Truyền thông

Truyền thông trên nền tảng số là "nội dung sống còn" của các đài PTTH

Ánh Dương 13/09/2024 20:45

Theo đại diện Cục PTTH&TTĐT, các đài phát thanh truyền hình không chỉ phát triển nội dung số mà còn phải đưa nội dung này lên các nền tảng số, từ đó xây dựng mô hình kinh doanh trên môi trường số và làm chủ các nền tảng kỹ thuật số.

Đây là chia sẻ của đại diện Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), Bộ TT&TT tại hội thảo về việc triển khai Hiệp định đồng sản xuất chương trình PTTH Việt Nam - Hàn Quốc được Bộ TT&TT phối hợp với Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc tổ chức ngày 12/9/2024.

Hội thảo diễn ra dưới hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến, với sự tham gia của các đài PTTH Trung ương, địa phương, cùng một số đài PTTH Hàn Quốc.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các vấn đề liên quan đến chiến lược, kỹ thuật và mô hình hợp tác trong sản xuất các chương trình PTTH.

de5ec2d5c07a67243e6b.jpg
Ông Hoàng Hữu Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TT&TT phát biểu khai mạc hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, ông Hoàng Hữu Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TT&TT, nhấn mạnh năm 2024 đánh dấu nhiều thay đổi tích cực trong quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Hàn Quốc. Điều này được thể hiện qua một loạt hoạt động cấp cao, nổi bật là chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam đến Hàn Quốc vào tháng 7 vừa qua. Hai bên đã ký kết nhiều văn kiện hợp tác, nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai quốc gia.

Hợp tác trong lĩnh vực TT&TT giữa Việt Nam và Hàn Quốc cũng đã được đẩy mạnh trên nhiều mặt, bao gồm CNTT, bưu chính, truyền thông, chính phủ điện tử và PTTH - những lĩnh vực mà Hàn Quốc có thế mạnh.

Đặc biệt, trong lĩnh vực PTTH, Việt Nam và Hàn Quốc đã ký kết Hiệp định về hợp tác đồng sản xuất chương trình truyền hình từ năm 2019, với mục tiêu mở rộng và tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác sản xuất các chương trình truyền hình trong bối cảnh hợp tác giao lưu văn hóa - kinh tế giữa các bên, từ đó góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia quốc gia và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa người dân Việt Nam và Hàn Quốc.

Truyền thông trên nền tảng số là sống còn trong giai đoạn phát triển tiếp theo của các đài PTTH

Chia sẻ tại Hội thảo, bà Nguyễn Thu Trang, đại diện Cục PTTH&TTĐT, Bộ TT&TT, nhấn mạnh, Bộ TT&TT đang tập trung đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số (CĐS) trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực báo chí.

CĐS báo chí đặt ra mục tiêu là xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, thực hiện tốt sứ mệnh tuyên truyền, truyền thông liên quan đến các hoạt động của Đảng, Nhà nước, của các đồng chí lãnh đạo, đồng thời phản ánh chân thực toàn bộ đời sống của nhân dân. CĐS báo chí giúp cho cơ quan báo chí thực hiện tốt công tác thông tin đối ngoại.

bc373f6ad3d974872dc8.jpg
Bà Nguyễn Thu Trang: Việc tăng cường truyền thông trên các nền tảng số và mạng xã hội được coi là "nội dung sống còn" và bắt buộc trong giai đoạn phát triển tiếp theo của các đài PTTH.

Theo số liệu thống kê, hiện nay cả nước có 72 cơ quan PTTH, trong đó khoảng 45 đài đã ban hành chiến lược CĐS; khoảng 41 đài đã xây dựng bố trí một hệ thống đội ngũ nhân sự riêng để phát triển nội dung số/làm công tác CĐS; khoảng 30 đài triển khai hạ tầng số riêng, xây dựng ứng dụng, nền tảng số, và khoảng 15 đài đã bắt đầu ứng dụng công nghệ AI trong sản xuất chương trình PTTH. Đáng chú ý, 100% các đài đã triển khai hệ thống phần mềm quản trị biên tập, xây dựng nội dung và chỉ đạo nội dung số.

Về phía quản lý Nhà nước, đại diện Cục PTTH&TTĐT cho biết, trong năm qua, Bộ TT&TT đã đẩy mạnh việc đưa nội dung lên các nền tảng số. Đồng thời, Bộ đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương để ban hành các chỉ đạo nhằm thúc đẩy sản xuất những video/clip ngắn, nhỏ, nhanh về các nội dung tuyên truyền về Đảng, Nhà nước, cũng như các hoạt động đối nội, đối ngoại và đời sống xã hội để đưa lên nền tảng số, có thể là các trang thông tin điện tử (TTĐT) hoặc các nền tảng mạng xã hội (MXH) khác của các đài PTTH. Đây là một trong những định hướng chiến lược của Bộ TT&TT.

Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng tập trung phát triển các nền tảng PTTH quốc gia. Hiện nay, nền tảng VTVGo của Đài Truyền hình Quốc gia (VTV) đang vận hành hiệu quả và thu hút sự tham gia của nhiều đài truyền hình địa phương. VTVGo cung cấp 7 kênh truyền hình thiết yếu quốc gia, 50 kênh truyền hình địa phương và 10 kênh truyền hình quảng bá của VTV. Ngoài ra, Đài Tiếng nói Việt Nam cũng đang phát triển một trong hai nền tảng của mình thành nền tảng phát thanh quốc gia.

Hiện nay, 72 đài PTTH đều đã có trang TTĐT và hoạt động tương đối hiệu quả. Nhiều đài đã thành lập các phòng ban chuyên trách về nội dung số.

Đại diện Cục PTTH&TTĐT nhấn mạnh việc tăng cường truyền thông trên các nền tảng số và MXH được coi là "nội dung sống còn" và bắt buộc trong giai đoạn phát triển tiếp theo của các đài PTTH. Các đài không chỉ cần phát triển nội dung số mà còn phải đưa nội dung này lên các nền tảng số, từ đó từng bước xây dựng mô hình kinh doanh trên môi trường số và làm chủ các nền tảng số.

Bên cạnh đó, để đạt được mục tiêu này, các đài PTTH cần tuân thủ nghiêm túc các quy định pháp luật liên quan và chú trọng đào tạo đội ngũ nhân lực trong lĩnh vực CĐS, đẩy mạnh CĐS báo chí cũng như thứ hạng về CĐS. Bộ TT&TT vẫn đang tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh việc phát triển các nền tảng truyền hình số quốc gia, phát thanh số quốc gia theo kế hoạch được phê duyệt, cũng như theo kế hoạch liên quan đến công tác CĐS trong lĩnh vực PTTH.

Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra và giám sát việc ứng dụng công nghệ trong đo lường và giám sát để hạn chế tối đa những sai phạm trong lĩnh vực báo chí. Đồng thời, tăng cường nâng cao trình độ chuyên môn và ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là những người làm trong lĩnh vực PTTH, nhằm đáp ứng tốt các nhiệm vụ được giao.

Ngoài ra, Bộ TT&TT cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để hỗ trợ các cơ quan báo chí nói chung và PTTH nói riêng trong việc thực hiện CĐS, đặc biệt trong quản lý và điều hành tác nghiệp; tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ về sản xuất, phân phối nội dung, cũng như trao đổi thông tin về các mô hình CĐS trong lĩnh vực báo chí.

PTTH áp dụng AI mạnh mẽ

Tham gia hội thảo qua hình thức trực tuyến, ông Hong Jong Bae, Giám đốc Cục PTTH, Cơ quan Truyền thông Hàn Quốc (KCA), đã chia sẻ về các quy định và luật pháp liên quan đến lĩnh vực PTTH tại Hàn Quốc.

Ông Hong Jong Bae cho biết, một trong những nhiệm vụ quốc gia quan trọng của Chính phủ Hàn Quốc là xây dựng một quốc gia truyền thông toàn cầu mạnh mẽ với 6 chiến lược cụ thể và hơn 100 nhiệm vụ liên quan đến PTTH.

Trong đó, trí tuệ nhân tạo (AI) được áp dụng vào tất cả các giai đoạn sản xuất, từ lên ý tưởng, lập kế hoạch, viết kịch bản đến sản xuất và phát sóng tự động. Đối với lĩnh vực tiếp thị, AI có thể tự động tạo ra các video quảng cáo, cá nhân hóa nội dung và phân tích hiệu quả. Chẳng hạn, AI có thể phân tích nhu cầu và thói quen xem truyền hình của khán giả để tạo ra quảng cáo phù hợp với thị hiếu. Công nghệ này cũng hỗ trợ tự động tạo phụ đề, dịch thuật và xử lý ngôn ngữ.

Trong sản xuất, AI được áp dụng tự động hóa nhiều công đoạn, giúp giảm chi phí và thời gian sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng nội dung và đa dạng hóa chương trình.

Bên cạnh AI, hàng loạt công nghệ mới nổi cũng đang được áp dụng trong sản xuất các chương trình PTTH và phim ảnh của Hàn Quốc, nổi bật là công nghệ thực tế mở rộng (XR).

Chia sẻ về vấn đề liên quan đến hợp tác giữa các đài PTTH Việt Nam và Hàn Quốc, ông Lee Sunwoo, đại diện đài JTBC cho rằng yếu tố quan trọng nhất chính là tạo ra những nội dung mới dựa trên hiểu biết sâu sắc về nhu cầu thị trường. Khi hợp tác với nhau, các bên sẽ phát huy được thế mạnh của mình, từ đó mở rộng thể loại và địa bàn phân phối.

JTBC mong muốn tiếp tục được hợp tác với các đài PTTH Việt Nam trong các dự án chung, đồng thời nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ phía Việt Nam.

Cùng đồng tình với quan điểm này, bà Trần Thái Thủy, Giám đốc Trung tâm Điện ảnh, Đài PTTH Hà Nội, cho rằng Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều tiềm năng hợp tác sản xuất chương trình; đồng thời nhấn mạnh không có lý do gì để các đài địa phương không phát huy hợp tác, từ phim ảnh, talk show dựa trên văn hóa mỗi quốc gia đến tin tức và phóng sự cho các sự kiện quốc tế.

Về Hiệp định đồng sản xuất giữa hai nước được thực hiện từ năm 2019 đến nay, hàng năm hai bên đều có các đoàn trao đổi, các hội thảo, tập huấn.

Đại diện Cục PTTH&TTĐT cho biết Hàn Quốc cũng đã hỗ trợ cho các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như các đài PTTH Việt Nam rất nhiều thông tin liên quan đến hệ thống văn bản, quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách trao đổi thông tin cũng như hỗ trợ Việt Nam một số thông tin liên quan đến công tác quản lý.

“Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả hơn nữa của Hiệp định, chúng tôi mong muốn hai bên xây dựng các kế hoạch hợp tác chi tiết và tổ chức các buổi trao đổi chuyên sâu. Các nội dung này cần tập trung vào các xu hướng phát triển giải pháp và các phương án hỗ trợ cụ thể từ phía Hàn Quốc đối với các cơ quan PTTH của Việt Nam”, đại diện Cục PTTH&TTĐT chia sẻ.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2024 - 2025, Bộ TT&TT hy vọng phía Hàn Quốc sẽ ưu tiên tập trung vào lĩnh vực CĐS trong PTTH. AI là công nghệ then chốt trong quá trình CĐS, đặc biệt trong phát triển và sản xuất nội dung, cũng như quản trị tòa soạn. Đây là một trong những lĩnh vực mà Việt Nam mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ Hàn Quốc, thông qua các hoạt động tập huấn, trao đổi chuyên môn và tổ chức các chuyến tham quan, học hỏi mô hình áp dụng AI thực tiễn tại Hàn Quốc. Việc này sẽ giúp các đài PTTH Việt Nam tích lũy kinh nghiệm để ứng dụng vào thực tiễn hoạt động tại Việt Nam.

Đại diện Cục PTTH&TTĐT nhấn mạnh, ngoài nỗ lực của Bộ TT&TT, các cơ quan báo chí, đài PTTH cũng cần chủ động trao đổi thông tin và đề xuất yêu cầu cụ thể để Bộ TT&TT có thể tổ chức các lớp học, khóa tập huấn theo nhu cầu thực tế để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Truyền thông trên nền tảng số là "nội dung sống còn" của các đài PTTH
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO