Vai trò, trách nhiệm của nhà báo và cơ quan báo chí đối với mạng xã hội

Xuân Tuấn| 28/09/2021 15:00
Theo dõi ICTVietnam trên

Với sự phát triển của Internet, loài người có thêm một không gian sống nữa đó là “không gian mạng”. Từ chỗ là một không gian ảo, với sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, không gian mạng đang dần trở thành một không gian thật khi người người, nhà nhà đều sống với mạng xã hội. Sử dụng mạng, vào mạng đang trở thành một nhu cầu thiết yếu như ăn, uống, hít thở. Hành vi “rút dây mạng” cũng bị đánh giá như là “rút ống thở” đối với con người thực.

Ứng xử trên mạng xã hội cũng cần phải được xác định như là một hành vi ứng xử thật, phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và quy định của pháp luật như ngoài đời thật. Trong môi trường đó, báo chí và các cơ quan báo chí có vai trò quan trọng để xây dựng nên một môi trường mạng lành mạnh, hữu ích và nhân văn.

Ngày 17/6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội (MXH) với mục tiêu định hướng cách thức ứng xử lành mạnh và văn minh, phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp, góp phần phát triển môi trường mạng theo hướng an toàn, lành mạnh. Đồng thời, đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh, không phân biệt đối xử, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Bộ Quy tắc cũng đưa ra các khuyến nghị chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên MXH; giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên MXH.

Vai trò của báo chí - truyền thông

Sứ mệnh của báo chí trước hết là để thỏa mãn nhu cầu thông tin của xã hội. Xã hội càng hiện đại, việc phổ biến thông tin trên quy mô đại chúng càng trở nên quan trọng và vì vậy, sự phụ thuộc, ảnh hưởng lẫn nhau giữa các phương tiện thông tin đại chúng và xã hội càng trở nên chặt chẽ.

Trong thời đại bùng nổ thông tin ngày nay, vai trò tích cực của cộng đồng truyền thông đã thúc đẩy quá trình xã hội hóa các hoạt động giám sát và phản biện xã hội. Báo chí cần cung cấp thông tin một cách nhanh chóng, chính xác, kịp thời, khách quan và trung thực; từ đó, tạo lập và định hướng dư luận xã hội.

Vì vậy, để các tổ chức, cá nhân chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy thì báo chí phải là nơi sản xuất những bản tin chính xác, tin cậy.

Những năm gần đây, các nền tảng MXH đã trở thành phương tiện truyền thông, tương tác, giải trí không thể thiếu trong đời sống xã hội. Bên cạnh mặt tích cực không thể phủ nhận, MXH cũng đem lại nhiều hệ lụy, đó là sự xuất hiện những hành vi nói xấu, bôi nhọ, tin giả tràn lan gây tổn hại nghiêm trọng uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân, gây thiệt hại về kinh tế, thương hiệu, gây phức tạp an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Và với sự phát triển mạnh mẽ của Internet, mọi người dân đều có thể đưa thông tin ở mọi lúc, mọi nơi, và trở thành “nhà báo công dân”, nguồn phát thông tin. Nhiều cá nhân (có nhiều người hâm mộ) có sức ảnh hưởng, có lượt theo dõi lớn nên mỗi khi đăng tải thông tin, nội dung đó sẽ ảnh hưởng, thậm chí có khả năng chi phối suy nghĩ và hành động của nhiều người.

Trước thực trạng đó, với trách nhiệm xã hội của mình, nhà báo và cơ quan báo chí có vai trò rất lớn trong việc kiểm chứng nguồn tin và thông tin một cách công khai, minh bạch và thỏa mãn nhu cầu nhận thức về các vấn đề liên quan đến lợi ích của công chúng. Yêu cầu kiểm chứng ngày càng được đề cao bởi chính nhà báo, cơ quan báo chí phải có trách nhiệm giải trình nhiều hơn với công chúng, cắt nghĩa, phân tích xem thông tin đó thiếu chính xác dựa trên căn cứ nào.

Vai trò, trách nhiệm của nhà báo và cơ quan báo chí đối với mạng xã hội - Ảnh 1.

Hơn thế nữa, nhà báo và cơ quan báo chí còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mình đưa ra. Do vậy, báo chí phải là cơ quan dẫn dắt dư luận xã hội, tạo ra dòng chảy thông tin chủ lưu bằng những tin tức chính xác, kịp thời, nhanh chóng. Báo chí không được chạy theo MXH.

Theo TS. Trần Bá Dung, Trưởng Ban Nghiệp vụ - Hội Nhà báo Việt Nam: Khi tiếp nhận, lựa chọn và sử dụng thông tin trên MXH, báo chí phải kiểm chứng, khi thấy đúng sự thật mới chính thống hóa thông tin, đưa ra những bình luận sắc sảo góp phần nâng cao năng lực tư duy và nhận thức của độc giả. Chỉ có như vậy báo chí mới được xã hội tìm đọc, uy tín của tờ báo mới được nâng cao, mới góp phần đắc lực phục vụ xã hội, tờ báo mới ngày càng phát triển.

Để người sử dụng MXH “khuyến khích sử dụng MXH để tuyên truyền, quảng bá về đất nước, con người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, chia sẻ thông tin tích cực, những tấm gương người tốt, việc tốt” thì báo chí phải là nơi đi đầu trong việc phát hiện và lan tỏa những thông tin này.

Báo chí có nhiệm vụ phê phán những hiện tượng lệch chuẩn khi tham gia MXH, phát hiện và ngăn chặn thông tin xấu, độc, phê phán hành vi bôi nhọ, xúc phạm người khác… Đó vừa là yêu cầu, vừa là nhiệm vụ của báo chí cách mạng trong vai trò dẫn dắt và định hướng xã hội, hướng người dân tham gia MXH thực hiện đúng các quy tắc vừa được Bộ TT& TT ban hành.

Trách nhiệm xã hội của nhà báo

PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Tạp chí Người làm báo - Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng: Trong môi trường truyền thông hiện nay, nhà báo cần phải làm chủ “không gian ảo” và “nắn dòng” thông tin sai lệch trên MXH.

Ngày nay, chỉ cần có Internet cho dù ngồi ở đâu, chúng ta đều có thể truy cập vào mạng toàn cầu để đọc báo, tiếp nhận các nguồn thông tin một cách dễ dàng, chỉ với một chiếc smartphone… Điều đó tạo ra không ít cơ hội, nhưng cũng đặt ra thách thức cho nhà báo trong tác nghiệp.

Theo ông Nguyễn Thành Lợi, bất kỳ thông tin báo chí nào đều phải đảm bảo các thuộc tính căn bản như tính nhân văn, tính nhân dân, tính giáo dục… Song, trong kỷ nguyên số, ít nhiều có sự thay đổi, bởi thông tin quá nhanh nhạy, lan tỏa sâu rộng, tác động tới đời sống xã hội nhanh hơn, mạnh hơn. Trong bối cảnh đó, rất cần những luồng thông tin chính xác, để kịp thời định hướng dư luận xã hội, lấn át những dòng tin ô tạp trên Internet, từ đó có thể chiếm lĩnh được “không gian ảo” trên môi trường truyền thông số.

Sự phong phú về thông tin trên MXH cũng kèm theo nhiều hệ lụy khó lường, gây nhiễu loạn thông tin, trong đó xuất hiện không ít thông tin độc hại, với sức lan tỏa mạnh mẽ làm rối loạn môi trường thông tin. Trách nhiệm xã hội của nhà báo được thể hiện trước tiên ở việc không lan truyền tin đồn.

Để làm tròn trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân, nhà báo cần thận trọng trước tin đồn trên MXH. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhà báo cần phải phản ánh đúng sự thật, không phải là “công cụ” để lợi dụng làm những điều thị phi. Phản ánh sự thật một cách khách quan, trung thực cũng là thuộc tính có tính bắt buộc của báo chí.

Kề đó, nhà báo phải thực sự chuyên nghiệp trong cách thức thu thập và xử lý thông tin. Nhà báo cần phải đến tận nơi xảy vụ việc để lấy thông tin mới nắm được bản chất sự việc và những yêu cầu của dư luận tại nơi xảy ra sự kiện, từ đó đưa thông tin phù hợp và chính xác. Nhà báo cũng có thể tham khảo thêm tư liệu từ những bài viết trước đó về cùng sự việc để bổ sung tư liệu nếu thiếu, song điều bắt buộc phải ghi rõ nguồn tin.

Những sự thật “giả tạo” hay tự tạo thông tin, nói xấu, xúc phạm danh dự cá nhân trên MXH… sẽ khiến xã hội bất ổn, gây rối loạn môi trường mạng. Việc đăng tải những thông tin sai sự thật, tin giả, hay ngụy tạo tin giả sẽ gây ra mối nguy hại lớn. Do đó, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nhà báo cần phải “nắn dòng” thông tin sai lệch, không lợi dụng tự do ngôn luận làm những điều thị phi, gây ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức và xã hội.

Hơn nữa, thông tin trên báo chí cần có liều lượng nhất định. Sự thật là “sinh mệnh” của báo chí. Tuy nhiên, không phải vấn đề nào cũng có thể đưa lên mặt báo, người làm báo cần có sự “nhạy cảm nghề nghiệp” trong chọn lựa, xử lý và có liều lượng thông tin.

Thực tế cho thấy, vấn đề nhà báo sử dụng thông tin trên mạng “chính thống hóa” bài báo của mình không chỉ xảy ra ở Việt Nam. Nhiều nước trên thế giới đều quản lý chặt chẽ Internet với mục đích không làm phương hại tới lợi ích quốc gia. “Luôn nhớ rằng, tự do nhưng phải nằm trong khuôn khổ và tôn trọng pháp luật. Các nhà báo cần chú ý, không nên đăng tải các thông tin thu thập được, nhưng không được cơ quan báo chí sử dụng trên các MXH cá nhân của mình, bởi uy tín của cơ quan mình đang công tác có thể bị giảm, khi các quan điểm cá nhân của nhà báo được đưa lên các MXH”.

Nhà báo cũng cần tỉnh táo trước thông tin thiếu thiện chí, những thông tin sai lệch trên MXH. Hơn lúc nào hết, các nhà báo luôn phải đặt lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia lên trên hết. Nhà báo có vai trò đặc biệt quan trọng trong định hướng và hình thành dư luận xã hội tích cực, truyền tải những năng lượng tích cực ấy, nhằm tạo dựng niềm tin và sự đồng thuận trong xã hội.

Hành lang pháp lý

Cuối năm 2018, Hội Nhà báo Việt Nam đã công bố Quy tắc sử dụng MXH của người làm báo Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Quy tắc là sự bổ sung cần thiết cho 10 Điều Quy định Đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam đã được Hội Nhà báo Việt Nam ban hành. Trong đó, các khoản 02, 03, 04, 06 tại Điều 4 “Những việc, điều người làm báo không được làm khi tham gia MXH” là các quy tắc đặc biệt nghiêm minh, chặt chẽ, cần thiết.

Trên thực tế, nếu người làm báo vi phạm các quy định nêu trên sẽ không chỉ vi phạm Luật Báo chí, mà còn vi phạm Bộ luật Hình sự, và Hội Nhà báo Việt Nam đưa ra các quy định này là trực tiếp xác định tiêu chí đạo đức nghề nghiệp có tính chất răn đe, để hội viên không vi phạm.

Ngày 28/5/2021, Bộ TT&TT ban hành Công văn số 1800/BTTTT-PTTH&TTĐT “Về việc tăng cường công tác quản lý, xử lý thông tin vi phạm trên MXH”. Công văn nêu rõ thực trạng sự phát triển của MXH những năm gần đây, đặc biệt là hai MXH của nước ngoài là Facebook và Youtube với “những tác động cả tiêu cực và tích cực đối với đời sống xã hội”, đồng thời khẳng định việc tăng cường công tác quản lý để hạn chế những tác động tiêu cực của MXH, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm của người sử dụng.

Thực tế, đã có nhiều quy định pháp luật để quản lý môi trường mạng, nhất là Luật An ninh mạng (ban hành ngày 12/6/2018, có hiệu lực từ ngày 1/1/2019), nhưng chỉ có biện pháp chế tài đủ mạnh xử lý nghiêm minh, kịp thời, đủ sức răn đe mới có thể ngăn chặn những sai phạm. Điều này giúp mỗi người khi giao tiếp, hành động trên MXH có thể nhận rõ trách nhiệm, quyền lợi, giới hạn của mình để thực hiện đúng, tốt những quy định mà pháp luật đề ra.

Vai trò, trách nhiệm của nhà báo và cơ quan báo chí đối với mạng xã hội - Ảnh 2.

Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH được Bộ TT&TT ban hành được xem là “khế ước” xây dựng môi trường văn hóa mạng lành mạnh.

Và mới đây, Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH được Bộ TT&TT ban hành được xem là “khế ước” xây dựng môi trường văn hóa mạng lành mạnh. Việc ban hành Bộ Quy tắc là rất kịp thời, cần thiết, mang ý nghĩa tích cực, hướng tới chuẩn mực chung, tôn trọng pháp luật, nhằm tạo lập “bộ áo giáp” để mọi người dùng MXH nâng cao trách nhiệm đồng thời có thể tránh được những cạm bẫy, hay sự vi phạm pháp luật. Bộ Quy tắc không mang tính chất bắt buộc hay có chức năng xử phạt, tuy nhiên khuyến khích mọi người hành xử đúng trên mạng, có ý thức thay đổi, điều chỉnh hành vi, đạo đức khi tham gia “thế giới ảo” để góp phần xây dựng hoàn thiện môi trường mạng an toàn, lành mạnh.

Báo chí thế giới và các quy tắc về sử dụng MXH

So với các chuẩn mực, quy tắc đạo đức báo chí đang hiện hành tại nhiều nước trên thế giới, nội dung Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH mà Bộ TT&TT ban hành được xem là phù hợp với xu hướng phát triển chung của xã hội, đặc biệt là sự phát triển của báo chí thời đại kỹ thuật số.

Như Tổ chức mạng lưới đạo đức báo chí đã công bố 5 nguyên tắc chuẩn mực đạo đức của người làm báo bao gồm: 1 - Sự thật và tính chính xác, 2 - Tính độc lập, 3 - Thái độ công bằng và vô tư, 4 - Tính nhân văn, 5 - Trách nhiệm.

Báo Washington Post cũng quy định rõ: “Khi sử dụng các MXH như Facebook, Twitter... để đưa tin hay đăng tải thông tin đời sống cá nhân, chúng ta vẫn phải bảo đảm tính liêm chính của mình và luôn nhớ rằng: Chúng ta vẫn là những nhà báo của tờ Washington Post (dù ở bất kỳ đâu). Các thông tin đăng tải trên tài khoản MXH của phóng viên tờ Washington Post cần phải được xác minh bởi phòng biên tập tin tức... Mỗi bình luận và liên kết do chúng ta chia sẻ đều được coi là phát ngôn chính thức, bất kể thông tin đó được cài đặt ở chế độ quyền riêng tư...”.

Tương tự, hãng tin AFP (hãng thông tấn lớn thứ ba trên thế giới, đứng sau AP và Reuters, đồng thời là nguồn tin tiếng Pháp lớn nhất thế giới) cũng công bố bản Hướng dẫn phóng viên của AFP sử dụng truyền thông xã hội gồm 4 chương: 1 - Quản lý trang cá nhân, 2 - Hướng dẫn cách hành xử khi đăng nhập tài khoản trực tuyến, 3 - Những nội dung được phép đăng tải, 4 - Đăng tải các nội dung của AFP. Văn bản của AFP nhấn mạnh: Các nhà báo cần hiểu rằng họ phải quản lý các thông tin đăng tải trên Facebook, Twitter cá nhân, chịu trách nhiệm pháp lý trước các vấn đề phát sinh từ nội dung đó...

Những quy định về trách nhiệm đối với người làm báo khi tham gia MXH mà Washington Post và AFP là hai thí dụ cụ thể đã thể hiện quan điểm của các cơ quan báo chí trên thế giới về các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của người làm báo trước thách thức từ không gian mạng. Dù có những khác nhau về tổ chức, cơ quan quản lý, chủ quản, điều hành... giữa báo chí Việt Nam và báo chí các quốc gia trên thế giới, thì những chuẩn mực, nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp của người làm báo khi tham gia MXH về cơ bản không khác biệt.

TS. Đỗ Quý Vũ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược TT&TT (Bộ TT&TT) - đơn vị chủ trì xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH cho biết, Ban soạn thảo đã nghiên cứu kinh nghiệm của nhiều nước để đảm bảo Bộ Quy tắc tuân theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế về truyền thông và MXH, đồng thời vẫn phù hợp với thực tế của Việt Nam.

Khu vực châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Bhutan, và các nước châu Âu như Vương quốc Anh, Liên bang Nga, Pháp và Liên minh châu Âu (EU)... đã xây dựng, triển khai bộ quy tắc ứng xử trên MXH, được coi là “luật ứng xử mềm” để tăng cường quản lý luồng thông tin trên môi trường mạng.

Hiệp hội Internet Trung Quốc đã thông qua Nghị quyết mang tên “7 giới hạn ứng xử trên mạng” áp dụng cho tất cả người sử dụng Internet với một loạt hướng dẫn về hành vi chấp nhận được trên mạng, các thông tin không thể vi phạm nhằm tạo ra một môi trường trực tuyến lành mạnh…

Như vậy, có thể thấy, các nước xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên MXH trên tinh thần khuyến khích người dùng, phát huy mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực tác động đến đời sống xã hội, cũng như bảo vệ các giá trị văn hóa cơ bản chứ không làm hạn chế việc sử dụng MXH.

Theo TS. Lê Thị Nhã, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, với một cư dân mạng bình thường thì cần thực thi quyền tự do ngôn luận trên MXH một cách an toàn, có văn hóa nhưng với một nhà báo thì còn phải có thêm trách nhiệm nghề nghiệp và cao hơn nữa là trách nhiệm xã hội. Xét về trách nhiệm nghề nghiệp, nhà báo phải sử dụng MXH để tiếp nhận, lựa chọn, kiểm chứng và “chính thống hóa” thông tin; ngăn chặn, giảm thiểu tác hại của thông tin sai lệch nảy sinh và định hướng thông tin trên MXH.

Ngoài ra, mỗi nhà báo cần không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, trau dồi phẩm chất đạo đức, có nhãn quan chính trị sắc bén để ứng xử phù hợp trên MXH, bảo đảm sử dụng MXH đúng quy định pháp luật.

Với người làm báo Việt Nam, cùng với đó còn cần nắm vững, thấm nhuần các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để tuyên truyền đúng, không chỉ qua bài viết mà còn cả khi tham gia MXH. Hơn lúc nào hết, mỗi người làm báo Việt Nam cần nâng cao đạo đức nghề nghiệp, ý thức nghiêm túc về trách nhiệm xã hội của mình. Quá trình đổi mới toàn diện hoạt động báo chí Việt Nam chỉ có thể đạt được khi mỗi người làm báo thật sự là công dân gương mẫu, thật sự là người vừa vững chuyên môn, vừa có đạo đức nghề nghiệp trong sáng, lành mạnh.

Tài liệu tham khảo:

[1]. TS. Nguyễn Thành Lợi, 2021, Ứng xử của nhà báo trên mạng xã hội: Cần “nắn dòng” thông tin lệch lạc”, báo Thế giới & Việt Nam điện tử (baoquocte.vn).

[2]. TS. Nguyễn Tri Thức, 2021, Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội: “Thể chế mềm” bảo đảm quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh phù hợp chuẩn mực đạo đức, pháp luật và thông lệ quốc tế, Tạp chí Cộng sản điện tử.

[3]. https://nhandan.vn/binh-luan-phe-phan/trach-nhiem-cua-nguoi-lam-bao-khi-tham-gia-mang-xa-hoi-347376

[4]. https://laodong.vn/thoi-su/bo-quy-tac-ung-xu-tren-mang-xa-hoi-va-trach-nhiem-cua-bao-chi-922012.ldo

[5]. http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Doi-thoai/1005032/truyen-thong-diep-tich-cuc-toi-nguoi-dung-mang-xa-hoi

(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 9 tháng 9/2021)

Bài liên quan
  • Năm 2024, 28 cơ quan báo chí đạt "Xuất sắc" về mức độ chuyển đổi số
    Kết quả đánh giá, xếp hạng này là cơ sở để các cơ quan báo chí theo dõi lộ trình thực hiện chuyển đổi số hằng năm của đơn vị, từ đó các cơ quan báo chí xây dựng phương án, kế hoạch phù hợp thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số phù hợp với đặc thù và mục tiêu hướng tới của đơn vị.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Vai trò, trách nhiệm của nhà báo và cơ quan báo chí đối với mạng xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO