Tuyên truyền phản tuyên truyền và bồi đắp năng lực tự miễn dịch của nội tư duy nhằm phòng, chống những lệch lạc, suy thoái về tư tưởng chính trỊ

Lê Hải| 28/06/2016 10:43
Theo dõi ICTVietnam trên

Hệ thống báo chí của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội cần thông tin, tuyên truyền nhanh chóng, kịp thời hơn, tránh cách thông tin một chiều, khô cứng, tăng cường những bài viết có hệ thống (và có sự liên kết thông tin giữa các cơ quan báo chí) phản bác thẳng vào những hiện tượng, sự kiện, vấn đề đang là tâm điểm chú ý của dư luận xã hội, đang bị các thế lực thù địch khoét sâu mặt trái, để bóp méo thông tin chống phá ta.

Kết quả hình ảnh cho tự do báo chíPhần I: Tuyên truyền phản tuyên truyền

1. Từ những ngụy biện về tự do báo chí tuyệt đối….

Lá bài hai mặt

Tu chính án (điều sửa đổi) đầu tiên của Hiến pháp nước Mỹ quy định về tự do ngôn luận, tự do báo chí, tưởng như bất khả xâm phạm, cũng vẫn bị đe dọa bởi sự chi phối của những tập đoàn truyền thông khổng lồ, theo như nhận định của Giáo sư Robert W. McChesney, trong cuốn sách nổi tiếng: “Sự giàu có của truyền thông - sự nghèo nàn của dân chủ: Truyền thông chính trị trong một thời đại không minh bạch”. Hầu bao của các nhà tư bản truyền thông kếch sù và các đế chế truyền thông càng phình ra bao nhiêu thì quyền tự do báo chí của số đông công chúng càng teo tóp đi bấy nhiêu. Sức chi phối này, theo ông, thậm chí là thảm họa cho bất kỳ ý niệm dân chủ nào!

Trong khi đó, tác giả John Nichols trong cuốn: “Bi kịch và trò hề: Làm cách nào truyền thông Mỹ lừa gạt trong các cuộc chiến tranh, cuộc bầu cử và phá hoại nền dân chủ” cho rằng, lợi nhuận và quyền lực chính trị là hai gọng kìm mềm siết chặt tự do báo chí ở các nước phương Tây. Điều đó được biện dẫn bởi trường hợp một số cơ quan báo chí của nước này đã đồng lõa và bị chi phối ra sao bởi các lực lượng chính trị khi bóp méo thông tin để thúc đẩy cuộc chiến tranh tại I-rắc…

Mặc dù gắn bó khăng khít với nhau, tuy nhiên, mối quan hệ tầm gửi cộng sinh vốn chỉ dựa trên lợi ích trần trụi giữa báo chí và nhà cầm quyền tư bản cũng có lúc “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Vào tháng 5-2013, chính hãng thông tấn AP của Mỹ cáo buộc chính quyền của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma vi phạm quyền tự do báo chí khi bí mật tịch thu nhiều cuốn băng ghi âm điện thoại của phóng viên AP và coi đây là "một hành động xâm phạm lớn và chưa có tiền lệ”…

Đó chỉ là một vài dẫn chứng ít ỏi trong vô vàn những sự thực nhãn tiền, những góc khuất tối và hỗn độn trong đời sống báo chí, chính trị, diễn ra hằng ngày, hằng giờ, ở các nước tư bản phương Tây, tự nó đã đanh thép bác lại cái được gọi là tự do báo chí tuyệt đối hay báo chí khách quan thuần túy. Không chỉ học giả ở các nước có ý thức hệ và chế độ chính trị khác mới nhận ra điều này, mà “trong chăn” càng “biết chăn có rận”, chính học giả tại các nước tư bản cũng không quá khó để vạch trần bộ mặt thật của tự do báo chí phương Tây.

Tuy nhiên, trớ trêu, sự thực đó vẫn bị nhiều thế lực chính trị và phản động phớt lờ, đồng thời cố gắng gia cố, vá víu những luận điểm chông chênh và phản khoa học về thứ tự do báo chí của mình, đồng thời ngang nhiên xuyên tạc về tự do báo chí tại Việt Nam hoặc đứng đằng sau hậu thuẫn và lợi dụng những tổ chức, cá nhân phản động, thiếu thiện chí với Việt Nam để thực hiện mưu đồ này.

Trong cái gọi là bản "phúc trình thường niên" về tự do báo chí năm 2013, Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) xếp Việt Nam nằm trong 10 nước có chỉ số tự do báo chí thấp nhất thế giới (172/179 nước); cho rằng, với việc bắt giữ các blogger và các nhà bất đồng chính kiến, “Việt Nam trở thành nơi giam giữ lớn thứ hai thế giới đối với cư dân mạng, sau Trung Quốc”. Cũng trong báo cáo phúc trình toàn cầu năm 2013, ngày 1-1-2013, tổ chức Theo dõi nhân quyền quốc tế (HRW) vu cáo: “Chính quyền Việt Nam đang đàn áp các quyền tự do ngôn luận, lập hội và nhóm họp một cách ôn hòa có hệ thống”. Trước đó, tháng 9-2012, Ủy ban Bảo vệ các nhà báo (CPJ) đã công bố một nghiên cứu mang tên: “Tự do báo chí tại Việt Nam bị thu hẹp, cho dù mở cửa kinh tế” và ngày 17-4-2013, chính CPJ kêu gọi Nghị viện Châu Âu phải thúc đẩy nhà cầm quyền Việt Nam lùi bước trong chính sách nghiêm ngặt chống lại truyền thông được siết chặt từ năm 2009 tới nay…

Động cơ chính trị và bàn tay chính trị của những lực lượng hậu thuẫn lộ rõ đằng sau những đánh giá tưởng như khách quan của các tổ chức phi chính phủ này. Nhiều người không lạ việc tổ chức Helsinki Watch (tiền thân của HRW) do Mỹ và các nước phương Tây lập nên đã có vai trò to lớn thế nào trong việc làm sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu trước đây. Những việc đen tối HRW đang thực hiện hiện nay, núp danh nhân quyền, thực chất là làm tiếp những điều mà Helsinki Watch trước đây dang dở phá hoại các nước xã hội chủ nghĩa, đặt trong tổng thể chiến lược “diễn biến hòa bình” không một ngày ngơi nghỉ của chúng. Hoặc, tổ chức RSF bị các nhà báo Đức phơi bày việc nhận tài trợ hàng triệu đô-la từ các nhà tài phiệt có khuynh hướng dân chủ cực đoan, cũng như Chính phủ của các nước phương Tây và sau đó, đương nhiên, thành con rối bị giật dây… Những tổ chức mang danh phi chính phủ, phi lợi nhuận, khách quan và độc lập trong đánh giá, nhưng bản chất và hoạt động lại sặc mùi đồng tiền và thấm đẫm màu sắc chính trị (!)

Rõ ràng, giới chức phương Tây, có những kẻ vẫn thích chơi lá bài hai mặt, một mặt, giấu nhẹm hoặc lộ liễu, tinh vi hoặc can thiệp thô thiển, hạn chế quyền tự do báo chí của công chúng tại nước sở tại, biến báo chí thành công cụ thực hiện các thủ đoạn chính trị; mặt khác lại “lập lờ đánh lận con đen”, ca tụng, cổ xúy cho cái gọi là tự do báo chí tuyệt đối, dù biết rằng nó không bao giờ có và ngang nhiên xuyên tạc sai bản chất về tự do báo chí ở Việt Nam. Lá bài hai mặt nhưng cùng một bản chất, liên kết lại với nhau để chống phá nền báo chí cách mạng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta, vốn là cái gai trong mắt và là mối đe dọa đối với các thế lực thù địch.

Mị chính trị và lật tẩy con bài tẩy

Chiêu bài lợi dụng tự do báo chí của các thế lực phản động về bản chất không có gì thay đổi, có chăng hiện nay là sự thay đổi của công cụ thực hiện khi chúng tận dụng triệt để các phương tiện truyền thông mới (new media) như các mạng xã hội (Social networking), các diễn đàn phản động (Forums), trang chia sẻ hình ảnh, video (Social sharing), Blog và tiểu Blog, trang tin xã hội (News Social)… để bủa vây thông tin dồn dập, đặc biệt tập trung thả mồi giăng mắc những đối tượng non nớt chính trị hoặc kích động những đối tượng cơ hội chính trị có quan điểm chống đối cực đoan ở trong nước và lưu vong. Một cách hành sự tự vỗ mặt mình khi các thế lực thù địch đang lợi dụng chính sự tự do báo chí ở Việt Nam để gắng gượng đả phá lại tự do báo chí của Việt Nam (!?) 

Mị chính trị là kiểu thực hành chính trị ru ngủ thâm hiểm, dùng những luận điệu xảo biện núp bóng chân lý nhưng thực chất hoàn toàn phản khoa học, tác động mưa dầm thấm lâu ngõ hầu làm đối tượng bị tác động mất phương hướng, lung lạc lập trường, quan điểm, mộng mị về một xã hội dân sự của chủ nghĩa tư bản mỹ miều, hoàn mỹ, ít khuyết tật và là nơi thi thố thực sự của dân chủ và tự do báo chí thuần túy tự do (!?) Sử dụng chiêu bài tự do báo chí của các thế lực thù địch điển hình cho cách thực hành chính trị trên. Vậy bản chất của nó ở đâu?

Sự thực là, giai cấp tư sản đã từng phất ngọn cờ tự do báo chí như một thứ vũ khí sắc bén để tập hợp lực lượng tiến hành cuộc cách mạng tư sản, đập tan xiềng xích phong kiến và tăng lữ để bước lên vũ đài chính trị. Không thể phủ nhận khẩu hiệu có ý nghĩa chính trị tiến bộ này, dù rằng ngay từ khi mới bắt đầu ở buổi sơ khai đó, nó đã mang đậm hơi hướng của quan niệm tự do nguyên thủy và có biểu hiện chủ quan duy ý chí, do chưa có đủ thời gian để kiểm chứng bằng thực hành trong thực tiễn.

Bản chất mị dân của khẩu hiệu tự do báo chí cho tất cả mọi người và tự do báo chí tuyệt đối đó càng ngày càng phơi bày khi giai cấp tư sản giành được quyền lực và yên bề tại vị. Khi đó, nhà cầm quyền tư sản thỏa sức siết tự do báo chí để củng cố quyền lực của mình, mà quyền lực này thông qua nghệ thuật mị chính trị đỉnh cao, bao giờ cũng được khoác tấm áo vị tha, vô vị lợi, hào hiệp, chẳng hạn quyền tự do báo chí tại nhiều nước tư bản được hiến định như một điều luật bất khả xâm phạm, thậm chí cấm cả việc Chính phủ sở hữu hoặc thành lập các cơ quan quản lý báo chí… Tuy nhiên, các doanh nghiệp truyền thông, dù có lập trường chính trị trung lập nhất, đều bị nhà cầm quyền chi phối bằng hai yếu tố: tài chính và cách bố trí nhân sự cấp cao trong bộ máy quản trị (là đảng viên hoặc có quan điểm chính trị gần gũi với các đảng chiếm đa số trong liên minh cầm quyền).

Bản chất này, ngay từ rất sớm, trong bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lưu ý anh chị em làm báo: “…Có người nói ở các nước tư bản có tự do báo chí và báo chí không có giai cấp. Nói vậy không đúng. Ví dụ: các báo Pháp như báo Phigarô, báo Nước Pháp buổi chiều…, một mặt nó ru ngủ nhân dân, chia rẽ nhân dân, làm cho nhân dân mất chí khí chiến đấu, mất tinh thần đoàn kết giai cấp; mặt khác, nó phục vụ giai cấp tư sản. Đó là những tờ báo chính trị. Lại còn những tờ báo “giật gân”, báo nói về tình ái, báo chuyên về lôi chuyện bí mật của những người có tiền ra để tống tiền… Tất cả những báo chí ấy đều phục vụ lợi ích của giai cấp bóc lột. Báo chí Pháp có thật tự do không? Không!...”.(1)

Báo chí mang bản chất chính trị - xã hội. Mục đích của báo chí được bắt đầu và chi phối ở các mức độ khác nhau, thậm chí quyết định, bởi ý đồ chính trị của một giai cấp, nhất là giai cấp lãnh đạo, một chính đảng cầm quyền trong xã hội, chứ không phải từ ý đồ của một cá nhân hay chỉ là phương tiện thông tin giao tiếp đứng ngoài cuộc đấu tranh tư tưởng như một số nhà lý luận tư sản vẫn xảo biện. Trong xã hội còn phân chia giai cấp, thì tự do cho giai cấp này, nhóm xã hội này, đương nhiên cũng có nghĩa là có thể hạn chế tự do đối với giai cấp khác, nhóm xã hội khác. Mặt khác, báo chí cũng như bất kỳ tiểu hệ thống nào trong tổng thể hệ thống xã hội, gắn bó mật thiết với đời sống xã hội. Không có thứ báo chí đứng chơi vơi tách biệt khỏi đời sống, cũng không có báo chí phi chính trị hay báo chí phi giai cấp, ở bất kỳ một thể chế chính trị hay bất kỳ một quốc gia nào.

Với quan điểm duy vật biện chứng đó, Đảng ta công khai tuyên bố tính Đảng trong hoạt động báo chí và yêu cầu hoạt động báo chí phải bảo đảm tuân thủ nguyên tắc này một cách nghiêm ngặt. Tính Đảng là nguyên tắc cơ bản hàng đầu của báo chí nước ta. Tính Đảng của báo chí trở thành kỷ luật thông tin báo chí và bổn phận trách nhiệm của nhà báo. Báo chí thuộc về giai cấp nào thì đứng trên lập trường tư tưởng và bảo vệ cho lợi ích của giai cấp và đảng chính trị đại diện cho giai cấp đó. Điều quan trọng hơn cả là, lợi ích của chính đảng đó đại diện cho lợi ích của ai? Lợi ích của Đảng ta không có gì khác ngoài lợi ích của nhân dân, của dân tộc. Khi đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, cũng đồng nghĩa báo chí nước ta phụng sự cho lợi ích tối thượng của nhân dân, của dân tộc. Bảo vệ Đảng, cũng là bảo vệ nhân dân, bảo vệ đất nước. Đó là sứ mệnh cao quý, sự tự nguyện, tự hào của mỗi nhà báo chân chính, thiết nghĩ không có gì quá khó hiểu. Điều này hoàn toàn khác biệt với việc bảo vệ cho cái gọi là tự do báo chí, nhưng thực chất chỉ là tự do, lợi ích của nhóm thiểu số các nhà tư bản truyền thông và lực lượng chính trị cầm quyền. Với chính đề đó, rõ ràng, con bài tẩy quan trọng về tự do báo chí, của các thế lực thù địch, đã lỗi thời và bị lật tẩy!

2.  ...đến những chiêu trò tuyên truyền chống phá của các thế lực thù địch

Sự thật về “Blogger nổi tiếng”, “câu lạc bộ nhà báo tự do”, “góc nhìn khác”…

Khi blogger Anh Ba Sàm (Nguyễn Hữu Vinh) và đồng phạm Nguyễn Thị Minh Thúy bị đưa ra xét xử tại Tòa án nhân dân Hà Nội, ngày 23-3-2016 vừa qua, theo Điều 258 Bộ luật Hình sự về việc "lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích nhà nước", một loạt các tổ chức, cá nhân phản động trong và ngoài nước “lên tiếng bảo vệ” bằng những luận điệu hết sức giảo hoạt, rằng đây là những “Blogger nổi tiếng truyền tải sự thật”, nói lên “những tiếng nói phản biện và minh bạch”. Những trường hợp này cũng như “những người bị bắt rất là vô lý, như nhà văn Nguyễn Quang Lập, ông Hồng Lê Thọ… Họ gần như là vô hại nhưng bị khép là vi phạm luật”…

Sự thật đáng buồn, đây đều từng là những cán bộ, văn nghệ sĩ có tên tuổi, có trình độ nhất định, song do những bất mãn cá nhân trong quá khứ đẩy lên thành thù hằn mù quáng, rồi trở thành những kẻ chống đối lọc lõi về chính trị, được những thế lực phản động trong và ngoài nước ít nhiều tung hê, giật dây, dẫn tới những ảo tưởng, thù hằn ngày càng sâu độc, đang tâm chống lại con đường cả dân tộc, đồng bào mình đã lựa chọn. Chúng triệt để lợi dụng các phương tiện truyền thông phi chính thống để chống phá cách mạng và công cuộc đổi mới đất nước ta, một cách ngoan cố, gieo rắc những tư tưởng hoài nghi, cực đoan vào lòng dư luận xã hội.

Một số ít kẻ còn đội lốt nhà báo đấu tranh cho tự do báo chí, cố tình không hiểu, để thành lập nên những thứ như “câu lạc bộ nhà báo tự do”, “góc nhìn khác”… và diễn một vở kịch nhớp nháp các luận điệu giả hiệu: “Tiếng nói độc lập chứ không đối lập; phát ngôn chính kiến riêng chứ không phải bất đồng chính kiến; phản biện chứ không phải phản động; phản đối chứ không phải chống đối…”. Nhân những sự vụ này, các thế lực thù địch mượn cớ rùm beng khua chiêng, gõ trống. Nhưng sự thật là, việc RSF và một số tổ chức khác vu cáo Việt Nam bắt giữ các blogger (được cho là những nhà bất đồng chính kiến với hàm ý xây dựng) và những sự việc tương tự, hoàn toàn là bịa đặt về bản chất sự việc. Các cá nhân này không chỉ vi phạm nghiêm trọng luật pháp, đạo đức nghề báo, mà còn lợi dụng tự do báo chí, đội lốt phản biện để công kích, bôi nhọ, đả phá Đảng, chống phá khối đại đoàn kết toàn dân, chống phá đất nước, cố tình “lái” nhận thức của dư luận sang chiều hướng tiêu cực…

Có những kẻ trong số này mụ mị, lầm tưởng về cái gọi là tự do báo chí tuyệt đối; lầm tưởng, ảo vọng cho cái gọi là giương ngọn cờ vì tự do, vì dân chủ; thích khoa trương về bản thân nhưng bản lĩnh chính trị thấp kém, lệch lạc khi nhìn hình thức đánh giá nội dung, nhìn hiện tượng đánh giá bản chất, lấy cái cá thể chụp mũ cái tổng thể…; cuối cùng, bị các thế lực thù địch kích động, phỉnh phờ tán tụng và mau chóng trở thành những con cờ chính trị bạc nhược bị giật dây, không hơn, không kém. Song, phần lớn trong số đó, là những phần tử lọc lõi về chính trị, chống phá chủ động, bài bản, điên cuồng.

Dù sao, những kẻ lợi dụng tự do báo chí trên đều đã đi ngược lại lợi ích, chí nguyện của đông đảo nhân dân, tiếp tay cho các thế lực thù địch chống phá đất nước. Chúng lạc lõng trước công luận, không hề “là tấm gương” hay “nguồn cảm hứng” cho các công dân mạng như các thế lực thù địch đang xuyên tạc… Nền báo chí cách mạng Việt Nam, những nhà báo chân chính xa lạ và xem nhẹ những thái độ và cách hành xử nghề báo non kém, lệch lạc đó.

3. Tuyên truyền phản tuyên truyền

Thật kỳ lạ là, trong khi các học giả, nhà truyền thông của phương Tây phê phán mạnh mẽ thuật ngữ “tuyên truyền” (to propagandize) được sử dụng ở các nước xã hội chủ nghĩa vì cho rằng thông tin thiếu khách quan, đồng thời tuyệt đối hóa chức năng thông tin của báo chí (information), thì chính họ lại liên tục sử dụng các thuật ngữ: “định hướng” (shape), “reo rắc” (disseminate) về tư tưởng… trong các chiến dịch truyền thông và trong việc nắn dòng thông tin báo chí phục vụ các mục đích chính trị. Hơn thế, tiểu ngành quan hệ công chúng trong truyền thông chính trị có nhiệm vụ thuyết phục, vận động công chúng bằng mọi giá, thậm chí bằng bịa đặt thông tin, miễn sao đạt được mục đích, lại ra đời đầu tiên vào thập niên 20 của thế kỷ XIX, ở những nước tư bản vẫn xem mình là có tự do thông tin nhất (!)

Trước những sự kiện chính trị lớn của nước ta, như đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội… các phương tiện truyền thông phi chính thống (của cá nhân và tổ chức) lại nở rộ những thông tin mang danh nghĩa đa chiều, phản biện cổ xúy cho những tư tưởng, hành động chống đối, cực đoan, dân chủ giả hiệu… tạo dư luận xã hội trái chiều. Những thông tin này ít nhiều tác động tới nhận thức và tư tưởng của không ít công chúng báo chí, trong đó có đội ngũ cán bộ, đảng viên trẻ. Nếu nhận thức chính trị còn hạn chế, bản lĩnh chính trị thiếu vững vàng, thì những thông tin trên như “mưa dầm thấm lâu” có những tác động không nhỏ, ít nhiều gây mất phương hướng, tạo sự nhận thức chính trị lệch lạc, dẫn tới nguy cơ “tự diễn biến” trong cán bộ, đảng viên trẻ.

Do đó, cần đẩy mạnh sự tuyên truyền chính thống để đẩy lùi những tuyên truyền mang tính phản động của các thế lực thù địch, nói cách khác là đẩy mạnh công tác tuyên truyền phản tuyên truyền, trên hai phương diện chính tạm gọi: khu vực thông tin chính thống và khu vực phi chính thống. Cần nhận thức sâu sắc dần, tuyên truyền phản tuyên truyền là nhiệm vụ lâu dài, thường xuyên, gắn với đổi mới về phương thức và cách làm, nhằm đạt hiệu quả cao hơn.   

Khu vực thông tin chính thống: gồm hệ thống báo chí của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội cần thông tin, tuyên truyền nhanh chóng, kịp thời hơn, tránh cách thông tin một chiều, khô cứng, tăng cường những bài viết có hệ thống (và có sự liên kết thông tin giữa các cơ quan báo chí) phản bác thẳng vào những hiện tượng, sự kiện, vấn đề đang là tâm điểm chú ý của dư luận xã hội, đang bị các thế lực thù địch khoét sâu mặt trái, để bóp méo thông tin chống phá ta. Tận dụng triệt để tính ưu việt của thông tin điện tử.

Các cơ quan lãnh đạo và quản lý báo chí cần có những định hướng tuyên truyền nhanh, tức thời, nhất là với những thông tin “nóng” thuộc dòng thời sự chủ lưu, cần tránh cách tư duy và cách làm đi chậm, theo đuôi sự vụ, sự việc hay lảng tránh những vấn đề được cho là “nhạy cảm”. Ngược lại, càng những vấn đề “nhạy cảm”, “nóng” càng cần thông tin chính thống, xác đáng, nhanh chóng từ các cơ quan lãnh đạo, quản lý báo chí để hệ thống báo chí chính thống của ta kịp thời tuyên truyền định hướng dư luận, đi trước những thông tin sai lệch của các thế lực phản động. Thông tin cần mổ xẻ đa chiều, phân tích ngọn ngành, nhưng có định hướng rõ ràng, quan điểm chính thống, tránh cách tuyên truyền một chiều, lấp liếm.     

Với hệ thống các phương tiện truyền thông phi chính thống: Đây chính là khu vực thông tin các thế lực thù địch sử dụng ngày càng nhiều để đẩy mạnh chống phá, trên cơ sở lợi dụng tính mở, lan tỏa nhanh chóng, khó kiểm soát, không có biên giới của các phương tiện truyền thông mới, phương tiện truyền thông xã hội (Social media) để phát tán thông tin rộng, hòng tạo nên những luồng dư luận trái chiều, sự bất ổn về tâm lý xã hội, gây hoang mang, lung lạc niềm tin của người dân, trong đó có một bộ phận đội ngũ cán bộ, đảng viên trẻ. Để hạn chế những tác động tiêu cực, phát huy những tác động tích cực của các phương tiện truyền thông xã hội tới đội ngũ cán bộ, đảng viên trẻ, cần điều chỉnh 3 nhóm đối tượng, công cụ, môi trường, gồm: Điều chỉnh chính nhận thức, hành động của nhóm đối tượng cán bộ, đảng viên trẻ - vừa là chủ thể sử dụng, vừa là đối tượng chịu tác động; điều chỉnh công cụ mang tính kỹ thuật là các phương tiện truyền thông xã hội và cuối cùng là điều chỉnh môi trường chính sách pháp luật, môi trường tâm lý - xã hội. Đây là những vấn đề nghiên cứu khá rộng, xin được bàn tới tại một tham luận khác.

Đối với riêng việc tuyên truyền phản lại những luận điệu tuyên truyền phản động của các thế lực thù địch trên các phương tiện truyền thông xã hội, cần sử dụng ngay chính đội ngũ những cán bộ, đảng viên trẻ làm đội ngũ thông tín viên rộng khắp trên mạng. Các cơ quan, tổ chức cần chú trọng và cần thiết có những lớp bồi dưỡng kiến thức về cách ứng xử, cách sử dụng các biện pháp kỹ thuật trên môi trường mạng cho cán bộ, đảng viên của mình để giúp họ có nhận thức chính trị đúng đắn, bản lĩnh chính trị vững vàng hơn, cùng sự ứng xử phù hợp trên môi trường Social media. Hiện nay, rất ít các cơ quan, đơn vị, tổ chức coi trọng việc bồi dưỡng, đào tạo kiến thức, kỹ năng về sử dụng Social media, tạo khoảng trống rất lớn cho những tác động tiêu cực của Social media có điều kiện phát tán, gây những hậu quả khó lường.

Bộ Thông tin và Truyền thông nên tham mưu và chủ trì soạn thảo dự thảo Luật Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng (nâng cấp Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, ngày 15-7-2013, của Chính phủ, về “Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng”) trình Chính phủ xem xét để trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua.

Sớm tham mưu, bổ sung, xây dựng Chiến lược Thông tin đến 2030, trong đó có những dự báo thực sự khoa học, tin cậy và giải pháp chiến lược xác đáng, phù hợp với sự phát triển nhanh chóng của thế giới và yêu cầu về tài nguyên thông tin như một động lực đột phá phục vụ sự nghiệp đẩy mạnh, nhanh, vững sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Trong đó, có tiên lượng những nguy cơ mất an ninh thông tin quy mô lớn, tiên lượng những công nghệ mới để tận dụng phát triển, nhất là có lộ trình và giải pháp áp dụng các công nghệ mới, như công nghệ 4G, 5G, Lifi, Internet of things... để nâng cao chất lượng, tốc độ Internet và các dịch vụ có liên quan. Hiện nay, Chiến lược Phát triển công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 246/2005/QĐ-TTg, ngày 6-10-2005, đã có nhiều nội dung lạc hậu, bị vượt qua, không còn phù hợp với tốc độ phát triển công nghệ thông tin và thực tế, cũng như yêu cầu phát triển của đất nước hiện nay.

Sớm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật An toàn thông tin mạng, theo đó chú trọng quản lý thị trường cung ứng các ứng dụng và dịch vụ trên Social media, có chính sách đầu tư hoặc hỗ trợ đối với các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cung ứng trên các loại hình Social media mang thương hiệu Việt Nam có tính bảo mật quốc gia; sử dụng biện pháp kỹ thuật can thiệp loại bỏ các trang, diễn đàn mang tính phản động… Chỉ đạo đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả việc thực thi trong thực tiễn một số văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, như: Thông tư số 09/2014/TT-BTTTT, quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử; Thông tư số 14/TT-BTTTT, quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng trò chơi điện tử trên mạng. Đặc biệt đẩy mạnh việc kiểm soát thị trường game, xử phạt nghiêm các nhà cung cấp các game nhập ngoại bạo lực và đồi trụy, hỗ trợ việc sản xuất game Việt có chất lượng, hàm lượng trí tuệ và tính giáo dục. Xây dựng chế tài phù hợp với thông lệ quốc tế đối với ứng dụng, phương tiện truyền thông xã hội nước ngoài cung cấp dịch vụ cho người sử dụng tại Việt Nam; đối với tội phạm và các hình thức phạm tội trên không gian ảo xuyên biên giới.

(Còn tiếp)

--------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tập 9, tr.414

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Tuyên truyền phản tuyên truyền và bồi đắp năng lực tự miễn dịch của nội tư duy nhằm phòng, chống những lệch lạc, suy thoái về tư tưởng chính trỊ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO