DN cần thường xuyên đánh giá lại lộ trình CĐS
Tập đoàn Thiên Long là một trong những DN Việt Nam đã bắt đầu quá trình xây dựng lộ trình CĐS từ khá lâu, và cho đến nay trong toàn bộ quá trình triển khai, Thiên Long đã có những kết quả rất nổi bật. Năm 2012, Thiên Long là một trong những DN đầu tiên ứng dụng hệ thống quản trị SAP vào công tác quản trị điều hành của Tập đoàn.
Tiếp những năm sau đó, công ty tiến hành số hoá hệ thống quản trị nguồn nhân lực, đầu tư các công nghệ bán hàng trên thiết bị di động cho toàn bộ nhân sự bán hàng ngoài thị trường. Năm 2018, Thiên Long mở rộng kênh bán hàng thương mại điện tử (TMĐT) bằng việc xây dựng hệ thống flexoffice.com. Sau đó, công ty đã phát triển các shop bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử lớn tại Việt Nam như Shopee, Tiki, Lazada.
Ông Nguyễn Đức Hạnh, Phó Tổng giám đốc CNTT, Tập đoàn Thiên Long, chính là người trực tiếp dẫn dắt quá trình CĐS của công ty từ những bước đầu tiên khi xây dựng lộ trình, đến việc triển khai và ứng dụng CNTT.
Theo chia sẻ của ông Hạnh, CĐS là một quá trình diễn ra liên tục và lâu dài, qua rất nhiều năm, trong khi đó mỗi năm, DN đều có những thay đổi về mặt quản trị, chiến lược, thay đổi về mặt tái cấu trúc, vận hành…. Do đó, để triển khai hiệu quả lộ trình CĐS và phù hợp với hoạt động của DN hàng năm, lãnh đạo Thiên Long cho rằng DN phải xem xét, đánh giá lại (review) kế hoạch, lộ trình CĐS, để xác định liệu lộ trình đặt ra từ đầu có còn phù hợp nữa hay không, các thứ tự ưu tiên mà DN sắp xếp hồi năm ngoái có đúng với tình hình của năm nay và những năm sắp tới.
Bởi theo ông Hạnh, DN có thể có những mục tiêu mới, nên phải bổ sung những dự án mới vào lộ trình cũ, để chặng đường CĐS phù hợp hơn với mục tiêu hiện tại và tương lai của DN.
Rõ ràng, xây dựng lộ trình CĐS là một việc cần thiết với mọi DN, tổ chức. Tuy nhiên, triển khai lộ trình CĐS là một quá trình dài đầy thử thách và biến động. DN sẽ luôn phải đánh giá, xem xét lại các dự án và kế hoạch, để phù hợp với thời đại mới. Đặc biệt, sự quyết tâm của lãnh đạo cũng như những động lực tinh thần đối với toàn thể nhân sự luôn đóng vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện.
Ông Trần Việt Dũng, chuyên gia tư vấn giải pháp, SAP Việt Nam, cho rằng lộ trình CĐS là một quá trình dài, không phải một sớm một chiều, do đó, DN cần xây dựng một chiến lược tổng thể. "Tuy nhiên, khi bắt tay vào hành động, cần phải hành động nhanh và gọn, nghĩa là phải xác định được ngay những ý tưởng CĐS có thể thực hiện, đồng thời nhanh chóng nhìn ra giá trị kinh tế mà dự án CĐS đó mang lại. Có như vậy mới mang lại động lực để DN tiếp tục trên hành trình CĐS", ông Dũng nói.
Vai trò của đối tác tư vấn chiến lược CĐS
Theo chuyên gia của SAP Việt Nam, với những DN đã xác định rõ ràng hành trình CĐS, DN có sẵn những chuyên gia hiểu rõ về ngành nghề, về thị trường, về thách thức, về xu hướng, DN đó có thể xác định họ cần làm cái gì trước, cái gì sau, khi đó họ có thể bắt tay ngay vào những dự án CĐS.
"Tuy nhiên có những DN vẫn gặp khó khăn trong việc xác định định hướng tiếp theo là gì, thách thức, xu hướng của thị trường là gì, thì DN đó có thể cần đến sự trợ giúp của đối tác tư vấn CĐS, để nhìn rõ hơn về xu hướng của thị trường cũng như những thách thức và đâu là những cái mà DN cần ưu tiên các nguồn lực", ông Dũng nói.
Với góc độ là giám đốc tư vấn của Công ty tư vấn CĐS FPT Digital, ông Lê Vũ Minh, cho biết: "Trong quá trình làm việc thực tế với nhiều DN tại Việt Nam, chúng tôi thấy có một khoảng cách giữa định hướng, chiến lược và quá trình thực hiện CĐS".
Theo ông Minh, rất nhiều lãnh đạo có định hướng, chiến lược, tuy nhiên, lại chưa biết cách biến thành những hành động cụ thể. Điều đó gây khó khăn cho những vấn đề liên quan như chuẩn bị nguồn lực, lập kế hoạch và thực thi CĐS.
Trở lại với trường hợp của Thiên Long, không dừng lại ở những thành công ban đầu, Thiên Long xác định mục tiêu phát triển bền vững và lâu dài. Năm 2020, Thiên Long đã thiết lập những chiến lược về hoạt động kinh doanh, tập khách hàng, về các ngành nghề, sản phẩm mới, sự cần thiết phải hiện đại hoá chuỗi cung ứng cũng như nâng cao tự động hoá trong nhà máy.
Theo chia sẻ của ông Hạnh, Thiên Long luôn nhận được sự ủng hộ to lớn từ lãnh đạo, đặc biệt là ông Cô Gia Thọ, chủ tịch Tập đoàn Thiên Long, luôn ưu tiên đẩy mạnh CĐS, ứng dụng công nghệ để gia tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.
Trước sự phát triển liên tục của công nghệ cũng như nhu cầu tăng trưởng trong tương lai, nhờ sự hỗ trợ của FPT, Thiên Long đã tiến hành xây dựng lộ trình CĐS đáp ứng mục tiêu của 5 năm tới, đồng thời bắt kịp sự phát triển của công nghệ trong thời đại 4.0.
Ông Hạnh chia sẻ để đạt hiệu quả CĐS, Thiên Long tập trung vào một số điểm chính, như xác định định hướng chiến lược của Thiên Long 5 năm tới; nhìn nhận hiện tại Thiên Long mong muốn gì, cần thay đổi và cải thiện gì, điều gì đang cản trở Thiên Long trong đà phát triển ở hiện tại cũng như trong tương lai.
Một trong những yếu tố được xác định đóng vai trò quan trọng để DN thực hiện CĐS thành công, chính là con người. Về điểm này, FPT đã hỗ trợ công ty đào tạo và nâng cao kiến thức CĐS cho nhân viên, giúp tổ chức các hội thảo để nhân viên cùng với tư vấn, ban CNTT đưa ra các ý tưởng CĐS, cách giải quyết khi ứng dụng công nghệ, giúp nhân viên hình dung được CĐS sẽ mang lại lợi ích cho họ, và những gì họ được thụ hưởng qua công cuộc CĐS, từ đó tăng tính cam kết của nhân viên khi thực hiện các dự án chuyển đổi.
“Đối tác tư vấn sẽ hỗ trợ DN xác định mục tiêu, phương pháp, đặc biệt là đánh giá lộ trình CĐS cũng như các sáng kiến số có đem lại hiệu quả, có cần thiết hay không. Đơn vị tư vấn có kiến thức về CĐS, các công nghệ mới nổi và xu hướng thị trường, từ đó đưa ra những tư vấn giá trị”, ông Hạnh cho biết.
Cũng theo ông Hạnh, nhờ sự hỗ trợ của đối tác tư vấn, tập đoàn Thiên Long đã xây dựng được một bức tranh và lộ trình CĐS tổng thể, cũng như quá trình thực hiện phù hợp với từng giai đoạn./.