Diễn đàn

Việt Nam cần làm chủ AI tạo sinh

Tuấn Trần 05:11 24/08/2023

AI tạo sinh (Generative AI) là một dạng trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng tạo ra nội dung và ý tưởng mới ở nhiều hình thái khác nhau (văn bản, hình ảnh, âm thanh...).

Theo GS. Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học Công ty VinBigdata (Tập đoàn Vingroup): "Những sản phẩm ứng dụng AI tạo sinh có thể trả ra kết quả tương đương như khi được tạo ra bởi con người. Ngoài khả năng sáng tạo nội dung, AI tạo sinh cũng được sử dụng để cải thiện chất lượng hình ảnh số, xây dựng các nguyên mẫu cho quá trình sản xuất và nhiều khả năng khác".

anh-3_resize.jpg
GS. Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học Công ty VinBigdata trình bày về AI tạo sinh.

Vì sao cần làm chủ AI tạo sinh?

AI tạo sinh sẽ mang lại lợi ích trong nhiều lĩnh vực như đô thị thông minh, trải nghiệm du lịch khách sạn hay y tế thông minh. Đặc biệt, trong ngành công nghiệp ô tô, AI tạo sinh hứa hẹn sẽ mở ra nhiều tiềm năng thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và gia tăng trải nghiệm người dùng. Ví dụ việc tích hợp AI tạo sinh đã đưa VinFast trở thành hãng xe điện đầu tiên tại Đông Nam Á sử dụng công nghệ này.

Câu hỏi đặt ra là Việt Nam liệu có cần làm chủ AI tạo sinh không? Việt Nam liệu có cần một “ChatGPT phiên bản Việt”? Thực tế, việc làm chủ hoàn toàn công nghệ lõi tương tự ChatGPT sẽ mang lại những ảnh hưởng tích cực cho ngành khoa học công nghệ của quốc gia, dữ liệu hoàn toàn do chúng ta làm chủ, đảm bảo bảo mật, an ninh thông tin.

Đặc biệt, một “ChatGPT phiên bản Việt” sẽ có thể cung cấp thông tin chính xác hơn liên quan đến các lĩnh vực đặc thù (như các văn bản, quy định, quy chế đã được ban hành…) hay thông tin mang tính bản địa đặc trưng của Việt Nam (như lịch sử, văn hóa, văn học, danh lam thắng cảnh,...)

Vẫn theo GS. Vũ Hà Văn, ChatGPT phiên bản Việt sẽ: "Đảm bảo tính bảo mật, an toàn dữ liệu, cung cấp thông tin chính xác hơn liên quan tới tính bản địa, và tập trung vào nội dung mang tính đặc thù, chính vì thế Việt Nam cần làm chủ công nghệ AI cộng sinh".

LinkedIn trong một nghiên cứu cho biết, đáng ngạc nhiên, thị trường AI tạo sinh được dự đoán sẽ đóng góp 4.000 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, Gartner cho biết, năm 2023, AI tạo sinh là một trong những công nghệ mới nổi được đánh giá cao nhất trong trong số các công nghệ đang thúc đẩy làn sóng AI.

Việt Nam đã có thể làm chủ công nghệ AI cộng sinh

Tại Việt Nam, VinBigdata cho biết, đơn vị này đã có thể làm chủ công nghệ AI cộng sinh nhờ việc xây dựng thành công mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) tiếng Việt đầu tiên tại Việt Nam. Mô hình tập trung thiết kế để phù hợp và phục vụ tốt nhất cho nhu cầu của người Việt.

Cụ thể, mô hình có khả năng: Cung cấp các thông tin mang tính đặc thù bao gồm các văn bản, quy định pháp luật của nhà nước Việt Nam, ví dụ như “Sai làn đường sẽ bị xử phạt thế nào?” hay “Vượt đèn đỏ sẽ xử phạt ra sao?”; Cung cấp các thông tin mang tính đặc trưng của Việt Nam như kiến thức về văn học, lịch sử, địa lý...

"Hướng đi này nhằm giải quyết 3 vấn đề cốt lõi: (1) Đảm bảo tính bảo mật cho dữ liệu; (2) Cải thiện tính chính xác của thông tin; và (3) Giảm chi phí hạ tầng tính toán. Thay vì phải cần tới 175 tỷ tham số như ChatGPT thì VinBigdata đã có thể tạo ra mô hình ngôn ngữ lớn với vài tỷ tham số mà vẫn có khả năng sinh ra các văn bản có tính xác thực cao, tập trung vào dữ liệu văn bản của người Việt và tri thức Việt", GS. Vũ Hà Văn cho biết.

Việc làm chủ hoàn toàn về mặt công nghệ, tự phát triển từ những bước đầu tiên, xây dựng thành công mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt, được xem như một bước tiến quan trọng giúp VinBigdata đưa công nghệ AI tạo sinh vào hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ đã và đang cung cấp ra thị trường.

GS. Vũ Hà Văn chia sẻ: “Trên thế giới đã có một số tập đoàn lớn nghiên cứu thành công và ra mắt các sản phẩm dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn như OpenAI với ChatGPT hay Google với Bard. Tại Việt Nam, nhận được sự đầu tư từ Vingroup, VinBigdata đã xây dựng thành công mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt, tập trung giải quyết 3 vấn đề cốt lõi: cải thiện tính chính xác, giảm chi phí hạ tầng tính toán một cách tối đa và đảm bảo tính bảo mật. Thay vì cần tới khoảng 175 tỷ tham số như ChatGPT thì VinBigdata có thể tạo ra mô hình ngôn ngữ lớn với vài tỷ tham số nhưng vẫn có khả năng sinh ra các văn bản có tính xác thực cao, tập trung vào dữ liệu của người Việt và tri thức Việt”.

Các sản phẩm có được từ AI tạo sinh

Theo VinBigdata, công ty này sẽ tích hợp công nghệ để đưa VinBase (nền tảng AI đa nhận thức toàn diện) trở thành nền tảng AI tạo sinh đầu tiên tại Việt Nam, đồng thời cung cấp các giải pháp phát triển trên nền công nghệ AI tạo sinh như Generative AI chatbot, callbot hay Trợ lý ảo ViVi thế hệ mới…

Công nghệ này sẽ giúp tăng tính tự nhiên trong giao tiếp của máy, đồng thời hỗ trợ người dùng tìm kiếm, tổng hợp thông tin một cách nhanh chóng và đơn giản hơn nhiều so với trước đây.

Hiện, VinBigdata cũng đã bước đầu ứng dụng thành công công nghệ mới trên dòng sản phẩm VinBase KB (VinBase Knowledge Base Portal). Sản phẩm có khả năng truy xuất thông tin và tự động tạo ra câu trả lời dựa trên các thông tin được thu thập từ các tập dữ liệu cực lớn trong hệ tri thức.

Nằm trong lộ trình xây dựng hệ sinh thái các sản phẩm ứng dụng AI tạo sinh quy mô lớn, dự kiến cuối tháng 12/2023, VinBigdata sẽ ra mắt cộng đồng hai dòng sản phẩm chính. Đó là Nền tảng AI tạo sinh đa nhận thức VinBase 2.0 với các giải pháp phục vụ doanh nghiệp, cơ quan chính phủ và ứng dụng ViGPT – “ChatGPT phiên bản Việt” sẽ được mở cho cộng đồng truy cập và thử nghiệm.

Với ViGPT, người dùng có thể hỏi đáp các thông tin đặc thù của Việt Nam (quy định, văn bản pháp luật), hoặc các thông tin mang tính bản địa (lịch sử, văn học, danh lam thắng cảnh, đặc sản địa phương…).

Với việc trở thành đơn vị đầu tiên tại Việt Nam hoàn thiện mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt, VinBigdata đang góp phần tích cực thúc đẩy sự phát triển của các ngành khoa học công nghệ của Việt Nam nói chung và cạnh tranh song phẳng với các công ty công nghệ trên thế giới./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam cần làm chủ AI tạo sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO