Việt Nam - Ấn Độ phấn đấu đưa kim ngạch hai chiều đạt 15 tỷ USD

PV| 26/08/2020 11:09
Theo dõi ICTVietnam trên

Việt Nam và Ấn Độ khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp ở biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế. Hai nước cũng phấn đấu đưa kim ngạch hai chiều đạt 15 tỷ USD.

Đây là những nội dung đã được Việt Nam - Ấn Độ nhấn mạnh tại Kỳ họp lần thứ 17 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - Ấn Độ về Hợp tác Kinh tế, Thương mại, Khoa học và Công nghệ (KHCN) ngày 25/8/2020. Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã đồng chủ trì. Cùng tham dự phiên họp trực tuyến tại các đầu cầu Hà Nội và New Delhi có lãnh đạo và quan chức các bộ, ngành và Đại sứ hai nước.

Quốc phòng, an ninh là một trong những lĩnh vực hợp tác trụ cột và hiệu quả

Phiên họp lần này có ý nghĩa quan trọng, góp phần rà soát việc triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện trong hai năm qua (kể từ Kỳ họp thứ 16 tổ chức tháng 8/2018), và đề ra những biện pháp và phương hướng hợp tác mới cho giai đoạn tới, hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1/2022).

Phát biểu tại kỳ họp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp. Sự tin cậy chính trị giữa hai nước không ngừng củng cố thông qua việc duy trì đều đặn các chuyến thăm/tiếp xúc cấp cao và các cấp, trên các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, địa phương và giao lưu nhân dân.

Việt Nam - Ấn Độ phấn đấu đưa kim ngạch hai chiều đạt 15 tỷ USD - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại kỳ họp. Ảnh VGP

Trong giai đoạn chống dịch COVID-19, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã điện đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (13/4). Theo đó, hai bên nhất trí thúc đẩy các cơ chế hợp tác hiện có giữa hai nước; thực hiện hiệu quả và sớm tiến hành tổng kết việc thực hiện Chương trình hành động giai đoạn 2017 - 2020 triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện hai nước.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ nhất trí cho rằng hai nước cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm ứng phó đại dịch COVID-19 ở cả các kênh song phương và đa phương.

Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ đánh giá cao nỗ lực và các biện pháp của Chính phủ Việt Nam ứng phó với dịch COVID-19, đồng thời chia sẻ các biện pháp mà Chính phủ Ấn Độ đang triển khai. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá cao sự hợp tác của Ấn Độ trong việc phối hợp thực hiện công tác lãnh sự và bảo hộ công dân của mỗi nước.

Hai bên nhất trí quan hệ quốc phòng, an ninh là một trong những lĩnh vực hợp tác trụ cột và hiệu quả của quan hệ song phương, đánh giá cao các cơ chế Đối thoại Chính sách Quốc phòng, Đối thoại An ninh cấp Thứ trưởng Việt Nam - Ấn Độ. Việt Nam hoan nghênh các hoạt động của Ấn Độ thời gian qua giúp hỗ trợ đào tạo và chia sẻ kinh nghiệm tổ chức, huấn luyện lực lượng gìn giữ hòa bình.

Phấn đấu đưa kim ngạch hai chiều đạt 15 tỷ USD

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư là hợp tác trọng tâm cần thúc đẩy trong thời gian tới và đề nghị hai bên tích cực triển khai kết quả của kỳ họp Tiểu ban Thương mại hỗn hợp lần 4 (1/2019). Đồng thời, nỗ lực duy trì đà phát triển hợp tác thương mại, phấn đấu đưa kim ngạch hai chiều đạt 15 tỷ USD vào thời gian sớm nhất; sớm ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực phòng vệ thương mại, góp phần mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp (DN) hai nước.

Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ cam kết xem xét thấu đáo đề nghị của Việt Nam về việc hạn chế và dỡ bỏ áp dụng các rào cản kỹ thuật đối với sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.

Hai bên nhất trí kêu gọi đầu tư trên các lĩnh vực Ấn Độ có thế mạnh và Việt Nam ưu tiên phát triển như CNTT, năng lượng, hạ tầng, nông nghiệp chất lượng cao.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cảm ơn Ấn Độ tiếp tục cung cấp các gói hỗ trợ phát triển không hoàn lại, các gói tín dụng ưu đãi cũng như cung cấp các khóa đào tạo thiết kế riêng cho Việt Nam.

Hai bên ghi nhận hợp tác KHCN, năng lượng cũng như văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân còn nhiều tiềm năng phát triển và nhất trí sớm tổ chức cuộc họp Nhóm công tác về Y tế nhằm hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong hợp tác về y tế giữa hai nước.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá cao hai bên tích cực ủng hộ lẫn nhau ứng cử vào các tổ chức, diễn đàn đa phương; cảm ơn Ấn Độ đã hỗ trợ Việt Nam trong khuôn khổ Hợp tác Mê Công - sông Hằng; chúc mừng Ấn Độ đã trúng cử thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2021-2022.

Việt Nam - Ấn Độ phấn đấu đưa kim ngạch hai chiều đạt 15 tỷ USD - Ảnh 2.

Hai bên nhất trí quan hệ quốc phòng, an ninh là một trong những lĩnh vực hợp tác trụ cột và hiệu quả của quan hệ song phương. Ảnh VGP

Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ khẳng định coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực và đánh giá cao vai trò Điều phối viên của Việt Nam trong quan hệ ASEAN-Ấn Độ giai đoạn 2015 - 2018.

Hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 và kêu gọi các bên tôn trọng phán quyết của các cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS.

Kết thúc Kỳ họp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã ký Biên bản thỏa thuận của Kỳ họp. Hai bên cũng công bố hai văn kiện quan trọng được ký kết nhân dịp này, gồm bản ghi nhớ về hợp tác giữa Học viện Ngoại giao Việt Nam và Viện Đào tạo Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj, bản ghi nhớ về hợp tác giữa giữa Tổ chức Hàng hải quốc gia Ấn Độ và Viện Nghiên cứu biển và hải đảo Việt Nam.

Việt Nam - Ấn Độ phấn đấu đưa kim ngạch hai chiều đạt 15 tỷ USD - Ảnh 3.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã ký Biên bản thỏa thuận của Kỳ họp. Ảnh: VGP

Theo thống kê Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại Việt Nam - Ấn Độ đạt 10,7 tỷ USD năm 2018, tăng 39% so với năm 2017, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 6,5 tỷ USD, tăng 75%, kim ngạch nhập khẩu đạt 4,1 tỷ USD, tăng 5,2% so với năm 2017. Ấn Độ có 208 dự án FDI tại Việt Nam với vốn đăng ký khoảng 878 triệu USD, đứng thứ 26/129 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư tại Việt Nam. Một số DN tiêu biểu của Ấn Độ đã có mặt tại Việt Nam như TATA, ONGC, Essar, Bank of India (BOI)...

Cũng theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Ấn Độ trong tháng 6/2020 đạt 836,6 triệu USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 364,98 triệu USD, nhập khẩu đạt 471,56 triệu USD. Như vậy, Việt Nam nhập siêu từ thị trường này 106,59 triệu USD. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 6, tổng kim ngạch hai chiều đạt 4,16 tỷ USD.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam - Ấn Độ phấn đấu đưa kim ngạch hai chiều đạt 15 tỷ USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO