Qua nhiều cuộc khảo sát cho thấy trẻ em bắt đầu sử dụng Internet chủ động từ giai đoạn 9 đến 11 tuổi và đang có xu hướng độ tuổi sử dụng Internet ngày càng giảm, thậm chí là từ 2 đến 3 tuổi. Trẻ em thường tự học cách sử dụng Internet hoặc học từ nhau. Nhà trường có dạy môn tin học nhưng chủ yếu nội dung về khoa học máy tính thay vì các kỹ năng số. Rất ít trẻ em học cách sử dụng Internet từ cha mẹ. Việc trẻ dễ tiếp thu và sử dụng thiết bị công nghệ cùng với sự tò mò, thiếu hiểu biết đầy đủ về những nguy cơ khi sử dụng Internet... khiến các em rất dễ gặp rủi ro.
Nguy cơ dễ thấy nhất là trẻ em bị nghiện các trò chơi điện tử trên Internet. Nội dung trò chơi chưa hẳn xấu nhưng thường chứa virus, quảng cáo hoặc những thông tin, đường link dẫn đến các website khiêu dâm; Hành vi xảy ra xích mích trong game và có thể dẫn đến việc gây hấn, xô xát ngoài đời thực.
Trẻ cũng có thể trở thành nạn nhân của các trò lừa đảo, phạm pháp, bắt nạt trên mạng... Vì thế, cha mẹ cần giúp trẻ nhận diện các nguy cơ, rủi ro có thể gặp phải khi sử dụng Internet. Cha mẹ cần phải hướng dẫn trẻ về những nguy cơ, rủi ro trên mạng; Dạy trẻ không tiết lộ các thông tin cá nhân như địa chỉ nhà, số điện thoại, địa chỉ cơ quan/số điện thoại/nơi làm việc của bố mẹ hoặc tên và địa điểm trường học của mình mà chưa có sự đồng ý của bố mẹ; Không gặp người quen qua mạng; Không được gửi ảnh cá nhân hay bất cứ thứ gì cho người lạ mà chưa có sự xem xét và đồng ý của bố mẹ... Cha mẹ thường xuyên giám sát trẻ sử dụng máy tính, Internet cho việc học tập.
Ngày 1/6/2021, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 830/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn năm 2021 - 2025. Mục tiêu của chương trình là bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em khi tiếp cận thông tin, tham gia các hoạt động trên môi trường mạng và ngăn chặn, xử lý những hành vi lợi dụng môi trường mạng thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm đối với trẻ em dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, trang bị kiến thức, kỹ năng số cho trẻ em theo từng độ tuổi để các em biết tự bảo vệ mình và biết cách tương tác an toàn trên môi trường mạng, trong đó gồm: Sử dụng mạng lành mạnh, an toàn; Tự bảo vệ mình khi tham gia tương tác trên môi trường mạng và cách thức nhận diện, thông báo, tố giác hành vi, vụ việc xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; Thực hiện các giải pháp chủ động phòng ngừa, phát hiện các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; Bảo đảm các điều kiện cần thiết để trẻ em được tham gia an toàn, lành mạnh trên môi trường mạng và có các giải pháp hỗ trợ phù hợp để trẻ phục hồi khi chịu tác động tiêu cực từ môi trường mạng...
Thiết nghĩ, để chung tay bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, các bậc phụ huynh cần sớm trang bị, xây dựng và hướng dẫn cho con em mình những kiến thức, kỹ năng, cách nhận biết về rủi ro cũng như cách phòng ngừa, xử lý. Việc này càng thực hiện sớm thì các em càng được an toàn. Đặc biệt trong 2 năm gần đây do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc học trực tuyến và khai thác, nghiên cứu tài liệu trên Internet đang trở thành xu hướng ngày càng tăng. Không phải lúc nào các bậc phụ huynh cũng có thể giám sát việc sử dụng Internet của con em mình. Vì thế, việc hướng dẫn và xây dựng ý thức, kỹ năng bảo vệ bản thân an toàn trên Internet cho trẻ là điều hết sức cần thiết.