Truyền thông

Vai trò của chuyển đổi số trong truyền thông chính sách góp phần xây dựng hệ giá trị quốc gia Việt Nam

Lê Đình Đài & Ts. Hồ Mạnh Tùng, Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam 18/01/2025 07:45

Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang thúc đẩy chuyển đổi số, và quá trình này ảnh hưởng sâu rộng đến mọi lĩnh vực, trong đó có truyền thông.

Tóm tắt:
- Công nghệ số và AI tạo sinh đang thay đổi mạnh mẽ cách sản xuất, lan tỏa và tiếp nhận thông tin, ảnh hưởng đến báo chí và truyền thông chính sách.
- Sự phụ thuộc vào công cụ tìm kiếm và mạng xã hội làm giảm nguồn thu của báo chí; AI tạo sinh thúc đẩy xu hướng không cần truy cập nguồn tin (zero-click search).
- Truyền thông chính sách cần áp dụng chuyển đổi số để hiệu quả hơn trong môi trường số quá tải thông tin.
- Hệ giá trị quốc gia và vai trò của truyền thông chính sách
+ Hệ giá trị quốc gia: Là giá trị cốt lõi phản ánh mục tiêu chung như hòa bình, độc lập, dân chủ, công bằng, văn minh; là nền tảng phát triển bền vững và đoàn kết dân tộc.
+ Truyền thông chính sách: Là cầu nối giữa nhà nước và người dân, tuyên truyền giá trị quốc gia.
- Vai trò của chuyển đổi số trong truyền thông chính sách
+ Tăng cường minh bạch: Giúp công chúng tiếp cận thông tin chính sách dễ dàng hơn; Chuyển từ “mô thức tuyên truyền” sang “truyền thông xã hội tương tác”.
+ Mở rộng đối tượng tiếp cận: Số hóa thông tin giúp tiếp cận mọi tầng lớp dân cư; Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và gắn kết xã hội.
+ Khắc phục hạn chế truyền thông truyền thống: Thay thế thông tin một chiều bằng tương tác hai chiều; Tiếp cận nhanh chóng, rộng rãi và thúc đẩy sự tham gia của người dân.
- Ý nghĩa và tương lai
+ Truyền thông chính sách kết hợp chuyển đổi số đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng hệ giá trị quốc gia.
+ Là công cụ hiệu quả để định hướng, huy động nguồn lực và củng cố đồng thuận xã hội.
+ Đòi hỏi sự tích hợp chặt chẽ giữa công nghệ, ý tưởng và nhu cầu thực tế để đạt hiệu quả cao.

Chuyển đổi số (CĐS) đang tạo ra những thay đổi cơ bản hành vi và kỳ vọng của các chủ thể tham gia vào quá trình truyền thông chính sách. Người dùng ngày càng tiếp nhận thông tin về chính sách thông qua các kênh phi truyền thống như mạng xã hội (MXH) và ứng dụng di động, và thậm chí là các công nghệ mới như chatbot hay công cụ tìm kiếm kết hợp với trí tuệ nhân tạo tạo sinh. Trong bối cảnh trên, truyền thông chính sách đóng vai trò quan trọng, không chỉ kết nối nhà nước với người dân mà còn định hình và lan tỏa hệ giá trị quốc gia, tạo thêm sự đồng thuận và đoàn kết xã hội.

Bài viết sẽ trình bày ba vai trò và tác động lớn của chuyển đổi số trong truyền thông chính sách đối với việc xây dựng hệ giá trị quốc gia Việt Nam: (1) Tâng cường tính minh bạch; (2) Mở rộng đối tượng tiếp cận; (3) Khắc phục hạn chế? của truyền thông truyền thống.

Dẫn luận

Cuộc Cách mạng Công nghiệp (CMCN) 4.0 đang kéo theo làn sóng CĐS và có tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực truyền thông. Sự phát triển của công nghệ số đã tạo ra những thay đổi lớn trong cách thức thông tin được sản xuất, lan tỏa và tiếp nhận. Các kênh truyền thông số như MXH, website, ứng dụng di động, v.v... đang tạo ra những biến đổi trong cách tiêu thụ thông tin đến từ chính các kênh truyền thống.

Trong một phỏng vấn gần đây, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân nhận định: “Các cơ quan báo chí sẽ bị mất 50% lượng truy cập đến từ công cụ tìm kiếm” và “theo báo cáo của Meta (công ty mẹ của Facebook), chỉ có khoảng 3% nội dung người dùng nhìn thấy trên mạng đến từ tin tức” [1].

Theo nghiên cứu do TS. Anya Schiffrin, ĐH Columbia University và các cộng sự thực hiện vào năm 2023, mỗi năm số tiền các tổ chức báo chí tại Mỹ bị thất thu có thể lên tới gần 14 tỷ USD bởi các công cụ tìm kiếm và mạng xã hội như Meta hay Google [2]. Hơn nữa, công nghệ trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Gen AI) được cho rằng càng ngày càng khiến cho hiện tượng tìm kiếm tin tức không cần truy cập (zero-click search) trở nên trầm trọng hơn [3, 4].

a2(1).png

Trong bối cảnh trên, các chủ thể của chính sách sẽ cần phải xác định cách các tin tức về chính sách liệu có chạm tới những người dân trong môi trường số đang quá tải thông tin và làm thế nào để truyền thông chính sách đạt được hiệu quả? Ở đây, việc áp dụng CĐS và các công nghệ thông minh như AI tạo sinh trong truyền thông chính sách là xu hướng tất yếu để thích nghi với thời đại. Hơn nữa, truyền thông chính sách đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa nhà nước và người dân, góp phần định hình và lan tỏa hệ giá trị quốc gia.

Vậy việc ứng dụng công nghệ số vào truyền thông chính sách có vai trò và tác động gì đối với xây dựng và củng cố hệ giá trị quốc gia Việt Nam?

Hệ giá trị quốc gia, chuyển đổi số, vẳ truyền thông chính Sách

Hệ giá trị quốc gia

Hệ giá trị quốc gia như là một sức mạnh mềm của dân tộc, Việt Nam xác định hệ giá trị quốc gia là những giá trị cốt lõi, phản ánh khát vọng, mong cầu, mục tiêu chung của quốc gia. “Hệ giá trị quốc gia bao gồm: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc là những giá trị cốt lõi” [5, 6].

Theo các học giả trong và ngoài nước, hệ giá trị quốc gia, văn hóa, gia đình và chuẩn mực đạo đức của con người là những nền tảng tinh thần vững chắc, đóng vai trò cốt lõi trong sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia [7].

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều tâm huyết để xây dựng và bảo vệ những giá trị cao quý của dân tộc. Các văn kiện Đại hội của Đảng, từ Đại hội VIII, X, XI đến XII, đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng và phát huy hệ giá trị quốc gia. Đến Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII nhấn mạnh rằng “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới” [8]. Đây cũng là yêu cầu khách quan để hiện thực hóa mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh mà Đảng ta đã đề ra.

Hiện nay, môi trường số dẫn tới sự dịch chuyển mạnh mẽ về giá trị của nhiều nhóm người, điều được biết tới thông qua khái niệm tiếp biến văn hóa số (digital acculturation) [9, 10]. Sự xung đột về giá trị trên môi trường số dẫn tới nhiều hệ quả tiêu cực cả trên khía cạnh cá nhân và nhóm, cộng đồng: Sự phân mảnh, sự suy giảm đoàn kết xã hội, sự gia tăng căng thẳng, lo âu, v.v.. .[10­, 12] . Trong điều kiện chuyển đổi số trên, việc xây dựng và củng cố hệ giá trị quốc gia là nhiệm vụ vô cùng cấp thiết và truyền thông chính sách đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Truyền thông chính sách trong điều kiện chuyển đổi số hiện nay

Khái niệm cơ bản trong bài viết sẽ đề cập đó là khái niệm truyền thông trong mối quan hệ với vấn đề chính sách. Truyền thông trong tiếng Anh là “communication”, có nghĩa là sự truyền đạt, giao tiếp, trao đổi. Nội hàm của truyền thông là phương tiện, cách thức, nội dung, là con đường để đạt đến sự hiểu biết lẫn nhau giữa cá nhân với cộng đồng xã hội. Và truyền thông thể hiện nhu cầu khách quan của xã hội về thông tin giao tiếp của con người.

Trong lý thuyết truyền thông, Joseph Nye, học giả từ ĐH Harvard người đã sáng tạo ra khái niệm quyền lực mềm, cho rằng “Truyền thông là quá trình liên tục, tương tác bình đẳng, trao đổi thông tin, tư tưởng, tình cảm..., chia sẻ kỹ năng và kinh nghiệm giữa hai hoặc nhiều người nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, nâng cao nhận thức, tiến tới điều chỉnh hành vi và thái độ phù hợp với nhu cầu phát triển của cá nhân/nhóm/cộngđồng/xã hội” [13].

Về chính sách, Từ điển Bách khoa Việt Nam định nghĩa: “Chính sách là những chuẩn tắc cụ thể để thực hiện đường lối, nhiệm vụ. Chính sách được thực hiện trong một thời gian nhất định trên những lĩnh vực cụ thể nào đó. Bản chất, nội dung và phương hướng của chính sách tùy thuộc vào tính chất của đường lối, nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa. Bản chất, phương hướng hay nội dung của chính sách tùy thuộc vào tính chất của đường lối lãnh đạo, nhiệm vụ chính trị, kinh tế. của giai cấp thống trị tại một thời điểm cụ thể”.

Thuật ngữ “truyền thông chính sách” (hay là “policy communications”) không chỉ đơn thuần là việc trao đổi thông tin mà còn chỉ việc phổ cập chính sách rộng hơn ở cấp hệ thống và thông qua các phương tiện truyền thông [8]. Khi bàn về công tác truyền thông chính sách tại Việt Nam cần hiểu theo nghĩa bao quát với nội hàm bao gồm tất cả các công việc từ chính sách về phương tiện truyền thông, cơ chế xử lý thông tin, đến chính sách viễn thông [14]. Truyền thông chính sách thực chất và chủ yếu là một cách gọi tên mới hay là sự thay đổi cái vỏ khái niệm của một công việc mà xưa nay báo chí, truyền thông của chúng ta vẫn làm là tuyên truyền đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước [15].

a3.png

CĐS đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường truyền thông chính sách, đặc biệt trong việc tuyên truyền và làm rõ về hệ giá trị quốc gia của Việt Nam. Bằng cách tận dụng quản trị kỹ thuật số, Chính phủ có thể cải thiện hiệu quả, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, thúc đẩy niềm tin giữa công dân và cơ quan chức năng [16]. Các học giả tại châu Âu cũng đều có những nhận định chung về các nền tảng điện tử đã giúp việc công dân tham gia hiệu quả hơn, qua sự thúc đẩy việc trao quyền cho công dân đóng góp tích cực vào quá trình hoạch định chính sách, đảm bảo tiếng nói của họ được lắng nghe và có giá trị [17].

Với sự số hóa ngày càng lan rộng và sự phổ biến của các công cụ thông minh mới, việc tham gia của người dân là điều kiện quan trọng trong việc đảm bảo các công nghệ được sử dụng có trách nhiệm xã hội, tôn trọng phẩm giá, quyền riêng tư, quyền được tham gia vào quá trình dân chủ của người dùng [18-20]. Tính bao trùm này rất quan trọng để thúc đẩy công bằng xã hội, vì hòa nhập kỹ thuật số cho phép tất cả công dân, bất kể địa vị kinh tế xã hội, tiếp cận và sử dụng các công nghệ này [21].

Cuối cùng, việc tích hợp các công cụ kỹ thuật số này không chỉ nâng cao tiến trình dân chủ mà còn phù hợp với mục tiêu của Việt Nam là thành lập một chính phủ đáp ứng với người dân, từ đó củng cố hệ thống giá trị quốc gia [16]. Thông qua các cơ chế này, CĐS nổi lên như một động lực chính trong việc định hình khung quản trị có sự tham gia và có trách nhiệm hơn ở Việt Nam.

a1(1).png
Hình 1: Quá trình CĐS và yêu cầu thực tiễn của truyền thông chính sách dẫn tới những thay đổi cơ bản trong hành vi và kì vọng đối với truyền thông trên môi trường số.

Trong bối cảnh thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ bởi CĐS, truyền thông chính sách cũng không nằm ngoài sự chuyển biến này. CĐS có thể được định nghĩa là một sự thay đổi kinh tế - xã hội trên các cá nhân, tổ chức, hệ sinh thái và xã hội, được hình thành bởi việc chấp nhận và sử dụng các công nghệ số [22]. Theo Verhoef (ĐH Groningen, Hà Lan) và cộng sự, CĐS đã thay đổi cơ bản hành vi và kỳ vọng của người tiêu dùng, tạo áp lực lên các doanh nghiệp truyền thông và làm gián đoạn nhiều thị trường [23].

Có thể thấy CĐS trong truyền thông chính sách không chỉ là áp dụng công nghệ số vào quá trình truyền thông mà còn mang sứ mệnh, vai trò vô cùng quan trọng trong bối cảnh tương tác giữa các chủ thể của chính sách ngày càng tương tác nhiều hơn qua phương tiện và môi trường số. CĐS trong truyền thông chính sách cũng có thể được hiểu là sự thay đổi trong cách thức xây dựng, quản lý chính sách và phương tiện truyền thông, nhằm tạo ra một môi trường truyền thông số hiệu quả hơn.

Với nền tảng kỹ thuật và công nghệ số từ CĐS truyền thông chính sách, đã tạo ra những điều kiện không chỉ để kết nối công chúng với nguồn tin mà còn thay đổi vai trò và vị thế xã hội của họ trong giao tiếp. Từ một công chúng thụ động, họ đã trở thành những người chủ động tham gia vào việc cung cấp thông tin, sản xuất nội dung, và chia sẻ theo nhu cầu, hình thành nên môi trường truyền thông số.

Môi trường truyền thông số cũng dần thay đổi tư duy, phương pháp và cách hành xử của con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội [3, 14, 24]. Môi trường truyền thông số mang lại nhiều lợi thế, cho phép kết nối và khai thác tài nguyên mềm, kích thích và phát huy sức mạnh mềm cho sự phát triển bền vững. Không chỉ dừng lại ở đó, nó còn là công cụ hữu hiệu để thúc đẩy giám sát và phản biện xã hội, kiểm soát quyền lực, ngăn chặn lạm dụng và sự tha hóa quyền lực. Môi trường truyền thông số không chỉ kết nối mà còn khai thác hiệu quả sức mạnh mềm, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển bền vững. Đồng thời, nó hỗ trợ hiệu quả việc giám sát, phản biện, và ngăn chặn sự lạm dụng quyền lực.

Vai trò của CĐS trong truyền thông chính sách đối với xây dựng hệ giá trị quốc gia

Nhấn mạnh về sự xây dựng và phát triển hệ giá trị quốc gia GS. TS. Hồ Sĩ Quý cho rằng: “Hệ giá trị quốc gia không chỉ là những giá trị được đúc rút từ trong quá khứ dựng xây, bảo vệ và phát triển đất nước, mà còn đang được xây dựng trở thành hệ giá trị lý tưởng, phản ánh ý chí, niềm tin vào tương lai của cộng đồng các dân tộc Việt Nam”. [4] Xây dựng hệ giá trị quốc gia vững mạnh là tiền đề cho việc tiếp tục củng cố sức mạnh đoàn kết đại dân tộc, nâng cao sự đồng thuận xã hội, và góp phần tạo nên sức mạnh tổng lực của quốc gia.

GS.TS. Trần Văn Phòng cho rằng cần phải khẳng định chức năng xã hội của hệ giá trị quốc gia là: nhận thức, định hướng và điều chỉnh [15]. Đó là bởi vì trên cơ sở nhận thức đúng đắn về các giá trị, những định hướng đúng đắn cho đường lối phát triển mới có thể được đưa ra.

Hơn nữa, trên cơ sở có nhận thức và định hướng đúng đắn, những điều chỉnh kịp thời cho mỗi cá nhân, cộng đồng, và cả quốc gia mới thành được hiện thực.

Như vậy, việc xây dựng hệ giá trị quốc gia là một quá trình lâu dài và đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội. Truyền thông chính sách đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của người dân về các giá trị cốt lõi của dân tộc, từ đó góp phần xây dựng một đất nước văn minh, giàu mạnh.

Tăng cường tính minh bạch

Trên bình diện truyền thông chính sách, khi bàn về công tác truyền thông chính sách tại Việt Nam cần hiểu theo nghĩa bao quát và truyền thông là đề cao công chúng và coi công chúng như đối tác bình đẳng. Truyền thông chính sách còn là yếu tố quyết định sự hưng thịnh hay suy vong của một quốc gia. Ở đây người viết sẽ sử dụng khái niệm “tuyên truyền” là một hình thức đặc thù của truyền thông [25] để thấy vai trò và tầm quan trọng của truyền thông chính sách.

Nhìn lại lịch sử, khái niệm tuyên truyền được sử dụng phổ biến trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi sự khác biệt về nội hàm giữa hai hệ thống xã hội - xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa - được khai thác triệt để. V.I. Lênin từng xem tuyên truyền là công cụ mang chân lý đến quần chúng. Trong khi đó, ở phương Tây, tuyên truyền lại bị coi là quá trình tha hóa, một “nghệ thuật” biến không thành có, lặp đi lặp lại những điều sai lệch nhằm khiến người khác tin vào điều không thật, qua đó lôi kéo sự ủng hộ hoặc hành động.

Trong mô hình nhà nước tam quyền phân lập, ba nhánh quyền lực được thiết kế để kiểm soát và cân bằng lẫn nhau. Đồng thời, truyền thông tương tác và xã hội dân sự đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát cả ba nhánh thông qua báo chí và dư luận xã hội.

Trong xã hội hiện đại, các nghiên cứu về ảnh hưởng của truyền thông chính sách đối với việc định hình các giá trị xã hội thường tập trung vào việc tiếp cận thông tin một cách đa dạng và có tính chuẩn mực. Ví dụ, nghiên cứu của một nhóm tác giả từ Hà Lan về “thiết kế hệ thống gợi ý tin tức có tính dân chủ” [26] cho thấy tiếp xúc với các tin tức đa dạng có tác động nhỏ và tích cực tới các giá trị như: (1) Sự ủng hộ chính sách; (2) Việc chấp nhận kết quả của quá trình dân chủ; (3) Lòng khoan dung với nhóm khác; (4) Sự hỗ trợ của hệ thống chính trị.

Ở Việt Nam, chúng ta đang hướng tới sự chuyển biến từ “mô thức tuyên truyền” sang “mô thức truyền thông xã hội tương tác”, một cách tiếp cận mềm dẻo và linh hoạt hơn, dễ dàng thực hiện hóa trong thực tế nhờ có CĐS như việc truyền thông chính sách NetZero bằng các câu chuyện truyền cảm hứng vào thực tế: “Bỏ phố về rừng để giữ đại ngàn xanh” [27], hay sự thúc đẩy CĐS từ các ban ngành chính phủ cũng thực hiện góp phần vào tuyên truyền các giá trị lịch sử như “Quảng Ninh: Số hóa không gian văn hóa, học tập tại Bảo tàng tỉnh giúp thu hút du khách” [28].

Mở rộng đối tượng tiếp cận

Nền tảng và phương pháp truyền thông đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo thành công của truyền thông chính sách về hệ giá trị quốc gia. CĐS đã tạo ra một cuộc cách mạng trong cách truyền tải và tiếp nhận thông tin, giúp chuyển đổi từ sự thụ động sang chủ động, từ tư duy bảo thủ sang tư duy đổi mới. Điều này được thể hiện qua việc các chính phủ trên thế giới ngày càng chú trọng phòng ngừa biến đổi khí hậu, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao chất lượng dịch vụ công [29].

Qua đó, việc truyền thông về các hệ giá trị cần được đổi mới theo hướng số hóa và dịch vụ hóa hệ thống thông tin, tập trung vào vai trò trung gian của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và bền vững. Những thay đổi này cần dựa trên các khảo sát và nghiên cứu nhằm làm rõ các yếu tố liên quan đến hệ giá trị. Sự hỗ trợ của AI và chuỗi khối (blockchain) - hai công nghệ mang tính cách mạng từ cuộc CMCN 4.0 - đóng vai trò như những công cụ đắc lực trong công cuộc truyền thông chính sách.

CĐS trong truyền thông chính sách không chỉ là phưong tiện truyền tải thông tin, mà còn là nền tảng tạo dựng sự đồng thuận, huy động nguồn lực xã hội và thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo (ĐMST), hướng tới xây dựng một xã hội phát triển toàn diện. Vai trò của truyền thông chính sách chính là sức mạnh to lớn trong việc định hình và phát triển hệ giá trị quốc gia. Đặc biệt, CĐS trong truyền thông chính sách đóng góp đáng kể vào quá trình hoạch định các giá trị ở Việt Nam.

Trong giai đoạn này, các nội dung truyền thông tập trung vào việc tìm kiếm ý tưởng, xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn cho các chính sách mới, đồng thời phân tích và đánh giá tác động của chính sách, nhằm xác định rõ mục tiêu và nguồn lực cần thiết. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc truyền thông phù hợp với khung lý thuyết được thiết lập sẽ giúp tổ chức hiệu quả các khía cạnh đa dạng của quy trình nghiên cứu, đồng thời kiểm nghiệm tất cả các giả thuyết và biến số liên quan.

Những thông tin và ý kiến được truyền đạt một cách hiệu quả giúp các nhà lãnh đạo có được cái nhìn sâu sắc hơn về nhu cầu và mong đợi của người dân. Điều này không chỉ tạo ra sự đồng thuận trong xã hội mà còn hình thành những giá trị chung mà quốc gia hướng tới, từ đó định hình nên hệ giá trị quốc gia một cách rõ ràng và bền vững.

Khắc phục những hạn chế của truyền thông truyền thống

Truyền thông vẫn là yếu tố cốt lõi trong việc thực thi và lan tỏa các giá trị. Tuy nhiên, trong thời đại số, truyền thông cần phải vượt qua những hạn chế của phương thức truyền thống. Việc giải thích chi tiết, minh bạch về cơ sở khoa học và lợi ích của chính sách không chỉ giúp người dân hiểu rõ mà còn tạo ra sự đồng thuận cao hơn. Thay vì những thông tin một chiều, truyền thông hiện đại khuyến khích sự tương tác hai chiều, giúp người dân tham gia tích cực vào quá trình hoạch định và thực thi chính sách.

Những mô hình thực tế được truyền thông rộng rãi trên các nền tảng số sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ. Ví dụ, cộng đồng có cơ hội học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và cùng nhau xây dựng các giải pháp hiệu quả. Ví dụ như chiến dịch truyền thông về mục tiêu NetZero tại Việt Nam tại 3 miền Bắc - Trung - Nam nhằm tăng cường nhận thức và sự quan tâm của các nhà đầu tư về cơ hội đầu tư xanh; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư các dự án thân thiện với môi trường thông qua các công cụ tài chính xanh [30].

Điểm mạnh của truyền thông số là khả năng tiếp cận nhanh chóng, rộng rãi và đa dạng. Điều này giúp khắc phục hạn chế về thời gian và không gian của truyền thông truyền thống, đảm bảo thông tin đến được với mọi đối tượng, ở mọi nơi. Nhờ đó, truyền thông chính sách không chỉ đóng vai trò cung cấp thông tin mà còn là cầu nối quan trọng giữa nhà nước và người dân, góp phần xây dựng một xã hội dân sự năng động và phát triển.

Cuối cùng, vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và đổi mới chính sách. Bằng cách tạo dựng sự đồng thuận và ủng hộ từ người dân, truyền thông giúp xây dựng một môi trường xã hội tích cực, noi mọi người có thể tham gia vào quá trình đánh giá và phản hồi chính sách. Đồng thời, việc thông tin giải tỏa những khúc mắc, bất đồng trong xã hội cũng là một phần không thể thiếu, nhằm duy trì sự ổn định và phát triển bền vững cho đất nước. Trong thời đại thông tin bùng nổ, truyền thông cũng cần có trách nhiệm trong việc phòng ngừa và chống lại những thông tin xuyên tạc, bảo vệ giá trị cốt lõi và uy tín của chính sách.

Kết luận

CĐS đã và đang tạo nên một cuộc cách mạng trong truyền thông chính sách, mở ra những chân trời mới để xây dựng và củng cố hệ giá trị quốc gia. Bằng việc tận dụng tối đa tiềm năng của công nghệ số, chúng ta không chỉ tạo ra một xã hội đoàn kết, văn minh, tiến bộ mà còn góp phần xây dựng một quốc gia mạnh mẽ, phát triển bền vững [31]. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng từ toàn xã hội, đặc biệt là việc đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng số và nâng cao năng lực số cho mọi tầng lớp nhân dân. Trong tương lai, với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, CĐS chắc chắn sẽ tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong việc định hình tương lai đất nước.

Khi chính sách được tổ chức và thực hiện, truyền thông tiếp tục đóng vai trò thiết yếu. Việc giải thích và làm rõ cơ sở khoa học cũng như lợi ích của chính sách giúp người dân hiểu rõ và đồng thuận với các quyết định của nhà nước.

Thông qua việc hướng dẫn phương pháp, cách thức và nguồn lực thực hiện chính sách, truyền thông giúp tạo ra sự minh bạch và trách nhiệm trong quản lý nhà nước. Những mô hình thực tế được truyền thông cũng giúp cộng đồng học hỏi và áp dụng, từ đó phát huy tối đa nguồn lực xã hội. Sự tham gia tích cực của người dân vào quá trình này không chỉ nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách mà còn góp phần xây dựng hệ giá trị quốc gia dựa trên sự đồng lòng và hợp tác.

Trong bối cảnh hiện nay, việc phát huy các nguồn lực xã hội thông qua truyền thông cũng cần được chú trọng. Truyền thông về việc phát huy nguồn lực con người, tài chính, vật chất và khoa học công nghệ không chỉ tạo ra những điều kiện cần thiết cho sự phát triển mà còn góp phần xây dựng niềm tin và sự ổn định chính trị - xã hội. Những giá trị như công bằng, hợp tác và trách nhiệm xã hội được hình thành và củng cố thông qua các hoạt động truyền thông tích cực.

Tài liệu tham khảo:

1. VietNamNet. Báo chí sẽ bị mất 50% lượng truy cập đến từ công cụ tìm kiếm. 2024 [truy cập 7/12/2024]; link: https://
vietnamnet.vn/bao-chi-co-the-se-mat-50-luong-truy-cap-
den-tu-cong-cu-tim-kiem-2155860.html.

2. Schiffrin, A. and H. Mateen. Google and Meta Owe US Publishers $14Billion a Year. 2023 [truy cập 2/7/2024]; link: https://www.techpolicy.press/google-and-meta-owe-us-publishers-14-billion-a-year/.

3. Ho, M.-T., T.H.-K. Nguyen, and T.-D. Hoang, Ảnh hưởng của các sàn phẩm trí tuệ nhân tạo tạo sinh lên ngành báo chí và truyền thông: Hành vi và kinh tế'báo chí. Tạp chí Thông tin và Truyền thông, 2024.8(8/2024): p. 80-89.

4. Toan, T. Báo in khác biệt trong thời đại AI. Báo Tiền Phong 2024 [truy cập 7/12/2024]; link: https://tienphong.vn/bao-in-
khac-biet-trong-thoi-dai-ai-post1691947.tpo.

5. Hồ Sĩ Quý. Về xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị vàn hóa, hệ giá trị gia đình và hệ giá trị con người Việt Nam trong thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược từ 1975 đế'n nay. Báo Điện Tử Đàng Cộng Sàn Việt Nam 2023 [truy cập 4/9/2024; link: https://dangcongsan.org.vn/hoidonglyluan/lists/
xaydungdang/view_detail.aspx?itemid=153.

6. Nguyễn Phú Trọng. “Vàn hóa là hồn cốt dân tộc, vàn hóa còn thì dân tộc còn”. Toàn vàn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Vàn hóa toàn quốc 2021 [truy cập 3/9/2024; link: https://laodong.vn/thoi-su/van-hoa-la-hon-
cot-dan-toc-van-hoa-con-thi-dan-toc-con-977389.ldo.

7.Nhóm Phóng viên Báo Điện tử Đàng Cộng Sàn Việt Nam. Xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị vàn hóa trong thời kỳ mới.
2022 [truycập 4/9/2024; link: https://dangcongsan.vn/thoi-
su/xay-dung-he-gia-tri-quoc-gia-he-gia-tri-van-hoa-trong-
thoi-ky-moi-625983.html.

8.Đàng Cộng sàn Việt Nam, Vàn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứXIII.. Vol. Tập 1.2021: NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật.

9. Durampart, M., P. Bonfils, and M. Romero, Digital Acculturation in the Era of Artificial Intelligence, in Creative Applications of Artificial Intelligence in Education. 2024, Springer Nature Switzerland Cham. p. 45-56.

10. Guan, S.-S.A., Digital Acculturation or Displacement?: Examining the Link Between Social Media and Well-Being. Frontiers in Human Dynamics, 2021.3.

11.Floridi, L., Introduction to the Special Issues: The Ethics of Artificial Intelligence: Exacerbated Problems, Renewed Problems, Unprecedented Problems. American Philosophical Quarterly, 2024.61(4):p. 301-307.

12.Vuong, Q.H., Mindsponge theory. 2022: Walter de Gruyter GmbH.

13.Nye, J.S., Soft power: The means to success in world politics. 2004: Public affairs.

14.Ho, M.-T. and T.V.H. Nguyen, Lợi thế và thách thức của Công tác Truyền thông chính sách tại Việt Nam. Tạp chí Truyền Thông và Thông Tin, 2024.2024(1,2): p. 132-139.

15. Tạ, N.T., Báo chí, truyền thông hiện đại. 2020: NXB Lý luận chính trị.

16. Shepherdson, C., A.W.K. Tan, and T.V. Nam, An e-governance framework for Vietnam. International Journal of
Electronic Governance, 2009. 2(2-3): p. 170-191.

17. Loukis, E., Y. Charalabidis, and J. Millard, From the Special
Issue Editors: European Research on Electronic Citizen
Participation and Engagement in Public Policy Making.
Information Systems Management, 2012. 29(4): p. 255-257.

18. Cabinet Office of Japan. Social Principles of Human-Centric
AI. 2019 [truycập 23/9/2022]; link: https://www.cas.go.jp/jp/
seisaku/jinkouchinou/pdf/humancentricai.pdf.

19. Miyashita, H., Human-centric data protection laws and
policies: A lesson from Japan. Computer Law & Security
Review, 2021. 40: p. 105487.

20. Mantello, P. and M.-T. Ho, Emotional AI and the future of
wellbeing in the post-pandemic workplace. AI & SOCIETY,
2023.

21. Roberts, H., et al., Global AI governance: barriers and
pathways forward. International Affairs, 2024. 100(3): p.
1275-1286.

22. Dąbrowska, J., et al., Digital transformation, for better
or worse: a critical multi-level research agenda. R&D
Management, 2022. 52(5): p. 930-954.

23. Verhoef, P.C., et al., Digital transformation: A
multidisciplinary reflection and research agenda. Journal of
Business Research, 2021. 122: p. 889-901.

24. Ho, M.-T. and T.H.-K. Nguyen, Bài toán về hệ thống hóa
quá trình sàng lọc thông tin trước sự trỗi dậy của thuật
toán thông minh Tạp chí Thông Tin & Truyền Thông,
2024(March/2024).

25. Nguyễn Văn Dũng, Một số vấn đề về truyền thông chính
sách công ở Việt Nam hiện nay. Tạp chí Tổ chức nhà nước,
2018.

26. Mattis, N., et al., It ain’t easy: using normatively motivated
news diversification to facilitate policy support, tolerance,
and political participation. Information, Communication &
Society: p. 1-18.

27. Giang, C., Bỏ phố vào rừng để giữ đại ngàn xanh. VTV Đài
truyền hình Việt Nam, 2024.

28. Nhóm Phóng viên, Quảng Ninh: Số hóa không gian văn
hóa, học tập tại Bảo tàng tỉnh giúp thu hút du khách. VTV Đài
truyền hình Việt Nam 2024.

29. United Nations. International day for the eradication of
poverty and The sustainable development goals report. 2023
[truy cập 12/12/2024]; link: https://social.desa.un.org/issues/
poverty-eradication/events/international-day-for-the
eradication-of-poverty-27-october-2022.

30. Hữu, T. Hội thảo: Thúc đẩy đầu tư xanh và thị trường tài
chính xanh – Hướng tới mục tiêu Nét Zero tại Việt Nam. VTV
Đài truyền hình Việt Nam. 2024 [truy cập 7/12/2024]; link:
https://vtv.vn/vtv8/hoi-thao-thuc-day-dau-tu-xanh-va-thi
truong-tai-chinh-xanh-huong-toi-muc-tieu-net-zero-tai-viet
nam-20241121183853725.htm

31. Hoàng, V.Q., N.H. Sơn, and N.M. Hoàng. Mối quan hệ
biện chứng giữa tiết kiệm, chống lãng phí và phát triển
trong mục tiêu kỷ nguyên mới của đất nước. Trang Thông
tin Điện tử Hội Đồng Lý Luận Trung Ương. 2024 [truy cập
7/12/2024]; link: https://hdll.vn/vi/ky-nguyen-moi-cua-dan
toc/moi-quan-he-bien-chung-giua-tiet-kiem-chong-lang
phi-va-phat-trien-trong-muc-tieu-ky-nguyen-moi-cua-đất
nuoc.html

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 12 tháng 12/2024)

Bài liên quan
  • Tăng cường vai trò truyền thông chính sách trong phát triển xanh
    Cùng với sự kiên định mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện đại, bao trùm và xuyên suốt, Việt Nam đang có nhiều nỗ lực chuyển đổi và phát triển Xanh như một định hướng ưu tiên và giải pháp quan trọng để phát triển nhanh, bền vững đất nước theo mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 mà Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đề ra... Trên hành trình đó, không thể thiếu được sự đồng hành của báo chí…!
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Vai trò của chuyển đổi số trong truyền thông chính sách góp phần xây dựng hệ giá trị quốc gia Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO