Hướng tới đô thị kiểu mẫu về phát triển KHCN và ĐMST
Hội tụ đầy đủ các yếu tố để xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM), TP. Thủ Đức nhận được sự kỳ vọng rất lớn trở thành "hạt nhân" sáng tạo, trở thành khu vực dẫn dắt kinh tế với mũi nhọn là ngành kinh tế tri thức, trung tâm ĐMST, từng bước hình thành khu đô thị sáng tạo, tương tác cao của TP. HCM.
TP. Thủ Đức ra đời với sự kỳ vọng rất lớn của lãnh đạo TP. HCM trở thành "hạt nhân" sáng tạo, trở thành khu vực dẫn dắt kinh tế với mũi nhọn là ngành kinh tế tri thức, trung tâm ĐMST, từng bước hình thành khu đô thị sáng tạo, tương tác cao của TP. HCM.
TP. Thủ Đức được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 quận là Quận 2, Quận 9 và Thủ Đức có tình trạng dữ liệu rời rạc, thiếu sự liên kết và thống nhất, vì vậy, ngay từ khi thành lập TP. Thủ Đức bắt tay ngay vào việc triển khai đề án xây dựng ĐTTM có hệ thống dữ liệu thống nhất, liên kết được các ngành để có thể phân tích liên lĩnh vực đa chiều, dự báo tốt xu hướng của tương lai để đưa ra các quyết định chính xác và kịp thời nhất.
Sau hơn 1 năm hoạt động, TP. Thủ Đức đạt được một số kết quả tích cực như hoàn thiện bộ máy hành chính từ thành phố đến các phường, thu ngân sách vượt dự toán năm 2021, thực hiện có hiệu quả phòng chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội… Đặc biệt, Trung tâm điều hành thông minh Thủ Đức là trung tâm điều hành đầu tiên tại TP. HCM có đầy đủ 9 lĩnh vực ĐTTM và phân hệ điều hành phòng, chống dịch bệnh và phục hồi kinh tế (giám sát tình hình xét nghiệm và tiêm vaccine, dữ liệu điều trị F0 và giám sát tình hình dịch bệnh COVID-19... Thông tin được cập nhật biến động hàng ngày góp phần hỗ trợ nhanh cho lãnh đạo trong công tác điều hành quản lý.
Hiệu quả từ trung tâm đã được thể hiện trong giai đoạn đại dịch COVID-19 khi dữ liệu là cơ sở để sàng lọc, phát hiện và quản lý ca bệnh. Ngay sau dịch, hệ thống dữ liệu cũng là cơ sở để chính quyền TP. Thủ Đức có những quyết định phục hồi sản xuất lao động, phục hồi sản xuất kinh tế.
Chia sẻ tại hội thảo "TP. Thủ Đức với định hướng xây dựng và phát triển thành phố thông minh (TPTM) - xây dựng bộ chuẩn công nghệ kết nối ĐTTM", Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết tuy đạt được những kết quả rất tích cực bước đầu việc triển khai ĐTTM tại TP. Thủ Đức vẫn gặp một số khó khăn. Nguyên nhân là nhận thức về ĐTTM từ nhu cầu của nhà quản lý, nhu cầu cung cấp sản phẩm của cộng đồng doanh nghiệp, chủ đầu tư hay từ nhu cầu thụ hưởng các dịch vụ của người dân chưa được nâng cao.
Bên cạnh đó, tiêu chuẩn, quy chuẩn quy hoạch ĐTTM và hạ tầng kỹ thuật, công trình kiến trúc thông minh chưa được ban hành đầy đủ và đồng bộ. Sự tham gia của cộng đồng, các thành phần kinh tế trong xây dựng ĐTTM còn hạn chế. Việc triển khai ĐTTM còn riêng lẻ, manh mún...
Cũng theo ông Hoàng Tùng, nhiều câu hỏi được đặt ra với TP. Thủ Đức là: mô hình nào, phương thức nào để triển khai ĐTTM, tính "bền vững" của ĐTTM trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4? Cần hoạch định xây dựng các chính sách như thế nào để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng một TPTM?...
Ứng dụng bản sao số trong quy hoạch, giám sát và quản lí cơ sở hạ tầng TP. Thủ Đức
Theo báo cáo "Thực trạng và định hướng quy hoạch, phát triển TP. Thủ Đức", về tính chất đô thị, TP. Thủ Đức sẽ là đô thị loại I trực thuộc TP. HCM, phát triển theo mô hình đô thị sáng tạo, tương tác cao. TP. Thủ Đức giữ vai trò là trung tâm ĐMST dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, KHCN và hợp tác phát triển; là đầu mối kết nối khu trung tâm hiện hữu với các chức năng trọng điểm phía Đông.
Cùng với chuyển đổi số, TPTM đang trở thành phương thức phát triển mới của các đô thị trong kỷ nguyên thông minh hóa, giúp các đô thị tối ưu hóa các nguồn lực, phát triển bền vững, đem lại an toàn, tiện ích hơn cho người dân và phát triển kinh tế xã hội phồn vinh, thịnh vượng.
Về định hướng phát triển không gian tổng thể, TP. Thủ Đức sẽ là một đô thị đa tâm, với 01 trung tâm chính là khu Thủ Thiêm - Thảo Điền - An Phú và 02 trung tâm thứ cấp bao gồm: khu vực Trường Thọ, kết nối với khu Rạch Chiếc về phía Nam và kết nối với khu chợ Thủ Đức về phía Bắc, kết hợp các yếu tố mới và cũ và khu vực Long Phước.
TP. Thủ Đức sẽ có 08 khu phát triển, được kết nối qua các tuyến đường bộ và các tuyến đường giao thông công cộng. Các trọng điểm phát triển này bao gồm Khu đại học quốc gia, khu Linh Trung, khu Công nghệ cao Sài Gòn, Khu công nghệ sinh thái Tam Đa - Long Phước, Khu thể thao Rạch Chiếc, Khu Trường Thọ, Trung tâm tài chính Thủ Thiêm và khu cảng Cát Lái.
Do vậy, TP. Thủ Đức đặt mục tiêu sẽ đi đầu trong các hoạt động ĐMST của TP. HCM, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển nền kinh tế tri thức, dịch vụ, với các mô hình quy hoạch và thiết kế đô thị, trên nền tảng của các không gian đô thị độc đáo chất lượng cao, có bản sắc nhằm mang lại các kết quả cao về phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đảm bảo việc phát triển một cách bền vững cho toàn TP. Thủ Đức.
Đại dịch COVID-19 bùng phát trong thời gian qua đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình xây dựng, phát triển TPTM tại TP. Thủ Đức với nhiều bài toán về thu thập, quản lý dữ liệu, giải pháp cho phòng chống dịch, quy hoạch, vận hành, quản lý cho các tỉnh, thành phố đặc biệt trong giai đoạn phục hồi và phát triển.
Theo ông Khoa Thanh, Giám đốc giải pháp kỹ thuật số VISCO, nền tảng bản sao số (digital twin) chính là giải pháp cần thiết giúp TP. Thủ Đức xây dựng TPTM bền vững, đáp ứng các kỳ vọng đặt ra. Đây là một trong những giải pháp cốt lõi giúp thu thập dữ liệu, lập kế hoạch, giám sát và quản lý thành phố. Nền tảng này cũng liên kết, kết nối và chia sẻ dữ liệu với các hệ thống kỹ thuật số khác như: hệ thống dữ liệu lập kế hoạch, dữ liệu cơ sở hạ tầng, xây dựng, bảo mật và môi trường,...
Tại sao bản sao số được coi là một công cụ quan trọng để phát triển TPTM? Đại diện VISCO lý giải đây là nền tảng duy nhất lưu trữ tất cả dữ liệu dự án (lập kế hoạch, thiết kế, thu mua, thi công cho tất cả các hạng mục); cho phép quản lý trực quan và thông minh; theo dõi kế hoạch, tiến độ và khối lượng dự án; truy vấn, phát hiện và khắc phục các vấn đề phát sinh kịp thời; hệ thống bản sao số được cập nhật liên tục; cập nhật tiến độ hàng tuần lên trang web bằng hình ảnh chèn vào bản đồ bản sao số; cải thiện tính di động và an toàn trong không gian công cộng. Đồng thời thu thập toàn bộ dữ liệu để tăng cường quản lý cơ sở vật chất và quản lý an ninh, cung cấp giám sát tham số của tất cả hạng mục thông minh khác nhau.
Do đó, việc ứng dụng bản sao số khi xây dựng TPTM mang lại nhiều lợi ích, bao gồm: thu thập thông tin chi tiết để thiết kế và cải thiện cơ sở hạ tầng thành phố; cải thiện sự hòa hợp hệ sinh thái trong thành phố, tạo ra giá trị bổ sung phục vụ thành phố và cư dân; cải thiện tính di động và an toàn cho không gian công cộng - ngay cả khi tổ chức các sự kiện lớn; cải thiện quy hoạch đô thị và mô phỏng dự án; làm cơ sở hạ tầng có khả năng phục hồi: dự đoán, ứng phó và phục hồi sau những cú sốc cấp tính; thu hút công chúng và tạo vòng phản hồi; nắm bắt các sáng kiến dữ liệu mở - cho phép mọi người có khả năng phát triển cung cấp dịch vụ thông tin thành phố và cơ sở hạ tầng đáng tin cậy./.