Theo đó, trong lĩnh vực CĐS, FPT sẽ đồng hành cùng tỉnh Hậu Giang xây dựng các văn bản, chương trình hành động, kế hoạch CĐS đảm bảo phù hợp với thực tiễn của tỉnh. Đồng thời, FPT hỗ trợ UBND tỉnh Hậu Giang cụ thể hóa chương trình hành động thành các nhiệm vụ, dự án, bám sát theo Nghị quyết CĐS của tỉnh Hậu Giang, phù hợp với năng lực và thế mạnh của FPT, trong các lĩnh vực hạ tầng số, chính quyền số, phát triển hệ ứng dụng số cho người dân/doanh nghiệp (DN) Hậu Giang cũng như các lĩnh vực ưu tiên.
Hai bên cũng sẽ cùng hợp tác triển khai thí điểm đô thị thông minh sử dụng giải pháp toàn diện tích hợp hạ tầng số và các giải pháp số của FPT tại 01 thành phố/huyện trong tỉnh Hậu Giang; tư vấn các DN CĐS và triển khai các ứng dụng CĐS; hỗ trợ DN và hộ gia đình đưa sản phẩm của Hậu Giang ra toàn quốc thông qua nền tảng thương mại điện tử Sendo.
Đồng thời, hai bên cùng phối hợp triển khai các chương trình đào tạo ngắn hạn và chuyên sâu cho lãnh đạo, cán bộ công chức viên chức đặc biệt là đội ngũ chuyên trách về công nghệ thông tin, các tổ chức, DN, người dân trên địa bàn tỉnh về chuyển đổi số nhằm nâng cao nhận thức cũng như kỹ năng số.
Cũng theo biên bản thỏa thuận, FPT đề xuất tỉnh Hậu Giang tạo điều kiện thuận lợi cho Tổ chức giáo dục FPT tìm cơ hội phát triển về giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Hậu Giang được xem là một trong những tỉnh phục hồi kinh tế nhanh và khởi sắc trên nhiều lĩnh vực sau hai năm chịu tác động của đại dịch COVID-19. Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh năm 2021 đạt 11%, đứng thứ 8 cả nước và thứ nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long. Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thay đổi tích cực.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh trong năm 2021 xếp thứ 38/63 tỉnh, thành trên cả nước với 63,80 điểm, tăng 12 bậc trong giai đoạn 2017 - 2021 (từ vị trí 50 năm 2017 lên vị trí 38 năm 2021). Cải cách hành chính (PAR Index) tăng 4 bậc so với năm 2019 (từ vị trí 31 năm 2019 lên vị trí 27 năm 2021), tạo đột phá quan trọng giúp tỉnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội.
Năm 2021, Hậu Giang cũng nằm trong Top 30 tỉnh đi đầu về CĐS trên cả ba trụ cột kinh tế số - xã hội số - chính quyền số. Trong đó, ở trụ cột kinh tế số Hậu Giang xếp thứ 18/63 tỉnh thành. Đây cũng được xem là 1 trong những hướng đi quan trọng giúp tỉnh bứt phá vươn lên trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực và trên cả nước.
Được sự ủng hộ của Chính phủ, lãnh đạo các tỉnh thành trong cả nước, trong năm qua, FPT đã xúc tiến ký kết thoả thuận hợp tác CĐS với 20 địa phương và đào tạo nhận thức CĐS cho gần hàng vạn cán bộ lãnh đạo các cấp của các địa phương trên toàn quốc.
Dựa trên thế mạnh công nghệ, kinh nghiệm CĐS của Tập đoàn và đặc thù kinh tế xã hội, lợi thế cạnh tranh của từng tỉnh, thành, FPT sẽ hỗ trợ các tỉnh, thành phát triển kinh tế - xã hội toàn diện trên cả ba trụ cột kinh tế số, chính phủ số, xã hội số hướng đến mô hình quốc gia số, thích ứng linh hoạt với trạng thái bình thường mới thông qua việc tư vấn lập quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, chiến lược CĐS, đào tạo thay đổi nhận thức chuyển đổi số trên quy mô lớn.../.