Trách nhiệm của người làm báo tham gia mạng xã hội
Nhiều ý kiến cho rằng, nhà báo tham gia mạng xã hội (MXH) cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong sử dụng, chia sẻ, lan tỏa các thông tin tích cực, phản bác lại các thông tin xấu, độc, thông tin sai sự thật... góp phần định hướng dư luận xã hội, đặc biệt là thực hiện nghiêm Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH do Bộ TT&TT ban hành.
Nhà báo cần tư duy nhanh nhạy, sắc sảo, góp phần định hướng dư luận xã hội
Trong thời đại 4.0, sự bùng nổ của các nền tảng MXH giúp việc kiếm tìm thông tin dễ dàng hơn, cùng với đó là áp lực chạy đua thông tin gay gắt đã khiến không ít nhà báo đã khai thác thông tin trên MXH, các nghiệp vụ cơ bản của một nhà báo như đi, nghe, nhìn, phỏng vấn, hay việc đầu tư công sức, trí tuệ cho các sản phẩm báo chí đôi lúc đã bị xem nhẹ.
Một bộ phận người làm báo không dấn thân trong công việc, bằng lòng với việc khai thác tin tức từ MXH hoặc các bản báo cáo.
Trên thực tế, thực hiện Điều 8 Luật Báo chí năm 2016, Hội Nhà báo Việt Nam đã xây dựng Quy tắc sử dụng MXH của người làm báo Việt Nam, trên cơ sở các quy định của Luật Báo chí và 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam.
Bộ quy tắc gồm 3 chương và 7 điều, trong đó quy định cụ thể 4 việc/điều người làm báo Việt Nam cần làm khi tham gia MXH và 8 việc/điều người làm báo Việt Nam không được làm khi tham gia MXH để luôn nhắc nhở những người làm báo phải cẩn trọng khi vừa tham gia MXH như một chủ thể vừa là người khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên thông tin để phản ánh trên báo chí.
Thực tế cho thấy, có rất nhiều thông tin sai lệch trong đời sống nói chung và trên MXH nói riêng được đám đông công chúng nghe theo và tin ngay. Việc khẳng định, kiểm chứng, phân tích và định hướng thông tin trên MXH đang dần trở thành một vai trò quan trọng của nhà báo và các cơ quan báo chí.
Theo nhà báo Nguyễn Viết Mạnh, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Lai Châu, Tổng Biên tập báo Lai Châu, để thực hiện tốt vai trò tác động đó thì mỗi nhà báo cần tư duy nhanh nhạy, sắc sảo, giữ vững định hướng tuyên truyền, phát hiện và xử lý nhiều loại thông tin phong phú, da dạng,… góp phần định hướng dư luận xã hội.
Những năm qua, Hội Nhà báo tỉnh Lai Châu, đặc biệt là Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp tỉnh Lai Châu thường xuyên dõi theo hoạt động tác nghiệp, ứng xử, giao tiếp trên trang cá nhân, trên MXH của các hội viên nhà báo, kịp thời nhắc nhở hội viên nếu có những biểu hiện chưa đúng về nghề nghiệp.
“Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, bồi dưỡng, các hội viên đều chấp hành tốt các quy định của pháp luật về hoạt động báo chí. Trong tác nghiệp không để xảy ra sai sót, nhũng nhiễu, tiêu cực ở cơ sở. Nhiều bài viết phản ánh những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực xã hội đã giúp cấp ủy, chính quyền các cấp đề ra các giải pháp chỉ đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của địa phương, cơ sở...", Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Lai Châu nêu thực tế thực hiện tại địa phương.
Xây dựng đạo đức nghề nghiệp gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trong khi đó, dẫn chứng việc thực hiện quy tắc nghề nghiệp và đạo đức người làm báo tại địa phương mình, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Ninh Bình Phạm Kim Huệ chia sẻ, “những năm qua, những người làm báo Ninh Bình cũng không ngừng nỗ lực, học tập, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn, để trở thành những nhà báo chuyên nghiệp”.
Thống kê của Hội Nhà báo tỉnh Ninh Bình cho thấy, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, việc xây dựng đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm nghĩa vụ công dân của nhà báo luôn được tổ chức hội quan tâm thông qua việc gắn học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với thực hiện Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.
Hàng năm, Hội đã tổ chức quán triệt, học tập nghiêm túc các chuyên đề về học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do Trung ương hướng dẫn và chủ đề công tác của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Đồng thời, Hội yêu cầu hội viên xây dựng kế hoạch, nội dung đăng ký, phương hướng phấn đấu phù hợp với chức trách, nhiệm vụ và vị trí công tác của từng cá nhân.
Về phía các cơ quan báo chí cũng đã rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phù hợp với đặc thù của từng ngành nghề, cụ thể là gắn với thực hiện 10 điều Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam.
Cùng với sự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của mỗi hội viên thì sự quan tâm giáo dục của tổ chức hội cũng góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, nhiều nhà báo đã trở thành tấm gương đối với đồng nghiệp về sự dấn thân, không sợ nguy hiểm trong đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng lãng phí.
Một số kinh nghiệm và giải pháp nâng cao ý thức, trách nhiệm người làm báo tham gia MXH
Theo kinh nghiệm thực tế của một số địa phương, để quán triệt và thực hiện tốt các quy tắc, quy định của người làm báo khi tham gia MXH thì các Hội nhà báo tỉnh, thành phố cần bám sát Nghị quyết Đại hội và Chương trình công tác toàn khóa của Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà báo tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giữ vững bản lĩnh chính trị, thực hiện tốt Luật Báo chí; quy định về đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của người làm báo; chấp hành nghiêm kỷ luật phát ngôn, quy tắc ứng xử, sử dụng MXH của người làm báo Việt Nam.
Đồng thời, xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí và văn hóa người làm báo Việt Nam, tuyên truyền đảm bảo đúng tôn chỉ mục đích của từng loại hình báo chí và định hướng của tỉnh.
Bên cạnh đó, các Hội nhà báo địa phương thường xuyên phối hợp với cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan báo chí và các ngành hữu quan xử lý, giải quyết những vấn đề liên quan đến thông tin báo chí; rà soát việc phóng viên chuyển đến, chuyển đi; hướng dẫn, tiếp nhận việc chuyển sinh hoạt của hội viên là phóng viên thường trú tại địa phương; quan tâm, chăm lo đến quyền lợi của hội viên nhà báo.
Hàng tháng, Hội nhà báo địa phương chủ động xây dựng báo cáo, định hướng tuyên truyền, phối hợp với Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức giao ban báo chí. Hay các cuộc sơ tổng kết hàng năm của các chi hội, Hội nhà báo địa phương thường xuyên phổ biến, quán triệt, nhắc nhở việc tham gia Quy tắc sử dụng MXH của người làm báo Việt Nam, nhất là quy định về những việc/điều người làm báo Việt Nam cần làm khi tham gia MXH.
Song song đó, cần chỉ rõ những việc/điều người làm báo Việt Nam không được làm khi tham gia MXH, đó là: Vi phạm các quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng; các quy định về bảo mật dữ liệu, tài liệu; quy định về bảo vệ bí mật thông tin riêng, thông tin cá nhân của công dân và các quy định khác của pháp luật; đăng tải, gỡ bài viết, hình ảnh, âm thanh trên mạng xã hội vì mục đích không trong sáng khác...
Chú trọng thường xuyên phổ biến quán triệt thêm Điều 4, Quyết định số 874/2021 của Bộ trưởng Bộ TT&TT về Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH, đó là: “Chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy; có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam; không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo; không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội; khuyến khích sử dụng MXH để tuyên truyền, quảng bá về đất nước, con người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, chia sẻ thông tin tích cực, những tấm gương người tốt, việc tốt…”./.