Tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo
Để đánh giá tình hình thực hiện Đề án theo kế hoạch năm 2021 và chuẩn bị triển khai thực hiện Đề án năm 2022, ngày 11/11/2021 Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các cơ quan đơn vị thực hiện Đề án.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh: Đề án Hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo luôn là nhiệm vụ chính trị cung cấp thông tin thiết yếu cho xã hội. Trong điều kiện hiện nay, việc đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về dân tộc tôn giáo càng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc, các quan điểm đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tín ngưỡng tôn giáo, những giá trị tôn giáo đối với đời sống xã hội, góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn cho biết: Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện, đã có 31 Bộ, ngành, cơ quan Trung ương cùng triển khai Đề án. Hiện nay, các cơ quan đang khẩn trương triển khai tổ chức thực hiện Đề án theo các nhóm nhiệm vụ, trong đó:
Nhóm nhiệm vụ thứ nhất là bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo cho các đối tượng, có 03 cơ quan chủ trì thực hiện là Ủy ban Dân tộc, Ban Tôn giáo Chính phủ, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
Nhóm nhiệm vụ thứ hai: Tập trung xây dựng chủ đề, biên soạn tài liệu phục vụ hoạt động thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo, có 06 cơ quan Trung ương, tham gia thực hiện, chủ yếu là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nghiên cứu, biên tập các tài liệu phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo.
Nhóm nhiệm vụ thứ ba là tuyên truyền về dân tộc, truyền thống lịch sử dân tộc Việt Nam; các giá trị của tín ngưỡng, tôn giáo trong đời sống xã hội; tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thực hiện nhiệm vụ năm 2021 của Bộ TT&TT, có 09 nhà xuất bản tham gia với 30 xuất bản phẩm được xuất bản; 40 cơ quan báo chí thuộc 31 Bộ ngành, cơ quan Trung ương sản xuất hàng nghìn tác phẩm báo chí và sản phẩm thông tin điện tử và các hình thức khác, với các chủ đề nội dung, hình thức, thể loại thông tin, tuyên truyền rất đa dạng. Trong đó, chú trọng các hình thức tuyên truyền trên báo hình, báo điện tử.
Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn chia sẻ: Theo quyết định ban đầu, Đề án đề ra thực hiện 3 năm từ năm 2019 đến năm 2021, tuy nhiên do năm 2021 Đề án mới được thực hiện 1 năm nên vừa qua, được sự ủng hộ của Bộ Tài chính, Bộ TT&TT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục được thực hiện Đề án, và Thủ tướng Chính phủ đã cho phép thực hiện Đề án đến hết năm 2023.
Tại Hội nghị, các đại biểu sẽ nghe cơ quan thường trực Đề án của Bộ TT&TT, tổ công tác liên ngành phối hợp triển khai, quản lý thực hiện Đề án báo cáo tình hình thực hiện Đề án năm 2021, công tác chuẩn bị triển khai thực hiện Đề án năm 2022.
Hội nghị cũng nghe báo cáo kết quả xây dựng các chương trình tài liệu phục vụ thực hiện nhiệm vụ của Đề án, các đại biểu cũng thảo luận, thống nhất giải quyết những vấn đề khó khăn trong việc thực hiện đề án năm 2021, bàn biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý thực hiện đề án năm 2022.
"Bộ TT&TT hy vọng với việc thực hiện nhiệm vụ Đề án dân tộc, tôn giáo này có thể là một đề án điểm mà từ đấy từng giai đoạn chúng ta có các đề án tuyên truyền riêng, ngoài việc các cơ quan báo chí thực hiện tuyên truyền thì mỗi một giai đoạn chúng ta có một số chủ đề tuyên truyền. Việc thực hiện Đề án trong điều kiện hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng, qua đó góp phần động viên, tạo đồng thuận xã hội, phát huy ý chí, tinh thần đoàn kết tự lự, tự cường vượt qua khó khăn của giai đoạn bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19"- Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.
Cần lưu ý những vấn đề nhạy cảm, tránh dùng từ ngữ giật gân để câu view
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn cũng nêu rõ mục tiêu nhiệm vụ thông tin tuyên truyền về dân tộc và truyền thống lịch sử dân tộc phải đảm bảo phù hợp với nhiệm vụ được phê duyệt tại Đề án với tinh thần Nghị quyết đại hội XIII của Đảng đó là: Phát huy con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, phát huy các nhân tố tích cực, nhân văn trong các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng.
Đồng thời, phê phán và ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, mê tín dị đoan. Đảm bảo cho các tổ chức tôn giáo hoạt động trong điều kiện, quy định của pháp luật, hiến chương điều lệ được nhà nước công nhận, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo trong sự phát triển đất nước. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ, chia rẽ phá hoại đoàn kết tôn giáo, khối đại đoàn kết toàn dân
Việc triển khai thực hiện Đề án cần đảm bảo hiệu quả, hình thức thông tin đa dạng phù hợp với đối tượng tiếp nhận, đảm bảo tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, nội dung tuyên truyền phải chuyên sâu và sát thực.
Tại Hội nghị các đơn vị đã báo cáo tình hình thực hiện Đề án và giới thiệu nội dung cơ bản về bộ Tài liệu bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật về công tác dân tộc như: Vụ Kế hoạch Tài chính; Vụ Tuyên truyền Ủy Ban Dân tộc; Ban Tôn giáo Chính phủ; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam…
Đồng thời, các cơ quan báo chí cũng báo cáo quá trình thực hiện Đề án: Đài tiếng nói Việt Nam cho biết đài được giao với 6 nhiệm vụ thuộc nhiệm vụ 3 của Đề án. Đài đã bám sát tổ xây dựng dự án ngay từ đầu nên triển khai thuận lợi theo hướng đa phương tiện, đa nền tảng. Đến thời điểm này đã hoàn thành tới 80% nội dung nhiệm vụ; báo Nông thôn ngày nay đã thực hiện được gần 500 bài viết trên chuyên trang của báo…
Các đơn vị cũng nêu những khó khăn do dịch bệnh COVID kéo dài ảnh hưởng đến quá trình thực hiện, vì vậy các đơn vị đề nghị những hướng dẫn thực hiện Đề án nên phổ biến sớm để các đơn vị thực hiện đúng, trúng, mang lại hiệu quả cao.
Qua Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn đề nghị các đơn vị khi thực hiện Đề án tuyên truyền về dân tộc tôn giáo cần lưu ý trước tiên là nắm chắc định hướng về nội dung với một tinh thần trách nhiệm cao để tập trung viết về đề tài này đạt chất lượng tốt nhất. Đặc biệt là tập trung vào viết khai thác chuyên sâu, tăng cường đổi mới đề tài, làm sao để những tác phẩm báo chí sẽ để lại giá trị lâu dài cho đất nước, cho dân tộc sau này.
Đặc biệt, lưu ý các nội dung cần tránh khi tuyên truyền về dân tộc tôn giáo, nhất là những vấn đề nhạy cảm, tránh dùng từ ngữ giật gân để câu view.
Về các đơn vị xây dựng tài liệu, cụ thể đây là 3 đơn vị (Ủy ban Dân tộc; Ban Tôn giáo Chính phủ; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cần tập trung nghiên cứu các tài liệu định hướng lớn, những gì thấy cần phải khôi phục, cần phải khám phá thì định hướng cho các cơ quan báo chí để khai thác viết bài sâu hơn và có giá trị khai thác sau này.
Ngoài ra, các đơn vị cần tăng cường phối hợp với nhau để tránh trùng lắp và chồng chéo. Đồng thời, cần xây dựng nội dung để định hướng cụ thể cho các cơ quan báo chí, truyền hình. Khi làm cần đăng ký đề tài để các bài viết đạt chất lượng cao và mang giá trị lâu dài…