Chuẩn bị nguồn nhân lực cho nghiên cứu và ứng dụng AI vào chuyển đổi số
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở thành một trong những xu hướng quan trọng hàng đầu trong ngành công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT). Do đó, công tác giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này cần phải đi trước một bước.
Trong những năm gần đây, AI đã trở thành một trong những xu hướng nóng nhất trong ngành công nghiệp CNTT. Điển hình là ChatGPT đang được ghi nhận là một trong những ứng dụng tiên tiến trong lĩnh vực này.
Theo các chuyên gia, xu hướng phát triển của AI sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh. Trong tương lai, AI sẽ được sử dụng rộng rãi trong nhiều nhiều lĩnh vực nổi bật như y tế, tài chính, kinh doanh và sản xuất để giải quyết các vấn đề phức tạp và tối ưu hóa hiệu quả hoạt động.
Ngoài ra, AI cũng sẽ được sử dụng trong các sản phẩm và dịch vụ thông minh, như xe tự lái, robot hỗ trợ, các ứng dụng nhận diện giọng nói và hình ảnh,...
Rõ ràng, AI mang lại nhiều tiềm năng và cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) và tổ chức để tối ưu hoá các quy trình kinh doanh và cải thiện trải nghiệm khách hàng. Các hoạt động chuyển đổi số (CĐS) từ Chính phủ tới DN đều sẽ phải dựa trên AI để tăng tính hiệu quả.
Tuy nhiên, vấn đề về chuẩn bị nguồn nhân lực để nghiên cứu, triển khai ứng dụng AI cần được chuẩn bị kỹ lưỡng cả về số lượng và chất lượng. Như vậy, công tác giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này cần phải đi trước một bước, với chương trình đào tạo và cơ sở vật chất phải theo kịp sự phát triển của công nghệ.
TS. Phạm Tiến Lâm hiện đang đảm nhiệm các môn cơ sở về thống kê, phân tích dữ liệu, cơ sở về học máy của trường Đại học (ĐH) Phenikaa, đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo chí về vấn để đào tạo nguồn nhân lực cho nghiên cứu, ứng dụng AI tại Việt Nam.
Trường ĐH Phenikaa là một trong những trường đầu tiên tại Việt Nam đào tạo chương trình ĐH và sau ĐH liên ra quan đến Chương trình AI và khoa học dữ liệu. Trường có chương trình đào tạo đa dạng về AI, từ cơ bản đến chuyên sâu, phục vụ cho nhu cầu đào tạo của các ngành công nghiệp khác nhau như y tế, sản xuất, tài chính, thương mại điện tử (TMĐT) và nhiều lĩnh vực khác.
Sinh viên sẽ được trang bị một loạt kỹ năng và kiến thức cần thiết để trở thành chuyên gia về AI trong tương lai, bao gồm các tư duy hệ thống, kỹ năng phát triển sản phẩm AI, làm việc nhóm, tư duy liên ngành, thông qua việc trải nghiệm các dự án gắn liền với các ứng dụng thực tế. Các môn học được thiết kế theo hướng trải nghiệm qua các bài tập đồ án môn học sát với các ứng dụng AI thực tế.
Bên cạnh các kiến thức nền tảng, sinh viên được định hướng phát triển sâu về các lĩnh vực như: thị giác máy tính, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, nghiên cứu phát triển các thuật toán AI..., thông qua các gói môn học tự chọn.
Dưới đây là nội dung trao đổi giữa phóng viên với TS. Phạm Tiến Lâm:
Phóng viên (PV): Trường Đại học Phenikaa đánh giá như thế nào về tầm quan trọng và tiềm năng của ngành học Trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu trong thế giới hiện đại?
TS. Phạm Tiến Lâm: Hiện nay, CNTT nói chung, AI và Khoa học dữ liệu nói riêng đều không thể thiếu cho nhu cầu phát triển của xã hội trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ.
Rất dễ thấy, AI và khoa học dữ liệu đã và đang được ứng dụng trong nhiều mặt của đời sống, từ công nghệ đến ý tế, từ cuộc sống hàng ngày đến những lĩnh vực kinh doanh.
Ngoài ra, các ngành giáo dục, logistics, tài chính, các công ty có tầm nhìn chiến lược… cũng nắm bắt xu hướng, ứng dụng khoa học dữ liệu và AI vào quy trình hoạt động. Tức cơ hội nghề nghiệp của ngành này thực sự rất rộng mở.
Với lượng dữ liệu khổng lồ quý báu như hiện nay thì việc áp dụng AI để xử lý từ đó thiết kế nên những hệ thống thông minh thay con người giải quyết vấn đề, mang lại hiệu quả cao sẽ là xu hướng vượt trội của tương lai. Trên thế giới cũng đã có nhiều sản phẩm áp dụng AI như ô tô thông minh, có khả năng tự lái, robot có khả năng giải quyết các vấn đề con người, định hướng về khách hàng từ đó đưa ra hướng kinh doanh,…và những sản phẩm này được đánh giá rất cao.
Vậy nên, ngành học AI và khoa học dữ liệu có vai trò rất quan trọng cho sự phát triển đất nước nói riêng và thế giới hiện đại nói chung.
PV: Hiện nay, có nhiều tranh cãi về vấn đề an ninh và riêng tư trong việc sử dụng AI. Theo ông có những biện pháp nào để đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin trong lĩnh vực này?
TS. Phạm Tiến Lâm: Thông thường các tiến bộ của khoa học và kỹ thuật luôn đi kèm với các mặt trái của nó. Ví dụ, như lĩnh vực công nghệ hạt nhân đã mang lại nhiều lợi ích về mặt năng lượng cho con người, nhưng người ta cũng có thể sử dụng nó để làm vũ khí huỷ diệt. Điều tương tự cũng có thể xẩy ra với các công nghệ AI và khoa học dữ liệu.
Đi kèm với những lợi ích AI mang lại cho con người chúng ta cũng cần có những hiểu biết nhất định về mặt trái của nó như vấn đề quyền riêng tư và an ninh thông tin để hạn chế thấp nhất mặt trái của công nghệ.
PV: Ông nhìn nhận vai trò của ngành AI và khoa học dữ liệu trong việc phát triển các lĩnh vực khác như y tế, tài chính, an ninh mạng và quản lý dữ liệu?
TS. Phạm Tiến Lâm: Không chỉ trong riêng lĩnh vực công nghệ, AI có vai trò vô cùng quan trọng trong các ngành như tài chính ngân hàng, y tế, an ninh mạng và quản lý dữ liệu. AI đang làm rất tốt vai trò của nó trong việc tối ưu và hỗ trợ các bước trong các lĩnh vực kể trên. Ví dụ điển hình của các ứng dụng AI phải kể tới:
Y tế: AI hỗ trợ chẩn đoán bệnh, AI ứng dụng trong chụp X-quang, Chatbot y tế sử dụng công nghệ AI, AI trong ra quyết định lâm sàng, AI trong robots y học…
Tài chính, ngân hàng: Các dịch vụ quản lý tài sản và danh mục đầu tư. Hỗ trợ khách hàng tự động và tài chính ảo thông qua chatbot và cố vấn robot. Ứng dụng trong ngành tài chính, bảo hiểm, ngân hàng theo hướng dữ liệu. Hệ thống ngân hàng đang dần ứng dụng AI bằng cách sử dụng hệ thống thông minh, để giúp đưa ra quyết định đầu tư và hỗ trợ nghiên cứu.
Các mô hình AI trong ngân hàng đang được sử dụng để phân tích thực trạng của thị trường tài chính; Tự động hóa quy trình bằng Robot RPA (Robotic Process Automation); Chấm điểm tín dụng và phân tích dự đoán thông qua dữ liệu thay thế; Tuân thủ quy định, phòng chống rửa tiền, phát hiện và ngăn chặn gian lận.
An ninh mạng và quản lý dữ liệu: Phát hiện sớm các cuộc tấn công; Tìm kiếm lỗ hổng bảo mật; Bảo mật mạng, dự đoán các mối đe dọa mạng.
PV: Trong việc phát triển AI, ông nhận định những thách thức chính hiện nay là gì và cần phải làm gì để vượt qua những thách thức đó?
TS. Phạm Tiến Lâm: Không thể phủ nhận rằng, AI đang ngày càng chứng minh là một công cụ đắc lực hỗ trợ người lao động và tạo thuận lợi cho cuộc sống của con người. Song, các sản phẩm công nghệ này giống như “con dao hai lưỡi” khi khơi mào một cuộc chiến cam go mới giữa các đối tượng tội phạm công nghệ cao và lực lượng bảo vệ an ninh mạng.
Về mặt đạo đức: Hầu hết các công nghệ có thể được sử dụng để mang lại lợi ích của loài người, nhưng cũng có thể nguy hiểm khi sử dụng bởi kẻ xấu hay khi không được sử dụng cẩn thận an toàn và trong những tình huống không lường trước được.
Vì vậy, yêu cầu đặt ra là cần kiểm soát để phát triển các sản phẩm công nghệ cao một cách có trách nhiệm, bởi việc không thể điều chỉnh, làm chủ được công nghệ sẽ kéo theo hệ quả khôn lường, gây tổn thất cho nền kinh tế và làm ảnh hưởng đến mỗi cá nhân cũng như toàn xã hội
PV: Với tình hình phát triển hiện tại, liệu ngành AI có gặp khó khăn về nguồn nhân lực chất lượng và cạnh tranh trên thị trường lao động? Nếu có, thì cần có những giải pháp gì để đáp ứng nhu cầu của ngành này, thưa ông?
TS. Phạm Tiến Lâm: Hiện nay AI phát triển rất nhanh và sâu, nên khó tìm được một chuyên gia có đủ và sâu các kiến thức về AI như học máy (machine learning), ngôn ngữ... để theo kịp sự phát triển này. Trong khi đó, lĩnh vực đào tạo AI chỉ đáp ứng khoảng 10% yêu cầu tuyển dụng.
Công tác đào tạo chuyên sâu, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành AI tại Việt Nam còn nhiều hạn chế. Để làm tốt việc đào tạo cần đòi hỏi nhiều yếu tố, trong đó, chi phí và nền tảng phải được thực sự đầu tư. Không nhiều trường ĐH ở Việt Nam đáp ứng được các yếu tố trên.
Chính vì vậy, ngoài sự nỗ lực không ngừng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo trong giáo dục, các trường ĐH còn cần cả sự bắt tay của DN để đào tạo nhân lực về AI. Họ là nhóm đối tượng cần nguồn nhân lực chất lượng cao và các trường đại học thì cần hệ thống máy móc, cơ sở hạ tầng tốt để đào tạo.
PV: Trước sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, trường ĐH Phenikaa đã định hình phát triển như thế nào cho ngành học này để đáp ứng các thách thức và cơ hội trong xã hội?
TS. Phạm Tiến Lâm: Chương trình AI sẽ cung cấp cho người học các kiến thức cập nhật và các kỹ năng cần thiết trong lĩnh vực trọng điểm của Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 và AI và khoa học dữ liệu: Bao gồm các kiến thức nền tảng vững chắc về CNTT và các kiến thức chuyên sâu về AI và khoa học dữ liệu.
PV: Có những chương trình đào tạo và nghiên cứu đột phá nào trong lĩnh vực AI và khoa học dữ liệu mà trường ĐH Phenikaa đang triển khai?
TS. Phạm Tiến Lâm: Về lĩnh vực đào tạo nhà trường rất quan tâm đến việc trang bị các kỹ năng số, đặc biệt là khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo cho sinh viên. Chúng tôi đã và đang hoàn thiện khoá học về nhập môn Khoa học dữ liệu cho cho toàn bộ sinh viên trong trường. Về đạo tạo chuyên sâu về lĩnh vực AI và khoa học dữ liệu hiện chúng tôi có hai chương trình đào tạo: Khoa học máy tính định hướng AI và khoa học dữ liệu, khoa học máy tính tài năng AI và vận trù học.
Trong các chương trình này chúng tôi chú trọng trang bị cho sinh viên kiến thức nền tảng về khoa học tính toán, toán học để từ đó sinh viên có khả năng tự học và hoàn thiện các kỹ năng cần thiết. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chú trọng trang bị cho sinh viên các kỹ năng về đặt vấn đề, xây dựng giải pháp dựa trên các kiến thức về khoa học tính toán, trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu thông qua các bài tập lớn và 2 học phần đồ án.
Hiện tại các nghiên cứu về AI đang được triển khai mạnh mẽ gắn với nhiều lĩnh vực: nhận diện chữ viết từ hình ảnh, speech to text, sinh ảnh nghệ thuật, text mining, sử dụng mô hình tạo sinh trong việc sinh ra phân tử và vật liệu, … Bên cạnh các lab và nhóm nghiên cứu các hoạt đọng nghiên cứu của Khoa cũng gắn với các công ty CĐS của tập đoàn và các đối tác công nghiệp.
PV: Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ của Tiến sỹ!./.