Viễn thông thu hẹp khoảng cách số tạo nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế số

30/11/2021 11:10
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, chúng ta cần cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế. Nếu không có Internet, cơ sở hạ tầng viễn thông, chúng ta sẽ không thể giao thương trong đại dịch COVID-19. Nếu tiếp tục số hóa, chúng ta sẽ có thể duy trì được sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Với người dân, họ có thể làm việc ở bất kỳ đâu mà không cần phải đến công ty. Tại những vùng không có Wifi, cáp quang, người dân ở đó sẽ khó có thể làm việc từ xa. Vô hình chung họ đã gặp bất lợi so với những người đồng nghiệp làm ở những nơi may mắn hơn. Với học sinh, sinh viên, việc không được tiếp xúc với Internet sẽ khiến họ khó có thể theo kịp với chương trình học ở trường bởi mất đi cơ hội học tập trực tuyến.

Chính sách, hành động và kết quả 

Nhận thức được tầm quan trọng của viễn thông trong việc thu hẹp khoảng cách số tạo nền tảng thúc đẩy kinh tế số, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã đưa ra hàng loạt các giải pháp để thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông, hạ tầng số: Xây dựng các chính sách, giải pháp để đẩy nhanh chuyển đổi số thông qua phát triển hạ tầng, truy nhập và dịch vụ số; Chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng của nền kinh tế số, thành nền tảng của kinh tế số, là nền tảng kết nối cho các ngành, lĩnh vực khác từ y tế, giáo dục, giao thông, nông nghiệp, tài chính ngân hàng… Xây dựng các biện pháp, cách thức giảm chi phí truy nhập và sử dụng các dịch vụ Internet làm tăng tốc chuyển đổi số; Kích thích nhu cầu sử dụng Internet của người dân, phát triển nền tảng số, nội dung số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả.

Không chỉ vậy, Bộ TT&TT còn ban hành chính sách nhằm hướng tới việc mỗi người dân một chiếc smartphone và mỗi hộ gia đình một đường truyền cáp quang băng rộng. Đây là cách mà Việt Nam đưa Internet tiếp cận tới tất cả mọi người dân. 

Có thể nói hạ tầng số là nền tảng căn bản để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế số quốc gia, hạ tầng số là một hạ tầng thiết yếu, đóng vai trò tạo lập và duy trì các kết nối, đảm bảo dòng chảy dữ liệu giữa các thực thể trong một nền kinh tế số, xã hội số. 

Cuộc đổi mới của ngành viễn thông lần 1 diễn ra cách đây 30 năm là một cú hích để viễn thông trở thành một trong những lĩnh vực phát triển mạnh mẽ nhất. Ở cuộc đổi mới lần 2 của ngành viễn thông hiện nay chính là chuyển đổi từ hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số với mục tiêu phát triển hạ tầng số đi trước một bước để đảm bảo sẵn sàng và tạo động lực cho kinh tế số, xã hội số phát triển.

Hiện nay, Bộ TT&TT đang xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Dự thảo chiến lược đã xác định tầm nhìn mục tiêu phát triển hạ tầng số sẵn sàng đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số của các ngành và trở thành động lực phát triển kinh tế, đưa kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030.

Dự thảo cũng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đưa Việt Nam vào nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về phát triển hạ tầng số. Đây là một nỗ lực rất lớn của ngành Thông tin và Truyền thông để xây dựng và phát triển hạ tầng số, đảm bảo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số. 

Cùng với đó là đảm bảo mọi người dân được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ số tiên tiến với chất lượng cao và giá cả phù hợp; trong đó sẽ phủ sóng băng rộng cố định và di động tới 100% thôn bản; triển khai phủ sóng 5G vào năm 2022. 

Đặc biệt, mục tiêu sẽ phổ cập smartphone tới 100% dân số ở độ tuổi trưởng thành và mỗi hộ gia đình có một đường cáp quang là một chỉ tiêu rất thách thức với ngành. Tuy nhiên, muốn phát triển kinh tế số thì phải có thị trường số. Muốn xây dựng và tạo lập được thị trường kinh tế số thì mỗi người dân, hộ gia đình, doanh nghiệp phải có được kết nối số. 

Dịch COVID-19 đã giúp Bộ TT&TT, các doanh nghiệp và người dân hiểu rõ hơn tầm quan trọng của khả năng chống chịu; có bước đi táo bạo và chuyển đổi để chuyển trọng tâm sang khả năng chống chịu, tồn tại, thích ứng và phát triển khi đối mặt với những cú sốc.

Tăng cường khả năng chống chịu đòi hỏi phải có các giải pháp mới cho những thách thức mà cộng đồng và doanh nghiệp phải đối mặt thời kỳ đại dịch. Hơn thế nữa, việc sử dụng có chiến lược công nghệ số là phương tiện để đạt được điều này. 

Những tác động của COVID-19 tới sức khỏe, sinh kế của người dân và hoạt động kinh tế là rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, đại dịch đã thúc đẩy quá trình số hóa, nhờ đó không chỉ giảm bớt tác động tiêu cực của đại dịch đối với hoạt động kinh tế - xã hội mà còn tạo nền tảng cho phục hồi kinh tế dài hạn. 

Ngay trong giai đoạn dịch COVID-19 căng thẳng nhất, Bộ TT&TT đã chủ trì, tham mưu thực hiện một loạt các giải pháp để phát triển hạ tầng số, thu hẹp khoảng cách số giữa thành thị với nông thôn. Tận dụng dịch COVID-19 làm bàn đạp cho chuyển đổi số, kinh tế số.

Với sự nỗ lực của toàn ngành, trong giai đoạn qua viễn thông đã triển khai nhiều chương trình, giải pháp quan trọng như:

- Phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em” nhằm hỗ trợ các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn phải học tập trực tuyến do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ngoài việc hỗ trợ phủ sóng và hỗ trợ máy tính phục vụ học trực tuyến, các doanh nghiệp viễn thông cũng công bố gói hỗ trợ miễn phí data 4Gb/ngày cho 1 triệu học sinh, sinh viên thuộc diện được hỗ trợ trong thời gian 3 tháng để học tập trực tuyến; hỗ trợ các gói cước, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ việc dạy và học trực tuyến. Dự kiến kinh phí hỗ trợ cho cả chương trình khoảng 6.000 tỷ đồng (bao gồm phủ sóng, hỗ trợ máy tính và hỗ trợ gói cước).

Viễn thông thu hẹp khoảng cách số tạo nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế số - Ảnh 1.

Thực tế triển khai chương trình Sóng và máy tính cho em. (Ảnh: Minh Đức/Nhandan.com.vn)

- Nhằm thúc đẩy tiêu dùng dữ liệu, tạo thói quen sử dụng, sẵn sàng tiếp cận công nghệ số cho người dân, các doanh nghiệp di động đã và đang xây dựng các gói dịch vụ với tốc độ truy nhập cao hơn các công nghệ trước đây và giá cước hợp lý để khách hàng lựa chọn tùy theo yêu cầu và sức chi trả của mình. 

- Bên cạnh đó, nhằm thúc đấy chương trình chuyển đổi từ điện thoại feature phone sang smartphone, chuẩn bị tắt sóng 2G, các nhà mạng đã hỗ trợ cho khách hàng mới chuyển đổi sang sử dụng điện thoại smartphone cơ hội được trải nghiệm dịch vụ dữ liệu di động không tính cước trong một thời gian nhất định. 

- Đẩy mạnh xây dựng chính quyền số thông qua xây dựng và triển khai các điểm hội nghị truyền hình trực tuyến đến tuyến xã. Nhờ sự định hướng nhanh nhạy, kịp thời, chính xác của Bộ TT&TT mà các chính sách nêu trên, viễn thông đã được phát huy hiệu quả, đạt được những kết quả to lớn, đáng khích lệ thể hiện được tầm nhìn của Bộ TT&TT. Một số kết quả nổi bật cụ thể: 

- Về cơ bản Việt Nam đã phủ sóng 4G cho hầu hết dân số và có tỷ lệ người sử dụng Internet cao hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới. 

- Tạo hạ tầng nền tảng cho kết nối Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) từ Trung ương tới 100% tuyến huyện, một số xã, phường, cơ sở y tế ngoài công lập và cơ sở y tế tại nước ngoài với trên 2.000 điểm kết nối. Trong đó có trên 300 điểm được kết nối trong vòng 03 ngày phục vụ kịp thời cho công tác phòng, chống dịch trong đợt dịch vừa qua, góp phần giảm gánh nặng cho bệnh viện tuyến trên, giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển biến nặng thêm, giảm tỷ lệ tử vong do được tư vấn điều trị kịp thời. 

Viễn thông thu hẹp khoảng cách số tạo nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế số - Ảnh 2.

Viễn thông, Internet - hạ tầng nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa.

- Các doanh nghiệp viễn thông đã đóng góp 10.000 tỷ đồng phục vụ phòng chống dịch COVID-19 và thu hẹp khoảng cách số trong 03 tháng: tăng 02 lần băng thông cho dịch vụ Internet cáp quang với giá không đổi nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu học tập, làm việc trực tuyến tại nhà; Miễn phí truy nhập tốc độ cao đến các trang thông tin điện tử của Bộ Y tế, ứng dụng Bluezone; Tặng thêm 50% dung lượng dữ liệu (data) cho tất cả các gói cước mà khách hàng đang sử dụng hoặc đăng ký mới với mới giá không đổi; Giảm giá tới 50% đối với các gói cước data VX3, VX7, cụ thể: gói VX3 (6GB/3 ngày) giảm từ 20.000 đồng còn 10.000 đồng; gói VX7 (10GB/7 ngày) giảm từ 35.000 đồng còn 20.000 đồng và tiếp tục đóng góp vào Quỹ Vắc xin phòng, chống COVID-19 từ việc trích 5.000 đồng với mỗi gói cước VX3/VX7 được đăng ký/gia hạn thành công. 

Viễn thông thu hẹp khoảng cách số tạo nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế số - Ảnh 3.

- Miễn phí 100% việc sử dụng các nền tảng dạy, học trực tuyến Việt Nam đã được công bố. Miễn giảm cước học trực tuyến cho một số đối tượng đến hết năm 2021 với giá trị là 500 tỷ đồng.

- Hỗ trợ các gói cước, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ việc dạy và học trực tuyến bao gồm: máy chủ, chỗ đặt máy chủ, đường truyền Internet bảo đảm việc dạy, học trực tuyến. 

- Triển khai ứng cứu, hỗ trợ hạ tầng viễn thông: Bộ TT&TT đã chỉ đạo các doanh nghiệp hỗ trợ ứng cứu, triển khai hạ tầng phủ sóng toàn bộ các điểm chưa có kết nối Internet di động đáp ứng nhu cầu kết nối phục vụ nhu cầu dạy và học trực tuyến; cụ thể: 

+ Trong tháng 9/2021, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các doanh nghiệp hoàn thành phủ sóng 100% toàn bộ 1000 điểm chưa có kết nối Internet di động tại các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện học trực tuyến, 1.000 điểm còn lại sẽ cố gắng phủ sóng trong cuối năm 2021, chậm nhất tháng 01/2022. Kinh phí khoảng 3000 tỷ đồng; 

+ Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông, tiếp tục phủ sóng toàn bộ các điểm chưa kết nối Internet di động tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn trên toàn quốc theo Chương trình cung cấp dịch vụ VTCI giai đoạn 2021-2025 đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; 

+ Về đường truyền kết nối từ năm 2013 thông qua chương trình kết nối mạng giáo dục của Viettel cơ bản đã hỗ trợ 100% trường học có cáp quang miễn phí vĩnh viễn; 

+ Hỗ trợ 1 triệu máy tính bảng cho các em học sinh với kinh phí 2.500 tỷ. Hiện đã giao được trên 100.000 máy. 

- Đến tháng 9 năm 2021, số lượng thuê bao sử dụng điện thoại thông minh tăng 8,6 triệu (tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2020). Với chính sách và giải pháp đã triển khai đã có tác động tăng số người sử dụng điện thoại Smartphone, theo thống kê của hãng nghiên cứu thị trường Statista, Newzoo Việt Nam nằm trong Top 10 quốc gia có số người sử dụng Smartphone nhiều nhất trên thế giới đạt 63,1% dân số. 

- Triển khai hội nghị truyền hình đến tuyến xã trên khắp 64 tỉnh/thành phố (10579 điểm cầu). Các điểm cầu phủ khắp các xã trên cả nước trong thời gian ngắn (chỉ trong đầu tháng 9/2021) góp phần thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch kịp thời, vừa phục hồi phát triển sản xuất tại địa phương. 

Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ sửa đổi Luật Viễn thông với mục tiêu tạo hành lang pháp lý phù hợp sự phát triển của công nghệ mới như 5G (6G trong tương lai), thúc đẩy các lĩnh vực trong nền kinh tế phát triển… Bên cạnh đó, Bộ sẽ xây dựng cơ chế chính sách phát triển Internet vạn vật (IoT); các hạ tầng: định danh số, trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo (AI) đạt tiêu chuẩn quốc tế đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số quốc gia... 

Bàn luận và kiến nghị 

Các sáng kiến, chính sách của Bộ TT&TT đã mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực và to lớn, giúp cả nước nhanh chóng vượt qua các khó khăn của dịch bệnh COVID; giúp ngành TT&TT thích ứng nhanh, kịp thời thay đổi để vượt lên với sức sống mạnh mẽ hơn. Cùng với việc giảm chi phí truy nhập và sử dụng các dịch vụ Internet, phổ cập smartphone và thúc đẩy các ứng dụng, nội dung số trên smartphone sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam. 

Công cuộc chuyển đổi số cần có sự phối hợp của các doanh nghiệp với cơ quan quản lý Nhà nước, sự tham gia của người dân và xã hội sẽ góp phần tạo nên thành công của công cuộc chuyển đổi số, giảm khoảng cách số ở Việt Nam. Điều này đã được ông Houzin Zhao - Tổng Thư ký Liên minh Viễn thông Thế giới (ITU) nhấn mạnh tại sự kiện Digital World 2020: “Khác với điện và nước, thị trường viễn thông, Internet băng thông rộng có sức cạnh tranh rất cao với sự tham gia tích cực từ phía khu vực tư nhân. Do vậy, chúng ta hoàn toàn có cơ hội đầu tư để nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng và mở rộng mạng lưới. Để làm được điều này, đương nhiên cần tới các cơ chế phối hợp từ phía chính phủ”. 

Trong quá trình chuyển đổi số, các cơ quan chính phủ đóng vai trò trung tâm trong việc đưa ra các cơ chế khuyến khích. Ví dụ như theo hình thức viện trợ, tài trợ, bảo lãnh, đưa ra các tiêu chuẩn, quy chuẩn, cơ chế mang tính chất hỗ trợ doanh nghiệp. Để thu hẹp khoảng cách số, điều mà các chính phủ cần phải làm là tăng cường việc tiếp cận của người dùng và tính sẵn có của công nghệ.

Trong đó, khả năng tiếp cận phải được cải thiện bằng việc phát triển kỹ năng số và phổ cập những kỹ năng này tới các nhóm đối tượng là trẻ em và người cao tuổi. Về điều này, hơn lúc nào hết, sự tham gia của toàn thể cộng đồng là vô cùng quan trọng. 

Giải pháp quan trọng, tác động nhất là kích thích nhu cầu sử dụng Internet của người dân, phát triển nền tảng số, nội dung số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả. 

Số hóa, sử dụng công nghệ số đã trở thành một thành phần không thể thiếu của khả năng chống chịu và phục hồi kinh tế dài hạn sau đại dịch, một động lực mới thúc đẩy tiếp nối tăng trưởng và đổi mới sáng tạo trong nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội quan trọng… Cần phải nắm bắt mối quan tâm mới trong việc đạt được quyền tiếp cận quyền số công bằng và phổ cập bằng cách mở rộng đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật số. 

Việt Nam nên tận dụng cơ hội này để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong các doanh nghiệp và các cơ quan chính phủ để đạt được các lợi ích của số hóa. Để hiện thực hóa tiềm năng từ số hóa, Việt Nam cần tập trung các chính sách và cải cách trên nhiều phương diện, trong đó tạo ra Chính phủ số, Xã hội số, mỗi người dân có 01 Smartphone chính là nền tảng cho phát triển Kinh tế số./.

Tài liệu tham khảo:

1. ITU, “Ministerial roundtables the outcomes”, ITU Virtual Digital World 2020.

2. ITU, “Ministerial Roundtable - Cutting the cost: Can affordable access accelerate digital transformation?”, ITU Digital World 2021.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 11/tháng 11/2021)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Viễn thông thu hẹp khoảng cách số tạo nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO