Chuyển đổi số

Các Cổng dịch vụ công trực tuyến phải có trợ lý ảo hướng dẫn sử dụng

BM 12/10/2024 16:58

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ TT&TT đang soạn thảo quy định, yêu cầu tất cả các cổng dịch vụ công trực tuyến các cấp phải có trợ lý ảo hướng dẫn sử dụng.

Sẽ có quy định các cổng dịch vụ công trực tuyến các cấp phải có trợ lý ảo hướng dẫn sử dụng

Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 127/QĐ-TTg ban hành chiến lược quốc ga về nghiên cứu, phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, trong đó có quan điểm chỉ đạo đầu tư trọng điểm, ứng dụng CNTT trong một số lĩnh vực quan trọng và đề cập cụ thể đến các dịch vụ phục vụ người dân góp phần đạt mục tiêu xây dựng xã hội sáng tạo, chính phủ hiệu quả.

Trao đổi với các đại biểu trong khuôn khổ tọa đàm của Chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số (CĐS) quốc gia 2024 được tổ chức sáng ngày 12/10/2024 tại Trụ sở Chính phủ với các đại biểu quan tâm đến ứng dụng AI giúp thực hiện các dịch vụ hành chính công, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về CĐS cho biết, CĐS có hai công đoạn lớn là số hoá dữ liệu và xử lý dữ liệu, chủ yếu là nhờ công nghệ AI.

bt-hung-12102024.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Bộ TT&TT coi trợ lý ảo là ứng dụng AI quan trọng nhất và rất phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

Theo Bộ trưởng, ứng dụng AI trên thế giới hiện nay rất khác nhau tuỳ thuộc vào thực tiễn, văn hoá quốc gia. Một trong những ứng dụng hiệu quả nhất hiện nay của AI là trợ lý ảo.

Đối với trợ lý ảo hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, Bộ TT&TT đang soạn thảo quy định, yêu cầu tất cả các cổng DVCTT các cấp phải có trợ lý ảo hướng dẫn sử dụng và Bộ TT&TT sẽ chủ trì trợ lý ảo dùng chung này để tránh việc nhiều Bộ, ngành, địa phương cùng xây dựng trợ lý ảo.

Bộ TT&TT đang chỉ đạo một số DN công nghệ lớn có thể làm các trợ lý ảo khác như trợ lý ảo hỗ trợ cán bộ công nhân viên trong công việc hàng ngày, hỗ trợ trả lời các câu hỏi liên quan đến quy trình làm việc, pháp luật; trợ lý ảo phát hiện ra các mâu thuẫn của các văn bản như nghị định, thông tư; trợ lý hỗ trợ tư pháp; trợ lý ảo hỗ trợ công dân. Bộ TT&TT đang thí điểm và cố gắng đến 2025 có thể nhân rộng.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Bộ TT&TT coi trợ lý ảo là ứng dụng AI quan trọng nhất và rất phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, nhất là các trợ lý ảo chuyên ngành, trợ lý ảo dùng riêng cho các tổ chức. Bởi vậy, Bộ TT&TT chú trọng và thúc đẩy ứng dụng trợ lý ảo để tiến tới mỗi người dân Việt Nam có một trợ lý ảo của riêng mình.

Trợ lý ảo riêng thì công ty công nghệ cung cấp nền tảng công nghệ và từng cá nhân nhập tri thức, dữ liệu của mình, rồi huấn luyện, dạy dỗ và sau đó thì sử dụng, trở thành một trợ lý cá nhân mà không ai có cả.

Bộ trưởng chia sẻ vui là dân số Việt Nam sẽ không còn 100 triệu người mà là 200 triệu người và năng suất của người dân Việt Nam sẽ tăng lên đáng kể.

Không để ai bị bỏ lại phía sau, trong cả đời sống thực và đời sống số

Cũng tại tọạ đàm, trả lời câu hỏi của đại biểu liên quan chính sách đặc thù với người nghèo, người khuyết tật, người cao tuổi khó tiếp cận, khó sử dụng công nghệ và các DVCTT, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban Quốc gia về CĐS cho rằng CĐS có ưu thế xóa nhòa các khoảng cách, như khoảng cách về cơ hội tiếp cận dịch vụ công của dân ở vùng sâu, vùng xa với người dân ở các thành phố.

pho-tt-nguyen-hoa-binh.jpg
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hoà Bình: Quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước là không để ai bị bỏ lại phía sau, trong cả đời sống thực và đời sống số. (Ảnh: VGP).

Tuy nhiên, để biến cơ hội thành hiện thực, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hoà Bình cho biết cần nỗ lực của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Với các đối tượng yếu thế, quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước là không để ai bị bỏ lại phía sau, trong cả đời sống thực và đời sống số.

Phó Thủ tướng Thường trực chỉ ra một số giải pháp, mà trước hết là cần đưa các dịch vụ công lên các nền tảng số, càng nhiều thì càng tốt, đây là trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương.

Cùng với đó, cần đầu tư hạ tầng điện, tần số, bảo đảm cơ hội tiếp cận dịch vụ số cho người dân tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Như có những nơi, chúng ta đầu tư kéo điện chỉ cho mười nóc nhà, hiệu quả kinh tế không cao nhưng đây là việc phải làm vì chính sách xã hội.

Cùng với đó, cần tăng cường vận động, hướng dẫn người dân để người dân thành thạo kỹ năng CĐS. Phó Thủ tướng Thường trực lấy ví dụ trong chuyến công tác gần đây tại Quảng Nam, ông được báo cáo, tỉnh này có chỉ số CĐS cao nhưng nhiều người dân lúc đầu không biết cả bấm điện thoại, các tổ công nghệ số, các cán bộ bộ đội biên phòng, công an… phải cầm tay hướng dẫn.

"Người dân biết, hiểu, muốn CĐS thì chúng ta thành công", Phó Thủ tướng Thường trực nói.

Thực hiện các giải pháp chống lừa đảo trên không gian mạng

Trao đổi với các đại biểu về vấn để đảm bảo an toàn trên không gian số, Thượng tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết thời gian qua đã có những vụ việc vi phạm pháp luật lợi dụng giả danh Công an, Viện kiểm soát, Toà án, ngân hàng, lừa đảo trên không gian mạng và gây bức xúc trong dư luận xã hội.

bt-luong-tam-quang.jpg
Bộ trưởng Lương Tam Quang: Bộ Công an phối hợp với Bộ TT&TT để ngăn chặn tình trạng SIM rác và triển khai các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thẻ ngân hàng.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ Công an đã phát hiện hơn 2.000 các vụ việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản ở trên không gian mạng, gây thiệt hại khoảng hơn 5.000 tỷ đồng. Nhiều vụ việc lấy danh nghĩa công an, ngân hàng, các cơ quan thực thi pháp luật với mục tiêu là để chiếm đoạt các tài khoản ngân hàng hoặc là hướng dẫn cập nhật VneID, sinh trắc học.

Để thực hiện công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, Bộ trưởng Lương Tam Quang cho biết Bộ Công an đã triển khai nhiều biện pháp, phối hợp với các Bộ, ban ngành để hướng dẫn xuyên suốt công tác phòng chống lừa đảo.

Bộ Công an phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong lĩnh vực được giao để triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng; Phối hợp với Bộ TT&TT để ngăn chặn tình trạng SIM rác và triển khai các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thẻ ngân hàng.

Bộ Công an kết hợp với các cơ quan truyền thông, mạng xã hội để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và tuyên truyền các phương thức, thủ đoạn hoạt động tội phạm.

Thời gian qua, Bộ Công an thúc đẩy hoạt động đa phương, song phương với nhiều nước trên thế giới, phối hợp với các công ty xuyên biên giới để đấu tranh với loại tội phạm xuyên quốc gia, ngăn chặn có hiệu quả các website, tài khoản giả mạo thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Bộ trưởng Lương Tam Quang cho biết, CĐS, số hoá đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội là một điều tất yếu. Các công việc này phải gắn với đảm bảo an ninh, an toàn và trật tự an toàn xã hội trong tình hình hiện nay. Bộ Công an đang phối hợp với các bộ ngành địa phương sửa đổi, bổ sung các hành lang pháp lý đầy đủ để quản lý các lĩnh vực đang bị tội phạm sử dụng để thực hiện các hành vi phạm tội.

Với việc thúc đẩy hợp tác quốc tế và sự đầu tư quan tâm của chính phủ để nâng cao năng lực cho các cơ quan phòng chống tội phạm, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, Bộ Công an xây dựng các quy trình, quy chế để phối hợp với các cơ quan thực thi pháp luật ở các quốc gia, công ty dịch vụ xuyên biên giới để đấu tranh, ngăn chặn và xử lý những hành vi vi phạm.

Với những giải pháp đã, đang thực hiện và sự đầu tư cho các hệ thống đảm bảo an ninh, an toàn của các cơ quan thực thi pháp luật cùng với ý thức cảnh giác của người dân, Bộ trưởng Lương Tam Quang khẳng định, người dân có thể yên tâm sử dụng các phần mềm, các ứng dụng, dịch vụ số do tổ công nghệ số cộng đồng hướng dẫn thực hiện, đảm bảo an ninh, an toàn thực hiện CĐS./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Các Cổng dịch vụ công trực tuyến phải có trợ lý ảo hướng dẫn sử dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO