Doanh nghiệp đánh giá thấp thủ tục, phân vân về chi phí
Thực hiện chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020, Tổng Cục thuế đã xây dựng hệ thống dịch vụ thuế điện tử etax và bắt đấu áp dụng thí điểm từ năm 2018. Đến tháng 11/2019, hệ thống này này chính thức được áp dụng, đánh dấu bước chuyển lớn của ngành thuế trong công tác cải cách thủ tục hành chính thuế.
Sự ra đời của dịch vụ nộp thuế điện tử đã làm cho việc nộp thuế của doanh nghiệp trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn. Dịch vụ nộp thuế điện tử đã đáp ứng được về cơ bản nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp đó chính là nhanh gọn và chính xác.
Tuy nhiên, theo nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Thương mại (do Tiến sĩ Vũ Xuân Dũng và Tiến sĩ Lê Hương Linh chủ trì), việc doanh nghiệp quyết định sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử hay không còn phụ thuộc vào các yếu tố nhiều yếu tố như điều kiện hạ tầng thông tin, chi phí sử dụng, sự hài lòng, tính tiện lợi và chất lượng dịch vụ.
Qua việc khảo sát hoạt động nộp thuế điện tử của doanh nghiệp cho thấy, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của doanh nghiệp sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử. Mức độ ảnh hưởng giảm dần theo thứ tự là: Sự tin cậy dịch vụ, Sự an toàn và bảo mật, Hỗ trợ doanh nghiệp, Tính dễ sử dụng, Tính hiệu quả và cuối cùng là Nội dung và hình thức website.
4 yếu tố hiện được xem là quyết định tới việc sử dụng hay không dịch vụ nộp thuế điện tử của doanh nghiệp, đặc biệt tại địa bàn Hà Nội, trong bối cảnh ngành thuế đang đẩy mạnh việc sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử nhằm nâng cao hiệu quả quản lý. Đó là Tiết kiệm chi phí, Chất lượng dịch vụ, Tính tiện lợi và Chất lượng dịch vụ.
Khảo sát trong cộng đồng doanh nghiệp cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp đánh giá “hoàn toàn đồng ý” về các biến đo lường chất lượng dịch vụ nộp thuế điện tử. Doanh nghiệp mới chỉ đánh giá chất lượng dịch vụ khá cao và đặt ra yêu cầu chất lượng dịch vụ này cần phải tiếp tục cải thiện.
Về tính tiện lợi của dịch vụ, mặc dù nhiều doanh nghiệp cho rằng có thể nộp thuế điện tử ở bất kỳ địa điểm nào và tại bất kỳ thời điểm nào nhưng có không ít doanh nghiệp lại đánh giá thấp tính đơn giản của các thủ tục nộp thuế và khả năng xử lý nhanh chóng các thủ tục nộp thuế.
Yếu tố cân nhắc nhất trong quá trình nộp thuế điện tử chính là việc tiết kiệm chi phí. Doanh nghiệp cho rằng, tính tiết kiệm chi phí của dịch vụ chưa cao khiến họ “phân vân” sử dụng dịch vụ.
Đặc biệt, doanh nghiệp phản ánh chất lượng hệ thống dịch vụ nộp thuế điện tử mới chỉ ở mức trên trung bình. Trong quá trình sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử, họ đã gặp một vài sự cố như lỗi đường truyền, lỗi hệ thống,… và giao diện của hệ thống chưa thực sự dễ sử dụng, tính tương tác của hệ thống với người sử dụng chưa tốt...
Do đó, việc xây dựng mô hình đo lường và đánh giá mức độ ảnh hưởng của các yếu tố đến quyết định sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử của doanh nghiệp đang trở thành vấn đề cấp thiết, góp phần tạo thêm bước chuyển cho ngành thuế trong công tác cải cách thủ tục hành chính.
Khắc phục nhanh chóng lỗi hệ thống, cải tiến tính an toàn, bảo mật
Từ những bất cập trên, nhóm nghiên cứu trường Đại học Thương mại đưa ra khuyến nghị nhằm khuyến khích doanh nghiệp quan tâm và tăng cường sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử trong thời gian tới.
Đó là việc cân nhắc các yếu tố Chất lượng dịch vụ, Tính tiện lợi, Tiết kiệm chi phí và Chất lượng hệ thống để khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp tin tưởng cao và sẵn sàng sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử như một tiện ích không thể thiếu.
Cụ thể, ngành thuế cần phải tiếp tục cải tiến chất lượng dịch vụ như tính an toàn, bảo mật thông tin và tính dễ dàng kiểm soát quá trình giao dịch nhằm thực sự cải thiện chất lượng dịch vụ; đáp ứng tốt hơn nhu cầu thiết yếu của khách hàng.
Tiếp tục hoàn thiện các thủ tục nộp thuế điện tử theo hướng đảm bảo tính đơn giản của các thủ tục.
Đồng thời, ngành thuế cần nỗ lực hơn trong việc cải tiến dịch vụ nộp thuế điện tử để giúp cho doanh nghiệp có thể thực sự tiết kiệm được thời gian giao dịch và chi phí mở dịch vụ, tránh những phức tạp về quy trình đăng nhập, quy trình sử dụng dịch vụ; khắc phục nhanh chóng lỗi hệ thống như quy trình đăng nhập, quy trình nộp thuế, giao diện sử dụng, tương tác với các bộ phận...
Cùng với đó, phía doanh nghiệp cũng cần đảm bảo đường truyền mạng tốt, cẩn trọng trong các giao dịch và cung cấp đủ dữ liệu cho cơ quan thuế.