Truyền thông

Truyền thông chính sách trong thời đại công nghiệp 4.0

TS. Trần Thị Hòa - Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng 12/01/2024 06:50

Truyền thông chính sách (policy communication) là một khái niệm được giới nghiên cứu chính trị học và các nhà lãnh đạo, quản lý trên thế giới quan tâm nghiên cứu và ứng dụng trong thực tiễn quản lý, điều hành xã hội và cả các tổ chức lớn cũng như các doanh nghiệp.

Tóm tắt:

- Vai trò của truyền thông chính sách đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

- Một số khó khăn đặt ra với công tác truyền thông chính sách trong thời đại 4.0.

- Vận dụng lý thuyết truyền thông trong công tác truyền thông chính sách.

- Nghiên cứu trường hợp truyền thông về chính sách Bình đẳng
giới (thông qua Luật Bình đẳng giới 2006) trên nhóm đối tượng công chúng trẻ tại miền Trung.

Truyền thông chính sách: Khái niệm, vai trò, phương pháp thực hiện

Truyền thông chính sách (TTCS) là một nội dung ứng dụng của truyền thông nói chung. Dưới ánh sáng của lý thuyết truyền thông hiện đại, có thể hiểu TTCS là quá trình trao đổi thông tin hai chiều giữa các nhà xây dựng chính sách và tổ chức thực hiện chính sách (các nhà lãnh đạo) với những người tiếp nhận và thực thi chính sách (công chúng/nhân dân và các bên liên quan). Quá trình này tạo ra sự hiểu biết chung về chính sách, gắn kết mối quan hệ giữa các nhà lãnh đạo, công chúng và các bên liên quan.

h1.jpg
Hình 1. Mô hình TTCS hai chiều ba bên.

Ở nước ta, TTCS hiện nay phần lớn tập trung vào nội dung TTCS công, tức là truyền thông các chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong nhiều năm qua, công tác tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đã được thực hiện ở nước ta, đặc biệt, báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện TTCS ở nước ta, góp phần phổ biến đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân.

Trong giai đoạn hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, đã xuất hiện yếu tố mới có tác động mạnh mẽ đến công tác TTCS - đó là công nghệ số, mà cụ thể là Internet, máy tính, điện thoại thông minh, mạng xã hội (MXH). Sự xuất hiện của những yếu tố này vừa tạo thuận lợi vừa tạo ra những thách thức mới cho TTCS.

Sự biến đổi của ngôn ngữ, những thay đổi trong việc sử dụng các loại tín hiệu truyền thông (đặc biệt là những tín hiệu phi ngôn từ) có thể gây tác động đến hoạt động TTCS. Ngôn ngữ TTCS của Nhà nước vốn dĩ nghiêm túc, trang trọng, thậm chí có nhiều ngôn ngữ chuyên ngành không phải luôn dễ hiểu với tất cả mọi người thì nay lại càng khó hấp dẫn với công chúng khi phải giành sự chú ý với những video clip hài ngắn tràn lan trên mạng - những clip này sử dụng ngôn ngữ đời thường, thậm chí là suồng sã nhưng gần gũi, dễ hiểu với đại chúng và có thể nói về những chủ đề rất đời thường.

Cùng với đó là sự lên ngôi của vô số hình ảnh phong phú, sinh động trên các trang MXH - đây có thể xem là một sự “quyến rũ” của MXH, qua đó thách thức phương thức TTCS truyền thống vốn nặng về với các văn bản nhiều chữ, đôi khi khô khan và dài dòng.

h2.jpg
Hình 2. Mô hình đề xuất các giai đoạn của TTCS.

Sự tự do của MXH một mặt tạo điều kiện cho sự dễ dàng, phong phú trong việc cung cấp và tiếp cận thông tin, nhưng nó cũng có mặt trái là dễ dàng gây nhiễu loạn thông tin. Tin đồn, tin giả, thông tin bịa đặt, thông tin kích động… có cơ hội lan truyền trên không gian mạng cũng có thể gây khó khăn cho TTCS.

Việc tiếp thu chính sách với công chúng qua các văn bản hành chính vốn khô khan, khó hấp dẫn bởi các tài liệu, văn bản chính thức thì nay lại phải đối diện với thách thức là công chúng bị thu hút sự chú ý bởi nhiều yếu tố khác nên sự tập trung của công chúng có nguy cơ bị giảm sút, tạo tâm lý không thuận lợi cho việc phổ biến chính sách.

Để hoạt động TTCS giảm bớt khó khăn cản trở và đạt hiệu quả cao hơn, tác giả xin đề xuất việc xem xét tham khảo một mô hình TTCS bao gồm các giai đoạn cơ bản như Hình 2.

ttcs.png

Vai trò của báo chí trong TTCS

Trong quá trình TTCS, báo chí đóng vai trò quan trọng, do đó, người làm TTCS và người làm báo cần lưu ý vận dụng một số lý thuyết truyền thông vào quá trình TTCS để giúp quá trình trên báo chí đạt hiệu quả cao.

- Thuyết thiết lập chương trình nghị sự (the agenda-setting theory) do hai nhà nghiên cứu người Mỹ Maxwell McCombs và Donald Shaw đề ra. Thuyết này chỉ ra được báo chí có khả năng hướng sự suy nghĩ, quan tâm của công chúng đến một số vấn đề của xã hội mà báo chí lựa chọn xem xét để đưa vào xuất hiện trong nội dung của báo chí. Thuyết thiết lập chương trình nghị sự cho thấy khi một vấn đề được đề cập trên báo chí thì công chúng được tạo điều kiện để suy nghĩ và thảo luận về vấn đề này.

Vì vậy, dựa trên cơ sở lý thuyết này, chúng ta có thể thấy: nếu muốn công chúng quan tâm đến chính sách thì báo chí cần đưa thông tin về chính sách lên trở thành các nội dung nổi bật, hàng đầu của báo chí (thay vì các thông tin giật gân, câu khách hoặc các thông tin có ít ý nghĩa thực tiễn đối với lợi ích cộng đồng).

Việc xuất hiện nổi bật trên báo chí và trở thành những thông tin quan trọng hàng đầu sẽ khiến công chúng dễ dàng tiếp cận với chính sách, quan tâm đến chính sách, hiểu về chính sách hơn, qua đó tạo điều kiện cho việc thực hiện chính sách rộng rãi trong thực tế. Hơn nữa, việc báo chí nhanh chóng đưa tin bài về chính sách ở vị trí nổi bật giúp công chúng, nhân dân được kịp thời tiếp cận và hiểu về chính sách, qua đó nhân dân được thảo luận, tìm hiểu về chính sách, đẩy mạnh sự tham gia của nhân dân và công chúng vào quá trình xây dựng và thực thi chính sách. Đây là một sự thể hiện của mức độ dân chủ trong xã hội.

Hiện nay ở nước ta báo chí đã làm tốt việc thông tin, giới thiệu, cập nhật về chính sách mới. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nên hạn chế hoặc thu nhỏ những nội dung thông tin ít mang tầm quan trọng thực sự với cộng đồng, và dành nhiều không gian, vị trí headline hàng đầu cho các vấn đề về chính sách có quan hệ mật thiết đến quốc kế dân sinh và lợi ích thiết thực của xã hội, qua đó nâng cao ý nghĩa và giá trị thực tiễn của tin bài báo chí.

Bên cạnh đó, hình thức thông tin cũng nên linh động, có sự hấp dẫn, thu hút và dễ hiểu để người dân dễ dàng nắm bắt (ví dụ: infographic, video clip nên được tăng cường sử dụng để bổ sung cho hình thức bài viết thuần chữ truyền thống về chính sách).

Trong quá trình trình bày tin bài về chính sách, người làm báo cần làm nổi rõ hoặc nhấn mạnh mối quan hệ mật thiết giữa chính sách và lợi ích của người dân, có nhiều bài phân tích sâu sắc toàn diện giúp người đọc hiểu được chính sách và mục đích, vai trò, ý nghĩa, tác động của chính sách cũng như quá trình xây dựng và thực thi chính sách, qua đó thu hút sự quan tâm của công chúng và cũng thể hiện rõ vai trò cầu nối giữa Nhà nước và nhân dân của báo chí và khẳng định vị thế quan trọng khó thay thế của báo chí trong đời sống chính trị - xã hội. Thực vậy, báo chí đã và sẽ đóng vai trò quan trọng, chủ chốt trong TTCS không chỉ bởi độ nhanh nhạy, tính chuyên nghiệp trong thông tin của báo chí mà còn bởi uy tín, độ tin cậy cao của báo chí đối với Nhà nước và nhân dân.

Có thể nói, báo chí nếu hoạt động tốt có thể đóng vai trò của dẫn dắt dư luận (opinion leader), dẫn dắt các luồng ý kiến của công chúng theo hướng tích cực và đúng đắn, góp phần tạo nhận thức đúng (hiểu đúng và đầy đủ về chính sách), hành động đúng về chính sách (góp ý phù hợp và có thiện chí vào quá trình xây dựng chính sách, ủng hộ chính sách, tham gia thực thi chính sách, tuân thủ pháp luật của Nhà nước…) để đem lại lợi ích chung cho xã hội.

- Thuyết Không gian công (Public Sphere): thuyết này do nhà lý thuyết nổi tiếng người Đức Jurgen Habermas đề ra. Theo thuyết này, báo chí cung cấp một không gian công cộng cho các cuộc bàn bạc, thảo luận của công chúng về những vấn đề chung được xã hội quan tâm. Loại không gian công này là sự thể hiện của dân chủ trong xã hội hiện đại. Habermas quan tâm đến lý tính của cuộc thảo luận này.

Trên thực tế, những vấn đề được bàn bạc, thảo luận công khai nhiều trên báo chí thì thường giúp công chúng hiểu vấn đề sâu sắc và công chúng có điều kiện lên tiếng trình bày các ý kiến của mình từ các góc độ khác nhau, và tiếng nói của họ qua báo chí có cơ hội đến với các nhà hoạch định chính sách, các nhà lãnh đạo, có thể được xem xét, tiếp thu dẫn đến sự điều chỉnh chính sách một cách phù hợp nếu cần.

Khái niệm không gian công ban đầu được đưa ra dành để nói về các không gian sinh hoạt công cộng phổ biến ở các nước tư sản phương Tây như quảng trường (square), quán rượu (pub), báo chí, nhưng trên thực tế hiện nay, trong thời đại 4.0 hiện nay, không chỉ báo chí hay các quảng trường mà MXH cũng tạo ra không gian công cho sự trình bày và thảo luận ý kiến về chính sách.

Do đó, trong công tác TTCS hiện nay thì bên cạnh sự chú ý đến vai trò hàng đầu của báo chí, các nhà truyền thông cũng không thể không quan tâm đến hoạt động của MXH. Cụ thể, sử dụng MXH như là một trong những kênh TTCS để thông tin về chính sách có thể đến với đông đảo người dân một cách dễ dàng và nhanh chóng. Người làm TTCS cũng cần lắng nghe ý kiến phản hồi của người dân qua MXH, chọn lọc và xem xét, đánh giá thông tin phản hồi để có thể tham khảo cho việc xây dựng, điều chỉnh và thực thi chính sách một cách vừa đạt hiệu quả cao vừa hợp lòng dân.

Nghiên cứu trường hợp truyền thông về chính sách Bình đẳng giới của Việt Nam

Chính sách bình đẳng giới (BĐG) là một chính sách nhân văn, tiến bộ đã được Đảng và Nhà nước ta đề ra, luật hóa và thực thi trong nhiều năm qua. Chính sách BĐG được thể hiện cụ thể trong Luật BĐG năm 2006.

c84539f8-925e-4fdb-81c3-346501ecf711.jpeg
(Hình minh họa)

Một cuộc thử nghiệm (test) được thực hiện trên 120 thanh niên đang là học sinh trung học phổ thông và sinh viên đại học trong độ tuổi từ 17 - 21 đến từ các tỉnh thành miền Trung Việt Nam cho thấy một số điểm đáng chú ý trong công tác truyền thông về chính sách BĐG.

Thử nghiệm được thực hiện bằng cách cho công chúng đọc nội dung chính sách của Nhà nước về BĐG được thể hiện tại điều 7 của Luật BĐG 2006 và sau đó trả lời những câu hỏi liên quan đến nội dung này. Kết quả thực nghiệm trên nhóm công chúng trẻ có kiến thức cho thấy sự hiểu biết về chính sách BĐG như sau:

Đa số nhóm công chúng trẻ được hỏi đều đã từng biết đến, tiếp cận Luật BĐG, tức là đã có biết đến chính sách BĐG của Nhà nước. Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận thanh niên được hỏi chưa biết đến hoặc biết rất hời hợt về luật này (28/120, chiếm khoảng 23,3% số lượng công chúng được hỏi). Đa số đều bày tỏ sự quan tâm đến Luật BĐG, tuy nhiên, có một bộ phận nhỏ người được hỏi không quan tâm đến luật này vì các lí do như không liên quan đến lợi ích, không hứng thú…

Qua thử nghiệm cho thấy nội dung chính sách, luật về BĐG nên được đưa vào giảng dạy nhiều hơn trong chương trình chính khóa để cung cấp thông tin sâu rộng, đầy đủ, cập nhật, đáp ứng nhu cầu của người học. Những hình thức tuyên truyền giáo dục nên trực tiếp, gần gũi, hiện đại, cập nhật, súc tích, tránh dài dòng, nhàm chán. Ví dụ, nên có các video clip xoay quanh chính sách BĐG được trình bày ngắn gọn nhưng với nội dung sâu sắc, thông điệp rõ, gọn, dễ hiểu và hài hước được đăng rộng rãi lên các trang MXH phổ biến để thu hút nhiều công chúng tiếp cận, không chỉ là giới trẻ.

Nội dung chính sách về BĐG được diễn tả tại Điều 7 Luật BĐG 2006 đối với đa số các bạn trẻ là dễ hiểu. Tuy nhiên, một số điểm có thể gây nhiễu trong TTCS về BĐG đã được rút ra qua thử nghiệm như sau:

- Về mặt ngôn ngữ:

* Thuật ngữ, từ chuyên môn: ví dụ: “chỉ số phát triển”;

* Đối với một số đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, có thể cần bản chuyển ngữ để tạo điều kiện thuận lợi cho sự tiếp thu;

* Tính khái quát của luật, cách trình bày chung chung có thể khiến một số công chúng hiểu mơ hồ, chưa rõ về chính sách, do đó cần có sự cụ thể hóa thông qua nhiều hoạt động truyền thông mang tính tiếp nối, giải thích để tuyên truyền, phổ biến luật và chính sách.

- Về mặt nhận thức:

* Lo ngại sự cản trở của các thành kiến, định kiến đã ăn sâu có thể cản trở sự khả thi của chính sách ở một số nơi;

* Lo ngại vùng kinh tế chưa phát triển mạnh, vùng còn tồn tại nhiều phong tục lạc hậu thì việc thực hiện chính sách BĐG có thể còn gặp một số khó khăn;

* Cho rằng vấn đề không hoặc chưa liên quan đến lợi ích bản thân, vì chưa có thời gian, chưa có hứng thú, chưa nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề BĐG…

Khi được đọc về điều 7 Luật BĐG thể hiện chính sách của Nhà nước về BĐG thì công chúng bày tỏ sự quan tâm đến chính sách này, sự ủng hộ với chính sách và muốn tham gia thực hiện chính sách. Có bạn bày tỏ bản thân chưa quan tâm đến chính sách BĐG là do trước đó chưa được tiếp cận nội dung chính sách.

Như vậy, nếu có sự tiếp cận thì sẽ có sự hiểu hơn, công chúng được đọc, được nghe nhiều về chính sách BĐG thì họ hiểu hơn sẽ quan tâm hơn và dành nhiều sự ủng hộ với chính sách nhân văn và tiến bộ này. Do đó, việc TTCS có vai trò quan trọng trong việc thu hút sự ủng hộ của công chúng, của nhân dân đối với chính sách và sự tham gia thực thi chính sách để biến chính sách BĐG thành hiện thực.

Thử nghiệm này tuy được thực hiện trên một nhóm hẹp công chúng trẻ, tuy nhiên cũng đã cho thấy được một số điểm đáng chú ý như sau về TTCS:

- Truyền thông có vai trò rất quan trọng trong việc giúp người dân tiếp cận, hiểu chính sách, thu hút sự quan tâm, ủng hộ, tham gia của người dân trong việc thực thi chính sách.

- Trong điều kiện hiện nay, công chúng có xu hướng thích TTCS được thực hiện qua MXH và Internet với xu hướng hình ảnh và âm thanh tinh gọn, súc tích, có sức thu hút. Công chúng trẻ quan tâm và muốn đẩy mạnh TTCS BĐG qua MXH, qua Internet, báo chí.

- TTCS nên được thực hiện theo hướng “tiếp nối”, tức là không chỉ giới thiệu, phổ biến chính sách mà còn chú trọng hỗ trợ làm rõ, cụ thể hóa những điểm mang tính khái quát trong các chính sách, luật đã được ban hành bằng văn bản chính thức của Nhà nước, nhằm giúp người dân hiểu rõ hơn chính sách. Cần có phương pháp thu hút những nhóm công chúng chưa quan tâm, chưa nhận thức được tầm quan trọng của chính sách vào việc tìm hiểu, quan tâm và ủng hộ chính sách.

- TTCS cần quan tâm đến các đối tượng công chúng ở vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, vùng chưa phát triển mạnh về kinh tế.

- TTCS cần tính đến yếu tố cản trở truyền thông như định kiến, thành kiến… và tìm cách khắc phục yếu tố gây nhiễu này.

Kết luận

Nghiên cứu này khẳng định tầm quan trọng của TTCS như là cầu nối giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước với Nhân dân, giúp hỗ trợ và thúc đẩy quá trình xây dựng và thực hiện chính sách nhằm mang lại lợi ích chính đáng cho nhân dân và các bên liên quan. Để TTCS đạt hiệu quả cao, người làm TTCS nên chú ý về mặt sử dụng ngôn ngữ, hình thức diễn đạt, thể hiện trình bày trong hoạt động TTCS, chú trọng các hình thức TTCS sao cho hiện đại, cập nhật, phù hợp với xu thế số hóa của thời đại công nghiệp 4.0.

Bên cạnh việc sử dụng báo chí với vai trò dẫn dắt dư luận xã hội, TTCS hiện nay cần gắn liền với MXH và các thiết bị, phương tiện, cơ sở kỹ thuật số. Nếu thực hiện tốt TTCS, thì sự hiểu biết về chính sách, sự quan tâm và ủng hộ của người dân với chính sách có thể được nâng cao, từ đó tạo điều kiện cho việc thực thi chính sách đạt hiệu quả mong đợi. Làm tốt công tác TTCS sẽ góp phần giúp xã hội vận hành thuận lợi, giúp công tác điều hành, quản lý của Nhà nước được nâng cao hiệu quả, qua đó sẽ góp phần tăng cường sự đồng thuận xã hội, củng cố và nâng cao uy tín của các cơ quan lãnh đạo cũng như các nhà lãnh đạo, thúc đẩy sự phát triển của đất nước, sự tiến bộ của xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của con người./.

Tài liệu tham khảo:

1. Hồng Lợi 2022, “Chính sách của Nhà nước về Bình đẳng giới”, Website Sở Thông tin & Truyền thông UBND tỉnh Bình Phước,
https://binhphuoc.gov.vn/vi/st..., xem ngày 4/12/2023.

2. Quốc hội khóa XI, Luật số 73/2006/QH 11 của Quốc hội: Luật Bình đẳng giới, https://chinhphu.vn/default. aspx pageid=27160&docid=28975, xem ngày 5/12/2023.

3. Roberts, C.V. 1994, A first look at communication theory, McGraw-Hill.

4. Trần Thị Hòa 2010, Tập bài giảng Báo chí và Dư luận xã hội, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng.

5. Trần Thị Hòa 2021, Giáo trình Lý thuyết truyền thông, NXB Đà Nẵng.

(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 12 tháng 12/2023)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Truyền thông chính sách trong thời đại công nghiệp 4.0
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO