Công nghệ tiên phong giúp các quốc gia chuyển dịch từ nền kinh tế sản xuất sang nền kinh tế sáng tạo
Đại hội Đảng lần thứ XIII đã thông qua chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030, trong đó có các nội dung về khoa học, công nghệ (KH&CN) và ĐMST được đề cập tới một cách hệ thống, đồng bộ, xuyên suốt. KH&CN và ĐMST được khẳng định là một nội dung đột phá chiến lược để tạo ra những bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế của nước ta. Để đạt được mục tiêu đó, công nghệ được xem là một yếu tố then chốt.
Công nghệ làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên văn minh hiện đại và phát triển hơn. Nhưng điều quan trọng nhất mà công nghệ mang lại là giúp chúng ta giải những bài toán cụ thể trong cuộc sống. Hãy nhìn vào những gì mà công nghệ đã và đang giúp chúng ta đương đầu với đại dịch COVID-19.
Trong bối cảnh đó, kết nối đã trở nên dễ dàng hơn nhờ những công nghệ tiên phong như blockchain, AI, 5G,... Chẳng hạn như AI đã làm thay đổi rất nhiều cách thức con người giao tiếp với nhau. Robot có thể giao tiếp từ xa, mọi lúc mọi nơi, trong gia đình, bệnh viện, trường học... Trong lĩnh vực y tế, robot kết nối bệnh nhân với bác sĩ, gia đình.
Công nghệ giúp chúng ta tồn tại và sau đó là giúp chúng ta có những cơ hội phát triển sau đại dịch.
Theo ông Thiều Phương Nam – Tổng Giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào, Campuchia, ứng dụng những công nghệ tiên tiến là chìa khóa rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Việc ứng dụng các công nghệ mới như AI, 5G, IoT… sẽ giúp các quốc gia chuyển dịch từ nền kinh tế sản xuất sang nền kinh tế sáng tạo.
Ông Thiều Phương Nam nhận định: Việt Nam đang trở thành trung tâm về ĐMST ở Đông Nam Á và Qualcomm rất vui vì được đồng hành cùng chính phủ trong việc hỗ trợ cho hệ sinh thái ĐMST phát triển tại Việt Nam. Với mục tiêu hỗ trợ cho hệ sinh thái khởi nghiệp, các ngành công nghiệp, và các đối tác tại Việt Nam phát triển những công nghệ tiên phong, mới đây Qualcomm cũng đã mở trung tâm nghiên cứu phát triển đầu tiên ở Đông Nam Á đặt tại Hà Nội.
Theo khảo sát người tiêu dùng toàn cầu của Statista năm 2020, Việt Nam đứng thứ 2 về mức độ phổ biến blockchain, điều đó cho thấy khả năng tiếp cận và quan tâm tới công nghệ của thế hệ trẻ Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh được với quốc tế, và với sự quyết tâm, đầu tư hợp lý Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển nhiều lĩnh vực công nghệ mang tính dẫn dắt.
"Việt Nam là quốc gia thứ 3 mà Qualcomm lựa chọn để tổ chức chương trình giải pháp sáng tạo cho các startup trong lĩnh vực công nghệ vì chúng tôi nhìn thấy tiềm năng và năng lực của các người làm công nghệ tại Việt Nam", ông Thiều Phương Nam chia sẻ.
COVID-19 đã thúc đẩy cả xã hội phải chuyển hóa nhanh hơn, từ đó mở ra những bài toán mới, những thách thức mới, những cơ hội và cuộc chơi mới về công nghệ tiên phong. Đây được coi là cơ hội cho những nhóm, ngành kinh tế mới nổi với khả năng biến chuyển linh hoạt và nỗ lực sáng tạo không ngừng.
Chia sẻ tại tọa đàm "Phá băng - Ứng xử của truyền thông với công nghệ tiên phong", TS Hùng Trần, CEO Got It cho rằng thời điểm này chính là giai đoạn chín muồi của một số công nghệ về phần nghiên cứu, các công ty nên tận dụng và cố gắng đẩy mạnh thương mại hóa. "Đại dịch COVID-19 khiến chúng ta phải làm mới nhiều thứ, và đây là thời điểm để thể hiện mình có khả năng hay không", ông Hùng Trần nhận định.
Truyền thông thúc đẩy sự phát triển của các công nghệ tiên phong
Một trong những mong muốn của những người làm công nghệ là làm sao để công nghệ, các sản phẩm sáng tạo sớm được đưa vào ứng dụng thực tế, sớm được thương mại hóa để giải quyết những bài toán cụ thể. Và để hành trình này được thực hiện hiệu quả thì truyền thông đóng một vai trò quan trọng.
Trong những năm gần đây, công tác truyền thông KH&CN và ĐMST đã có những bước tiến vượt bậc, ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng, góp phần giới thiệu những thành tựu nổi bật của KH&CN trong nước và thế giới. Qua các kênh truyền thông, nhiều thông tin về vai trò, vị trí, đóng góp của KH&CN và ĐMST để công chúng nhận thức rõ hơn về tính chất quyết định phát triển lực lượng sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả của sản phẩm, hàng hóa và của cả nền kinh tế. Truyền thông góp phần tạo được sự đồng thuận, ủng hộ, tham gia của toàn xã hội; đẩy mạnh hơn nữa việc áp dụng KH&CN vào công tác quản lý, sản xuất và đời sống.
Nhằm hướng đến mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của công nghệ tiên phong và hoạt động khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam, ngoài sự nỗ lực thúc đẩy từ Chính phủ, các bộ, ngành thì cần có sự chung tay và hỗ trợ mạnh mẽ của các cơ quan truyền thông để thúc đẩy, lan tỏa và vinh danh sự đóng góp tích cực của các điển hình chuyên gia, doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ đóng góp cho sự phát triển quốc gia.
Tuy nhiên để đạt được hiệu quả, truyền thông cần có sự hợp tác, kết nối của các bên như: cơ quan quản lý Nhà nước, các đơn vị truyền thông và các đơn vị làm chủ công nghệ.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 188/QĐ-TTg ngày 09/2/2021 nhằm mở rộng Đề án 844 về "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025" và tăng cường chiều sâu hệ sinh thái. Trong mục tiêu xây dựng mạng lưới kết nối hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, truyền thông có vai trò hết sức quan trọng vừa nâng cao nhận thức, xây dựng văn hóa khởi nghiệp sáng tạo, vừa để truyền tải những thông điệp, những mô hình hay, những công nghệ mũi nhọn giúp cho thế hệ trẻ có thể tiếp thu và triển khai trong nước.
Trên thực tế, công tác truyền thông cho lĩnh vực công nghệ vẫn còn nhiều khó khăn vì công nghệ thường mang tính mới lạ, phức tạp đối với đại đa số người dùng, thậm chí có rất nhiều công nghệ khó có thể giải thích một cách đơn giản về lợi ích mà những công nghệ này mang lại.
Trong khi đó, hiện nay hầu như các công ty công nghệ khi lựa chọn làm truyền thông thường có xu hướng quá ôm đồm, giới thiệu quá nhiều về sản phẩm và thậm chí là sử dụng nhiều thuật ngữ trừu tượng và quá chuyên môn xa lạ với người dùng.
Một trong những khó khăn nữ của việc truyền thông liên quan đến lĩnh vực công nghệ đó là công nghệ thường đi trước thời đại, liên quan đến những cái mới, quan niệm mới thậm chí là chưa từng xuất hiện, chưa quen với đại đa số người dùng. Và vấn đề được đặt ra đối với những đơn vị làm chủ công nghệ là cần phải thay đổi phương pháp truyền thông cũng cách tiếp cận với người dùng mục tiêu.
Còn đối với những người làm truyền thông, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc của Tập đoàn Le Invest (Holdings) Corporation cho rằng: Bài toán dành cho người làm truyền thông hiện nay đó chính là tìm ra giải pháp để có thể tương hỗ với người tiếp cận thông tin, từ đó dẫn dắt họ qua các hành trình trải nghiệm cụ thể, phụ thuộc vào từng nhu cầu của mỗi người, như thế người tiêu dùng mới có thể tiếp cận được. Người làm truyền thông cần phải xác định đối tượng tiếp cận là ai để tạo ra trải nghiệm phù hợp. Vai trò của truyền thông không chỉ đơn giản là giới thiệu, mà quan trọng hơn là kiến tạo thị trường và môi trường để các startup có sức sống, sự động viên khuyến khích, đặt nền móng cho khách hàng và người dùng trong tương lai.
Các công nghệ và công nghệ ĐMST không chỉ mang lại lợi ích cho đơn vị sản xuất, phát minh ra công nghệ đó mà còn cho cả cộng đồng. Vì công nghệ giải quyết bài toán cụ thể trong cộng đồng nên việc truyền thông này cũng cần đến sự chủ động của các đơn vị truyền thông.
Theo ông Phạm Anh Chiến, Phó giám đốc Trung tâm sản xuất & phát triển nội dung số Đài truyền hình Việt Nam (VTV Digital), cách tiếp cận đầu tiên của việc làm truyền thông cho công nghệ tiên phong đó là phải chỉ ra được sự khác biệt và nổi trội về sản phẩm của mình. Quan trọng hơn, công nghệ ứng dụng vào đâu cũng phải phục vụ cuộc sống, phục vụ con người. Việc công nghệ giải quyết những bài toán thiết thực của xã hội, con người thì sẽ đi vào lòng người nhanh hơn.
"Tôi nghĩ rằng, sự chủ động của những đơn vị về truyền thông để tạo ra hiệu ứng xã hội là rất quan trọng, chẳng hạn trước khi một sản phẩm công nghệ nào đó được đưa vào ứng dụng thì công chúng đã có cách thức để tiếp cận được, biết được công nghệ sẽ mang lại những gì và hào hứng chờ đợi từ đó", ông Phạm Anh Chiến khẳng định.
Đặc biệt, truyền thông trong các công nghệ tiên phong còn có vai trò truyền cảm hứng cho thế hệ tương lai của chính những người tạo ra công nghệ chứ không chỉ là người dùng sản phẩm công nghệ.
Do đó, truyền thông cũng nên có những đột phá, thử nghiệm mới về các phương pháp tiếp cận. Chẳng hạn như thiết kế những chương trình kể những câu chuyện về 5G, AI… bằng những câu chuyện đời thường, nêu rõ những lợi ích hay bản chất của những công nghệ này như thế nào với ngôn ngữ đời thường nhất. Điều này sẽ giúp truyền cảm hứng, truyền tri thức không chỉ cho người sử dụng sản phẩm mà cho cả thế hệ tương lai từ các em học sinh cho đến các em sinh viên đều có thể cảm nhận và hiểu được bản chất công nghệ là như thế nào, đổi mới đột phá ở chỗ nào, đem lại lợi ích và lan tỏa ra sao.
Một xu hướng thực tế là càng chia sẻ tri thức thì tri thức càng có giá trị và lan tỏa. Do đó, các cơ quan Nhà nước, những nhà truyền thông chuyên nghiệp, những người có uy tín, những người tạo ra công nghệ muốn lan tỏa được giá trị của công nghệ thì cần đưa ra được những thông điệp rõ ràng, những giải pháp dễ tiếp cận đến cho đối tượng người dùng để có thể tạo được một hệ sinh thái phát triển bền vững./.