Chuyển đổi số

Vai trò của nguồn nhân lực số trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia ở Việt Nam hiện nay

ThS. Nguyễn Thành Chung 07/08/2023 08:24

Chuyển đổi số (CĐS) không còn là sự lựa chọn mà là việc cần thiết phải tiến hành ngay để bắt kịp với xu thế của thế giới trong bối cảnh toàn cầu đang chuyển động số hết sức mạnh mẽ.

Để thực hiện được sứ mệnh lớn lao này, nguồn nhân lực số là một trong những yếu tố quan trọng, cốt lõi, quyết định sự thành công của CĐS quốc gia. Bài viết nghiên cứu về tầm quan trọng của nguồn nhân lực số trong bối cảnh CĐS và đề xuất một số giải pháp để phát triển nguồn nhân lực số trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu Cách mạng CĐS quốc gia ở Việt Nam hiện nay.

nhan-luc-so.jpeg
Ảnh minh hoạ (NguồnL HBR)

Vai trò quan trọng của nguồn nhân lực số

Nhân lực số là lực lượng lao động kỹ thuật chuyên nghiệp, trực tiếp thực hiện các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT), điện tử viễn thông, an toàn thông tin (ATTT) mạng để phục vụ hoạt động công nghệ số. Trong các lĩnh vực của đời sống xã hội hiện nay, nhân lực số là đối tượng được quan tâm và chú trọng bởi họ có các kỹ năng, kinh nghiệm và kiến thức về công nghệ, về an toàn, bảo mật thông tin.

Ở nước ta, CĐS là mục tiêu được Đảng, Nhà nước xác định từ rất sớm, thể hiện sự nhanh nhạy và đón đầu xu thế phát triển của thế giới trong thời đại số. Vấn đề này được Đảng ta xác định tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ đại hội XIII là: “thực hiện CĐS quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế” [1] và một trong ba đột phá chiến lược được xác định là: “chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng CĐS quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số”.

Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư.

Hiện thực hóa chủ trương của Đảng ta, trên quy mô quốc gia, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cụ thể, nhanh chóng triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/ QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; 63 tỉnh, thành phố trên cả nước và các Bộ, ngành trung ương đã ban hành chương trình/kế hoạch/đề án riêng về CĐS trong giai đoạn 2021 – 2025. Tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh vai trò của nguồn nhân lực số, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là: “Xây dựng chương trình, nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước (CQNN)” [2] và “Lựa chọn, đào tạo, tập huấn đội ngũ tối thiểu 1000 chuyên gia về CĐS cho ngành, lĩnh vực, địa phương. Các chuyên gia này tiếp tục đào tạo lại cho cán bộ liên quan ở cơ quan, tổ chức mình và trở thành lực lượng nòng cốt để dẫn dắt, tổ chức và lan tỏa tiến trình CĐS quốc gia” [2].

Để kịp thời đáp ứng yêu cầu về kỹ năng, làm chủ công nghệ mới, công nghệ đặc trưng của CĐS như: trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học dữ liệu, tự động hóa, chuỗi khối (blockchain) và công nghệ số đa dạng, có tốc độ phát triển nhanh, nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ số là yêu cầu cấp thiết của nước ta hiện nay.

Song song với quá trình tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật số, tạo mạng lưới số đáp ứng yêu cầu về kết nối, xử lý dữ liệu, bảo đảm an toàn, an ninh mạng, thúc đẩy kết nối internet; xây dựng nền tảng số như thúc đẩy thanh toán điện tử, xây dựng hệ thống định danh và xác thực điện tử quốc gia, xây dựng và làm chủ công nghệ điện toán đám mây,... cần có những người có đủ khả năng, trí tuệ và kinh nghiệm để vận hành hạ tầng kỹ thuật số và nền tảng số. Vấn đề này đòi hỏi nguồn nhân lực số lớn cả về số lượng và chất lượng.

Về số lượng đòi hỏi cung ứng ngay, là lực lượng lao động kỹ thuật chuyên nghiệp về CNTT, điện tử, viễn thông, an toàn bảo mật CNTT mạng thực hiện được ngay nhiệm vụ trong CNTT, đơn vị của khu vực công và các doanh nghiệp (DN), các loại hình công ty, các nhà xưởng, đơn vị của khu vực tư. Về số lượng đòi hỏi cung ứng lâu dài, là cần thế hệ kế cận, được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, được bồi dưỡng, rèn luyện thường xuyên, có kỹ năng kỹ thuật cao để tiếp nối, đáp ứng nhanh nhạy sự biến đổi không ngừng của công nghệ.

Theo đó, nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực được đào tạo chuyên môn về CNTT, về nền tảng số, dữ liệu số, về an toàn, bảo mật, về an ninh mạng hiện nay rất lớn trong tất cả các cơ quan, đơn vị, kể cả khu vực công và khu vực tư. Tình trạng này không chỉ diễn ra ở Việt Nam, đối với các nước lớn phát triển đi trước và các quốc gia đang phát triển, tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao về CNTT đang diễn ra gay gắt, dẫn đến cạnh tranh lớn về chế độ đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao này.

Thực trạng về nguồn nhân lực số hiện nay

Ở nước ta, theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) [3], cả nước có 242 trường Đại học, trong đó có 158 trường có đào tạo CNTT, điện tử - viễn thông và ATTT (tỷ lệ là 65%). Tổng chỉ tiêu tuyển sinh Đại học các ngành kỹ thuật ngày vào năm 2020 – 2021 là khoảng 82.000 chỉ tiêu. Con số này có tăng nhẹ theo từng năm là: năm 2018 – 2019: 51.114 chỉ tiêu, năm 2019 – 2020 là 68.435 chỉ tiêu.

Đối với các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề hiện nay cả nước có 854 trường, trong đó có khoảng 412 trường (năm 2018 - 2019) có đào tạo CNTT, điện tử viễn thông và ATTT (tỷ lệ là 45,32%), năm 2019 – 2020 có 442 trường và năm 2020 - 2021 vẫn duy trì số lượng này.

nhan-luc-so-2.png
Ảnh: donga.edu.vn

Hàng năm, số lượng sinh viên tốt nghiệp các trường Đại học khoảng 53.000 sinh viên (tính cả cao đẳng, trung cấp thì số lượng tốt nghiệp khoảng 65.000 người). Một thực tế đặt ra là, không phải tất cả sinh viên tốt nghiệp ra trường với bằng Đại học CNTT có thể tiếp cận công việc và xử lý các tình huống phát sinh ngay khi tiếp cận công việc liên quan đến công nghệ số. Theo đó, khi được tuyển dụng vào CQNN hoặc các DN, cơ quan này sẽ mất thời gian để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ này làm quen với công việc, hướng dẫn, chỉ dẫn thực tế để dần dần đáp ứng yêu cầu công tác.

Như vậy, ngoài việc phải bỏ chi phí để tuyển dụng nhân lực số, cơ quan, đơn vị còn tốn kém trong việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực số, đây là tình trạng chung diễn ra phổ biến tại các cơ quan, đơn vị trong khu vực tư lẫn khu vực công hiện nay.

Tại khu vực công, theo báo cáo của Bộ Nội vụ [4], tính đến thời điểm 31/12/2021, số lượng công chức cả nước có 247.722 người, trong đó công chức ở cơ quan trung ương có 106.890 người (tỷ lệ 43,15%), công chức cấp huyện trở lên ở địa phương có 140.832 người (tỷ lệ 56,85%), trong đó trình độ Đại học chiếm tỷ lệ lớn nhất là 172.960 người (tỷ lệ 69,82%); số lượng viên chức cả nước có 1.789.585 người, trong đó viên chức ở trung ương có 119.475 người (tỷ lệ 6,68%); viên chức ở địa phương có 1.670.110 người (tỷ lệ 93,32%), trong đó trình độ Đại học trở lên có số lượng lớn nhất 1.363.664 (tỷ lệ 76,2%).

Tính tổng cả công chức, viên chức trên cả nước có số lượng là 2.037.307. Hầu hết số lượng công chức, viên chức trong cả nước khi tuyển dụng (trước đây) phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ và hiện nay, khi tiến hành bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ là thành phần hồ sơ bắt buộc trong tuyển dụng, thí sinh phải vượt qua vòng 1 sơ tuyển về trình độ tin học, ngoại ngữ trắc nghiệm trên máy tính.

Tuy nhiên, việc vượt qua trên 50% số điểm tin học cơ bản của thí sinh khi tuyển dụng công chức khá dễ dàng, độ khó ở mức độ yêu cầu cơ bản sử dụng thành thạo máy tính, hiếm khi xuất hiện các câu hỏi ở trình độ công nghệ thông tin mức độ cao.

Theo đó, thực trạng chuyên ngành đào tạo khi tuyển dụng và chất lượng chuyên môn về CNTT của công chức, viên chức hiện nay, việc ứng dụng CNTT và kỹ thuật điện tử - viễn thông để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số là một thách thức lớn đối với nguồn nhân lực ở khu vực công.

Với những phân tích ở trên cho thấy, Việt Nam là một trong những nước có khả năng thiếu hụt nguồn nhân lực được đào tạo bài bản về CNTT và thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực CNTT có chất lượng cao. Trong khi đó, chủ trương và nhu cầu tuyển dụng nhân lực số của các cơ quan, tổ chức, DN trong cả nước đều có xu hướng tăng cao.

Do đó, bài toán đặt ra về nguồn nhân lực số là một trong những yêu cầu lớn đặt ra với nền giáo dục nước nhà, đồng thời cũng là yêu cầu lớn từ xã hội, đòi hỏi nhà nước cần có điều chỉnh chính sách, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để kịp điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh, nhất là nguồn nhân lực số, đáp ứng yêu cầu trước mắt, lâu dài cho Cách mạng số ở nước ta, đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số, kinh tế số.

Một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực số đáp ứng yêu cầu CĐS quốc gia ở Việt Nam

Với những đòi hỏi mới mẻ của CĐS là những am hiểu của nhân lực về công nghệ mới, có kiến thức, kỹ năng để làm chủ khoa học, công nghệ, ứng dụng AI, sử dụng dữ liệu số, tự động hóa trong thực thi công việc, nhiệm vụ, cho kinh doanh, mang lại lợi nhuận, nguồn nhân lực số cần được đào tạo bài bản, kỹ lưỡng và luôn luôn nhanh nhạy để đáp ứng những thay đổi của công nghệ.

Với mục đích tăng cường nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao, Thủ tướng Chính phủ đã sớm có Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 về phê duyệt Đề án: “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Một phản ứng nhanh của Chính phủ, đáp ứng yêu cầu trước mắt, lâu dài cho nguồn nhân lực số, tuy nhiên để thực hiện thành công Đề án này cần sự phối hợp và vào cuộc của nhiều cấp, nhiều ngành, cơ quan, đoàn thể. Một số giải pháp đề xuất phát triển nguồn nhân lực số trong thời gian tới như sau:

Một là, nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, mọi người dân về vai trò, tầm quan trọng của CĐS và nguồn nhân lực số trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia. Việc chuyển đổi nhận thức về CĐS cần được xác định có ý nghĩa sống còn, là cơ hội để phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương và nâng cao thứ hạng quốc gia. Đi nhanh, đi trước dễ thu hút nguồn nhân lực. Đi chậm, đi sau, khi CĐS đã trở thành xu hướng phổ biến thì nguồn lực trở nên khan hiếm, sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển [2].

Hai là, có chính sách bổ sung chuyên ngành đào tạo về nhân lực số cho các trường đại học và đào tạo giảng viên về kỹ năng số. Nhu cầu nhân lực số hiện nay và trong tương lai cho cả khu vực công và khu vực tư là rất lớn cộng với xu hướng cạnh tranh để thu hút nguồn nhân lực số chất lượng cao đang diễn ra hiện nay, đòi hỏi tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực này tại các trường Đại học trên cả nước.

Với các trường Đại học, cao đẳng và trung tâm dạy nghề có chuyên ngành đào tạo CNTT, điện tử - viễn thông, ATTT, cần có chính sách để hỗ trợ về cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giảng viên để thu hút sinh viên tham gia học tập, nghiên cứu.

Tại Quyết định số 146/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng đã có giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT để xây dựng và tổ chức triển khai thí điểm mô hình “Giáo dục đại học số”; xây dựng, ban hành bộ Chỉ số, tiêu chí đánh giá CĐS cơ sở giáo dục. Để thực hiện được nhiệm vụ này, các cơ sở giáo dục đại học cần có nhiều nỗ lực, nhất là có các hình thức hợp tác đào tạo giữa nhà trường và các viện nghiên cứu về CNTT, khoa học công nghệ, điện tử viễn thông trong và ngoài nước để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực số cho quốc gia trong ngắn hạn và trong thời gian 10 - 20 năm tới.

Ba là, đối với nguồn nhân lực tại chỗ đang sử dụng, cơ quan, đơn vị ở khu vực công và DN, công ty ở khu vực tư cần tiếp tục đầu tư tài chính, ngân sách để kết hợp với các cơ sở đào tạo trong, ngoài nước tiến hành đào tạo tại chỗ cho đội ngũ này, nhằm đáp ứng nhu cầu trước mắt về nguồn nhân lực số của cơ quan, đơn vị.

Đối với khu vực công, cần tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức có cơ hội tham gia các khóa bồi dưỡng trong nước, ở nước ngoài, đào tạo công chức chuyên trách về CNTT và huy động các nguồn lực tài trợ để công chức có cơ hội mở mang kiến thức, trau dồi kỹ năng tại các nước phát triển để nâng cao trình độ cá nhân, đáp ứng yêu cầu công việc hiện nay.

Đối với nguồn nhân lực là kỹ sư CNTT, các chuyên gia về CNTT có trình độ, năng lực đang công tác tại cơ quan, đơn vị trong khu vực công cần có chế độ đãi ngộ phù hợp, chế độ khuyến khích về thưởng, chế độ đãi ngộ về tinh thần, môi trường làm việc để họ tiếp tục cống hiến cho công việc hiện tại.

Bốn là, về lâu dài cần có chính sách ở tầm nhìn xa về việc triển khai việc xây dựng và đưa vào chương trình đào tạo công nghệ số, nhận thức về CĐS tại mô hình cấp học phổ thông để tạo ra thế hệ công dân số một cách tự nhiên. Việc để các em ở bậc phổ thông được tiếp cận về các tri thức chuyển đổi số sớm sẽ hình thành ý thức, nhận thức và khuyến khích sự lựa chọn ngành nghề CNTT, điện tử viễn thông, AI trong tương lai, tạo nên nguồn nhân lực dồi dào cho đất nước, tiến kịp với CĐS của khu vực và thế giới trong tương lai.

Tài liệu tham khảo:

1. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB Chính trị quốc gia sự thật, 2021, Tập 1, tr.201.

2. Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025,
định hướng đến năm 2030, tr.8,9,12,13.

3. Báo cáo số 11/BC-UBCĐSQG ngày 20/5/2022 của Ủy ban quốc gia về CĐS, tr.1,2.

4. Báo cáo tổng kết công tác năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2023 của ngành Nội vụ. Hà Nội, tháng 12/2022 (Tài liệu phục vụ Hội nghị trực tuyến toàn quốc, ngày 29/12/2022), tr 31,32,33.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 7 tháng 7/2023)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Vai trò của nguồn nhân lực số trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia ở Việt Nam hiện nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO