Truyền thông

Triển lãm gần 200 tài liệu, bản đồ, hình ảnh lưu trữ về Hoàng Sa, Trường Sa

Mai Hà 19/09/2023 08:15

Ngày 18/9, tại Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã khai mạc triển lãm "Hoàng Sa - Trường Sa, Biển đảo thiêng liêng". Triển lãm do Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân và Học viện Hải quân tổ chức.

bien_dao_2-1694152159729.jpeg

Phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm vào ngày 8/9, ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước khẳng định: Biển, đảo là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng, không thể tách rời của Tổ quốc. Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ đã khai phá, xác lập và thực hiện chủ quyền trên hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa một cách nhất quán, liên tục, phù hợp thực tiễn và luật pháp quốc tế.

Điều này đã được khẳng định trong khối tài liệu lưu trữ - Di sản tư liệu của Việt Nam và thế giới đang bảo quản tại các Trung tâm Lưu trữ quốc gia thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ, Bộ Nội vụ.

trien_lam_2-1694152830484.jpeg

Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa - Biển, đảo thiêng liêng” bao gồm 3 phần.

Phần I: chủ đề “Hoàng Sa, Trường Sa - Cương vực tự bao đời” trưng bày nhiều tư liệu khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một phần của lãnh thổ Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử. Trong đó, các chúa Nguyễn, vua Nguyễn đã thực hiện nhiều phương thức quản lý, thực thi chủ quyền trên hai quần đảo này, như: thành lập đội Hoàng Sa, thu lượm sản vật, của cải; khảo sát, đo đạc, ghi nhật ký, vẽ bản đồ, cắm mốc, trồng cây, dựng bia miếu, cứu hộ thuyền buôn nước ngoài. Nội dung này đã được ghi trong các văn bản hành chính của triều đình nhà Nguyễn (tấu, sớ, phụng dụ…) và chép lại trong bản gốc khắc in các bộ chính sử của Vương triều Nguyễn.

Tài liệu lưu trữ quốc gia ghi lại các hoạt động quản lý và thực thi chủ quyền như: xây dựng trạm khí tượng, dựng bia chủ quyền, đảm bảo giao thông, liên lạc, thành lập, sáp nhập các đơn vị hành chính; cho các công ty thăm dò, khai thác khoáng sản, khai thác dịch vụ hàng hải tại Hoàng Sa, Trường Sa; khen thưởng các viên chức, binh lính làm việc tại Hoàng Sa và Trường Sa…

Một số bản đồ do các nước phương Tây vẽ về Châu Á, khu vực Biển Đông, xuất bản từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX, thể hiện quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với tên gọi quốc tế là Pracel hay Paracels thuộc lãnh thổ của Đế chế An Nam (Việt Nam)… cũng là bằng chứng đanh thép khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo này.

Phần 2: chủ đề “Bảo vệ chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa” giới thiệu nhiều tài liệu lưu trữ quốc gia và nhiều tư liệu lịch sử đã ghi lại một cách chân thực các sự kiện như: xây dựng trạm vô tuyến điện; các hoạt động tăng cường tiếp viện hàng tháng cho các đồn trú trên quần đảo Hoàng Sa; việc canh phòng Hoàng Sa; phụ cấp đặc biệt cho các binh sĩ đồn trú trên quần đảo Hoàng Sa...

Ngoài ra còn có các tư liệu về việc chia tách, sát nhập về mặt hành chính, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện tại hai quần đảo; các văn bản xác nhận và khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; các dự án đồn trú và khai thác hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tư liệu trưng bày có lưu lại các sự kiện như việc phản đối hành động xâm chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và dư luận quốc tế về việc này; quá trình tiếp quản các đảo trên quần đảo Trường Sa của Quân đội Nhân dân Việt Nam sau ngày giải phóng; hoạt động tuần tra, huấn luyện và bảo vệ đảo trên quần đảo Trường Sa, các văn bản thể hiện lập trường của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Phần 3: chủ đề “Tự hào biển, đảo quê hương” giới thiệu các tư liệu, hình ảnh về sự kế thừa và phát huy truyền thống của ông cha ta trong lịch sử bảo vệ chủ quyền biển, đảo, nhất là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Triển lãm gần 200 tài liệu, bản đồ, hình ảnh lưu trữ về Hoàng Sa, Trường Sa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO