Với mục tiêu góp phần xây dựng nền hành chính công của tỉnh Tuyên Quang theo hướng phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại và thân thiện, Bưu điện tỉnh Tuyên Quang hiện đang đẩy mạnh triển khai Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích (BCCI) và Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 phê duyệt Đề án đổi mới cơ chế một cửa một cửa liên thông trong TTHC.
Đối với việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ BCCI, hiện nhân viên bưu điện tại 114 điểm bưu điện văn hóa xã, 37 bưu cục cấp tỉnh, huyện đều được đào tạo bài bản, có thể tiếp nhận hồ sơ tại 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Theo ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Bưu điện tỉnh Tuyên Quang, trong số các loại hồ sơ mà doanh nghiệp BCCI được phép tiếp nhận thì các loại hồ sơ liên quan đến nhà đất là phức tạp nhất. Tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay, riêng lĩnh vực đất đai, Bưu điện tỉnh đã tiếp nhận và chuyển phát an toàn 11.000 hồ sơ đến tận địa chỉ người dân yêu cầu.
"Chúng tôi luôn sẵn sàng việc tiếp nhận và chuyển phát kết quả giải quyết TTHC các loại. Để tham gia lĩnh vực này, nhân viên bưu điện phải đảm bảo các tiêu chuẩn rất khắt khe về trình độ đầu vào và được đào tạo rất bài bản về các nghiệp vụ liên quan đến lĩnh vực hành chính công. Đối với mỗi loại TTHC, chúng tôi đều phối hợp với các Sở ngành liên quan để tổ chức đào tạo cho nhân viên nắm chắc nghiệp vụ như những nhân viên của bộ phận một cửa", ông Hùng chia sẻ thêm.
Năm 2021 Bưu điện tỉnh tiếp nhận và chuyển trả kết quả hơn 58.000 hồ sơ thì 6 tháng đầu năm con số này đã đạt 44.869 hồ sơ, tăng 98%.
Riêng tại Bộ phận một cửa của huyện Hàm Yên và Na Hang, Bưu điện tỉnh còn bố trí nhân viên trực tiếp tham gia và hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ BCCI.
Đặc biệt, tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh, Bưu điện tỉnh Tuyên Quang đang đề xuất chuyển giao cho nhân viên bưu điện đảm nhiệm việc tiếp nhận hồ sơ cho 6 sở, ngành phát sinh ít hồ sơ. Hiện tại có những sở mỗi tháng chỉ phát sinh không đến 10 hồ sơ nhưng vẫn cử một nhân viên tham gia tiếp nhận TTHC, trong khi đó công việc chuyên môn tại Sở đó lại rất nhiều. Điều này gây lãng phí cả về nguồn nhân lực và các khoản chi phí khác.
Đối với việc triển khai Quyết định số 468/QĐ-TTg về việc đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, tỉnh Tuyên Quang đã triển khai việc đặt Trung tâm Phục vụ hành chính công tại trụ sở Bưu điện tỉnh và chuyển Bộ phận một cửa của huyện Hàm Yên và Na Hang tại trụ sở của Bưu điện huyện. Hiện Bưu điện tỉnh Tuyên Quang cũng đang làm việc với một số UBND huyện như: Yên Sơn, Sơn Dương… và một số xã để triển khai việc chuyển bộ phận một cửa đặt tại bưu điện.
Bên cạnh việc bố trí trụ sở, trang thiết bị và nhân viên bưu điện đảm nhiệm một phần công việc tại Bộ phận một cửa, Bưu điện tỉnh Tuyên Quang cũng đang xây dựng kế hoạch để tham gia vào việc số hóa hồ sơ TTHC. "Việc số hóa hồ sơ có thể là cập nhật các dữ liệu vào phần mềm hành chính công của tỉnh hoặc quyét (scan) hồ sơ của người dân khi giải quyết TTHC để đẩy lên Cổng dịch vụ công của tỉnh. Chúng tôi đang chờ các hướng dẫn cụ thể của tỉnh để triển khai phần việc này", ông Hùng cho biết.
Ông Nguyễn Văn Hiến, Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Tuyên Quang khẳng định việc đặt Bộ phận một cửa tại các điểm bưu điện có đầy đủ hạ tầng, trang thiết bị và con người có năng lực, trình độ tiếp nhận hồ sơ hành chính là rất hợp lý. Hiện nay các sở, ngành tại địa phương khối lượng công việc rất lớn nên việc chuyển giao cho nhân viên bưu điện tiếp nhận hồ sơ, thủ tục hành chính sẽ tạo điều kiện để cán bộ công chức có thời gian nâng cao chất lượng, khối lượng công việc chuyên môn được giao.
"Các điểm bưu điện, đặc biệt là bưu điện văn hóa xã triển khai tốt việc tiếp nhận hồ sơ sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho người dân vì không phải đi lại xa xôi, mất thời gian. Việc này cần đẩy mạnh trong thời gian tới', ông Hiến nhấn mạnh thêm./.