Năm 2015, Bộ Giao thông Vận tải Hoa Kỳ đã phát động thử thách "Thành phố thông minh", theo đó yêu cầu các thành phố quy mô trung bình trên toàn quốc đưa ra ý tưởng hệ thống giao thông mới, áp dụng dữ liệu và công nghệ nhằm cải thiện hoạt động di chuyển.
Năm 2016, Columbus, thành phố chỉ dưới 1 triệu dân của bang Ohio (Mỹ), đã đánh bại 78 thành phố vừa và nhỏ khác, và được lựa chọn để tham gia thử thách này với khoản tài trợ trị giá 50 triệu USD để biến đề xuất thành hiện thực.
5 năm sau, vào giữa tháng 6/2021, chương trình kết thúc. Mặc dù kết quả đạt được không mấy khả quan nhưng Columbus cho biết thành phố sẽ tiếp tục hoạt động như một "phòng thí nghiệm đổi mới hợp tác", sử dụng ngân sách của thành phố để thúc đẩy tích hợp công nghệ nhằm giải quyết các vấn đề xã hội.
Smart Columbus là một sáng kiến nhằm đổi mới việc di chuyển ở khu vực trung tâm Ohio bằng cách phát triển hệ sinh thái giao thông mới.
"Chúng tôi không chỉ trình diễn công nghệ mà còn xem xét những thách thức mà thành phố đang phải đối mặt xung quanh việc di chuyển và giao thông, và chúng tôi sử dụng giải thưởng để giải quyết những thách thức đó", Mandy Bishop, giám đốc chương trình Smart Columbus cho biết khi trao đổi với TechCrunch.
Những thách thức đó liên quan đến việc thiếu khả năng tiếp cận với các tùy chọn di chuyển, các khu vực không có phương tiện công cộng, các thách thức về bãi đỗ xe và tỷ lệ tai nạn giao thông cao. Columbus đã để lại ấn tượng bởi có nhiều công ty khởi nghiệp đã tham gia dự án của thành phố và mang lại thay đổi toàn diện.
Ứng dụng Pivot - Hỗ trợ tìm kiếm và cung cấp các lựa chọn di chuyển trong thành phố
Etch là một công ty khởi nghiệp về giải pháp không gian địa lý có trụ sở tại Columbus. Được thành lập vào năm 2018, công ty đã hợp tác với Smart Columbus, tạo ra một ứng dụng vận tải đa phương thức Pivot giúp người dùng lên kế hoạch cho các chuyến đi khắp trung tâm Ohio bằng cách sử dụng xe buýt, xe đi chung xe hoặc phương tiện cá nhân.
Darlene Magold, CEO và đồng sáng lập của Etch, cho biết: "Vấn đề di chuyển ở Columbus là khả năng tiếp cận, mọi người không hiểu hoặc không biết những lựa chọn nào có sẵn cho họ. Một phần trong sứ mệnh của chúng tôi là cho cộng đồng thấy chúng ta đang có những gì và cung cấp cho họ các tùy chọn để sắp xếp hợp lý dựa trên chi phí hoặc thông tin khác".
Ứng dụng này dựa trên các công cụ mã nguồn mở như OpenStreetMap và OpenTripPlanner. Etch cập nhật thông tin từ cộng đồng trong một khu vực nhất định, tương tự như Waze, sau đó tìm hành trình cho các hình thức di chuyển khác nhau.
"Bởi vì chúng tôi sử dụng mã nguồn mở, việc tích hợp với Uber, Lyft và các nhà cung cấp dịch vụ di chuyển khác thực sự mang lại cho người dùng rất nhiều lựa chọn".
1,25 triệu USD trong tổng số quỹ liên bang đã được chuyển cho Pivot, ứng dụng này đã có 3.849 lượt tải xuống cho đến nay và thành phố sẽ tiếp tục tài trợ cho việc phát triển và sử dụng Pivot.
Hệ điều hành Columbus thông minh
Columbus đã thuê công ty phần mềm địa phương Pillar Technology để phát triển hệ điều hành Smart Columbus hiện có. Được ra mắt vào tháng 4/2019, nền tảng mã nguồn mở trị giá 15,9 triệu USD được sử dụng để lưu trữ dữ liệu di chuyển của thành phố, bao gồm hơn 2.000 bộ dữ liệu và 209 hình ảnh trực quan.
Bishop cho biết: "Chương trình sẽ tiếp tục đến ít nhất là tháng 1/2022".
Hệ điều hành Columbus thông minh mời mọi người bổ sung thêm dữ liệu của họ vào đồng thời kêu gọi các giải pháp dựa vào nguồn lực cộng đồng để giải quyết các vấn đề như giảm tỷ lệ va chạm hoặc cách tối ưu hóa bãi đậu xe trong thành phố.
Bãi đỗ xe thông minh Park Columbus
ParkMobile là nhà cung cấp các giải pháp đỗ xe thông minh có trụ sở tại Atlanta. Đóng góp vào dự án của Smart Columbus, startup này đã tạo ra Park Columbus, một ứng dụng quản lý bãi đỗ xe dựa trên công nghệ phân tích dự đoán, để giúp giải phóng tình trạng giao thông và ô nhiễm từ những chiếc ô tô chạy vòng quanh tìm chỗ đỗ xe. Người dùng có thể tìm, đặt trước và thanh toán chi phí đỗ xe tại tất cả các địa điểm trên ứng dụng.
Theo người phát ngôn của thành phố, chương trình quản lý bãi đỗ xe của Smart Columbus đã mang lại những cải tiến cho dịch vụ hiện có của ParkMobile. Dự án 1,3 triệu USD đã có hơn 30.000 lượt tải xuống từ tháng 10/2020 đến tháng 3/2021. Thành phố sẽ tiếp tục tài trợ cho ứng dụng.
Trung tâm di động thông minh Smart Mobility Hubs
Smart Mobility Hubs là các ki-ốt số tương tác được thiết kế bởi IKE Smart City, một công ty chuyên xây dựng các màn hình truyền thông để tích hợp vào cảnh quan đô thị. Các trung tâm di động thông minh sẽ kết nối thông tin về các tùy chọn giao thông của thành phố lại với nhau, giống như ứng dụng Pivot. Các ki-ốt, chiếm 1,3 triệu USD khác trong tổng số tiền tài trợ của liên bang, cũng có WiFi miễn phí và danh sách các nhà hàng, cửa hàng và hoạt động.
Các ki-ốt của IKE Smart City có thể được tìm thấy ở các thành phố như Denver, San Antonio và St Louis và chúng hiển thị danh sách chi tiết, được định vị địa lý về các nhà hàng, cửa hàng, hoạt động, dịch vụ và tài nguyên trong thời gian thực. Theo Smart Columbus, các ki-ốt, được đặt tại sáu địa điểm chính, đã có hơn 65.000 lượt tương tác từ tháng 7/2020 đến tháng 3/2021, nhưng thành phố hy vọng con số đó sẽ tăng mạnh trong thời kỳ hậu đại dịch.
Các trung tâm này cũng bao gồm chương trình chia sẻ xe đạp của thành phố (CoGo), thông tin về các bãi đỗ xe chung cho xe đạp, khu vực nhận và trả xe cũng như các trạm sạc EV.
Cơ sở hạ tầng thông minh với sự hợp tác của Siemens
Năm nay, đội tuần tra đường cao tốc của bang đã công bố thông tin chi tiết về số liệu lái xe mất tập trung trong khu vực bang Ohio với hơn 70.000 vụ tai nạn kể từ năm 2016, trong đó có hơn 2.000 vụ có thương tích nghiêm trọng hoặc tử vong. Vào năm 2019, một cơ quan bảo hiểm đã đánh giá Columbus là thành phố lái xe tồi tệ thứ tư trong cả nước. Điều này có thể giải thích tại sao thành phố muốn thử nghiệm với các phương tiện được kết nối.
Từ tháng 10/2020 đến tháng 3/2021, Columbus hợp tác với Siemens để xây dựng cơ sở hạ tầng tiên tiến thông qua công nghệ kết nối phương tiện đến cơ sở hạ tầng (V2I) và kết nối phương tiện tới phương tiện (V2V). Các phương tiện được kết nối sẽ "nói chuyện" với nhau và nắm bắt tình tình trên khắp 85 giao lộ, 7 trong số đó có tỷ lệ va chạm cao nhất ở trung tâm Ohio. Kinh phí cho dự án vào khoảng 11,3 triệu USD.
Bishop cho biết: "Chúng tôi đã xem xét 11 ứng dụng khác nhau bao gồm cảnh báo tín hiệu đèn đỏ, thông báo khu vực trường học, cảnh báo va chạm giao lộ, ưu tiên tín hiệu chở hàng và ưu tiên tín hiệu chuyển tuyến, sử dụng công nghệ xe được kết nối".
Thành phố đã triển khai thí điểm khoảng 1.100 phương tiện trong một khu vực có khoảng một triệu cư dân. "Chúng tôi thực sự thấy những cải thiện trong hành vi của người lái xe, điều mà cuối cùng chúng tôi mong đợi về lâu dài để cải thiện sự an toàn", Bishop chia sẻ.
Dịch vụ đưa đón tự hành Linden LEAP
Dịch vụ đưa đón tự hành của Smart Columbus, Linden LEAP, trị giá khoảng 2,3 triệu đô la được sử dụng để đưa đón mọi người xung quanh thành phố.
Công ty EasyMile đã ra mắt dịch vụ đưa đón tự hành vào tháng 2/2020, chở hành khách với tốc độ trung bình 6,5 km/giờ. Tuy nhiên, chỉ 15 ngày sau, một cú phanh đột ngột đã khiến tai nạn xảy ra, và dịch vụ phải tạm dừng.
Khi đại dịch xảy ra, Linden LEAP đã được sử dụng để giao 3.598 hộp thức ăn với gần 130.000 suất ăn.
Thành phố sẽ không tiếp tục hỗ trợ dịch vụ đưa đón tự hành khi nguồn tài trợ của liên bang kết thúc.
Hỗ trợ di chuyển cho phụ nữ mang thai
Kaizen Health, một công ty công nghệ do nữ giới làm chủ, đã đưa ra ứng dụng vận chuyển y tế không khẩn cấp cho phụ nữ mang thai và gia đình sau khi không hài lòng với các lựa chọn giao thông dành cho những người gặp vấn đề về sức khỏe.
Kaizen Health, đã nhận được 1,3 triệu đô la từ quỹ Smart Columbus từ tháng 6/2019 đến tháng 1/2021, nhưng hiện chỉ có khoảng 143 người tham gia do đại dịch, con số đó bao gồm hơn 800 chuyến đi chăm sóc y tế và hơn 300 chuyến đi vận chuyển dược phẩm, tạp hóa và các dịch vụ khác.
Trong bối cảnh trung bình có 6,9 ca tử vong trên 1.000 trẻ sơ sinh vào năm chương trình này bắt đầu, Kaizen Health đã tạo ra cuộc cách mạng trong việc cung cấp các dịch vụ vận chuyển không khẩn cấp.
Hỗ trợ di chuyển cho người khuyết tật
Đối tác công nghệ cuối cùng tham gia vào dự án là Wayfinder, nhằm tạo ra một ứng dụng điều hướng từng chặng chi tiết dành cho người bị khuyết tật, giúp họ có thể di chuyển độc lập hơn.
Chi phí thí điểm gần 500.000 đô la và kéo dài từ tháng 4/2019 đến tháng 4/2020. 31 người tham gia sử dụng ứng dụng cho biết cảm thấy thoải mái hơn khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Theo người phát ngôn của thành phố, Columbus đang làm việc với các đối tác tiềm năng để tìm cách duy trì chương trình.
Hướng tới tương lai
Mục tiêu của dự án là sử dụng công nghệ để cải thiện chất lượng cuộc sống, giải quyết các vấn đề cộng đồng như giảm thiểu tắc nghẽn, tai nạn giao thông,... tiến tới sự thịnh vượng trong khu vực. Tuy nhiên, những kết quả đạt được trong 5 năm qua không mấy khả quan.
Các dự án TPTM vẫn tiếp tục trên khắp thế giới. Toyota đang xây dựng một cộng đồng thân thiện với xe tự lái ở ngoại ô Tokyo trong dự án thành phố dệt. Sidewalk Labs thông báo họ đang tư vấn cho các nhà phát triển bất động sản ở một số thành phố của Mỹ về "kế hoạch đổi mới".
Một trong những trọng tâm của Smart Columbus trong thời gian tới là lắp đặt các trạm sạc và tăng cường sử dụng xe điện. Số tiền từ Quỹ Paul G. Allen và AEP Ohio, nhà cung cấp dịch vụ tiện ích của tiểu bang, được dùng cho xây dựng các trạm sạc xe điện tại nhiều nhà ở, nơi làm việc và địa điểm công cộng. Smart Columbus đã vượt mục tiêu 900 trạm sạc EV. "Chúng tôi đang giải quyết những thách thức của cư dân theo cách có ý nghĩa đối với cộng đồng trong tương lai", Bishop cho hay./.