Chính phủ số

Trung Quốc xếp thứ 43/193 quốc gia về phát triển chính phủ điện tử

Anh Minh 29/12/2022 14:50

Chỉ số Phát triển chính phủ điện tử (CPĐT) (EGDI) của Trung Quốc đạt mức 0,8119 vào năm 2022 - cao hơn giá trị trung bình toàn cầu là 0,6102, đưa quốc gia này vào nhóm EDGI "rất cao".

Trong năm 2022, Trung Quốc đã có sự phát triển mạnh về xây dựng CPĐT. Theo khảo sát của Bộ Kinh tế và Xã hội Liên Hợp Quốc (DESA), năm 2022 Trung Quốc xếp thứ 43 trong số 193 quốc gia về phát triển CPĐT, tăng từ thứ hạng 78 vào năm 2012.

Theo cuộc khảo sát, Trung Quốc là một trong những quốc gia có sự cải thiện lớn nhất về xếp hạng CPĐT. Phiên bản tiếng Trung của cuộc khảo sát này đã được DESA và trung tâm nghiên cứu CPĐT thuộc Trường Đảng của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đồng phát hành.

Chỉ số Phát triển CPĐT (EGDI) của quốc gia này đứng ở mức 0,8119 vào năm 2022 - cao hơn giá trị trung bình toàn cầu là 0,6102, đưa quốc gia này vào nhóm EDGI "rất cao".

EGDI, đánh giá sự phát triển của CPĐT ở cấp quốc gia, là một chỉ số tổng hợp dựa trên giá trị bình quân của ba chỉ số tiêu chuẩn, đó là Chỉ số cơ sở hạ tầng viễn thông, Chỉ số vốn con người và Chỉ số dịch vụ trực tuyến (OSI).

Theo cuộc khảo sát được công bố 2 năm một lần, Trung Quốc đã đạt được mức OSI "rất cao" là 0,8876 vào năm 2022. Ngoài ra, chiến lược phát triển của chính phủ Trung Quốc cũng tiếp tục hỗ trợ việc chia sẻ và thương mại giao dịch dữ liệu, phát triển ứng dụng công nghệ cao. Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc, kéo dài từ 2021 đến 2025, đã xác định dữ liệu là yếu tố sản xuất chính bên cạnh đất đai, lao động, vốn và công nghệ.

Ý tưởng đằng sau việc trao đổi dữ liệu là tạo ra một thị trường hàng hóa tương tự như các thị trường hàng hóa vật chất, thông qua đó dữ liệu của các công ty và tổ chức có thể được chia sẻ và chuyển giao cho người mua. Trước đây, phần lớn dữ liệu chỉ giới hạn ở những đơn vị sở hữu. Dữ liệu được chia sẻ có thể được các tổ chức sử dụng một cách có lợi, giúp tăng hiệu quả kinh tế và đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế.

Theo Trung tâm thông tin nhà nước (Trung tâm quản lý mạng CPĐT Trung Quốc), có hơn 40 sàn trao đổi dữ liệu đang hoạt động hoặc được lên kế hoạch mở cửa sắp tới ở Trung Quốc. Trong số đó có các sàn giao dịch hoạt động tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến. Cơ sở đầu tiên được thành lập vào tháng 4/2015, đặt tại Quý Dương, thủ phủ của tỉnh Quý Châu.

Sàn giao dịch dữ liệu Thượng Hải, khai trương vào tháng 11/2021, là sàn đầu tiên cung cấp dữ liệu công khai từ chính quyền thành phố. Cùng tháng đó, Sàn giao dịch dữ liệu lớn quốc tế Bắc Kinh, được thành lập vào tháng 4/2021, đã đưa ra một hợp đồng giao dịch sử dụng công nghệ chuỗi khối.

Mới đây nhất, sàn giao dịch dữ liệu Thâm Quyến đã chính thức được mở cửa vào ngày 15/11 với gần 100 nhà cung cấp dữ liệu, 100 nhà môi giới và 300 người mua đã đăng ký. Trước đó, sàn giao dịch dữ liệu đã được triển khai thí điểm trong gần một năm.

Sàn giao dịch dữ liệu sẽ cấp chứng chỉ nhà cung cấp dữ liệu, chứng chỉ giao dịch dữ liệu trong nước và xuyên biên giới, đồng thời cung cấp các thủ tục đăng ký dữ liệu, các quy định tuân thủ bảo mật và hỗ trợ kỹ thuật, quy tắc và tiêu chuẩn, kết nối cung/cầu và các yếu tố lưu thông dữ liệu, giúp thích ứng với nền kinh tế số đang phát triển và thay đổi của Trung Quốc./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Trung Quốc xếp thứ 43/193 quốc gia về phát triển chính phủ điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO