Truyền thông

Truyền thông chính sách nhìn từ công tác lấy ý kiến dự thảo Luật đất đai (sửa đổi)

TS. Nguyễn Minh Phong, Nguyễn Thị Quỳnh Hương 31/12/2023 13:45

Các quan báo chí cần chủ động xây dựng kế hoạch và linh hoạt triển khai hoạt động truyền thông bám sát quy trình chính sách.

Tóm tắt:
Lấy ý kiến cho dự thảo văn bản quy phạm chính pháp luật (VBQPPL).
Thực tế lấy ý kiến nhân dân về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Một số tồn tại sau 3 năm thực hiện Luật Ban hành VBQPPL năm 2015.
Truyền thông chính sách bắt đầu từ khi nhận diện vấn đề chính sách.
Tổ chức tốt việc triển khai lấy ý kiến góp ý trong xây dựng VBQPPL.

Theo tinh thần Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách (TTCS), thì TTCS là khâu quan trọng của quá trình chính sách và ảnh hưởng rất lớn đến mọi vấn đề của đời sống xã hội và quản lý Nhà nước, cần được triển khai bám sát quy trình chính sách, tạo môi trường công khai, minh bạch cho việc thảo luận, xây dựng và thực thi chính sách, góp phần đưa cuộc sống vào quá trình xây dựng chính sách, xây dựng niềm tin của người dân với Chính phủ, thống nhất nhận thức, ý chí và tạo đồng thuận cao trong triển khai thực hiện chính sách.

Yêu cầu và thực tế lấy ý kiến và truyền thông lấy ý kiến dự thảo chính sách

Lấy ý kiến góp ý trong quá trình xây dựng VBQPPL là một quy trình bắt buộc đã được quy định tại Luật Ban hành VBQPPL hiện hành.

Theo Điều 57 Luật Ban hành VBQPPL 2015, trong quá trình soạn thảo văn bản, cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội chủ trì soạn thảo phải lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản và cơ quan, tổ chức có liên quan; nêu những vấn đề cần xin ý kiến phù hợp với từng đối tượng lấy ý kiến và xác định cụ thể địa chỉ tiếp nhận ý kiến; đăng tải toàn văn dự thảo văn bản và tờ trình trên Cổng thông tin điện tử (TTĐT) quy định trong thời gian ít nhất là 60 ngày, trừ những văn bản được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn, để các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý kiến.

Trong thời gian dự thảo đang được lấy ý kiến, nếu cơ quan chủ trì soạn thảo chỉnh lý lại dự thảo văn bản khác với dự thảo đã đăng tải trước đó thì phải đăng lại dự thảo văn bản đã được chỉnh lý. Việc lấy ý kiến có thể thông qua hình thức lấy ý kiến trực tiếp, gửi dự thảo đề nghị góp ý kiến, tổ chức hội thảo, tọa đàm, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo có trách nhiệm tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý và đăng tải nội dung giải trình, tiếp thu trên Cổng TTĐT của Chính phủ và Cổng TTĐT của cơ quan, tổ chức mình để nhân dân biết.

cong-ttdt-2.jpeg

Đánh giá 3 năm thực hiện Luật Ban hành VBQPPL năm 2015, Bộ Tư pháp đã chỉ ra một số tồn tại nổi bật như: Hầu hết các đề nghị, dự án, dự thảo VBQPPL đăng tải trên Cổng TTĐT không nhận được ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân...; Cơ quan soạn thảo chỉ chú trọng đến việc lấy ý kiến một số Bộ, coi nhẹ việc tuyên truyền lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách. Bởi thế, việc lấy ý kiến đối với dự án, dự thảo VBQPPL còn mang tính hình thức. Hình thức đối thoại trực tiếp về chính sách trong đề nghị xây dựng nghị quyết với đối tượng chịu tác động trực tiếp của văn bản chưa được các nơi áp dụng trên thực tế.

Nhiều nguyên nhân được chỉ ra, như: Thời gian gửi hồ sơ dự án, dự thảo văn bản để lấy ý kiến thường rất gấp, không đầy đủ hoặc nội dung sơ sài, thiếu các thông tin cần thiết... Hơn nữa, hiện chưa quy định cơ chế giám sát việc tổ chức lấy ý kiến, tham gia góp ý kiến và trách nhiệm giải trình, phản hồi của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quy trình này; chưa quy định rõ thời điểm, thời hạn đăng tải tài liệu này và việc cập nhật nội dung giải trình, tiếp thu khi thời hạn lấy ý kiến là tương đối dài.

Đặc biệt, thực tế cho thấy, việc gửi toàn bộ dự thảo với những gợi ý chung chung, mà không nhấn mạnh nội dung trọng tâm của văn bản cần được lấy ý kiến cũng dẫn đến các góp ý lan man, hiệu quả không cao. Đồng thời, chưa chú trọng đến lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản dẫn đến văn bản khi ban hành không đảm bảo được tính khả thi, nhận được nhiều luồng kiến nghị, phản ánh của các đối tượng liên quan.

Chưa có cơ chế ràng buộc đối với quy định tiếp thu ý kiến góp ý, do đó phần lớn giai đoạn này phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người soạn thảo. Bên cạnh đó, thời gian thực hiện lấy ý kiến một số trường hợp quá ngắn và quá gấp nên chưa thu hút được sự tham gia đông đảo của công chúng. Những bất cập này làm cho chất lượng công tác lấy ý kiến chưa cao, mang tính hình thức bởi vậy một số điều luật khi đưa vào áp dụng trong thực tiễn không khả thi...

Rút kinh nghiệm và theo chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội về thực hiện Nghị quyết số 671/NQ- UBTVQH15, cơ quan chủ trì soạn thảo đã phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) từ ngày 3/1/2023 đến ngày 15/3/2023.

Cơ quan chủ trì soạn thảo đã chủ trì, phối hợp với UBTƯ MTTQ Việt Nam, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Kinh tế và một số Ủy ban khác của Quốc hội; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội Nông dân Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức có liên quan tổ chức các Hội nghị lấy ý kiến nhân dân.

UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức ở Trung ương tổ chức các hội nghị lấy ý kiến; Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với HĐND, UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân tại địa phương, cơ sở. Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Kinh tế và các Ủy ban khác của Quốc hội, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, các Viện nghiên cứu, trường Đại học đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm, khảo sát lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý và đối tượng chịu sự tác động của dự thảo Luật. Việc tổ chức lấy ý kiến người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã được Bộ Ngoại giao triển khai với nhiều hình thức.

image001_cda4abb4.jpeg
Nhằm lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, bao gồm người Việt Nam định cư ở nước ngoài với tư cách là đối tượng thụ hưởng chính sách Luật Đất đai, ngày 2/3/2023, tại Hà Nội, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến người Việt Nam định cư ở nước ngoài đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến (các điểm cầu tại châu Âu, châu Á, châu Mỹ và châu Úc). (Ảnh: tapchimoitruong)

Các cơ quan truyền thông, báo chí đã góp phần tích cực trong việc tuyên truyền, phổ biến, lấy ý kiến nhân dân, mở nhiều chuyên mục trao đổi, thảo luận, phản ánh kịp thời ý kiến nhân dân, doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý... Tổng cộng có 20.537 tin, bài nội dung liên quan dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ý kiến của nhân dân được đăng tải trên báo chí và các phương tiện truyền thông.

Tính đến hết ngày 2/4/2023, đã có 11.685.461 lượt ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý vào dự thảo Luật Đất đai được tập hợp gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường; tập trung vào các nhóm vấn đề: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (chiếm 9,93%); Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (chiếm 8,60%); Tài chính đất đai, giá đất (chiếm 8,38%); Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (chiếm 8,14%); Chế độ sử dụng đất (chiểm 7,83%); Thu hồi đất, trưng dụng đất (chiếm 7,6%); Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận (chiếm 7,54%); Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất (chiếm 7,46%).

Trên thực tế, việc tổ chức lấy ý kiến và truyền thông về lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai được triển khai nghiêm túc, đồng bộ, dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch, chuyên sâu, thu hút được sự quan tâm đông đảo của các tầng lớp nhân dân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; công tác tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu ý kiến của nhân dân cũng được thực hiện ngay trong quá trình lấy ý kiến, khiến đây trở thành cuộc sinh hoạt và sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng; phát huy được quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng và tạo sự đồng thuận trong nhân dân; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức và toàn dân đối với việc sửa đổi và thi hành Luật Đất đai.

Để làm tốt truyền thông chính sách từ khâu lấy ý kiến

Làm tốt công tác TTCS là làm tốt việc phản ánh dư luận và sự phản biện xã hội, tương tác qua lại, đa chiều giữa các chủ thể chính sách với các đối tượng chính sách liên quan về một số nội dung chính sách không phù hợp, hay đã lạc hậu, giúp các cơ quan chức năng kịp thời điều chỉnh, tránh gây bức xúc trong dư luận và nhân dân.

TTCS bắt đầu từ khi nhận diện vấn đề chính sách, dự thảo, xin ý kiến góp ý, phản biện và thông qua chính sách, cũng như đánh giá thực thi chính sách... giúp các bên hiểu biết đầy đủ, kịp thời và tham gia vào quá trình thiết kế, cải thiện chất lượng chính sách và thực thi chính sách công một cách chủ động, tự nguyện và hiệu quả.

Trên thực tế, việc coi trọng phản ánh dư luận và phản biện xã hội
trong quá trình lấy ý kiến đã giúp nâng cao chất lượng và sự đồng thuận chính sách; ngược lại, việc coi nhẹ khâu này có thể ảnh hưởng không tốt đến chất lượng chính sách, cũng như hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách.

Thực tiễn cũng cho thấy, thông qua việc tổ chức lấy ý kiến và truyền thông tốt việc lấy ý kiến của người dân, cơ quan hoạch định chính sách sẽ có thông tin về thực tế cuộc sống để đưa ra được những quy định phù hợp với các điều kiện xã hội hiện có. Từ đó văn bản pháp luật sẽ có tính khả thi cao tránh được bệnh chủ quan duy ý chí áp đặt từ một phía. Bên cạnh đó, đây cũng là một hình thức tuyên truyền mang tính tích cực, chủ động để người dân nghiên cứu thảo luận tiếp cận trước một bước với văn bản pháp luật.

Bởi vậy, trong thời gian tới, công tác TTCS cần chú trọng và nâng cao chất lượng hoạt động lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp và các đối tượng liên quan của các quy định trong các dự thảo VBQPPL; đa dạng hóa cách thức tổ chức lấy ý kiến góp ý; tăng cường hoạt động tham vấn, huy động sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia, thực sự cầu thị trong việc tiếp thu những ý kiến góp ý, thẩm định để nâng cao chất lượng VBQPPL.

Đặc biệt, việc tổ chức triển khai lấy ý kiến góp ý trong xây dựng VBQPPL cần thực chất hơn, hình thức lấy ý kiến đa dạng, phong phú phù hợp với từng đối tượng; làm rõ và giám sát trách nhiệm của cơ quan soạn thảo trong việc thiết kế cách gợi mở để người dân đóng góp ý kiến, sau đó phải có báo cáo phản hồi, đã tập hợp được bao nhiêu kiến nghị, ý kiến góp ý và những nội dung đó được tiếp thu giải trình như thế nào, vấn đề gì đã tiếp thu, vấn đề gì chưa tiếp thu...

Thực tế cho thấy, việc lấy ý kiến và truyền thông lấy ý kiến của đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào vùng sâu vùng xa thì không thể chỉ qua Cổng TTĐT, mà phải đến tận khu dân cư, cộng đồng để mọi đối tượng tiếp cận được văn bản khi còn là dự thảo. Điều quan trọng hơn là phải tuyên truyền, giải thích cho người dân, đối tượng bị tác động hiểu được quy định tại dự thảo để người dân tham gia ý kiến; dành khoảng thời gian hợp lý để người dân có thể nghiên cứu, trao đổi, phản biện.

Đồng thời, các Bộ, ngành, cơ quan cần chủ động cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho báo chí và các phương thức truyền thông khác về dự thảo chính sách, văn bản pháp luật và những vấn đề dư luận xã hội quan tâm; thực hiện nghiêm quy chế phát ngôn và nâng cao trách nhiệm giải trình trước các vấn đề và câu hỏi liên quan nhu cầu thông tin của các cơ quan báo chí, nhà báo; tăng đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan truyền thông, báo chí phù hợp với yêu cầu và quy định của pháp luật.

Các quan báo chí cần chủ động xây dựng kế hoạch và linh hoạt triển khai hoạt động truyền thông bám sát quy trình chính sách; chú ý thông tin rộng rãi và tập trung vào các trọng tâm cần xin ý kiến của các dự thảo văn bản pháp luật, chính sách; phản ánh kịp thời và trung thực các ý kiến, các phản ứng của cộng đồng xã hội và đối tượng chính sách để các chủ thể chính sách rà soát các xử lý tốt hơn các ý kiến phản biện xã hội và hoàn thiện thêm về chính sách, cũng như kịp thời định hướng thông tin chính sách.

nha-bao.jpeg
Ảnh minh hoạ (Nguồn: nhandan.vn)

Đồng thời, nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ phóng viên, biên tập viên và đa dạng hoá, phối hợp hiệu quả các hình thức truyền thông chính sách; sử dụng nhiều hơn các thể loại báo chí hiện đại; cân nhắc câu, chữ và diễn đạt ý tứ nội dung sao cho có tính đại chúng, ngắn, mạch lạc và đơn giản, dễ hiểu, dễ nghe, dễ góp ý; hài hoà hơn các góc độ thông tin; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên đề có hệ thống phục vụ công tác tuyên truyền; bám sát cuộc sống của người dân và doanh nghiệp để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ, phản ánh được ý kiến của đông đảo các nhà khoa học, chính khách và nhân dân trong quá trình xây dựng và ban hành chính sách.

Cần nhấn mạnh rằng, một nền báo chí lành mạnh, khuyến khích tự do, dân chủ và trách nhiệm cao trong thông tin, phản biện xã hội... chính là điều kiện và hợp lực mạnh mẽ cho việc tập hợp và phát huy các sức mạnh trí tuệ và vật chất, dân tộc và thời đại, vượt qua các sức ép hành chính hay kỹ thuật, để tập hợp, đại diện và khẳng định nguyện vọng chính đáng của công dân và ý chí của đông đảo cử tri, bạn đọc vào nâng cao chất lượng và hiệu quả truyền thông chính sách vì phát triển bền vững của đất nước, của dân tộc và các thế hệ tương lai...

Tài liệu tham khảo:
1. Quyết định 407/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn
đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp
luật giai đoạn 2022 – 2027”.
2. Chỉ thị 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ;
3. https://www.quanlynhanuoc.vn/2...
yeu-cau-doi-voi-truyen-thong-chinh-sach/, cập nhật ngày
05/01/2021;
4. https://quochoi.vn/UserControl...
pFormPrint.aspx?UrlListProcess=/content/tintuc/Lists/
news&ItemID=44598;
5. http://tuphap.hatinh.gov.vn/ch...
tai-trong-cong-tac-lay-y-kien-gop-y-du-thao-van-ban-quy-
pham-phap-luat;
6. https://kinhtedothi.vn/lay-y-k...
phap-luat-chat-che-de-tranh-hinh-thuc.html;

(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 11 tháng 11/2023)

Bài liên quan
  • Tiền đâu để truyền thông chính sách?!
    Truyền thông chính sách (TTCS) là khâu quan trọng trong quá trình ban hành chính sách. Với phương châm truyền thông phải “đi trước” để thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội, từ đó kịp thời phát hiện và xử lý hiệu quả đối với những xu hướng thông tin sai lệch bản chất, không có lợi cho sự phát triển của đất nước.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Truyền thông chính sách nhìn từ công tác lấy ý kiến dự thảo Luật đất đai (sửa đổi)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO