Cần hướng dẫn ngân hàng mở thúc đẩy tài chính toàn diện cho người dân
Theo TPBank, xu hướng ngân hàng mở đã được đơn vị này đã ứng dụng mạnh mẽ, để khách hàng có thể sử dụng dịch vụ tài chính ở các ứng dụng thứ 3. Chưa kể, nhờ TPBank Sandbox, thời gian kết nối đối tác đã giảm từ 2 - 3 tháng xuống còn 2 tuần.
Lấy khách hàng làm trung tâm để sử dụng dịch vụ tài chính mọi lúc, mọi nơi
Chia sẻ về “Ngân hàng mở và các chính sách liên quan”, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank cho biết, ngân hàng mở đang trở thành một xu hướng không thể cưỡng lại, nhất là khi các đơn vị đang lấy khách hàng làm trọng tâm. Ngân hàng mở sẽ giúp khác hàng có thêm nhiều tiện ích để tiếp cận các dịch vụ ở bất kì đâu, bất kì lúc nào một cách an toàn, hiệu quả.
“Đó cũng là mục tiêu của ngành Ngân hàng nói chung và TPBank nói riêng”, ông Hưng khẳng định.
Để làm được điều này, không chỉ các ngân hàng, mà đòi hỏi cơ quan quản lý cũng cần có tư duy mở để có thể tạo ra những tiện ích, những dịch vụ tài chính, sản phẩm tốt nhất cho khách hàng.
Nói thêm về ngân hàng mở, theo ông Hưng, đây là mô hình cho phép các ngân hàng có thể trao đổi thông tin, dữ liệu khách hàng với các tổ chức khác dưới sự cho phép của người dùng. Từ đó tạo điều kiện tốt nhất cho khách hàng tiếp cận được những dịch vụ của ngân hàng. Đây là một sự thay đổi rất lớn khi mà trước đây, để làm được điều nay, khách hàng cần đến tận quầy của các ngân hàng hay thông qua sản phẩm Internet Banking, Mobile Banking của chính tổ chức đó thì mới sử dụng được. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều khi khách hàng còn không biết họ đang sử dụng dịch vụ của ngân hàng được “nhúng” thông qua các ứng dụng của bên thứ 3.
“Nhờ đó, chúng ta đã thúc đẩy tài chính toàn diện cho người dân. Thậm chí các khoản thanh toán nhỏ lẻ, thậm chí vài ngàn đồng cũng đã được thanh toán qua di động. Những việc này đã cho thấy các chính sách thanh toán không dùng tiền mặt đang ngày càng đi đúng hướng và được xã hội chấp nhận”, ông Hưng bày tỏ.
Trong bối cảnh này, việc đẩy mạnh “Ngân hàng mở”, đưa khách hàng làm trung tâm, cung cấp các dịch vụ tận nơi cho khách hàng, không chỉ trên các ứng dụng của ngân hàng mà còn các nền tảng của đối tác như ví điện tử, fintech, thương mai điện tử, trung gian thanh toán…, đang ngày càng cấp thiết.
Chủ động bảo vệ dữ liệu người dùng khi kết nối với các đối tác
Cũng theo ông Hưng, ngân hàng mở sẽ tạo ra các kênh tiếp cận, điểm chạm mới để thu hút khách hàng khi có thể thực hiện các dịch vụ tài chính ở bất kì đâu trên nhiều nền tảng khác nhau, tạo ra các cơ hội kinh doanh mới dựa trên thế mạnh từng bên, tạo nguồn thu mới như chia sẻ lợi nhuận với các đối tác.
Dù vậy, bên cạnh những thuận lợi, ngân hàng mở cũng đi kèm với những rủi ro khác nhau. Tiêu biểu có thể kể đến như lộ lọt dữ liệu, giả mạo thông tin cá nhân, rủi ro vận hành... Do đó, TPBank và các ngân hàng nói chung đều phải rất chủ động trong quản lý, xây dựng hệ thống, bảo mật dữ liệu khách hàng khi chia sẻ, kết nối với đối tác.
Về thực tế triển khai tại TPBank, ông Hưng cho biết, với tư duy cởi mở, đơn vị này không hạn chế kết nối với bất kì đối tác nào để cùng đem lại lợi ích cho khách hàng. Nhờ đó, khách hàng có thể: Mở tài khoản, thẻ tín dụng TPBank trên nền tảng đối tác; Giao dịch thanh toán với 11 ví điện tử; Cấp khoản vay nhanh qua các kênh sở hữu dữ liệu giao dịch khách hàng; Hơn 50 Mnni-app, hơn 2000 dịch vụ thanh toán trên ứng dụng TPBank như dịch vụ công (DVC), y tế, giáo dục, giải trí, du lịch, tài chính, bảo hiểm, đầu tư…
Trước đây, một kết nối với đối tác sẽ phải mất vài tháng từ gặp gỡ, trao đổi, ký kết, kỹ thuật, thử nghiệm… Nhưng hiện nay, thông qua TPBank Sandbox với bộ thư viện SDK, API mở…, các đối tác có thể thử nghiệm trước khi kết nối chính thức và trải qua các bài kiểm tra về khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thông tin (ATTT). Nhờ đó, thời gian kết nối giảm xuống chỉ còn khoàng 2 tuần.
Hiện, TPBank đã cung cấp sản phẩm đăng ký Vay tiêu dùng và giải ngân qua kênh đối tác thứ 3 như MoMo, Shopee, VNPOST.... Tại đây, khách hàng đã có thể đăng ký, phê duyệt, và giải ngân tự động thông qua kết nối bảo mật an toàn, dữ liệu giao dịch khách hàng được sử dụng để cấp hạn mức tín dụng và giải ngân tức thì chỉ trong vài phút.
“Sau 2 năm triển khai, hàng triệu khoản vay đã được cấp, đem lại giải pháp tài chính toàn diện cho khách hàng”, ông Hưng khẳng định.
Ngoài ra, đối với các mục tiêu về chuyển đổi số (CĐS) của ngành Ngân hàng, phần lớn các chỉ số, TPBank đều đã vượt qua, kể cả về CĐS trong hoạt động nội bộ, tỷ lệ giao dịch kênh số… Mặc dù vậy, thu nhập trên kênh số của TPBank hiện vẫn chưa cao, bởi vì những hạn chế trong việc cấp tín dụng cho khách hàng.
“Chúng tôi hy vọng rằng khi liên thông với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, dữ liệu hành vi tiêu dùng của khách hàng, thông tin nhiều chiều từ các nguồn dữ liệu khác nhau… thì các ngân hàng sẽ tự tin cấp tín dụng hơn, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, tài chính toàn diện, chống tín dụng đen”, ông Hưng chia sẻ thêm.
Không chỉ khách hàng cá nhân, với DN, TPBank cũng có những giải pháp quản lý tài chính toàn diện: Biz Connex- giải pháp Sandbox tích hợp dịch vụ ngân hàng vào hệ thống quản trị của doanh nghiệp (ERP, Phần mềm kế toán..); Biz Ecosys - cung cấp dịch vụ tài chính cho toàn bộ hệ sinh thái đối tác; Biz Gov - giải pháp thanh toán dịch vụ công.
Cần sớm có thông tư hướng dẫn cụ thể về ngân hàng mở
Các quốc gia cũng có các quy định khác nhau về ngân hàng mở. Như tại Ấn Độ, EU hay Úc… đã yêu cầu các ngân hàng phải chia sẻ dữ liệu với những yêu cầu nhất định cũng như phải đăng ký với cơ quan quản lý. Còn tại Nhật Bản, Hồng Kông, Singapore…, họ lại có tiêu chuẩn và các bên có nhu cầu thì sẽ tự nguyện tham gia.
Với khung pháp lý về ngân hàng mở tại Việt Nam, ông Hưng cho biết, hiện đã có quy định chung về vấn đề an ninh hệ thống, bảo mật dữ liệu khách hàng vẫn còn thiếu những hướng dẫn cụ thể trong việc triển khai mô hình ngân hàng mở cho các Nghị định như Nghị định 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân, Nghị định 117/2018/NĐ-CP ngày 11/9/2018 về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài…
Dù vậy, trong thời gian tới, Tổng giám đốc TPBank mong muốn Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan liên quan sẽ có thông tư hướng dẫn, các quy định cụ thể với các bên tham gia ngân hàng mở khác như fintech, sàn thương mại điện tử, các tổ chức DN khác...
Cuối cùng, ông Hưng đã đưa ra một số đề xuất, Theo đó, với một số fintech, trung gian thanh toán, ví điện tử… có cung cấp dịch vụ tài chính, cơ quan chức năng nên có quy định nhất định để đảm bảo sự cân xứng trong việc đảm bảo các tiêu chuẩn về an ninh, bảo mật, bảo vệ dữ liệu cá nhân… Chỉ có như vậy, ngân hàng mở mới hiệu quả, đem lại lợi ích tốt nhất cho người dân và cộng đồng./.