:

Mặc dù được đánh giá là đã có nhiều cải cách, mang lại sự thuận lợi cho NNT, tuy nhiên, Tổng cục Thuế vẫn đang tiếp tục rà soát, đơn giản hóa về thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý thuế để giảm thêm thời gian làm thủ tục thuế. Việc điện tử hóa, đơn giản hóa thủ tục hành chính đã cho thấy kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn một số khuyến nghị từ phía doanh nghiệp về thực hiện các TTHC này.

Những kiến nghị của DN trong quá trình thực hiện các DVCTT chủ yếu tập trung vào tính ổn định khi sử dụng Cổng thông tin điện tử. Theo đó, khảo sát vẫn ghi nhận phản ánh của một số DN gặp trường hợp lỗi hệ thống khi thực hiện khai hồ sơ thuế và nộp trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, đặc biệt là trong thời điểm cuối tháng hoặc cuối kỳ quyết toán thuế.

Nghiên cứu các nội dung phản ảnh bởi DN và kết quả khảo sát về thủ tục hành chính, Tổng cục Thuế tập trung vào một số vấn đề sau: Tiếp tục thực hiện và nâng cao hệ thống khai thuế và nộp thuế trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, đảm bảo khả năng truy cập và sử dụng được thông suốt, tránh trường hợp không thể truy cập (đặc biệt vào cuối tháng hoặc cuối kỳ quyết toán thuế). Có cơ chế thông báo cho DN trong trường hợp bị lỗi hệ thống, có phương án khắc phục nhanh chóng và linh hoạt việc xử lý vi phạm với các tình huống DN nộp chậm do lỗi hệ thống mà không phải do lỗi của DN.

Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong và ngoài cơ quan để giải quyết các vấn đề về kỹ thuật và nghiệp vụ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai DVCTT (các đơn vị của Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông).

Chủ động triển khai các nhiệm vụ, giúp các đơn vị sẵn sàng trong công cuộc CĐS của Bộ, tiếp cận và triển khai các tiện ích thiết thực phục vụ người dân và xã hội.

Chú trọng phát triển hạ tầng CNTT, hoàn thiện CSDL dùng chung, an ninh an toàn, bảo mật dữ liệu, thực hiện kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc ứng dụng triển khai số hóa trên nền Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư giúp các dữ liệu được liên thông, đồng bộ, làm sạch và ứng dụng triển khai được ngay để thực hiện các thủ tục hành chính và DVCTT cho công dân.

Tập trung tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành về nhiệm vụ chuyển đổi số (trong đó có việc triển khai DVCTT), từ đó, tạo hiệu ứng lan tỏa tới người dân và xã hội.

(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 10 tháng 10/2023)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tổng cục Thuế phát triển mạnh dịch vụ công trực tuyến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO