Vì sao hàng Việt "lép vế" đối thủ ngoại trên sàn thương mại điện tử?

Đỗ Phong| 08/10/2021 10:56
Theo dõi ICTVietnam trên

Các sản phẩm mang thương hiệu Việt chỉ chiếm trung bình 17% các mặt hàng được tìm mua trên sàn thương mại điện tử trong năm 2020 và nửa đầu 2021, và tiếp tục có dấu hiệu suy giảm. Vì đâu dẫn đến thực trạng đáng lo ngại này?..

Sách trắng Thương mại điện tử 2021 cho biết hiện có đến 49,3 triệu người tiêu dùng Việt tham gia mua sắm trực tuyến, tỷ lệ cao nhất trong khu vực. Thương mại điện tử và các giao dịch trực tuyến đã trở thành cầu nối để người dân tiếp cận được các sản phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày trong bối cảnh dịch bệnh, giãn cách xã hội…

Mặt hàng Việt "loay hoay" trên sàn Thương mại điện tử

Trên cơ sở kết quả phân tích gần 1 triệu lượt click trên nền tảng iprice.vn trong vòng 12 tháng qua, báo cáo của iPrice (công cụ tìm kiếm sản phẩm và so sánh giá tại 7 thị trường ASEAN) chỉ ra sự khác biệt giữa các sản phẩm mang thương hiệu Việt so với sản phẩm có thương hiệu từ nước ngoài trên 4 sàn thương mại điện tử đa ngành phổ biến nhất là Shopee Việt Nam, Lazada Việt Nam, Tiki và Sendo.

Trong khi các thương hiệu nước ngoài đã đẩy mạnh bán hàng trên sàn thương mại điện tử thì các doanh nghiệp trong nước vẫn đang rất loay hoay trong việc tận dụng kênh phân phối này.

Khi nghiên cứu top các mặt hàng được tìm mua từ các sàn thương mại điện tử thông qua việc đếm số lượt tìm kiếm và click vào sản phẩm, iPrice phát hiện, các sản phẩm mang thương hiệu Việt chỉ chiếm trung bình 17% các mặt hàng được tìm mua trên sàn thương mại điện tử trong năm 2020 và nửa đầu 2021. Ngược lại, có đến 83% số sản phẩm được quan tâm nhất trên các sàn là hàng ngoại nhập.

Đáng lo ngại hơn khi con số này còn có dấu hiệu suy giảm từ 2020 sang 2021. Cụ thể, tỷ lệ hàng hóa mang thương hiệu Việt trong top 1200 sản phẩm bán chạy chỉ chiếm 20% trong thời điểm dịch năm 2020. Trong đó, khi so sánh giữa các sàn, thương hiệu Việt được tìm mua nhiều nhất trên sàn thương mại điện tử Sendo với tỷ lệ 25% trong số 300 sản phẩm phổ biến là hàng Việt Nam, theo sau là Tiki (23%), Lazada Việt Nam (18%) và Shopee Việt Nam (13%).

Vì sao hàng Việt

Vị thế của các sản phẩm Việt trên sàn thương mại điện tử (Nguồn iPrice)

Tuy nhiên, sang nửa đầu năm 2021, các mặt hàng thuộc thương hiệu trong nước chỉ còn chiếm 14% các sản phẩm được người tiêu dùng tìm mua. Thực tế này đã cho thấy một sự suy giảm rõ so với năm trước. Dẫn đầu trong chỉ số này giữa các sàn năm 2021 tiếp tục là hai sàn nội địa Tiki (21%) và Sendo (16%).

Việc hai sàn nội Sendo và Tiki xếp cao nhất về lượng hàng Việt trong các sản phẩm bán chạy phần nào cho thấy sự hỗ trợ tích cực của hai sàn này cho các doanh nghiệp Việt. Đến nay, Tiki là sàn duy nhất trong bốn sàn bắt buộc tất cả người bán phải có giấy phép đăng ký kinh doanh. Quy định này làm giảm một lượng nhà bán chuyên nhập hàng ngoại về bán lại và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp nội. Trong khi đó, Sendo ghi dấu ấn trong năm 2021 với các chương trình Gian hàng Việt phối hợp cùng Bộ Công Thương và xúc tiến đưa nông sản các tỉnh trên cả nước lên sàn trong mùa dịch.

Một điểm sáng đáng mừng là hàng Việt lại bán chạy trong danh mục bách hóa online, chiếm tỉ trọng cao trên hai sàn nội địa. Sendo có đến 81% sản phẩm thuộc nhà sản xuất trong nước và con số này ở sàn Tiki là 63%.

Báo cáo iPrice ghi nhận thêm các sản phẩm bán chạy trên hai sàn nội địa còn có nông sản, đặc sản chiếm 27% các sản phẩm bán chạy. Điều này cho thấy, những mặt hàng đặc sản và nông sản trên môi trường online cũng dần được người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn.

Nhiều doanh nghiệp chỉ dựa vào kênh truyền thông, "quên" sàn Thương mại điện tử

Ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Chủ tịch Sendo, cho rằng dựa trên kinh nghiệm, tỷ lệ gần 20% phản ánh sát với thực tế. “Nếu ai cho rằng hàng Việt “lép vế” do kém chất lượng, do người tiêu dùng không ủng hộ thì tôi không đồng ý. Hàng Việt không thiếu thương hiệu mạnh, được yêu thích, nhất là trong ngành FMCG và thời trang, không lý gì lại không thể bán chạy trên kênh trực tuyến”, ông Dũng nhấn mạnh.

Chia sẻ với VnEconomy, đại diện sàn Sendo cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này không phải do hàng Việt kém chất lượng hay người tiêu dùng không sử dụng hàng Việt mà do các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất Việt Nam chưa quan tâm đúng mức đến việc đẩy mạnh bán hàng trên kênh thương mại điện tử. Có nhiều doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam, thậm chí cả những đơn vị lớn cũng thường dựa vào kênh bán hàng truyền thống, các cửa hàng, siêu thị… mà chưa quan tâm đến kênh thương mại điện tử.

Nguyên nhân chính không phải do hàng Việt kém chất lượng hay người tiêu dùng không sử dụng hàng Việt mà do nhiều doanh nghiệp sản xuất Việt Nam chưa quan tâm đúng mức đến việc đẩy mạnh bán hàng trên kênh thương mại điện tử.

“Chúng tôi đã gặp nhiều đơn vị hoàn toàn dựa vào bán lẻ truyền thống, đến khi đứt gẫy do Covid-19 mới loay hoay lên sàn”. Trong khi đó, với sự phát triển của bán hàng xuyên biên giới, hàng từ các nước đang dần chiếm lĩnh thị phần trực tuyến trong nhiều ngành hàng. So với hàng ngoại, hàng Việt trên kênh online đang đi sau 4-5 năm, ông Dũng nói.

Đây là một trong những lý do chính dẫn đến việc vì sao các mặt hàng Việt Nam đi sau các thương hiệu nước ngoài. Từ thực tế này, một số chuyên gia cho rằng, các thương hiệu Việt Nam dường như đang lép vế trên kênh mua sắm này, khiến các doanh nghiệp trong nước đứng trước nguy cơ đánh mất nhiều cơ hội quan trọng để vượt khó và phát triển sau dịch.

Đại diện Sendo cho rằng, nếu trước dịch, thương mại điện tử quan trọng một thì bây giờ đã gấp mười lần. Trong 3 tháng qua, nhu cầu mua hàng thực phẩm tươi sống trên Sendo đã tăng 300%. Đời sống người dân giờ gắn liền với thương mại điện tử thì doanh nghiệp bán hàng cũng dựa vào kênh này. Ngay cả một công ty lâu đời như Giày Thượng Đình thì 35% doanh số bán lẻ hiện nay đến từ sàn thương mại điện tử.

Thương mại điện tử được coi là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp phục hồi sau dịch, từ đó kéo theo phục hồi kinh tế, tạo ra công ăn việc làm, song cuộc chơi lại bị lấn át bởi hàng ngoại.

Tuy nhiên, “cơ hội vàng” còn ở trước mắt và 6 tháng tới sẽ quyết định khả năng hồi phục của doanh nghiệp Việt. 6 tháng tới, khi xã hội dần phục hồi, nhu cầu mua sắm quay trở lại trước Tết, chính là “thời điểm vàng” để doanh nghiệp Việt tăng thị phần, tăng doanh thu bù lại những tháng vừa qua.

Theo nhận định một số chuyên gia, việc các sàn nội tạo điều kiện cho hàng Việt là một mặt nhưng để hàng Việt phổ biến hơn trên thương mại điện tử cần xuất phát từ chính bản thân nỗ lực của doanh nghiệp trong nước. Nếu dịch bệnh diễn ra phức tạp, doanh nghiệp sản xuất không chuẩn bị trước thì khó có thể có kênh bán hàng.

Mặt khác, người tiêu dùng hiện nay đã quen với việc mua hàng trên các kênh, sàn thương mại điện tử và điều này sẽ tiếp tục duy trì ngay cả khi dịch qua đi. Nếu các doanh nghiệp không bán hàng trên các kênh sàn thương mại điện tử sẽ bỏ lỡ mất một cơ hội.

Bài liên quan
  • Thương mại điện tử: Bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế số
    Trong dòng chảy mạnh mẽ và mãnh liệt của thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Kinh tế số đang được xem là một trong những động lực quan trọng hàng đầu để đưa Việt Nam trở thành nước phát triển vào năm 2045. Ngành thương mại điện tử là bộ phận cấu thành rất quan trọng trong Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Vì sao hàng Việt "lép vế" đối thủ ngoại trên sàn thương mại điện tử?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO