Cuộc thi đã thu hút 670 tác giả từ 58 tỉnh, thành phố tham gia với 3.575 tác phẩm dự thi theo 4 chủ đề: kiến trúc Phật giáo, nghi lễ thờ tự, Thiền phái Trúc Lâm và các hoạt động Phật giáo trong đời sống.
Các bức ảnh dự thi là cầu nối chạm tới trái tim của các phật tử và những người yêu mến nghệ thuật nhiếp ảnh, giúp họ hiểu rõ hơn về những nét tinh hoa, giá trị đặc sắc trong mọi hoạt động của Phật giáo Việt Nam với đời sống xã hội. Đồng thời, các bức ảnh cũng khai thác và phát huy những nội dung, giá trị đặc sắc trong di sản, tư tưởng, văn hóa của Phật hoàng Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm đã tồn tại hàng trăm năm nay.
Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam mong muốn, thông qua triển lãm, các bức ảnh nghệ thuật được trưng bày có thể giới thiệu và quảng bá các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa, các công trình và nét đẹp kiến trúc của Phật giáo Việt Nam tới bạn bè gần xa, du khách trong nước và quốc tế; phát triển, bảo tồn và tôn vinh các nét tinh hoa trong mọi hoạt động của Giáo hội.
Các tác phẩm dự thi đã bám sát nội dung Ban Tổ chức đưa ra, thể hiện được hình ảnh của Phật giáo gắn với đời sống, phong cảnh thiên nhiên, đất nước Việt Nam, cũng như tầm ảnh hưởng, giá trị mang lại của Phật giáo đối với đời sống xã hội, đó là tính nhân văn, tính "Thiện" trong con người.
Sau 3 vòng chấm thi, đối với hệ thống giải đề tài chung, Ban Giám khảo đã chọn được 11 bức ảnh để trao giải, bao gồm 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 5 giải Khuyến khích. Giải Nhất của nhóm chủ đề này được trao cho tác phẩm Rước Phật bằng voi của tác giả Dương Hoài An (Đắk Lắk).
Đối với hệ thống giải thưởng đề tài về Ngọa Vân, Ban Giám khảo đã chọn ra được 6 bức ảnh, trong đó giải Nhất thuộc về tác phẩm Chốn linh thiêng của tác giả Phạm Hoài Nam (Hà Nội), cùng với đó còn có 1 giải Nhì, 1 giải Ba và 3 giải Khuyến khích.
Triển lãm diễn ra từ ngày 22/4 đến ngày 2/5 tại Trung tâm triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội.