Diễn đàn

Triển khai Nghị quyết số 57 với tinh thần "thời chiến" của Quân đội

Ngọc Mai 20/02/2025 08:52

“Nghị quyết số 57 được ký đúng ngày 22/12 (Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam), muốn truyền thông điệp rằng những người làm khoa học công nghệ bây giờ cũng phải sống với tinh thần Quân đội như trong thời chiến”, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nói.

gap-mat-ict-2025.jpg
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và các đại biểu tham dự Chương trình Gặp gỡ ICT 2025.

Điểm tựa quan trọng cho cộng đồng ICT tạo bước nhảy vọt trong CĐS quốc gia

Chương trình Gặp gỡ ICT 2025 với chủ đề “Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (KHCN, ĐMST và CĐS) quốc gia” diễn ra tối 19/2 tại Hà Nội, với sự tham gia của đại diện 20 hội, hiệp hội, câu lạc bộ chuyên môn ngành ICT.

Phát biểu khai mạc sự kiện, GS. TS. Nguyễn Thanh Thủy, Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam (VAIP) nhận định, đây là cuộc gặp gỡ đầu Xuân đặc biệt, sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57 về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia.

ong-thuy.jpg
GS. TS. Nguyễn Thanh Thủy: Nghị quyết số 57 là điểm tựa quan trọng cho cộng đồng ICT Việt Nam tiếp tục phát triển, nghiên cứu, triển khai và ứng dụng ICT.

“Nghị quyết số 57 là điểm tựa quan trọng cho cộng đồng ICT Việt Nam tiếp tục phát triển, nghiên cứu, triển khai và ứng dụng ICT, phục vụ thúc đẩy kinh tế số, xã hội số, chính phủ số, tạo bước nhảy vọt trong CĐS quốc gia, phát triển đất nước trong thời kỳ mới”, Chủ tịch Hội Tin học nói.

TS. Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam (VAA), nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), cũng nhận định, Nghị quyết số 57 thắp lên hy vọng mới. Nếu thực hiện thành công Nghị quyết số 57, KHCN Việt Nam sẽ có những bước phát triển mới đột phá, ấn tượng, đem lại lợi ích lớn cho nền kinh tế Việt Nam.

ong-nguyen-quan.jpg
TS. Nguyễn Quân: KHCN Việt Nam sẽ có những bước phát triển mới đột phá, ấn tượng, đem lại lợi ích lớn cho nền kinh tế Việt Nam.

“Lần đầu tiên người đứng đầu Đảng làm Trưởng Ban Chỉ đạo để thực hiện 1 nghị quyết rất quan trọng. Đây cũng là động lực để chúng ta tin tưởng Nghị quyết số 57 sẽ đi vào cuộc sống và sẽ thành công, khắc phục khiếm khuyết của các nghị quyết trước đây gặp phải, đó là khả năng đi vào cuộc sống bị hạn chế”, TS. Nguyễn Quân nói.

Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam bày tỏ mong muốn Bộ trưởng và các lãnh đạo Bộ KH&CN luôn ủng hộ để các hội, hiệp hội có thể tham gia trực tiếp vào các dự án lớn của đất nước như dự án về vi mạch bán dẫn, đường sắt Bắc - Nam, điện hạt nhân Ninh Thuận… (đều có hàm lượng công nghệ rất lớn, đòi hỏi sự tham gia của cộng đồng KHCN).

“Chúng tôi rất mong Bộ KH&CN tạo điều kiện, hỗ trợ để người làm công nghệ có cơ hội đóng góp hiệu quả nhất cho sự phát triển của đất nước”, TS. Nguyễn Quân chia sẻ.

TS. Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN đánh giá cao 4 nội dung trọng tâm của Nghị quyết số 57.

Một, sẽ đầu tư cho KHCN với quy mô lớn hơn, chưa từng có, đó là dành 3% tổng chi ngân sách nhà nước, 2% GDP quốc gia cho R&D.

Hai, chấp nhận rủi ro mạo hiểm và độ trễ của KHCN để tạo ra miễn trừ trách nhiệm cho người làm khoa học.

Ba, xác định tài trợ của ngân sách nhà nước cho KHCN theo cơ chế quỹ thông qua các quỹ phát triển KHCN.

Bốn, khẳng định vai trò then chốt của đội ngũ người làm KHCN Việt Nam.

Ở góc độ doanh nghiệp (DN) công nghệ, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CMC bộc bạch: “Nghị quyết số 57 và trước đó là bài phát biểu của Tổng Bí thư trong ngày 2/9 đã tạo cảm xúc cho chúng tôi được tiếp thêm năng lượng mới, niềm tin mới vào sự phát triển của đất nước. Mong rằng trong tương lai, Việt Nam sẽ đồng hành với thế giới đi tới kỷ nguyên thông minh”.

ong-nguyen-trung-chinh.jpg
Ông Nguyễn Trung Chính: Mong rằng trong tương lai, Việt Nam sẽ đồng hành với thế giới đi tới kỷ nguyên thông minh.
tang-hoa-chuc-mung-bt.jpg
Đại diện cộng đồng ICT Việt Nam chúc mừng Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng vừa được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ

“Tốc chiến” triển khai Nghị quyết số 57

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Nghị quyết số 57 được ký đúng ngày 22/12 (Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam), muốn truyền thông điệp rằng những người làm KHCN bây giờ cũng phải sống với tinh thần Quân đội như trong thời chiến.

bt-nguyen-manh-hung.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Nghị quyết về các cơ chế chính sách đặc biệt để tạo sự đột phá cho lĩnh vực KHCN, ĐMST và CĐS vừa được thông qua

Với tinh thần đó, Nghị quyết về thí điểm chính sách đặc biệt cho lĩnh vực KHCN, ĐMST và CĐS được viết ra chỉ trong vòng chưa đến 1 tuần. Một Nghị quyết quan trọng của Quốc hội đề cập rất nhiều cơ chế, chính sách, bình thường cần 6 tháng soạn thảo, giờ chỉ cần 5 - 6 ngày, 2 Bộ KHCN (cũ) cùng Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã chung tay làm ra một nghị quyết mang tính rất cách mạng.

“Nghị quyết về các cơ chế chính sách đặc biệt để tạo sự đột phá cho lĩnh vực KHCN, ĐMST và CĐS vừa được thông qua ngày 19/2. Tinh thần là nghẽn ở đâu, nghẽn cái gì kéo dài, nhất là những cái cấp bách, thì gỡ ở đó; cần đột phá ở đâu thì cho chính sách đặc biệt ở đó. Nghị quyết này được coi là hành động đầu tiên để thực hiện Nghị quyết số 57”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.

Quốc hội yêu cầu Ban Soạn thảo trong Nghị quyết về các cơ chế chính sách đặc biệt để tạo sự đột phá cho lĩnh vực KHCN, ĐMST và CĐS phải có nhiều thông điệp dễ lan tỏa tới người dân.

Bởi thế, tên của các điều khoản trong Nghị quyết này cũng rất đặc biệt, đều mang tính thông điệp. Chẳng hạn: Chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu; Khoán chi phí cho nghiên cứu; Kết quả nghiên cứu thuộc sở hữu của tổ chức nghiên cứu; Thúc đẩy DN chi cho KHCN thông qua ưu đãi thuế; Hỗ trợ DN viễn thông đầu tư 5G nhanh trên toàn quốc; Cho phép chỉ định thầu với các dự án CĐS; Hỗ trợ bằng tiền từ ngân sách Trung ương để xây dựng nhà máy nghiên cứu sản xuất chip bán dẫn đầu tiên tại Việt Nam…

“Nghị quyết số 57 đang nhanh chóng đi vào cuộc sống. Nghị quyết về thí điểm chính sách đặc biệt cho lĩnh vực KHCN, ĐMST và CĐS tập trung vào những việc có thể làm được ngay. Cũng với tinh thần quân đội thời chiến, chúng tôi đang quyết tâm chỉ 1 tuần sau sẽ có được hướng dẫn của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết này”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin thêm.

gap-mat-ict-2025_2.jpg
Hội Tự động hoá Việt Nam (VAA), Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam (REV), Hội Tin học Việt Nam (VAIP) trao thoả thuận hợp tác.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ một số điểm cần làm ngay của lĩnh vực KHCN:

Một là chấp nhận rủi ro, đấy là bản chất của nghiên cứu, không ra kết quả cũng không lo bị truy cứu trách nhiệm cũng như chi phí đã chi cho nghiên cứu đó; miễn trách nhiệm dân sự khi xảy ra rủi ro.

Hai là khoán chi cho nghiên cứu và phát triển KHCN; quản lý theo mục tiêu chứ không quản cách làm. Trước đây quan tâm thủ tục nên rất nhiều hóa đơn chứng từ, mà kết quả nghiên cứu thường nhỏ.

Ba là cho tổ chức nghiên cứu dù dùng tiền nhà nước nhưng được sở hữu kết quả nghiên cứu. Khi thương mại hóa, người trực tiếp nghiên cứu được hưởng 30%, còn 70% để lại cho cơ sở nghiên cứu. Nhà nước thu ở khía cạnh kết quả nghiên cứu đi vào cuộc sống, tạo ra doanh thu để nhà nước thu thuế.

Bốn là DN phải giữ vai trò người chơi chính trong phát triển công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu ĐMST./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Triển khai Nghị quyết số 57 với tinh thần "thời chiến" của Quân đội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO