Ứng dụng công nghệ để tuyên truyền phòng, chống Covid-19 cho đồng bào dân tộc thiểu số

Quỳnh Chi| 08/09/2021 10:15
Theo dõi ICTVietnam trên

Nhiều địa phương trên cả nước đã tận dụng ưu thế của công nghệ, sử dụng các mạng xã hội như Zalo, Facebook, các đài truyền thanh Internet, cổng thông tin điện tử để tuyên truyền về phòng chống dịch Covid 19 đến đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Tác động của đại dịch đối với cuộc sống đồng bào DTTS

Theo thống kê chưa đầy đủ, đến hết ngày 17-8, khu vực miền Trung-Tây Nguyên trở vào phía Nam ghi nhận 1.730 ca F0 là người DTTS, tăng 221 ca so với ngày 16-8, tăng 9 ca so với ngày 15-8. Trong đó, khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và Đông Nam bộ có số người DTTS mắc Covid-19 cao nhất với 982 người.

Tại khu vực Tây Nam Bộ, đến hết ngày 17-8 có 211ca F0, 271 ca F1 và 604 F2 là người DTTS tại các tỉnh: Sóc Trăng, An Giang, Cần Thơ. Trong khi đó, toàn khu vực miền Trung-Tây Nguyên có 537 ca F0 là người DTTS, tăng 14 ca so với ngày 16-8.

Không chỉ ảnh hưởng về kinh tế, đại dịch Covid-19 đã tác động đến mọi mặt cuộc sống của các cộng đồng dân tộc thiểu số: từ ảnh hưởng về an ninh lương thực, sinh kế, thực hiện những hoạt động chăm sóc sức khoẻ định kỳ (tiêm chủng, khám thai, nhận thuốc cho những người bị bệnh mãn tính, v.v), tới ảnh hưởng lên đời sống văn hoá tín ngưỡng, giáo dục, gia tăng nợ và các khoản vay tín dụng khác. Về mặt sinh kế, người di cư từ một cá nhân độc lập, là nguồn thu nhập chính và có khả năng chu cấp tiền về cho gia đình trở thành những người phụ thuộc vào đời sống nông nghiệp, quỹ đất và khả năng tích trữ lương thực của gia đình.

Đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống Covid-19 cho đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Bộ đội biên phòng huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) hướng dẫn, phổ biến cho bà con dân tộc Bru - Vân Kiều trên địa bàn phòng chống dịch Covid 19. (Ảnh: BBP)

Chị Triệu Thị Lan, người dân tộc Dao ở xóm Mới (xã Đồng Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) chia sẻ: "Hầu hết phụ nữ trong xóm tôi sống bằng nghề chăn nuôi và trồng trọt. Trước đây, tiểu thương đến tận nơi để thu mua rau rừng, măng rừng. Nhưng hiện nay do ảnh hưởng của dịch Covid nên họ không đến thu mua nữa. Vì thế, việc tiêu thụ các loại rau rừng, măng rừng và những sản phẩm nông nghiệp khác của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn".

Hiện nay, Việt Nam có 53 dân tộc thiểu số, gần 14,2 triệu người, chiếm 15% dân số cả nước. Đồng bào dân tộc thiểu số thường tập trung sinh sống ở vùng núi cao, biên giới, là những vùng có địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, nơi khó khăn nhất của nước ta. Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, với đồng bào dân tộc thiểu số, khó khăn lại càng chồng chất những khó khăn. 

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống Covid-19

Ngày 24/6/2021 vừa qua, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Tại đây, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của chương trình đối với sự phát triển kinh tế xã hội khu vực này.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị các bộ, ngành phải nhận thức rõ ràng hơn về trách nhiệm của cơ quan, đơn vị mình trong thực hiện, nhất là trong thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, khắc phục ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, góp phần phục hồi kinh tế, bảo đảm đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong bối cảnh dịch Covid-19tiếp tục ảnh hưởng lớn đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, Chương trình mục tiêu quốc gia về dân tộc thiểu số và miền núi đóng một vai trò vô cùng lớn, vừa góp phần kích thích cung cầu, tạo việc làm, phát triển sản xuất, kinh doanh, vừa mang ý nghĩa quan trọng về an sinh xã hội, đặc biệt là đối với các đối tượng yếu thế, các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn tại các vùng sâu, vùng xa...

Bên cạnh đó, nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 vùng đồng bào DTTS và miền núi 8/2021, Ủy ban Dân tộc cũng vừa có công văn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng đồng bào DTTS phối hợp chỉ đạo cơ quan làm công tác dân tộc của tỉnh tăng cường triển khai một số nội dung phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn.

Nội dung công văn nhấn mạnh: Tăng cường tuyên truyền bằng các thứ tiếng dân tộc trên sóng phát thanh, truyền hình ở địa phương, tiếp sóng và phát sóng các chương trình phát thanh, truyền hình bằng các thứ tiếng của đồng bào DTTS của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong phát triển kinh tế, quốc phòng, an ninh nói chung và ưu tiên đặc biệt trong giai đoạn này là phòng chống dịch Covid-19; hướng dẫn Người có uy tín đọc báo, tuyên truyền những nội dung được truyền tải trên trên các báo, tạp chí thực hiện Quyết định 45/QĐ-TTg ngày 09/01/2019 về việc Cấp một số ấn phẩm báo chí cho vùng đồng bào DTTS và miền núi vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2019- 2021; phát hiện đề xuất Lãnh đạo tỉnh và Ủy ban Dân tộc biểu dương, khen thưởng đột xuất hoặc định kỳ những phum, sóc, buôn làng, thôn bản, xã phường, các cá nhân trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tham gia phòng, chống Covid-19.

Hiệu quả thực hiện tại một số địa phương

Thời gian qua, các địa phương trên cả nước đã nỗ lực triển khai các hoạt động đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, trong đó có rất nhiều hoạt động hướng về đồng bào DTTS trong dịch bệnh. 

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang bùng phát phức tạp, nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm và nâng cao nhận thức về phòng, chống dịch cho người dân, nhất là đồng bào DTTS, huyện Mèo Vạc- tỉnh Hà Giang đã và đang triển khai nhiều giải pháp cụ thể, trong đó tích cực tuyên truyền tới người dân về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, cách phòng, chống hiệu quả.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội huyện Mèo Vạc đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng đoàn viên, hội viên với những hoạt động thiết thực. Tiêu biểu là lực lượng thanh niên, liên tục trong hơn một năm qua Huyện đoàn Mèo Vạc đã phối hợp cùng các ban, ngành và nhân dân triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa góp phần tuyên truyền, định hướng đoàn viên thanh niên và bà con nhân dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, Huyện đoàn đã tăng cường thông tin, tuyên truyền về tình hình dịch bệnh cũng như các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thông qua mạng xã hội Zalo, Facebook của tổ chức để ĐVTN nắm được thông tin và chia sẻ kịp thời, chính xác đồng thời phối hợp với các cấp, ngành chủ động nắm tình hình lao động trên địa bàn huyện; thực hiện tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch Covid-19.  Huyện cũng giao cho Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Du lịch triển khai các hoạt động tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch Covid-19 với nhiều hình thức như đăng tải tin bài trên Cổng thông tin điện tử của huyện; tuyên truyền trên loa truyền thanh, xe tuyên truyền lưu động tới từng thôn, bản…

Đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống Covid-19 cho đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 2.

Tặng khẩu trang cho bà con dân tộc ở Tuyên Quang.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền cũng được đẩy mạnh đặc biệt là những người có sử dụng điện thoại thông minh đều được tham gia vào nhóm Zalo và cập nhập kịp thời, thường xuyên những thông tin liên quan đến phòng, chống dịch để cung cấp cho bà con. Cùng với đó, qua hoạt động của các tổ tự quản thôn, ngoài việc nắm bắt tình hình dân cư, kiểm soát người ra vào, các thành viên trong tổ cũng thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm các quy định và biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Ông Lò Dìn Chòi, thôn Cốc Pại, xã Niêm Tòng chia sẻ: "Thời gian qua cán bộ xã đến thôn và đi chợ phiên được nghe tuyên truyền về dịch COVID-19 chúng tôi rất sợ. Giờ đi đâu, làm gì mỗi cần nâng cao ý thức đeo khẩu trang, khi có người đi làm ăn ở xã về phải đến Trạm Y tế khai báo kịp thời để bảo vệ mình".

Còn tại Đồng Nai, phối hợp với UBND các huyện, TP Long Khánh và TP Biên Hòa, UBND cấp xã, phường, thị trấn triển khai tổ chức tuyên truyền thông tin về công tác phòng, chống dịch COVID -19 trong đồng bào DTTS bằng nhiều hình thức như: trên hệ thống loa, đài truyền thanh của huyện, xã; tuyên qua loa, xe tuyên truyền lưu động tại các khu dân cư tập trung, khu nhà trọ công nhân; phát tờ rơi, treo pano trực quan... Nhiều địa phương còn lập các nhóm Zalo người có uy tín để kịp thời  trao đổi, nắm bắt thông tin về tình hình dịch bệnh. Ban dân tộc tỉnh đã làm văn bản đề nghị Sở Y tế tỉnh tiêm vắc - xin phòng COVID -19 cho những người có uy tín...

Ông Mohamed, người dân tộc Chăm (xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc - Đồng Nai) cho biết: "Thời gian qua, đồng bào dân tộc Chăm trên địa bàn thường xuyên được chính quyền địa phương tuyên truyền, hướng dẫn về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 bằng nhiều hình thức khác nhau. Mặt khác, chính quyền, các cơ quan, đoàn thể còn quan tâm vận động hỗ trợ trao tặng nhiều phần quà thiết thực cho các hộ đồng bào có hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh. Nhờ đó, bà con đồng bào hiểu rõ, chấp hành nghiêm và an tâm, đồng lòng cùng chính quyền địa phương chống dịch bệnh".

Trong bối cảnh đại dịch Covid, các địa phương cũng đã đưa ra nhiều biện pháp, cách thức thực hiện để quan tâm chăm lo cho đồng bào DTTS.

Tại xã Tân Thạnh Tây – huyện Củ Chi – TP HCM, toàn xã có 1.004 hộ dân là người dân tộc, chủ yếu là đồng bào dân tộc Chăm, Khmer người Hoa… Bà con chủ yếu làm việc trong các công ty ở Khu công nghiệp Tân Quy, Khu công nghiệp Đông Nam. Bà Đặng Hồng Diễm, Chủ tịch Hội Phụ xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi cho hay trong chăm lo an sinh xã hội, ban ngành đoàn thể xã, các ấp, trong đó có hội phụ nữ quan tâm tặng quà, nhu yếu phẩm, rau củ quả cho bà con người dân tộc. Phụ nữ xã, ấp cũng "Đi chợ thay" cho hộ trong khu vực phong tỏa và thường xuyên tuyên truyền bà con người dân tộc thực hiện nguyên tắc 5K, động viên đồng bào dân tộc an tâm, tin tưởng vào công tác phòng, chống dịch của chính quyền địa phương, không nên ra khỏi nhà nếu không thật sự cần thiết để chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Có thể thấy, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống Covid-19 cho đồng bào dân tộc thiểu số thông qua ứng dụng công nghệ thông tin đã bước đầu đạt được nhiều hiệu quả tích cực. Không chỉ góp phần làm giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh, mà còn góp phần đẩy lùi những tác động nặng nề đến đồng bào DTTS. Nhưng quan trọng hơn cả là qua đó bà con đồng bào dân dân tộc tin tưởng chính quyền địa phương trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, chung tay đẩy lùi dịch bệnh, tăng cường ủng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng công nghệ để tuyên truyền phòng, chống Covid-19 cho đồng bào dân tộc thiểu số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO